Home Đời Sống Gia Đình Tâm tình của những người ở ‘nursing home’

Tâm tình của những người ở ‘nursing home’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan / Người Việt   
Thứ Năm, 12 Tháng 11 Năm 2009 10:51

 ‘So với ở nhà thì không bằng’ nhưng ‘cũng vui’

 Bà Nho Nguyễn, 79 tuổi, ở viện an dưỡng Garden Park đã 6 năm, “Con tui có kêu tui về nhà mà nhà không có người, buồn lắm, nên thôi, ở đây với ổng luôn.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người tôi tiếp xúc đầu tiên tại viện an dưỡng Garden Park là bà Nho Nguyễn, 79 tuổi, trước ở Bình Thuận, Phan Thiết.

Khi tôi vào phòng, ông Hai Lê, chồng bà, đang nằm trên giường và phải thở bằng máy. Một cơn “đột quị” (stroke) gần 10 năm trước đã khiến ông phải sống đời thực vật, không còn cảm nhận gì về thế giới này.

Bà Nho ngồi trên xe lăn, xem chương trình TV của một đài Việt ngữ. Bà Nho cho biết sang Mỹ được vài năm thì ông Hai bị “tai biến mạch máu não” phải vào ở viện an dưỡng. Trong suốt 4 năm trời, bà Nho ra vào thăm nom, chăm sóc. Nhưng không may, sau đó, bà cũng mắc phải căn bệnh này, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Vậy là Garden Park trở thành mái nhà cho hai người. Ông Hai ở gần 10 năm, bà Nho cũng đã hơn 6 năm.

Tôi hỏi bà Nho nghĩ gì về cuộc sống ở đây, trong viện an dưỡng này, qua ngần ấy thời gian. “Nếu nói ở đây vui thì cũng vui, nhưng so với ở nhà thì không bằng,” bà trả lời cùng nụ cười buồn.

Ðiều bà nói là đúng. Với những người bình thường, có nơi đâu hơn ngôi nhà của mình, đi đâu, ở đâu, làm gì rồi thì cũng muốn quay về nơi gọi là mái ấm.

“Nhưng mà ở đây thì cũng được, sinh hoạt cũng được, cũng có người Việt, có phòng sinh hoạt chung,” bà Nho nói tiếp.

Ðược biết vợ chồng ông bà cùng một người con trai sang Mỹ từ năm 1993. Do gia đình quá đơn chiếc nên dẫu biết “so với ở nhà thì không bằng,” nhưng bà Nho cũng thừa nhận, “Con tui có kêu tui về nhà mà nhà không có người, buồn lắm, nên thôi, ở đây với ổng luôn.”

Bà Nho kể con trai bà đã có gia đình, “chiều nào đi làm về nó cũng ghé vào thăm tui.” Niềm vui của những người mẹ như bà Nho, có lẽ giờ đây chỉ là những giây phút đó - được thấy con mình vào thăm để biết mình vẫn còn có những ruột rà.

Ông bà còn những 4 người con ở quê nhà. “Con tui bên Việt Nam nghe tui bệnh tụi nó lo lắng, kêu tui về, mà tui về chi được,” bà nói, nước mắt lưng tròng. “Tui nhớ Việt Nam lắm, có về đó ăn Tết một lần rồi, vui lắm... Bây giờ thì làm sao về được nữa...” Giọng bà trở nên xa xăm, tôi thấy lòng mình cũng xốn xang.

Rồi bà nói, như lý giải cho sự lựa chọn của mình, “Tui đi phải có người vịn, có người dắt. Tui bệnh vào đây được chăm sóc miễn phí, đầy đủ. Về bển, bệnh thì phải đưa về thành phố, rồi tiền đâu mà chịu nổi?”

Chia tay vợ chồng bà Nho Nguyễn, tôi cũng chỉ cầu chúc cho bà “sao cho mạnh thêm” như bà mơ ước, để khi Tết về, bà lại “có thể đón xe bus đi Phước Lộc Thọ chơi hay đi chùa” nhìn thiên hạ đón Xuân sang như năm nào.

“Ở nhà không có người, ở đây họ chăm sóc đầy đủ và tốt hơn”

 Ông Trân Phan, 87 tuổi, ở viện an dưỡng gần 5 năm, “Ở nhà không có người, ở đây họ chăm sóc đầy đủ và tốt hơn.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Không có cả chồng cả vợ ở viện an dưỡng như ông bà Nho Nguyễn, ông Trân Phan, 87 tuổi, sống ở Garden Park một mình cũng đã gần 5 năm. “Thực ra ban đầu thì cũng buồn nhưng riết rồi quen. Hơn nữa thấy mọi người phục vụ đều tử tế nên không cảm thấy vấn đề gì nữa,” ông Trân chia sẻ.

Sang Mỹ năm 1992 do con bảo lãnh, ông Trân trước đây là một đông y sĩ, “đây nghề cha truyền con nối. Trước đây ông nội tôi là một thầy thuốc trong triều đình,” ông kể.

Ông cũng là người có đông con, nhưng các con hầu hết đều ở xa. Hiện giờ, ông Trân ở trong viện an dưỡng, vợ ông ở nhà cùng gia đình người con gái. “Nhà tui cũng đau thường xuyên nên không tiện đi lại, chỉ có con gái vào thăm tui thường.”

Tôi hỏi ông về cuộc sống ở viện an dưỡng, ông Trân cho rằng, “Ở nhà không có người, ở đây họ chăm sóc đầy đủ và tốt hơn.” “Ở đây phần đông là người Việt Nam nên cũng có những sinh hoạt, ca hát thường xuyên của người Việt Nam nên cũng đỡ buồn,” ông tiếp.

Cũng như ước mơ của bao người, ông Trân cũng mơ ước có dịp trở về quê nhà nhưng “sức khỏe không cho phép.” Hơn nữa, ngày Tết “con tui cũng chở về nhà chơi một ngày, rồi phải trở vào đây để uống thuốc men cho đầy đủ” thì làm sao có thể thực hiện được những chuyến đi xa dài ngày được.

“Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn làm sao mà không nhớ,” giọng ông trở nên bồi hồi. Hai chữ “quê hương,” với tôi, bỗng dưng trở nên nặng hơn bao giờ...

Ông Trân nhận xét, có lẽ vì ở đây đông người Việt, nên mỗi dịp lễ Tết gì cũng đều có nhiều hội đoàn, các tổ chức thiện nguyện vào thăm nên “cũng vui.” Tôi chạnh nghĩ, “Thế những người phải ở những viện an dưỡng nơi hiếm hoi người Việt thì sao nhỉ?”

Ông Trân nói ông luôn cầu ơn trên cho gia đình ông “luôn bình yên và mạnh khỏe.” Tôi cũng cầu chúc điều đó sẽ trở thành sự thật với riêng ông.

“Thôi đừng khóc, thôi đừng khóc”

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cơ và bà Nguyễn Thị Nhài, “Tội nghiệp cho bà ấy. Bây giờ bà đau nhưng lại ở đây một mình nên bà buồn lắm.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người thứ ba tôi được tiếp chuyện là ông Nguyễn Văn Cơ, 78 tuổi.

Ông Cơ không phải là “thành viên” của Garden Park mà chỉ là người vào thăm nom, chăm sóc vợ ông, bà Nguyễn Thị Nhài, 76 tuổi, sống ở viện an dưỡng đã được 2 năm rưỡi.

Không là cư dân California lâu đời như vợ chồng ông bà Nho Nguyễn hay ông Trân Phan, bà Nguyễn Thị Nhài vào Garden Park rất... tình cờ.

Sau khi cơn bão Katrina qua đi, New Orleans, nơi mà hai vợ chồng ông Cơ cùng các con của mình an cư lập nghiệp kể từ khi đặt chân đến Mỹ năm 1975, trở nên tan hoang. Tất cả túa đi khắp nơi tìm kế sinh nhai, gầy dựng lại cuộc sống.

Hai vợ chồng già đưa nhau về Cali thăm người con gái cũng như tìm nơi an hưởng tuổi già. “Không may bà tui bị té gãy chân, phải mổ và vào đây cho có người chăm sóc,” ông Cơ cho biết.

Trong suốt buổi nói chuyện, bà Nhài dường như khóc suốt. Ông Cơ vừa nói chuyện, vừa quay sang nhẹ nhàng dỗ dành bà, “Thôi đừng có khóc, thôi đừng có khóc.” “Bà tui ở đây buồn nên cứ khóc hoài, chứ thực ra ở đây có nhiều người Việt Nam mà,” ông nói với tôi mà cũng là để an ủi bà.

Tôi hỏi ông có thường vào với bà không, ông Cơ nói, “Trước đây thì tôi vào mỗi ngày. Bây giờ do không có người đưa đón nên mỗi tuần tôi chỉ vào khoảng 2 ngày thôi.” Nhưng “cứ hễ có ai chở cho vào là tui vào ngay, rồi ở từ sáng đến sau khi bả ăn cơm xong, gần 8 giờ mới tôi mới về,” ông kể tiếp. “Tội nghiệp cho bà ấy. Bây giờ bà đau nhưng lại ở đây một mình nên bà buồn lắm. Tôi cứ vào để an ủi bà, ‘Thôi mẹ mày vui lòng vậy, không ai muốn như vậy nhưng mà Chúa bảo mình thế nào thì mình phải chịu chứ không chối cãi gì được Chúa hết.’”

Nhìn bà lặng lẽ khóc, ông ngồi an ủi vỗ về, tôi thấy mắt mình cũng cay cay. Bà cảm thấy cô độc nơi đây, ông ở nhà đao đáo có người nào chở là vào ngay với bà. Những tình cảm đó, hình như không con cháu nào có thể san sẻ hết.

Ông Cơ cho biết thêm, “Trước thì con gái tôi cũng hay vào, nhưng năm nay thì nó cũng bắt đầu yếu nên cũng ít ghé.”

Tôi nắm tay bà hỏi khẽ, “Bác nhớ nhà không?” - “Nhớ nhà chứ. Ở đây hai cái Tết rồi, buồn lắm,” bà nói nhẹ nhàng trong nước mắt.

“Bà ấy buồn vì không có con cái ở gần đây,” ông Cơ tiếp lời. “Riêng tôi thì thấy ở đây vui vẻ lắm. Ngày lễ Tết rất đông người tới, rất vui.”

Trở về từ nursing home, một điều gì đó cứ day dứt, mâu thuẫn trong tôi.

Vào viện an dưỡng là giải pháp tốt nhất cho những người phải nhờ vào sự giúp đỡ, chăm sóc của người khác trong cuộc sống hằng ngày. Suy nghĩ mặc cảm ‘vào viện dưỡng lão là biểu hiện cho sự hắt hủi, quay mặt của con cháu’ cần phải được thay đổi.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng văn hóa Á Ðông đã là máu thịt nghìn đời của người dân Việt. Tuổi càng cao lại càng quay quắt nhớ về những năm tháng xa xưa, càng mong có con cháu vây quanh chuyện trò, chia sẻ.

Thế nên! Thầm mong sao những ánh mắt nôn nao dõi trông được nhìn thấy con cháu sau tan sở của những người đang gửi gắm đời mình trong nursing home sẽ không bao giờ là vô vọng...