Điều ít ngờ từ trái bồ kết Và Rau Thì Là |
Tác Giả: DS Phan Đức Bình - Trần Việt Hưng | |||
Chúa Nhật, 02 Tháng 8 Năm 2009 14:37 | |||
Quả bồ kết (tạo giác):
Có tác dụng tiêu đờm, sát trùng, thông khiếu.Để trị chứng trúng phong, cấm khẩu (không phải do tổn thương tại não bộ như xuất huyết não...): dùng một quả bồ kết đốt cháy, hơ trước mũi bệnh nhân, hoặc nướng bồ kết cho vàng (đừng để cháy) tán thành bột mịn, lấy khoảng 0,5 - 1 gr bột thổi nhẹ vào mũi. Nếu chỉ là ngất xỉu thôi thì bệnh nhân sẽ hắt hơi và tỉnh ngay. Để sát trùng không khí (người xưa thường gọi là trừ tà): dùng cả quả bồ kết, không kể số lượng (tùy theo khu vực sát khuẩn lớn hay nhỏ), nướng trên than hồng, để phía đầu gió (hoặc dùng quạt) cho hơi bồ kết phả vào trong nhà hoặc khu vực định sát trùng, sẽ có tác dụng khử được một số vi khuẩn, (được biết vừa qua, trong đợt cúm gia cầm để đề phòng cúm cho cán bộ công nhân viên và bệnh nhân, Bệnh viện Y học nhiệt đới cũng dùng phương thức này). Theo bác sĩ Trần Danh Tài - Chủ tịch Hiệp hội Đông y Lâm Đồng thì vào mùa lạnh hay dịp xuân hè, bệnh cúm thường xuất hiện, nếu làm như trên sẽ có tác dụng phòng ngừa được cúm. Hiện nay bệnh cúm gia cầm hay xuất hiện, người dân nên áp dụng cách này, làm sao cho hơi bồ kết phả vào khu vực chăn nuôi sẽ có tác dụng làm cho đàn gia cầm tránh được cúm. Thời gian sử dụng: nên làm 2 lần/ngày (sáng và tối) và làm hằng ngày cho đến khi hết dịch. Đối với người bị hen, suyễn: có hai cách dùng: Sắc uống hằng ngày: 0,5-1 gr, có thể kết hợp với một số vị thuốc khác để tăng hiệu quả; hay ngâm rượu: bồ kết 1/2 quả nướng vàng ngâm với 50 ml rượu, để chừng 30 phút, gạn lấy nước, uống một lần, áp dụng trong 3-5 ngày. Cách này rất hiệu quả, nhưng sau khi uống bệnh nhân sẽ bị say và ho khạc ra rất nhiều đờm, kéo dài hàng 3-4 giờ, người rất mệt. Vì vậy những bệnh nhân thể lực yếu, không biết uống rượu hoặc có các bệnh về tim mạch kèm theo thì không nên dùng phương thức này. Tốt nhất khi dùng cần được thầy thuốc theo dõi. Sau khi uống khoảng 2-3 giờ, cho bệnh nhân ăn cháo đậu xanh loãng để giã thuốc. Hạt bồ kết (tạo giác tử): có tác dụng thông đại - tiểu tiện, điều trị mụn nhọt. Cách dùng cho táo bón: 5-10 gr hạt bồ kết, sắc với 100 ml nước còn 50 ml, uống một lần. Có thể sao vàng, tán thành bột mịn, hòa trong 100 ml nước thụt vào hậu môn. Đối với mụn nhọt: 5-10 gr hạt bồ kết, sao vàng, tán mịn, rắc vào vết thương sau khi đã vệ sinh. Gai bồ kết (tạo giác thích): có tác dụng điều trị dị ứng, phù thủng và lợi sữa. Cách dùng 5-10 gr gai bồ kết, sắc uống (có thể kết hợp với một số vị thuốc khác hoặc dùng độc vị cũng có hiệu quả). Thì là gia vị & vị thuốc
Thật ra, Thì là có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải nên họ đã biết dùng từ lâu và xem như gia vị có tính làm dịu đau, gây ngủ. Người ta cũng dùng hột hoặc thân lá trước khi trổ hoa để lấy tinh dầu dùng trong kỹ nghệ thực phẩm. Hạt Thì là chứa khoảng 2 - 4% tinh dầu. Tinh dầu Thì là chứa carvon, l-limonen, phellendren và một số terpen khác. Ngoài ra, trong hột còn có petroselenic axit (Octa decenoic axit), một ít triglycerid và beta - sistosterol. Đông y sử dụng Thì là từ lâu đời. Hột Thì là có vị cay, tính ấm, tác dụng vào các kinh tỳ và vị do giúp tiêu thực, trị đau bụng, giải độc thức ăn. Ngoài ra, Thì là cũng đi vào kinh thận, bàng quang nên giúp dẫn lưu khí bị ứ đọng ở gan, trị đau bụng dưới. Một phương thuốc Nam giản dị trị đau bụng rất nhanh là hột Thì là 5g, hột Tiêu 5g tán nhỏ trộn chung uống với một chút rượu nóng. Thì là được chú ý nhất trong các trường hợp sau đây: Trợ giúp tiêu hoá: Thì là có tác dụng của carvon có thể giúp tiêu hoá thức ăn. Sau bữa ăn nặng, nên dùng một ly trà Thì là để gíup tiêu thực. Có thể tự pha trà Thì là theo phương thức rất giản dị: Giã dập 2 muỗng cà phê hột Thì là cho vào trong ly chứa 250ml nước sôi, chờ 10 trước khi dùng. Trị đau bụng nơi trẻ sơ sinh: Với tác dụng làm giảm đau, khi trẻ con khóc nhiều vì đau bụng, dùng một lượng nhỏ trà Thì là (khoảng 2 muỗng cà phê mỗi 2 giờ), không quá 4 lần trong ngày. Chống tiêu chảy, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm: Nhiều thí nghiệm cho thấy Thì là ngăn chận được sự phát triển của các vi khuẩn như Staphyloccoccus, Streptococcus và nhát là Pseudomonas cùng Escherichia coli, hai thủ phạm chính gây ra những bệnh tiêu chảy vì ngộ độc thực phẩm ở người lớn và trẻ em. Dùng rau Thì là trong bữa ăn hoặc uống 1 ly trà Thì là sẽ tránh các phiền toái này. Trị đầy hơi và hơi thở hôi Thì là có đặc tính làm vỡ các phân tử hơi trong dạ dày. Muốn trị hơi thở hôi có thể nhai vài hột Thì là trước khi nói chuyện. Lợi sữa cho các bà mẹ cho con bú Thì là làm thông ống dẫn sữa ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Nên uống một ly trà Thì là một giờ trước khi cho con bú. Ăn rau Thì là cũng được. Trị bệnh đường tiểu của phụ nữ Các bệnh này thường do vi khuẩn E. coli gây ra. Do đó ăn nhiều rau Thì là cũng như khi tắm thêm vào một lít (4 ly) nước Thì là sẽ giúp trị bệnh. Những người hay bị mất ngủ vì chứng vọt bỏ (chuột rút) hoặc nhức mỏi, rêm mình, nên ăn rau Thì là vào bữa tối hoặc uống 1 ly trà Thì là trước khi đi ngủ.
|