Tình Yêu và Quyền Lực |
Thứ Tư, 10 Tháng 2 Năm 2010 18:58 | |||
Ở đời có hai thứ người ta say mê nhất mà cũng nguy hiểm nhất, ấy là nhan sắc và quyền lực. Có câu “giai nhân ư độc dược” (gái đẹp như thuốc độc). Lại có một luận điểm nổi tiếng thế giới, được rất nhiều người nhắc lại: “Quyền lực đẻ ra sự tha hoá. Quyền lực tuyệt đối đẻ ra sự tha hoá tuyệt đối”. Song chị Hồng Hà có cả hai thứ đó - nhan sắc và quyền lực. Chính vì thế mà con đường đến với tình yêu của chị thật nhọc nhằn và hạnh phúc thì xa vời như đường chân trời, nhìn thấy mà đi mãi không tới. Nhan sắc thiên phú và khát vọng bẩm sinh Cho đến bây giờ, dù đã sắp thành bà ngoại, chị vẫn đẹp, eo thon, mình tròn như cá trắm, cái cổ cao ba ngấn trắng nõn như ngó sen, đôi mắt đen, sắc lẹm như dao cau. Thời gian lặng lẽ đi qua nhưng để lại rất ít dấu vết trên gương mặt của chị, không có những nếp nhăn trên vầng trán nếu chị không cáu giận, cũng không có những đường rẻ quạt bên khoé mắt, chị là hoa khôi trong những người đàn bà thành đạt. Nhan sắc của chị là vật báu trời cho. Sinh ra chị đã đẹp rồi. Hồi nhỏ, trong các cuộc thi bé khoẻ, bé đẹp, bé ngoan chị luôn giành giải nhất. Sau này như mọi người đều biết, chị là người đàn bà đam mê quyền lực. Đây cũng là khát vọng bẩm sinh của chị. Lên 6 tuổi, mới vào lớp 1 chị đã hớn hở khoe với bố mẹ rằng: “Con được bầu làm lớp trưởng rồi đấy”. Làm lớp trưởng phải gương mẫu hơn, đi học phải đúng giờ, phải làm bài đầy đủ và đạt điểm cao, phải giữ hạnh kiểm luôn luôn tốt, Hồng Hà sẵn sàng thực hiện những cái phải đó. Từ bé chị đã tỏ rõ quyền lực của mình, đến cái tên cũng đầy quyền lực, vì đó là một dòng sông lớn nhất và mạnh mẽ nhất các tỉnh phía Bắc. Từ năm lớp 1 cho đến vào đại học, ngoài chức lớp trưởng, học bạ của chị chỉ toàn là thành tích, hạnh kiểm tốt, điểm tổng kết các môn học cao, có tinh thần xây dựng trường lớp và giúp đỡ bạn bè. Điểm yếu duy nhất của Hồng Hà là giọng nói. Chị hay dùng mệnh lệnh và giọng nói đanh, khi cao giọng nghe như âm thanh của kim khí va vào nhau, đó là giọng nói của người rất ít nữ tính. Càng có thâm niên làm sếp, giọng nói của chị càng nhiều “chất thép” hơn và nó khiến nhiều người sợ hãi. Giọng nói là công cụ để giao tiếp. Với phụ nữ, sự giao tiếp là vô cùng quan trọng nhưng ngôn ngữ của chị, giọng nói của chị nhiều khi lại làm người khác phải sợ. Người viết bài này đã từng chứng kiến một lần chị Hồng Hà xuất hiện trong một cuộc họp, với một câu hỏi rất nghiêm khắc: “Các bạn có ngủ gật không? Ai không muốn làm việc nữa xin nói thẳng cho tôi biết!”. Với 3 câu đó, cả hội trường im phắc, không ai dám ho, kể cả những người thường ngày hay quát tháo nhất lúc này cũng không dám thở mạnh. Đó là quyền lực của chị. Nhưng quyền lực không song hành với tình yêu. Người có quyền lực chưa chắc đã có hạnh phúc. Các hoàng đế xưa từng ví mình là thiên tử, thay trời hành đạo, quyền “nghiêng thiên hạ” nhưng không có ai tìm thấy hạnh phúc. Cuối đời, Hoàng đế Càn Long chợt nhận thấy mình không có gì cả, quyền lực khiến cả thiên hạ phải khiếp sợ nhưng không mang xuống mồ được, vàng bạc châu báu chất như núi cũng không mang theo xuống mồ được, còn tình yêu thì không có, một mảnh tình đích thực cũng không. Lựa chọn Nói đến tình yêu là nói đến lựa chọn. Người con gái nào khi vào đời cũng tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cần có của người bạn đời trong tương lai. Hồng Hà là một người con gái không giống nhiều bạn gái khác nên tiêu chuẩn chọn chồng cũng không giống với các bạn cùng trang lứa. Theo Hà, người yêu của chị nhất định phải mẫu mực, nói năng lễ độ, ăn mặc không nhố nhăng càn quấy, lối sống phải đúng khuôn phép, có trên, có dưới. Anh ta phải có một trong sạch và đáng tin cậy, gia đình không thuộc thành phần bất hảo. Về tính cách, Hồng Hà cần sự trung thành và biết phục tùng. Từng làm “sếp” từ năm lớp 1, nên Hà rất ghét những người không có ý thức phục tùng. Theo chị, những người như thế không làm nên công cán gì cả. Về học thức, ít nhất anh ta cũng phải tốt nghiệp đại học. Là một người thông minh và sắc sảo, Hồng Hà không thể chịu đựng được sự ngu dốt. Tóm lại đó là tiêu chuẩn chọn chồng của một người phụ nữ đam mê quyền lực và tôn thờ chủ nghĩa lý tưởng. Có thể thấy, loại người đẹp này say đắm với thế giới tinh thần độc đáo của mình, luôn thấy mình hơn người khác. Vì đam mê quyền lực, luôn có nhu cầu tập hợp quần chúng nên Hồng Hà rất giỏi ứng xử, đối với mọi người rất chu đáo, luôn tạo cho người khác một cảm giác thân thiết và tin tưởng. Nhưng đó là sự thân thiết dành cho số đông chứ không phải sự thân thiết dành riêng cho một người, còn tình yêu thì lại không cần số đông mà chỉ cần số 1. Hồng Hà không thích những người đàn ông cá tính quá mạnh mẽ, vì hai lẽ: Một là nó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của chị, hai là chị đủ mạnh để không cần phải nương tựa vào ai cả nên chị cần những người đàn ông biết phục tùng. Chị là người rất tự tin, luôn khao khát quyền lực. Chị sống rất lý trí (cái mà rất nhiều người phụ nữ không có) kiên cường, thích áp đặt ý chí của mình cho người khác, thích điều khiển người khác theo sự chỉ huy của mình. Chuyện hưởng lạc đối với Hồng Hà là thứ yếu, còn sự nghiệp mới là chính yếu. Sẽ có rất nhiều người đàn ông không thể chấp nhận được những tiêu chuẩn của Hồng Hà, vì nếu chấp nhận những điều đó thì họ không còn là đàn ông nữa. Ai lấy phải một người vợ như vậy thì suốt đời sẽ không bao giờ được làm chồng, trừ những phút ngắn ngủi trên giường ngủ. Vị hôn phu của Hồng Hà là một người đàn ông như vậy. Anh ta sống rất đúng mực và rất biết phục tùng. Từ ngày còn học phổ thông, chưa bao giờ anh ta không phục tùng chỉ thị của cô lớp trưởng thông minh và xinh đẹp. Sau khi tốt nghiệp đại học ra đi làm, “sếp” của anh ta vẫn là Hồng Hà. Cuộc hôn nhân này đảm bảo cho anh ta sự an toàn tuyệt đối trong sự nghiệp, nghĩa là sẽ không ai động chạm đến anh ta, vì “vuốt mặt phải nể mũi”. Cả trong gia đình và ngoài xã hội, phu quân của Hồng Hà luôn là người bị lãnh đạo. Những câu nói anh được nghe từ hiền thê của mình thường là những mệnh lệnh, hoặc gần giống với mệnh lệnh. Hàng chục năm trời phu quân của Hồng Hà đã làm một cấp dưới rất ngoan như vậy. Mọi quyết định đều từ vợ ban ra còn anh chỉ là người thực thi. Người thừa Càng sống chung, Tùng - phu quân của Hồng Hà càng nhận ra mình là một người thừa trong gia đình, việc nhà có bà giúp việc lo, tài chính gia đình do vợ cung cấp, việc học hành của con gái cũng do vợ thu xếp bằng uy tín và quyền lực của mình. Ở cơ quan, Tùng không thừa nhưng trong gia đình anh là một người thừa, tiền lương để thừa vì vợ con không cần đến, ngoài giờ hành chính thời gian trở nên thừa thãi vì anh không có việc gì phải làm, trên giường ngủ anh cũng là người thừa vì Hồng Hà bận liên miên, có khi cả tháng mới về nhà trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi vì công việc. Làm đàn ông không gì khổ bằng thấy mình thừa, không ai cần đến mình và như thế thì cũng có nghĩa là không ai nhớ đến mình. Con gái thường hay quý mến bố và chịu ảnh hưởng rất nhiều ở bố, nhưng con gái của Tùng không như vậy, mẹ là trên hết, to nhất, quyết định nhất. Có lần Tùng nói với con gái: “Hai ngày cuối tuần bố cho con đi tắm biển ở Vũng Tàu”. Con bé nhìn bố hỏi: “Bố đã hỏi ý kiến mẹ chưa?”. Tùng sẵng giọng: “Làm sao phải hỏi. Bố vừa lĩnh tiền lương và tiền thưởng”. “Vấn đề không phải là tiền mà mọi việc ở nhà ta đều phải được mẹ đồng ý”. Con gái của Tùng nói dứt khoát như vậy. Tùng chợt hiểu rằng, mình không những không được làm chồng, làm cha mà còn không được làm một người đàn ông theo đúng nghĩa của từ này. Một người đàn ông đích thực phải là chỗ dựa vững chắc cho phái yếu, phải có những người phụ nữ trông cậy vào mình, đôi khi gục vào vai mình mà thút thít, những lúc gia đình khó khăn thì trông chờ vào sự gánh vác sức vóc của chồng. Nhưng Tùng hoàn toàn không có những điều đó. Và khi người ta thiếu cái gì, người ta sẽ tìm bằng được cái đó. Và Tùng đã tìm thấy một người cần mình, rất muốn nương tựa vào mình trong một lần anh đi gội đầu. Cô thợ gội đầu còn rất trẻ, chỉ hơn con gái Tùng 2 tuổi. Hôm đó, một giọt nước mắt từ đôi mắt đen láy của cô gái trẻ đã rơi xuống má Tùng khi anh đang nằm trên giường gội đầu. “Cháu làm sao vậy. Có chuyện gì buồn chăng?”. “Mẹ cháu đang mổ trong bệnh viện chú ạ! Tối nay cháu sẽ vào viện thăm mẹ, nhưng cháu đã vay tiền của bà chủ hai lần rồi, giờ không biết nói thế nào với bà ấy để có mấy chục nghìn đồng mua trái cây vào thăm mẹ”. Cô gái kể bằng cái giọng nghèn nghẹn và nước mắt cô chảy ròng ròng trên má. Tùng mở ví đưa cho cô gái tờ giấy bạc 500.000 đồng: “Cháu cầm lấy! Chú cho cháu!”. Cô gái thu cả hai tay về phía sau và lắc đầu: “Không. Cháu không dám cầm đâu. Chưa ai cho cháu nhiều tiền như thế này cả, vì thế cháu không dám”. “Tiền nong có là gì đâu cháu! Người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra người. Cháu ngại thì coi như chú cho cháu vay, khi nào kiếm được thì cháu trả cho chú”. “Chú nói thế thì cháu xin nhận và nhất định cháu sẽ cố gắng trả nợ chú. Chú cho cháu số điện thoại để khi nào có tiền thì cháu liên lạc với chú”. Tùng đưa cho cô gái danh thiếp của anh. Từ tiệm gội đầu ra về, Tùng thấy mình lâng lâng một niềm vui. Lần đầu tiên, anh không thấy mình là một người thừa. Anh tự nhủ mình rằng sẽ quan tâm đến Huệ (cô bé gội đầu) nhiều hơn, sẽ giúp đỡ cô ấy vượt qua khó khăn trước mắt. Đôi khi được giúp đỡ người khác cũng là một niềm hạnh phúc. Tối hôm đó, khoảng hơn 10 giờ đêm Huệ mới gọi điện thoại cho Tùng. Bằng giọng nói rất dịu dàng, Huệ cảm ơn sự giúp đỡ của Tùng và kể rằng: “Có mấy trăm nghìn đồng đưa cho mẹ, cháu thấy hạnh phúc lắm. Mẹ cháu cũng rất vui, cứ cầm tay cháu mãi. Cháu vô cùng biết ơn chú! Chúc chú ngủ ngon!”. Nhưng lời chúc đó không hiệu nghiệm, vì Tùng không sao ngủ được. Hình ảnh của Huệ với gương mặt đầm đìa nước mắt cứ hiện lên trước mắt Tùng, tội nghiệp lắm, gần gũi lắm, tưởng giơ tay ra là có thể nắm lấy được bàn tay trắng mịn ấy. Yêu đơn phương Trước đây, mỗi tuần Tùng chỉ gội đầu 2 lần và tiện đâu gội đấy. Còn giờ đây, Tùng gội đầu mỗi tuần 3 lần, thậm chí 4 lần và chỉ đến tiệm của Huệ. Cô gái trẻ này có mái tóc dày, đen như mun và dài quá thắt lưng. Cô chăm sóc mái tóc của mình rất đặc biệt. Mỗi sáng cô mua một buồng hoa cau, cho vào cái chậu lớn và ngâm trong nước lạnh. Sau mỗi lần gội đầu bằng dầu gội, Huệ xả tóc bằng nước hoa cau nên mái tóc của cô óng mượt và thơm ngát hương vị đồng quê. Tất nhiên, Tùng cũng được Huệ xả tóc bằng nước hoa cau đặc biệt đó. Đầu anh lúc nào cũng thơm ngát hương cau. Cái hương thơm ấy càng khiến Tùng da diết nhớ cô thợ gội đầu xinh, trẻ và càng năng đi gội đầu hơn. Mỗi lần Huệ cúi xuống để massage mặt cho Tùng, mái tóc thơm hương cau của cô lại đổ xuống, chạm khẽ vào má Tùng. Có lần anh đã cầm mái tóc của Huệ đặt lên môi mình. Huệ không nói gì, chỉ mỉm cười đưa bàn tay bịt đôi môi của Tùng lại và thì thầm: “Chính mẹ cháu dạy cháu cách gội đầu bằng hoa cau đấy!”. “Vết mổ của mẹ cháu có tốt không?”. “Không chú ạ! Vết mổ bị nhiễm trùng, nên các bác sĩ quyết định sẽ phải mổ lại”. Huệ nói và khẽ thở dài, đôi mắt thăm thẳm buồn. Tùng dúi vào tay Huệ một xấp giấy bạc: “Huệ cầm thêm tiền để chạy chữa cho mẹ!”. Anh đã đổi cách xưng hô rất tự nhiên. Huệ cũng nhận ra sự thay đổi này, nhưng cô nhét lại xấp giấy bạc vào túi ngực của Tùng: “Thôi mà chú! Huệ nợ chú nhiều tiền quá rồi, nay mai sợ không trả được!”. Cô gái cũng đổi cách xưng hô, xưng tên thay xưng cháu và sự thay đổi này khiến Tùng nở một nụ cười mãn nguyện. Anh nhìn chăm chăm vào đôi mắt to đen láy của Huệ, gửi vào đó biết bao nhiêu tình cảm và sự rạo rực của người đàn ông. Huệ lấy tay che mắt của Tùng và thì thầm: “Đừng. Huệ sợ lắm!”. Tùng nắm bàn tay Huệ, run run đặt vào đôi môi nóng hổi của anh. Huệ để yên như thế trong một vài giây rồi mới khẽ khàng rụt tay lại. Một lần nữa, Tùng đặt xấp giấy bạc vào tay Huệ và thì thầm ra một mệnh lệnh êm dịu: “Không được từ chối nữa. Nghe không!”. Về đến cơ quan, không cầm được lòng mình, Tùng đã gọi điện thoại cho Huệ và hôn đánh chụt vào chiếc máy điện thoại cầm tay. Ở đầu bên kia cũng có tiếng một đôi môi khẽ đáp lại. Tùng bàng hoàng như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Anh ngả người trên đi văng, lim dim mắt nghĩ về Huệ trong cảm giác ngất ngây hạnh phúc. Hình ảnh Huệ ập tới, mái tóc ngát thơm, đôi môi đỏ ướt át rất đa tình, cái eo thon và bộ ngực con gái căng đầy. Tùng khao khát được ôm trong vòng tay tấm thân tuyệt vời ấy, được chạm môi vào đôi môi đa tình ấy. Chuông điện thoại đổ mà anh không nghe thấy. Một người bạn đồng nghiệp từ phòng bên chạy sang, nhìn Tùng sửng sốt: “Mày làm sao thế? Không nghe chuông điện thoại đổ à? Hay là bị con yêu tinh nào nó hớp mất hồn rồi?”. Tùng xua tay, nói như reo: “Thiên thần chứ không phải yêu tinh! Thiên thần tuyệt vời của ta!”. Rồi Tùng chạy tới, nhấc bổng anh bạn lên, quay mấy vòng trong căn phòng nhỏ. Anh bạn của Tùng cười khoái chí: “Đúng là mày yêu rồi. Liệu hồn không Hồng Hà nó xé xác mày ra thành trăm mảnh”. Tùng hôn đánh chụt vào má bạn: “Mày ơi tuyệt vời lắm! Hồng Hà ư, sợ đếch gì!?”. Đúng là Tùng đang yêu. Đây là lần đầu tiên Tùng đã yêu theo đúng nghĩa của từ yêu. Nó hoàn toàn khác với mối quan hệ cùng Hồng Hà. Đó là một cuộc hôn nhân có tính toán, đầy vụ lợi, người nọ lợi dụng người kia và rất ít tình yêu. Nhưng Tùng không biết rằng, Huệ không yêu Tùng đến thế. Sự thân mật của cô dành cho Tùng chỉ là sự đền ơn. Vả lại, bây giờ cô đang cần tiền và Tùng là một kẻ dại gái hào phóng. Chỉ có một bờ thì không thành dòng sông, chỉ yêu một phía thì không thành đôi lứa. Đó là bi kịch trong tình yêu của Tùng. Không gia đình Con gái của Tùng và Hồng Hà tên là Ngân Hà. Cô giáo và bạn bè trong lớp khen cái tên đó rất hay, nhưng Ngân Hà lại nói đó là cái tên chẳng ra gì. “Ngân Hà là dòng sông không có bờ, không có bóng cây soi xuống dòng nước, không có cá bơi lội tung tăng, không có một hạt phù sa nào, cũng không tắm mát cho ai, nghĩa là một dòng sông cô đơn và vô tích sự”. Cô bé nói như vậy. Song không phải vì thế mà Ngân Hà chán đời và thỉnh thoảng hay lang thang cùng bạn bè, có khi cả tuần không về nhà. Ngân Hà buồn vì em thật sự cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ có khi cả tháng mới về nhà một lần, còn bố thì sáng đi làm, đêm khuya mới về, đầu tóc, quần áo thơm một cách rất lạ lùng. Một buổi chiều, Ngân Hà đi gội đầu. Mái tóc của cô thợ gội đầu thơm một cách đặc biệt, cái hương thơm không có ở các loại mỹ phẩm, vừa mộc mạc, gần gũi, vừa cao sang, xa xăm. Mấy phút sau, Ngân Hà nhận ra đó chính là mùi thơm bố em vẫn thường mang về nhà. “Chị tên là Huệ có phải không?”. “Sao em biết?”. “Sao em lại không biết. Đến tổ con chuồn chuồn em còn biết nữa là”. Mấy câu nói của Ngân Hà khiến Huệ giật mình. Mọi chuyện thế là vỡ lở rồi. Một nỗi sợ mơ hồ xâm chiếm tâm trí Huệ. Chắc chắn, cô bé gội đầu hôm nay là con gái của Tùng. Con gái đã biết thì mẹ sẽ biết. Bà ấy là một người đầy quyền lực. Liệu bà ấy có xử lý mình không và xử lý như thế nào? Không còn tâm trí nào để làm việc nữa, Huệ xin phép bà chủ nghỉ sớm, nói là phải vào bệnh viện thăm mẹ. Về nhà, Huệ nằm vắt tay ngang trán miên man nghĩ về mối quan hệ của cô với Tùng. Cô biết chắc chắn là Tùng rất yêu cô còn cô thì không. Cô biết anh ta đã có vợ, có con và một gia đình ổn định. Vả lại, khoảng cách về tuổi tác giữa cô và Tùng rất khó lấp đầy nên trái tim cô chưa bao giờ rung động với người đàn ông đứng tuổi và rất tốt bụng này. Đúng là Huệ đã lợi dụng sự tốt bụng của Tùng, đã vay của anh rất nhiều tiền nhưng không phải vì thế mà cô đã thuộc về anh ta. Cô chưa đi quá xa trong quan hệ nam nữ, còn tiền thì có vay, có trả. Về lý mà nói thì vợ anh ta không làm gì cô được. Tuy vậy, cô vẫn hết sức lo sợ. Nhưng sự lo sợ của Huệ là hơi thái quá. Cô không hiểu hết người vợ của Tùng. Không phải Hồng Hà không biết chồng mình làm gì và có mối quan hệ tình cảm quá mức cần thiết với ai. Nhưng bà coi như không biết gì. Với bà, uy tín cá nhân còn quan trọng hơn những mối quan hệ nhăng nhít của chồng. Và Ngân Hà cũng giống mẹ ở điểm này. Cô biết tất cả mà không nói gì cả, chỉ buồn vì thấy mình cô đơn thôi. Sau khi gội đầu, Ngân Hà đi lang thang mãi. Trời đổ mưa, cô bé vẫn phóng xe như điên dưới trời mưa. Khi cô về nhà thì bị sốt li bì. Nghe tin con gái sốt, bà Hồng Hà về nhà, mang theo mấy vỉ thuốc cảm và hai lọ thuốc bổ. Bà dặn con gái mỗi ngày phải uống thuốc 3 lần cho đủ liều. Nhưng hôm sau bà về thấy con gái vẫn sốt và vỉ thuốc cảm vẫn còn nguyên. “Mẹ đã dặn con phải uống thuốc ngày 3 lần, tại sao con không uống?”. “Con quên mất mẹ ạ!”. “Mẹ dặn mà con quên được ư?”. Cô bé ngồi bật dậy: “Mẹ mang thuốc về, để trên nóc tủ lạnh rồi dặn con uống thì sao con không quên. Mẹ phải chia thuốc thành 3 liều, để bên gối của con thì mới đúng là người mẹ chăm con ốm chứ”. Cô bé nói thế rồi khóc. “Thôi đừng nhõng nhẽo nữa. Con sốt vì đi dưới trời mưa. Cái tính lang thang của con làm khổ cả gia đình”. Giọng Ngân Hà méo hẳn đi: “Mẹ ơi! Nhà ta mà cũng có thể gọi là gia đình ư? Mẹ suốt tháng vắng nhà vì công việc, bố suốt ngày vắng nhà vì bồ nhí. Một đứa con gái không ai nhìn ngó đến. Con là đứa trẻ mồ côi khi bố mẹ vẫn còn mạnh khoẻ”. Tai họa “Con là đứa trẻ mồ côi khi bố mẹ còn mạnh khỏe”. Câu nói của con gái như nhát dao cứa vào trái tim Hồng Hà khi bà không thể không thừa nhận con gái đã nói đúng. Một người mẹ mà giao phó tất cả chuyện gia đình cho chồng thì không còn là một người mẹ nữa. Còn chồng bà thì cũng không phải là một người bố, một người chồng như những người đàn ông khác. Nếu anh ta thật sự quan tâm đến con, thì Ngân Hà không cảm thấy là mồ côi. Con sốt ly bì mà giờ này bố vẫn còn chưa về nhà. Mãi tới hơn 9 giờ tối, Tùng mới về. Hồng Hà hỏi: Sao bây giờ anh mới về?. Tùng không trả lời mà hỏi lại vợ: Sao hơn 1 tháng rồi bây giờ cô mới về nhà?. Đó là công việc của tôi. Thế tôi không có công việc ư? Công việc của anh tôi biết rồi. Những chuyện khác của anh tôi cũng biết. Anh muốn làm gì mặc kệ, tôi không quan tâm, nhưng không được làm ảnh hưởng đến tôi. Khi một người vợ nói với chồng như thế, có nghĩa là bà ấy đã xem chồng mình như một khúc gỗ mục rồi, không cần đến nữa, không dùng được vào việc gì nữa. Đó là nỗi cay đắng dai dẳng của Tùng từ ngày anh lấy vợ đến nay. Đàn ông không cần vợ làm to, cũng không cần vợ kiếm được thật nhiều tiền mà cần một người bạn tâm tình thật sự. Có nhiều chuyện đàn ông không thể nói được với bạn bè, cũng không thể tâm sự với con cái mà chỉ có thể rủ rỉ với một người đàn bà mà thôi. Cái nhu cầu ấy của người đàn ông là rất lớn, nó cần thiết như cơm ăn, nước uống. Nhưng từ lâu Tùng đã không có một ai để tâm sự, dãi bày nỗi niềm của mình. Từ khi có Huệ, anh được sống một cuộc sống khác, được dãi bày tâm sự, được nghe một người khác giới an ủi, sẻ chia. Với Tùng, Hồng Hà là người vợ danh nghĩa, ghi trong tờ hôn thú. Còn Huệ mới thật sự là người bạn tâm tình của anh. Huệ hiểu rất rõ tình cảm của Tùng nhưng cô không thể làm vợ của anh được. Sau khi Ngân Hà đến gội đầu, Huệ nhận thấy cần phải chấm dứt ngay mối quan hệ không rõ ràng với Tùng, vì nếu kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm. Trong mối quan hệ nam nữ, cách chấm dứt nhanh chóng nhất là một phía tìm ngay một mối quan hệ khác. Điều này đối với Huệ chẳng khó khăn gì. Lúc nào cũng có những cặp mắt săn đón cô và những chàng trai theo đuổi cô. Và để chấm dứt nhanh chóng mối quan hệ với Tùng, Huệ đã yêu một chàng trai khác. Anh này dù biết mối quan hệ của Huệ với Tùng nhưng vẫn kiên trì theo đuổi Huệ. Khi nhận được cái gật đầu của Huệ anh chàng này đã nhanh chóng đẩy mối quan hệ của hai người lên mức cao hơn. Không ngày nào họ không liên lạc điện thoại với nhau dăm, bảy lần và không tối nào họ không hẹn gặp nhau. Sự xuất hiện của anh chàng này như cái dầm găm trong tim Tùng, làm nhức nhối từng giây, từng phút. Tùng yêu Huệ thật sự nên anh cũng ghen thật sự. Anh lục lọi điện thoại của Huệ, tò mò đọc từng tin nhắn và tra vấn về những số máy gọi tới lặp lại nhiều lần. Tùng cũng rình mò theo dõi hành vi của Huệ xem cô đi đâu với ai và làm gì. Trưa hôm đó, chàng trai kia đón Huệ đi ăn trưa, rồi sau đó hai người vào nhà nghỉ. Tùng lặng lẽ bám theo. Khi Huệ cùng người yêu vừa vào phòng nghỉ, Tùng lao vào đập cửa ầm ầm. Chàng trai kia chạy ra mở cửa và sẵng giọng:- Mày điên à! Cô ấy yêu tao chứ không yêu mày! Cút ngay đi! Tùng túm tóc chàng trai, đập đầu hắn vào mép cửa cho đến khi anh ta đổ vật xuống như một cây chuối héo. Và chàng trai kia đã chết trên đường đến bệnh viện.
|