Mồ côi con! |
Tác Giả: Bút Ký của Trần Mộng Tú / Người Việt | |||
Thứ Năm, 18 Tháng 2 Năm 2010 12:05 | |||
Thăm trại mồ côi của các sơ dòng Đa Minh, Nam Định Tháng Chạp âm lịch, Hà Nội trở rét. Rét đậm, rét ngọt, rét thấm qua áo mỏng, áo dầy, áo len khoác ngoài, “rét đến tận xương” như người Hà Nội thường kêu lên thảng thốt. 5 giờ sáng, vợ chồng tôi thức dậy ở khách sạn Hồng Ngọc phố Hàng Mành, sửa soạn thật nhanh, cho kịp cái hẹn 6 giờ với anh Sơn tôi ở khách sạn Hà Nội Tower, phố Hai Bà Trưng. Chúng tôi cùng nhau đi Nam Ðịnh trước khi mặt trời lên. Các em nhỏ mồ côi có cha chết vì HIV hay dùng ma túy được các sơ dòng Ða Minh chăm sóc. (Hình: Trần Mộng Tú/Người Việt) Từ Hà Nội đến Nam Ðịnh gần một trăm cây số, chúng tôi sẽ mất khoảng hai tiếng xe để đến tu viện Ða Minh thuộc Trung Lao, huyện Trực Ninh, Nam Ðịnh. Anh Sơn tôi, thời gian gần đây đã đi đi, về về giữa thành phố Vienna, tiểu bang Virginia đến Trung Lao, Nam Ðịnh, phụ giúp các sơ dòng Ða Minh giúp nuôi các cụ già mồ côi con, và các trẻ em mồ côi cha mẹ. Xe đến Trung Lao, gặp lúc đường đang sửa, các lối đi bị cản ngang, mặc dù anh tài xế taxi quen, đã nhiều lần chở anh Sơn tôi đến đây, vẫn phải gọi điện thoại cho một sơ trẻ đi xe gắn máy ra dẫn đường vào tu viện. Ðã có năm, sáu sơ đứng đợi chúng tôi trước cửa chính, có một vài người già đang sống ở đó cũng áo bông, áo len, co ro ra đón chúng tôi. Khuôn viên tu viện khá rộng, nhưng cũ kỹ và không đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cần thiết. Các sơ dòng Ða Minh tự chăn nuôi (cá, heo, gà) và trồng trọt (rau, lúa, ngô, khoai) nhưng những gặt hái này ngay cả chỉ dùng cho các sơ cũng đã thiếu hụt, nói chi đến việc phải nuôi thêm người ngoài. Một sơ giới thiệu cho chúng tôi gia đình của ba anh em ruột, họ vừa mù, câm và điếc đang được các sơ nuôi. Họ chưa từng lập gia đình, họ cũng chẳng hề có một thân nhân nào khác, ngoài một người anh cũng vừa mù, vừa câm, vừa điếc nữa; ông này có vợ, có con. Nhưng sơ nói thêm, ông đó gầy ốm lắm, vì suy dinh dưỡng. Frank, chồng tôi, đến khoác tay cả hai ông; ông anh gần bảy mươi tuổi, ông em hơn sáu mươi tuổi. Frank đứng giữa cầm tay hai ông cho hai ông xoa vuốt lên mặt mình, xong anh lại lấy hai bàn tay ôm từng mặt hai người xoa đầu xoa cổ họ, như biểu hiệu của những lời chào. Anh ôm tay quàng sang vai hai người; ba người đàn ông thân mật như ba người anh em ruột, họ bước đi vòng quanh khuôn viên tu viện. Tôi nhìn thấy giọt lệ ứa ra ở hai con mắt nhắm của người em, và nét mặt đầy xúc động của người anh. Trong cái gió lạnh của mùa Ðông đất Bắc, mặt trời vừa lên, ánh nắng vừa đủ dịu dàng trên đầu, trên tóc, của ba người đàn ông, tôi cũng thấy mắt mình ứa lệ. “Tất cả chúng ta đều là anh em trong Chúa.” Câu nói này, đang được nói lên không thành lời trong buổi sáng hôm nay. Tôi biết họ ít khi (có thể nói là chưa bao giờ) được ai chạm tay, vuốt ve như vậy. Các sơ chỉ có thể cho họ những lời dịu dàng thôi. Tôi đi theo một sơ khác thăm các cụ già nằm ở trong buồng. Có cụ gần trăm tuổi, sống hoàn toàn vào sự chăm sóc của các sơ. Cụ có con không? Có cháu không? Có nhà không? Trả lời cho cả ba câu đó là: “Không.” Các em nhỏ đắp chung những tấm chăn ấm do các ân nhân gởi tặng. (Hình: Trần Mộng Tú/Người Việt) Ai đó đến báo cho các sơ, ở một nơi nào đó, có một người thật già, thật bệnh, thật đói, không con cháu, thân nhân, là các sơ đón về. Cơm đâu, thuốc đâu, quần áo đâu? Những điều đó tính sau. Các sơ biết chắc chắn các sơ có một cái quỹ rất đầy và các sơ có thể mang ra phân phát cho các cụ “mồ côi con,” đó là: “tình thương” của các sơ. Ba người đàn ông vẫn tay khoác tay đi dưới vầng nắng dịu dàng. Tôi đi tìm người em gái út, chị năm nay ngoài năm mươi tuổi, trông chị tươi tắn, khỏe mạnh, các sơ cho chị mặc ấm áp, tươm tất, chị tên Hồng. Tôi cầm tay chị Hồng hỏi han, chị cười, nhưng chỉ u ơ, gật lắc. Chị cứ nắm chặt tay tôi cho đến khi tôi từ giã về, nhất định chị không buông ra, thậm chí chị còn lôi tôi về phía cổng như muốn cùng đi với tôi. Sơ Liên cho tôi biết, chị mù 90%, nên ban ngày, có nắng, chị có thể nhìn được lờ mờ. Có ngày chị dắt hai anh đi chơi, buổi chiều ập xuống, bóng tối phủ nốt 10% còn lại, chị không biết đường về. Tu viện phải phái người đi tìm. Tôi cầm cả hai tay chị dỗ dành mãi, hẹn chị tôi sẽ trở lại, sẽ thế này, sẽ thế kia (toàn là hứa mơ hồ, ngay cả cho chính mình,) chị mới chịu buông tay tôi ra. Tôi ôm chị rất khẽ, như sợ phải ôm một sự thật không vui. Frank đang chia tay hai người anh em mới của mình, Frank giỏi lắm, anh buông họ ra và nói: “Ðã đến lúc tôi phải đi,” và anh không tỏ dấu bịn rịn. Lúc lên xe anh nói với tôi, mình phải làm cho nhanh, càng chần chừ họ càng buồn. Mình làm nhanh, họ biết là mình bắt buộc phải hành động như vậy. Chúng tôi lên xe sang một địa điểm thứ hai của các sơ cũng thuộc dòng Ða Minh. Ở đây có hai khu nhà. Khu thứ nhất nuôi người già, cũng tương tự như khu chúng tôi vừa thăm. Các cụ ở đây có cụ ngoài tám mươi, lưng cong như con tôm, nhưng vẫn đi lại trong sân, vẫn xâu tràng hạt để phụ giúp chi thu cho các sơ. Một cụ ngoài tám mươi, vừa thấm nước mắt vừa nói, chồng con cụ chết hết vì nạn đói Ất Dậu, không biết tại sao mà chỉ có mình cụ sống. Tôi chẳng biết trả lời cụ thế nào, đó là bất hạnh hay may mắn! Ở phòng khác có cụ cả trăm tuổi, nằm hắt hiu một góc buồng, chờ sơ đổ sữa, chờ sơ làm vệ sinh. Khu thứ hai đi cách một cái sân rộng và sang hẳn một tầng nhà khác, nơi nuôi bốn mươi em mồ côi. Các em mồ côi này đặc biệt lắm, các em vẫn có cha có mẹ. Cha các em chưa hẳn đã chết, họ là nạn nhân của bệnh HIV hay là nạn nhân của ma túy. Cha các em biến mất trong đời sống các em, bay vèo như chiếc lá cuối thu. Mẹ các em buổi sáng thả các em vào tu viện, các sơ cho ăn, cho ngủ, dạy học. Có bà mẹ trả cho nhà dòng năm, bảy ngàn một ngày (mười tám ngàn bằng một Mỹ kim,) có bà mẹ chẳng trả đồng nào. Frank, người Mỹ, với 3 sơ dòng Ða Minh và bà cụ 80 tuổi mồ côi con. (Hình: Trần Mộng Tú/Người Việt) Chúng tôi bước vào một căn buồng khá rộng. Lúc đó, ở một góc phòng, có hơn hai mươi em đang ngủ trưa, (hôm nay trưa Thứ Bảy, có em được về nhà) chúng nằm cạnh nhau, xếp thành hai hàng, bên dưới chúng là một cái vỉ tre, trên trải chiếu, chúng co ro, không có chăn. Hôm nay anh Sơn tôi đưa chúng tôi đến thăm trả tiền cho bốn mươi tấm nệm, bốn mươi cái chăn anh đã đặt. Sơ chăm sóc các em còn rất trẻ, chắc mới trên hai mươi, sơ xưng con với chúng tôi. Sơ chỉ những bức tranh vẽ trên tường, tranh vẽ con thỏ, con sóc, Bạch Tuyết và bẩy chú lùn rất đẹp. Sơ nói, con vẽ đó, các em không có đồ chơi, con vẽ cho các em xem! Sơ dắt chúng tôi ra sân, chỉ cho tôi các phòng trống, cũ kỹ, gần như bỏ không, vì không có phương tiện tu sửa, nước không có thì không dùng phòng được nữa. Ở một góc sân, sát buồng của các em, có năm sáu cái “bô” cho các em làm vệ sinh; buổi sáng sơ xếp ra, buổi chiều sơ đem đi rửa. Tôi vừa nghe Sơ nói chuyện, vừa nhìn khuôn mặt còn rất trẻ của sơ, mấy cái mụn trứng cá lấm tấm, nụ cười tươi và dung dị như hoa cúc trắng, tôi thấy thật xúc động. Phải có lý tưởng lắm, yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân lắm, mới hiến cả tuổi trẻ của mình ở một chốn xa xôi như thế này, làm một công việc bác ái, cao cả như thế này. Trông bên ngoài chẳng có gì là vĩ đại cả, nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là người tuổi trẻ. Tuổi trẻ phòng trà, tuổi trẻ phóng xe, tuổi trẻ thuốc lắc, tuổi trẻ rượu mạnh, tuổi trẻ kiếm tiền bằng đủ mọi cách, tuổi trẻ phung phí đời mình, như sáng mai sẽ chết! Tôi nhìn tuổi trẻ của sơ không biết nói lời gì, cho xứng. Ngày còn nhỏ, đi học, thỉnh thoảng trường công giáo hay tổ chức cho đi thăm viện mồ côi. Tôi hiểu, mồ côi có nghĩa là cha mẹ mình mất từ khi mình còn rất bé, không có họ hàng giơ tay ra vớt nên mình phải vào viện mồ côi. Bây giờ tôi được biết thêm, người ta bất cứ tuổi nào, nếu không có ai thân thích cũng có thể gọi là mồ côi như các cụ đang sống ở trong bàn tay săn sóc của các sơ Ða Minh, các cụ “mồ côi con.” Cũng thật may, trên trái đất này, vẫn còn những con người tốt đẹp, còn có những tấm lòng thơm hơn cả hương hoa của các sơ, các ni cô. Thánh đường có bị đạp đổ, Thánh giá có bị kéo xuống, tăng ni có bị đuổi ra khỏi chùa, thì những trẻ em mồ côi cha mẹ, những người già mồ côi con cái, vẫn còn một chỗ dung thân!
|