Tà Áo Cưới |
Tác Giả: Ngô Đồng | |||
Thứ Bảy, 12 Tháng 12 Năm 2009 17:44 | |||
Tôi đi trong nắng Thu mầu nhớ
Hôm nay sao áo bay nhiều thế Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều Những tà áo cưới tiễn em đi em lấy chồng Bâng khuâng trông gió bay tà áo (Hoàng Thi Thơ) Viết mà dùng lời nhạc đã có của các nhạc sĩ ngày xưa, giống như mời khách đến nhà ăn cơm lại đãi thức ăn mua ở tiệm “cơm chỉ” vậy đó. Khoan nha, người viết không dám so sánh các lời nhạc cũ có vị giống “cơm chỉ” đâu đó, chỉ là một cách so sánh về việc bao ý bao từ đã có sẵn, chỉ việc viết nó ra thôi hà. Có hôm nghe một anh nhạc sĩ trẻ ta thán thật thương rằng: “ Các nhạc sĩ ngày xưa (Văn Cao – Phạm Duy – Phạm Đình Chương – Cung Tiến - Trịnh Công Sơn – Trần Thiện Thanh – Lam Phương v.v.) đã dùng hết bao nhiêu từ hay ý đẹp, bây giờ mình viết nhạc sao cũng bị giống của họ, nếu không chẳng còn chữ nào hay để dùng!” Cốt lõi của các từ các ý ấy hay là vì khoảng thời gian sống của các vị ấy đẹp quá, nên thơ quá, tình tứ quá và được tưởng tượng nhiều quá, họ không bị sự thật phũ phàng đánh chan chát vào mặt qua những sự kiện đau lòng được ti vi chiếu mỗi ngày, được loan đi trong vòng vài giây trên màn hình vi tính, cái màn hình to đùng vẫn còn thua cái i-phone nắm trong bàn tay, đọc được muôn vạn điều xảy ra trên thế giới. Còn gì nữa mà mơ với mộng mà tưởng mà ngờ. Câu chuyện tình xảy ra bây giờ rất rõ ràng, rành mạch ngay cả được phơi bầy trên các trang web, nếu chàng hay nàng có muốn thay đổi hướng nhìn, thôi không cùng nghĩ đến góc độ có pháo đỏ rượu hồng nữa họ chẳng ích kỷ giữ trong lòng mà sẽ viết blog cho triệu người cùng biết, chàng một blog nàng một blog, bạn chàng sẽ binh vực chàng dè bỉu nàng, dĩ nhiên bạn của nàng cũng sẽ mắng mỏ chàng chẳng tiếc lời. Có gì để phải buồn đâu nè, lại tiếp tục những ngày thong dong đi phố đi party một mình, đâu có sao ngay cả đỡ phải bực mình vì nhiều việc trái tính trái nết nhau. Quay lại chuyện tà áo cưới của thời xa xưa ấy, nhắc chi cho thêm buồn lòng ta, ngao ngán lòng họ, lại lọ mọ bước thụt lùi tìm về kỷ niệm. Ngày xưa, có một nàng con gái tuổi vừa tròn đôi chín, ngồi nhìn mông lung qua khung cửa, mơ đến một hôm nào đó có người đến nhà dạm hỏi. Người ấy nàng chưa hề gặp mặt, chẳng biết chẳng quen, chỉ vì có người mai mối nên mẹ chàng sắm chút trà rượu theo bà mai ghé thăm nhà . Họ đến nhà rồi nàng vẫn còn chưa biết cho đến khi nghe mẹ nàng gọi pha trà mang ra cho bà tiếp khách. Nàng điềm nhiên nấu nước pha trà như bao nhiêu lần khác, bưng khay trà ra, khéo léo để giữa bàn sa-lông, quỳ xuống một tay đỡ nắp, một tay nâng ấm khe khẽ nhẹ nhàng chiêu trà sang tách, hai tay bưng dĩa tách mời từng người một. Vì những cử chỉ dịu dàng ngoan ngoãn ấy, chẳng bao lâu sau nàng được mẹ cho biết gia đình người ta chính thức hỏi cưới nàng cho con trai của họ. Thế rồi thách cưới, nào là bao nhiêu cân bánh quế - bánh cốm - bánh phu thê, bao nhiêu phần trầu cau, khuyên tai, kiềng vàng, áo nhẫn? Bà mai ngọt ngào trả giá: “Chị nới nhẹ tay để các cháu sau này có vốn gầy dựng gia đình!” Nàng nghe mẹ nhẹ nhàng cương quyết: “Cháu nhà tôi vừa xinh vừa giỏi, bao năm nuôi dưỡng nay chẳng nhẽ cho không, chị nói hộ với bên ấy.” Bên ấy nếu chẳng chịu, nàng lại phải chịu chờ thêm đám khác, dù khi mời trà nàng có thấy đôi mắt người ta sao mà hiền thế! Rồi tùy duyên tùy nợ, mà nàng được mẹ gả đi lấy chồng. Sau ngày đám hỏi, cau trầu bánh quế - bánh cốm – bánh phu thê được mẹ sai em trai chở đi chia cho từng nhà họ hàng làng mạc cùng thiếp mời đám cưới, có lúc hai chị em được chồng tương lai đi theo hộ tống nhưng anh chỉ được đứng ngoài ngõ để chờ. Đến ngày cưới, cô dâu khóc khi lìa gia đình cha mẹ, sang làm dâu nhà người ta. Câu chuyện cổ tích đám cưới ấy đơn giản như bài tính một cộng một bằng hai, có muôn vàn câu chuyện cổ tích trong ấy cô gái ngồi tựa cửa mong một người cô thầm thương trộm nhớ ghé đến nhà xin bỏ trầu cau, người ấy có đến mà rồi không chạy đâu cho đủ vài trăm phần bánh, phần cau theo lời mẹ thách, thế là duyên bẽ bàng, thế là có người vào một ngày mưa thu lá bay vàng rũ, đứng ngóng một người lên xe hoa và hát: Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều Những tà áo cưới tiễn em đi em lấy chồng Rõ ràng những lời ta thán thật thà ấy phát ra thành cung thành điệu, thành nhạc không buồn đứt ruột chẳng cào cấu ruột gan, chỉ mang mang lo lắng. Ấy là về phía chàng, còn phía nàng thì cũng chẳng đau đớn gì lắm, chỉ biết vâng lời mẹ đi lấy chồng, gần hai mươi năm được uốn nắn dậy dỗ phải thương yêu tùng phục thì có khó gì đâu chuyện khép kín cửa lòng, vả lại thời xưa ấy đâu có cô nào bà nào được thoải mái làm thơ, được quyền viết nhạc, hai chuyện thơ nhạc thời ấy họa hoằn lắm mới le lói được một “nữ sĩ” cả một gia tài có vài bài thơ ca tụng đạo làm vợ, làm con, làm mẹ, được các bài hay như Hai Sắc Hoa Tigon – Đan Áo Cho Chồng – Bài Thơ Thứ Nhất – Bài Thơ Cuối Cùng của T.T. Kh thì lại bị bảo là của các ông sáng tác – đến gần bây giờ sang thế kỷ hai mươi mốt mới có chút tin T.T.Kh đúng là phụ nữ, bà có yêu một nhà thơ, nhưng phải lấy chồng cao sang giàu có (?) Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng Bốn câu thơ cuối của bài thơ Hai Sắc Hoa Tigon của T.T.Kh đơn giản như lời thở dài, thở dài xong rồi thôi, chẳng trách móc, chẳng hẹn thề chẳng mong chẳng tiếc. Nhắc đến thách cưới bánh quế, mới nhớ ra vì lý do mẹ nghĩ con gái mình là cây quế quý giá, mới như cốm đầu mùa, phu thê tương hợp vuông tròn mà thách cưới nhà trai phải mang lễ vật cho xứng. Bánh quế màu vàng, tròn và dài một gang tay, ngày xưa ngồi nướng bánh quế cực vô cùng, xếp đủ một hộp bánh có mười lớp, mỗi lớp mười bánh trong chiếc hộp vuông vắn làm bằng giấy cứng, sau đó dán giấy bóng kính đỏ hay vàng bên ngoài. Bánh cốm phải khuấy đường hấp cốm, sau đó làm nhân đậu xanh có trộn mứt bí thái chỉ, một hộp một bánh, tùy theo lời thách mà bánh dầy hay mỏng từ 250 gr đến nửa kilogram một bánh. Bánh phu thê cầu kỳ hơn vì hộp đựng bánh làm bằng lá dừa vuông vức, có nắp đậy cũng bằng lá dừa. Cách làm bánh không khó nhưng cùng lúc phải làm nhiều vài trăm hộp cần nhiều người phụ giúp, nếu ở làng quê có khi cả làng các bạn của nhà trai xúm xít lại cùng làm, nhiều chuyện dở khóc dở cười, cô dâu hụt cặm cụi cuốn bánh quế cho “người ta” đi hỏi người khác làm vợ. Nghe bài hát Ước Hẹn nhạc của Nhật, lời Việt não lòng có những câu: Ơi hỡi người chốn tha phương Nhưng vì chữ hiếu khiến em vu quy duyên mới Không biết có phải phát xuất từ việc đi lấy chồng Việt Kiều – Hàn Quốc - Hồng Kông để gởi tiền về giúp gia đình hay không? Nghe thề hẹn sang kiếp sau đền đáp tình sâu hẳn anh chàng bị mất người yêu cũng hài lòng để tiếp tục đi hát karaoke tìm bồ mới . Còn ở Việt Nam tìm tà áo cưới bây giờ chắn hẳn khó khăn lắm, các cô dâu theo thời thích mặc đầm dài lướt thướt, trong khi ở ngoại quốc các cô dâu Việt nhất định phải mặc cho bằng được chiếc áo dài cổ kính ngày xưa, có cô nhờ có đám cưới mới biết đến chiếc áo dài. Khung cảnh đám cưới Việt trên xứ người chìm lỉm vào khoảng trống của nhà thờ - chùa - nhà hàng, không ồn ào cả góc phố để có một người buồn trông theo xe hoa khuất nẻo đường rồi thờ thẫn đạp lên xác pháo. Một người lên xe hoa Một người khi thu sang (Hoàng Trọng) Khổ cho các nhà thơ, các chàng nhạc sĩ dù có nhoi nhói thất tình, cũng chẳng còn tìm đâu ra tà áo cưới để than để thở, vả lại các cô dâu bây giờ biết rõ họ đi đến đâu và sẽ làm gì, chẳng ai cần bánh quế - bánh cốm – bánh phu thê (xu xê)...
|