Còn Lại Đôi Ta |
Tác Giả: BS.Nguyễn Ý Đức | |||
Thứ Ba, 12 Tháng 1 Năm 2010 22:49 | |||
Nay thử tìm hiểu về sinh hoạt của cặp vợ chồng đã trên ba mươi năm chung sống, con cái ở riêng, và hai người bắt đầu về hưu. Họ sẽ thích nghi ra sao để cùng nhau bạch đầu giai lão, cũng như để: “Đôi chồng vợ ra vào khắng khít, mắm muối mà vui” (Vương Hồng Sển.) Hôn nhân vợ chồng thuở ban đầu khắng khít là do yêu nhau, rồi lấy nhau. Mặc dù biết là mỗi người có nhu cầu, sở thích riêng, nhưng vì mới, còn tâm đầu ý hợp, còn tập trung tất cả vào nhau trong ái ân, nên họ đã quên đi để thành vợ chồng. Đó là TÌNH. Rồi với ngày tháng, hóa chất đam mê ban đầu cũng lợt phai. Từ đây, gắn bó tình già sẽ do sự hiểu nhau, sự chia sẻ vui buồn, phụ thuộc lẫn nhau, thích nghi, trọn vẹn cho nhau. Mức độ thỏa mãn trong hôn nhân ở giai đoạn này được nhìn qua phẩm chất của đời sống hai người: hạnh phúc bên nhau, đồng lòng, cố kết với nhau, biểu lộ thương yêu, giảm thiểu phiền não. Hai người có thể yêu nhau trở lại khi cùng nhìn về một hướng, sắp xếp cho tương lai cũng như tận hưởng hiện tại, giải quyết trở ngại, khó khăn. Bây giờ đối với nhau cần có NGHĨA. CON CÁI VỚI CHA MẸ GIÀ Đã có nhiều bằng chứng rằng con cái giữ một vai trò quan trọng nào đó trong hoàn tất đời sống lứa đôi của người cao tuổi. Không có con, tuổi già như cô đơn, đời sống trống rỗng, không đầy đủ. Mà khi chúng ta ở riêng, người làm cha mẹ có những tâm trạng khác nhau. Có cặp vợ chồng cho là sự vắng bóng con cái sẽ tăng thêm tình khắng khít giữa hai người, họ sẽ hạnh phúc hơn, có nhiều thì giờ cho nhay, sẽ cùng nhau thực hiện nhiều chương trình một cách tích cực hơn. Hai người sẽ như đi vào thời gian trăng mật thứ hai. Cũng có nhiều người mang một niềm trống trải, thầm lặng, thấy đâu đây như vắng thiếu vài tiếng nói, mấy dáng người. Họ sợ sẽ bị cô đơn, và cuộc sống sẽ không được trọn vẹn. KHI ĐÃ VỀ HƯU Nói đến về hưu, ngày nay thường là nghỉ công việc chính đã theo đuổi mấy chục năm qua, và bắt đầu một số sinh hoạt nào đó không có tính cách ràng buộc và không phải là nguồn tài chánh căn bản cho những năm còn lại. Vấn đề cần lưu tâm là hai người sẽ có 24 giờ bên nhau, trong một hôn nhân thông thường là tình bớt, nghĩa tăng. Có nhiều vui buồn, khó khăn mà hai người cần khắc phục, để mang lại thỏa mãn vợ chồng trong những năm về cuối. Nên lưu ý tới tâm trạng khác nhau trước sự về hưu: a-Phân vân khi sắp nghỉ. b-Háo hức trong thời gian đầu, cho là mình sẽ tận hưởng nó và có nhiều chương trình để làm; c-Vỡ mộng khi thấy cuộc sống chậm lại, những dự kiến không thực hiện được; d-Thức tỉnh, sắp đặt lại hướng đi, việc làm thích hợp với thực tại; e-Rồi ổn định trong môi trường sinh hoạt mới được hoạch định. Có người đã nói: cưới nhau dễ, sống đời cũng không khó gì, nhưng sống trong hôn nhân và hạnh phúc với nhau không phải là dễ, nhất là khi chỉ còn hai người. Nhiều người thấy thời gian gần nhau mỗi ngày quá nhiều, làm gì cho hết. Khi chồng về hưu trước, thì vợ cho là sẽ mất đi một số tự do cá nhân, một số thì giờ dành cho sinh hoạt riêng tư mà mình đã làm như giao hữu với bạn bè, nhóm hội từ thiện. Họ phải dành thêm một số thời giờ để cung ứng cho như cầu mới của chồng, đồng thời vẫn phải làm công việc gia đình như trước. Nhưng đa số các bà đều vui vẻ vì có cơ hội gần các ông nhiều hơn. Và chồng vì mất đi môi trường làm việc trước đây, lại ít liên hệ giao tế xã hội, nên có nhiều thì giờ với vợ, cũng như phụ thuộc vào vợ. Khi vợ nghỉ hưu trước, thì đa số các bà đều cảm thấy thoải mái, vì có thêm thì giờ với chồng đồng thời để làm một số công việc gia đình mà trước đây vì đi làm nên không thực hiện được. Một khía cạnh quan trọng trong thời gian về hưu là chia sẻ công việc nhà. Quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” đã quá xưa. Đa số cặp vợ chồng về hưu đều đồng ý là phải có sự chung sức lo công việc trong nhà, mỗi người một số trách nhiệm, công việc do đôi bên cùng thỏa thuận. Những việc như mua sắm lặt vặt rửa bát, sửa soạn ăn sáng có thể thay phiên. Cắt cỏ, sửa hư hao nhỏ trong nhà chắc phải dành cho quý ông. Bữa ăn chính, mua thức ăn, sắp xếp, trang hoàng nhà cửa thì vẫn phải nhờ đến “bà nó”. Tài chính, tiền nong đều cùng nhau trách nhiệm, tránh dành ngân khoản chi tiêu riêng vì đã cùng nhau thì còn gì mà phải riêng tư. Có nhiều cặp không mấy vui vì một bên quá an lạc, hưởng nhàn, để bên kia gánh hết mọi việc trong nhà, gây nhiều căng thẳng. GIẢI QUYẾT CÁCH BIỆT Hôn nhân nào chẳng có mâu thuẫn, bất hòa mà giải quyết những bất hòa đó đòi hỏi sự liên tục thương thảo, hiểu nhau, hòa hoãn, nhường nhịn nhau, kiên nhẫn với nhau. Rồi lại còn nuôi dưỡng tình già sao cho “Tương kính như tân”. Người bình dân ta hằng nói: “Đạo vợ chồng khó lắm bạn ơi, Chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay”. Ngày xưa, sự đối thoại, tìm hiểu giữa các cụ ta rất giới hạn. Khi có vấn đề, giải quyết thường đơn phương, độc đoán, không có thảo luận. Nên sau đó dù mọi việc được coi như xong, nhưng ấm ức vẫn có trong lòng. Người lao động, ngày thì đầu tắt mặt tối, lo làm đủ ăn, tối nghỉ, đâu còn thì giờ để giải trí, nói chi đến đả thông, bàn luận. Ngày nay, sự giải quyết dị biệt đã khá hơn. Cặp vợ chồng già đã dành nhiều thì giờ để có sự thông cảm, chia sẻ, quan tâm về mọi vấn đề. Cụ bà thường để ý nhiều về an toàn kinh tế cho hai người, cụ ông đặt trọng tâm vào có người bạn đường lâu dài. Họ cũng chia sẻ với nhau về tôn giáo, về vấn đề xã hội. Tuy nhiên, một số ít người khi gặp vấn đề thì lảng tránh, nói lập lờ để đánh lạc hướng, hay phủ nhận cho xong. Cũng có cụ vẫn hay giữ uy quyền, chỉ thích ra lệnh. Có nhiều cách để giải quyết những dị biệt, mà thực ra đa số các cụ đều cho là, tới tuổi này rồi, chúng tôi chẳng còn mấy khác biệt. Họ áp dụng phương thức dân gian “Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.” Hoặc khi không nhường nhịn được thì cho nó xả hơi ra, mà nên chồng lui, vợ tới, luân phiên xả chứ mà chồng tới, vợ tới thì chắc sẽ nổ như tạc đạn. Sau đó, bình tĩnh nhận diện vấn đề, cùng góp ý, đả thông cho khỏi ấm ức. Nhiều người nghĩ thôi kệ nó, vợ chồng ai chẳng có khác biệt, để từ từ rồi đâu sẽ vào đó. Nhưng trên thực tế, dị biệt mà không giải quyết thì nó trở nên khó mà đối phó, làm cản trở sự xích lại gần nhau của hai người. Lòng tín nhiệm, tin cậy nơi nhau cũng cần cho sự ổn định tình nghĩa về già. Nó như mắt xích nối giữa hai người, như sợi chỉ quấn qua quấn lại trong tấm vải quan hệ đôi bên. Họ tin tưởng ở lời đã ước hẹn, và trông đợi phần mình sẽ hưởng. Một bất tín, dù nhỏ, dưới một khía cạnh nào đó của hôn nhân cũng có thể đưa tới bất tín khác, và là nguồn gốc của mọi xáo trộn trong tương lai. Đôi khi hai người ngồi lại, dở chồng ảnh cũ, ôn lại những vui buồn đã qua, những kỷ niệm của thuở ban đầu. Sự kiểm điểm này là để dùng quá khứ bổ túc, tăng cường cho hiện tại, coi xem ta đã ra sao và đã làm gì để có hôm nay. Có giúp tìm ra những điểm thiếu sót để từ từ sửa đổi, giúp ta có cơ hội cùng làm những điều hai người thích làm với nhau khi trước. Cũng như giúp hiểu biết hơn những thầm kín của người bạn đường. SĂN SÓC THƯƠNG YÊU Săn sóc nhau khi đau ốm có ảnh hưởng gì tới liên hệ giữa hai người. Kinh nghiệm cho hay khi một người đau ốm thì người kia thường tạm hoãn các sinh hoạt riêng tư để săn sóc, và đều cho là sự săn sóc này làm tăng quan hệ vợ chồng. Đôi khi ông chồng hơi khó khăn hơn bà vợ khi làm dịch vụ này, nhưng nói chung họ đều sẵn sàng, vui vẻ. Ngoài tác dụng tình cảm làm giảm căng thẳng tâm thần, sự quan tâm săn sóc còn mang đến một số ích lợi sinh học như làm tăng khẳ năng miễn dịch của cơ thể, kích thích sức sống người cao tuổi. Tương tự như săn sóc, sự trìu mến thương yêu cũng mang lại nhiều điểm lợi cho quan hệ vợ chồng già. Khi tỏ tình thương yêu nhau, não bộ sẽ tiết ra kích thích tố Endorphine và Phenylethylalamine (PEA), tạo cho ta một cảm giác yêu đời, sinh động và tăng tuổi thọ. Bên Anh Quốc, người ta nhận thấy tu sĩ Tin Lành Giáo thường sống lâu hơn tu sĩ Cơ Đốc Giáo, và họ kết luận là sự có vợ của tu sĩ Tin Lành đã đóng góp vào việc kéo dài tuổi thọ. Một bằng chứng nữa là phụ nữ góa thường đoản thọ hơn phụ nữ có gia đình. Với lợi điểm như vậy, vợ chồng già chắc cũng nên năng quan hệ tình ái. Không cần phải là sự giao hoan vũ bão, mà sự vuốt ve mơn trớn, sự gần bên nhay, những lời nói, những điệu bộ gợi tình vào những lúc bất chợt cũng đủ tăng thân ái và làm nhịp tim ai nhảy lên cao. Bác sĩ Robert N.Buttler, chuyên gia về các vấn đề của người cao tuổi, gọi đây là ngôn ngữ thứ hai của tình yêu, đối lại với ngôn ngữ thứ nhất, thúc đẩy, đỏi hỏi, cấp bách về sinh lý. Theo ông ta, một chút lãng mạn với nhau cần được tiếp diễn mặc dù thú vui xác thịt vì lý do nào đó đã không còn. Cũng nên nhớ là các vị lão niên, lượng nam kích thích tố Testosterone thấp, nên rất cần một chút lãng mạn để gợi tình. Kết luận. Mặc dù với nhiều cố gắng, hôn nhân trong tuổi cuối đời của đồng hương hiện cũng có nhiều khó khăn, trở ngại. Đã có nhiều trường hợp chia cách không ngờ. Người ta cho là do hoàn cảnh xã hội, địa lý. Cam ngọt trồng đất lạ thành chua. Nhưng nhìn cho kỹ, phần lớn những dang dở là do có ít tương đồng. Chỉ là tình yêu hơn là tình bạn, nên khi hóa chất say đắm của yêu đương phai nhạt, thì tìm yêu đương mới lạ để thay thế. Để rồi không có “vợ già canh ngọt, gừng càng già càng cay”. Không cùng “vợ chồng khi nồng khi nhạt”. Các cụ ta quan niệm tình nghĩa vợ chồng như một ĐẠO: Đạo vợ chồng. Ca dao dân gian thường vang lên: “Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay, Dẫu làm nên võng giá hay rủi ăn mày cũng cứ theo”. Mong rằng đó cũng là TÌNH NGHĨA vợ chồng, cái Tình Nghĩa “Chồng như giỏ, vợ như hom”, dù đã cũ.
|