Home Đời Sống Gia Đình Khi vợ chồng quyết giành 'số 1' trong nhà

Khi vợ chồng quyết giành 'số 1' trong nhà PDF Print E-mail
Tác Giả: CHAUNGUYEN sưu tầm   
Thứ Năm, 31 Tháng 12 Năm 2009 07:02

Từ ngày làm ra tiền, bà Khánh quyết giành lại vị trí số 1 trong nhà từ tay ông chồng có máu chỉ huy.

 

 
Bà chiến thắng vẻ vang nhưng từ đó, chồng ngày càng hay ra khỏi nhà hơn với lý do: "Bà làm bá chủ trong nhà, cần gì đến tôi".

Từ ngày làm đại lý cho một hãng thực phẩm chống béo phì, bà Thương Khánh chẳng những thu gọn lại thân hình phì nhiêu, mà còn kiếm được khoản thu nhập hơn hẳn chồng. Xem sách báo, bà cảm thấy dường như mình đã gần chạm đến mẫu người phụ nữ của thế kỷ 21 nên muốn lập lại vị trí "hàng đầu" trong nhà.

Bà không thể chịu nổi ông chồng có máu chỉ huy. Con học trường nào, mua sắm cái gì, đi du lịch ở đâu… ông là người đưa ra quyết định. Từ nay, bà sẽ dần dần thâu tóm quyền lực, để ông biết rằng trong nhà này còn có một người cũng ngang cơ không kém.

Việc đầu tiên là bà tự tay đầu tư lại nội thất của ngôi nhà. Ông chồng giận tím người, bởi lúc thầy thợ kéo đến chuẩn bị đập phá, bà mới đủng đỉnh nói với ông như một thông báo của cấp trên.

Ông cảm thấy bị tước mất quyền làm chồng, thấy mình bị vợ đạp xuống ngang hàng với con cái. Bà lại thản nhiên: "Nếu ông tự ý sửa nhà, tôi đâu có ý kiến gì, còn vui mừng nữa. Đằng này, ông đem tiền đi nhậu, đi chơi hết. Tôi phải tự mình lo nâng cấp nhà cửa. Ông phải khen tôi chớ, sao kiếm cớ sinh sự. Trong nhà này, đâu có phải chỉ mình ông làm ra tiền. Chẳng lẽ, tôi 'cày' vất vả, còn phải xin ý kiến, chờ ông duyệt rồi mới dám làm việc mình thích sao?".

Sau biến cố đó, ngôi nhà lộng lẫy hẳn ra, con cái bái phục mẹ sát đất. Nhưng ông chồng càng ra khỏi nhà nhiều hơn. Bà vợ thắc mắc, ông trả lời tỉnh bơ: "Bây giờ, bà ngon lành rồi, làm bá chủ trong nhà, cần gì đến tôi."

Đối với đàn ông, trở thành "số 1" trong nhà được xem như việc đã được mặc định từ trước. Vì thế, rất nhiều ông chồng, dù học rộng hiểu nhiều đến mấy, vẫn luôn nghĩ: "Mình lúc nào cũng là số 1 trong nhà", và cố ra sức giáo dục vợ hiểu rằng: "Vị trí của bà bao giờ cũng phải thấp hơn chồng". Sợ nói ra, các bà cũng chưa hiểu hết, nên các ông phải biểu hiện qua hành động, cử chỉ.

Ông Phong, doanh nhân ngành điện tử - là một điển hình. Ông quyết định mọi việc cho vợ, trừ việc bà đau bụng và đẻ lúc nào. Ban đầu, về làm vợ một người đàn ông tháo vát, bà cũng vui mừng tưởng đâu cuộc đời sẽ là những chuỗi ngày vô tư ngồi đếm tiền chồng mang về.

Đúng là bà đếm tiền mệt nghỉ, nhưng chi cái gì cũng phải chờ ông duyệt từ tiền chợ hằng ngày cho tới tiền đi làm đẹp. Sống chung lâu ngày trong cảnh công dân hạng 2, bà cảm thấy mình chẳng khác gì nhân viên của chồng tại cơ quan, cái gì cũng phải chờ ông ra lệnh mới được làm. Bà mệt mỏi, chán chường, nhưng không biết làm cách nào để thay đổi vị trí.

Chẳng ai muốn làm số 2 trong nhà, vì như thế mặc nhiên chấp nhận mình là nhân vật phụ. Thế nhưng, trong những mái ấm hạnh phúc, người số 2 lại quan trọng hơn, không tùy thuộc vào giới tính. Bởi người này, luôn có thừa sự nhường nhịn, bao dung, không có cái tôi to đùng, và đủ thông minh, trí tuệ để "định hướng" cho người số 1 trở thành một công dân phục vụ tận tụy cho gia đình.