Home Đời Sống Gia Đình Mẹ là ‘giòng suối ngọt ngào’, giờ đây khoa học đã chứng tỏ được tại sao…

Mẹ là ‘giòng suối ngọt ngào’, giờ đây khoa học đã chứng tỏ được tại sao… PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồng Quang   
Thứ Ba, 15 Tháng 6 Năm 2010 20:14

Ngày xưa còn bé, hai tiếng “Má ơi” là âm thanh đầu tiên phát ra mỗi khi đứa nhỏ bị bất cứ một hình thức nào đe dọa như bị đi lạc, bị lạnh, bị bạn ăn hiếp,

 

 
bị con dế cắn vào tay đau điếng hay đơn giản là bị..Ba đánh!

Giờ đây tóc đã điểm sương. Mẹ hiền khuất bóng từ lâu, mỗi lần bị cuộc đời “vật lên vật xuống”, đau lòng hay tủi hổ, không ít người trong chúng ta đã từng ngẹn ngào thốt lên trong tâm tưởng “Má ơi”, làm như thể nghe xong, người mẹ dịu hiền năm xưa chạy đến ôm ta vào lòng và hỏi “Chuyện gì vậy cục cưng của Má?”.

Khoa học đã chứng minh người mẹ, vốn mang nặng đẻ đau, có tác dụng nhiều hơn người cha, nhất là khi ta còn bé. Oxytocin là một hóa chất trong não tiết ra, làm cho ta thư thái yên tâm. Đứa bé sẽ yên lòng ngay lập tức.

Khi người mẹ ôm con vào lòng, hát ru hay nựng nịu, oxytocin tiết ra nhiều khiến đứa bé rất an tâm, có khi say sưa ngủ ngon trong lòng mẹ. Vì thế oxytocin còn có biệt danh là “hóa chất vuốt ve ôm ấp” (the cuddle chemical).

Các nhà khoa học tin là oxytocin tiết ra đủ nhiều và mạnh để trong một thời gian dài, đứa bé cảm thấy yên lòng. Nó là chất keo kết dính sản phụ với đứa con mới sinh. Nó là “tấm màn” vô hình giúp đứa con có “cảm giác an ninh” khi được mẹ ôm vào lòng và chỉ có mẹ đẻ mới tạo cho nó cảm giác kỳ diệu này.

Nhưng lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học còn tìm thấy cái cách mà người mẹ có thể làm cho lượng oxytocin trong máu của con tăng cao, dù bà đang ở rất xa.

Các nhà khoa học của Viện Đại Học Wisconsin thu nhận 61 em gái tuổi từ 7 đến 12 tuổi và đặt chúng vào một tình huống “nguy ngập, rất dễ bị stress”. Đó là phải nói chuyện trước đám đông liên tục trong nhiều phút, rồi lại phải giải đề toán trước mặt những người lạ.

Sau đó các cô gái bé bỏng được quyền tìm kiếm sự an ủi dịu dàng của “mẫu thân”, hoặc trực tiếp sà vào lòng mẹ, hoặc nói chuyện qua điện thoại, dù người mẹ ở khá xa.

Kết quả cuộc thí nghiệm được đăng trên số báo tháng 5 Proceedings of the Royal Society B, cho thấy lượng oxytocin trong máu hai nhóm các cô bé đều tăng cao như nhau, dù có mẹ ôm vào lòng vuốt tóc hay nghe tiếng nói của mẹ qua điện thoại cũng thế.

Phát giác này khiến cộng đồng các nhà khoa học càng muốn nghiên cứu ảnh hưởng độc đáo của oxytocin, vì qua thí nghiệm, khi đương sự nhận được biểu lộ của lòng quãng đại và mối thương cảm sâu xa của mẹ hiền, đương sự thấy sung sướng liền.

Leslie Selzer, nhà nhân chủng học vốn chỉ huy cuộc khảo sát nói trên, nhận thấy là “có một lý do có tính cách tiến hóa của giọng nói gần như mang đặc điểm chữa bệnh làm lành vết thương của người mẹ”.

Theo bà thì từ thời tiền sử, khi đối diện với hiểm nguy, thí dụ kẻ thù của một bộ tộc khác, người đàn ông lựa chọn hoặc đánh với kẻ thù hay bỏ chạy, nhưng “các lựa chọn của phụ nữ rất phức tạp vì họ còn con nhỏ cạnh bên”.

Nếu bỏ chạy, điều đó đồng nghĩa với sự đem con cái ném cho nguy hiểm còn lớn hơn. Vì thế, theo giáo sư Selzer, có thể phụ nữ qua thời gian có khả năng tuyệt vời “điều đình, đàm phán, an ủi, vuốt ve, khuyến khích”, những khả năng phái mày râu khó lòng sánh bằng. Điều đó cắt nghĩa tại sao con cái, dù gặp chuyên gì, hay có thói quen tìm người mẹ trước.

Hiện nay nhóm của giáo sư Selzer còn đang thí nghiệm xem liệu các nhắn tin của người mẹ gửi cho con qua cell phone có tác dụng nâng cao lượngocytocin trong máu của con hay không nữa!

Hồng Quang theo tuần bào Time