Home Đời Sống Gia Đình Về Vĩnh Long thăm Hoàng Em

Về Vĩnh Long thăm Hoàng Em PDF Print E-mail
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 06:56

. . . cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, . . .

 
 Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương (trái) và gia đình Hoàng Em. Người đứng bìa phải là bà Nguyễn Thị Cúc, thân mẫu Hoàng Em. (Hình: Nguyễn Diệu Liên Hương cung cấp)

Chuyến về Việt Nam vừa qua, tôi cố dành ít thời giờ về thăm nhà Hoàng Em, bên dòng sông Mang Thít, Vĩnh Long.

Mưa, nhà lại nằm ven sông, đường đất vào trơn trợt. Vậy mà mấy chị em đi chung chẳng ai quản ngại, ai cũng cảm thấy vui vui.

Nhà đã được sửa sang lại, nền nâng cao. Mái lá nay đã thành mái tôn, không sợ ngập, không sợ dột. Bà Cúc, má Hoàng Em, lăng xăng vui vẻ, đãi chúng tôi ăn cơm trong lúc đợi Hoàng Em đi học về. Bát canh chua với bông so đũa và cá đồng rất đưa cơm!


Hoàng Em chạy ùa vào, áo trắng quần xanh tươm tất, mặt mày tươi cười rạng rỡ. Em vẫn giữ thói quen ít nói và bẽn lẽn của cậu bé miền quê. Mới mấy tháng, gặp lại thấy em lớn bổng lên, cao ráo, mặt mày tươi sáng, nụ cười luôn nở trên môi.


Em nhìn vào mắt người đối diện, trả lời song suốt nhẹ nhàng. Hồi xưa, em từng mất đi nụ cười suốt hai năm, sau khi mất cả đôi tay sau một tai nạn ở một xưởng gạch. Tư thế em lúc trước là lưng cúi khòm, mặt nhìn xuống đất, im lìm, chịu đựng, không hề hé môi cười. Nhìn một thanh niên mới lớn như bị thui chột vì tai họa, ai cũng thương, và thấy đau lòng.

Mọi người đã góp tay cho em có được nụ cười, niềm tự tin, lòng vui sống và một tương lai ổn định. Phép lạ đã đến, đền bù cho sự mất mát, nâng em lên, xoa dịu nỗi mất mát đớn đau, tiếp sức cho em nhìn vào tương lai với lòng tin yêu.

 
 Hoàng Em tập viết bằng đôi tay giả. Hình chụp tại nhà Hoàng Em tại Vĩnh Long. (Hình: Nguyễn Diệu Liên Hương cung cấp)
Phép lạ đến từ người, đó là những tấm lòng quan tâm, thương yêu, chia sẻ!

Mẹ em, sau một thời gian gom góp, nay đã mua một “máy gặt liên hợp,” đẩy đi khắp nơi trên một chiếc bè nhỏ để gặt lúa thuê. Anh chị Em tự lo tìm mối, sử dụng, và cả tự sửa chữa máy gặt. Cả nhà lao xao với một đời sống mới, tăng gia sản xuất, hứa hẹn cơm no áo ấm.

Hoàng Em được hai cô giáo (dạy đại học) kèm Anh văn và Toán, Lý, Hóa, những môn em còn yếu. Thầy cô dạy Em qua computer, mỗi tuần bốn buổi. Cậu trai quê bây giờ được chu cấp quá đầy đủ, để hướng về tương lai. Em đã mang một món “nợ” lớn, món nợ tình thương, món nợ bảo bọc của mọi người, và Em phải trả bằng nỗ lực học hỏi tiến thân, để tự lo cho tương lai.

Chuyến về thăm Vĩnh Long, chúng tôi cũng đã xin giám định y khoa về thương tật của Em, sau đó chuyển hồ sơ từ trường qua Sở Giáo Dục tỉnh Vĩnh Long, rồi lên Bộ Giáo Dục, xin đặc cách cho Em miễn thi Trung Học Phổ Thông, vì Em khó có thể làm bài thi bằng chân và tay giả kịp giờ như các thí sinh khác. Ðược đặc cách, Em mới có thể theo học các trường cao đẳng hay đại học. Lúc ấy, Em có thể dùng laptop để học và làm bài.

Chính chúng tôi cũng mang trong lòng một món nợ; món nợ đã được mọi người hỗ trợ và tiếp sức. Chúng tôi có bổn phận theo dõi và hướng dẫn những bước Em đi.

                                           Năm mới, hy vọng tất cả chúng ta đều vui và hạnh phúc, vì đã làm được một việc tử tế.


Về Ngô Thái Hoàng Em

Em Ngô Thái Hoàng Em vĩnh viễn mất đôi tay vào tháng 5, 2007, khi em vừa tròn 15 tuổi. Lúc ấy, Hoàng Em vừa xong lớp Chín, tốt nghiệp loại giỏi, và “xin má cho theo anh trai đi làm kiếm tiền mua chiếc xe đạp cho năm học mới.”

Một tai nạn tại chỗ làm khiến tay trái em bị cuốn vào cối ép gạch ống. Phản xạ tự nhiên, Hoàng Em dùng tay phải kéo tay trái ra. Cả hai tay bị nghiền nát.

Tháng lương đầu tiên chưa kịp lãnh, chiếc xe đạp vẫn còn là niềm mơ ước, cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, còn cánh tay trái thì bị cối ép gạch ép dài ra.

Tháng 12, 2008, bà Nguyễn Diệu Liên Hương, một nha sĩ đang hành nghề tại California, Hoa Kỳ, về Việt Nam lo thủ tục đưa hai mẹ con Hoàng Em sang Mỹ tìm cách gắn cho em đôi tay giả. Trải qua ba lần phỏng vấn và bổ túc hồ sơ, ngày 20 tháng 6, 2009, Ngô Thái Hoàng Em cùng mẹ đặt chân đến California, tá túc ngay trong nhà của Nha Sĩ Liên Hương.

Nha Sĩ Liên Hương cũng liên lạc với cơ sở Biodesigns, Inc. ở Santa Monica, California, nơi chuyên làm tay chân giả cho các vận động viên tham dự giải Olympics dành cho người khuyết tật. Xúc động trước câu chuyện của Hoàng Em và bà Nguyễn Thị Cúc - mẹ em, hai vợ chồng chủ nhân cơ sở này quyết định không tính bất kỳ thù lao nào (trị giá $20,000, luôn cả chi phí cho việc hướng dẫn sử dụng đôi tay) ngoại trừ chi phí vật liệu ở mức $5,000.

Cuối tháng 7, 2009, đôi tay giả hoàn tất. Lần đầu tiên sau gần hai năm, cậu bé miền quê Vĩnh Long đã có thể bắt đầu thực hiện những động tác đơn giản, tuy còn lúng túng, của đôi tay. (NL/Người Việt)

Thư chúc Tết của Ngô Thái Hoàng Em

Cô Hương kính mến!

Tết này, cũng như mọi năm, gia đình con chẳng khác gì các gia đình khác, cũng chuẩn bị kẹo mứt bánh trái để đón tết. Cũng nhờ có các cô, các chú, các bác, các anh chị bên ấy hết lòng giúp đỡ, gia đình con mua được chiếc máy gặt đập liên hợp. Các anh chị con cùng nhau sử dụng máy, nhờ đó thu thập trong gia đình được ổn định.

Mọi người còn chia sẻ mất mát với con, đã chung tay góp sức không chỉ cho con đôi cánh tay mà còn cho con biết thế nào là tình người, lòng nhân ái. Mùa Hè vừa qua là mùa Hè đẹp nhất trong đời con từ trước tới nay, để lại cho con biết bao kỷ niệm chắc sẽ không bao giờ quên được. Lần đầu tiên được đặt chân lên vùng đất xa lạ ấy, không riêng vì con mà má con cũng vậy, không hề cảm thấy xa lạ. Trước hết là gia đình cô Hương rất tử tế đối xử với má con con chẳng khác gì so với người trong nhà.

Các cô chú, anh chị bên ấy cũng vậy, đều yêu thương giúp đỡ con, làm cho con cảm thấy như đang ở trong một đại gia đình lớn đầy tình thương yêu và chia sẻ.

Tết này con cảm thấy vui, phấn khởi hơn hẳn vì con đã có được đôi tay. Ðôi tay ấy giúp con được những việc đơn giản, như soạn sách vở, ăn uống nhẹ, và con thích nhất là giơ tay phát biểu... Nó chứa đựng biết bao tình cảm, con cảm thấy vui lắm, tự tin lên trong học tập rất nhiều, nó đã biến con từ một người thụ động sau tai nạn dần dần trở nên hoạt bát, tự tin và yêu đời hơn.

Cuối thư, cô Hương cho con gửi lời thăm hỏi sức khỏe và lời chúc năm mới may mắn nhất đến gia đình anh Tý, chị Chi, anh Bờm, cô Thanh... (con không biết sau vụ hỏa hoạn ở phòng làm việc của cô ấy giờ công việc của cô có trở lại bình thường chưa nữa nhưng con có gởi mail mà chưa thấy cô hồi âm), các cô trong nhóm Thủy Tiên, chị Ngọc Lan và các cô chú anh chị trong tòa soạn báo Người Việt và báo Viễn Ðông, và còn chị Hoàng với các anh chị khác trong office của cô nữa. và đặc biệt là bác Châu đã không quản ngại lái xe cho con đi khắp mọi nơi.

Năm mới Tết đến, con xin kính chúc cô Hương và tất cả gia đình các cô bác anh chị ân nhân bên đó luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ hạnh phúc bên gia đình bạn bè và thành công trong công việc.

Con, Ngô Thái Hoàng Em