Thưởng Trà |
Tác Giả: Văn Lượng | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 6 Năm 2009 13:46 | |||
Ở Việt Nam, tục uống trà có từ rất lâu đời. Người Việt Nam biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước. Theo một tài liệu khảo cứu của Ủy ban khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè đã có từ thời kỳ đồ đá sơn vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Yên Bái), trên độ cao 1.000 m so với mặt biển, có một rừng chè hoang khoảng 40.000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể. Ðã có những kết luận khoa học trong và ngoài nước khẳng định rằng: Việt Nam là một trong những "chiếc nôi" cổ nhất của cây chè thế giới. Tục uống trà ở Việt Nam rất phong phú. Từ cách uống cầu kỳ cổ xưa đến cách uống bình dân, hiện đại. Thường một bộ đồ trà có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm. Phương ngôn còn lưu truyền những lời dạy về cách uống trà như "trà dư, tửu hậu", "rượu ngâm nga, trà liền tay", "Bán dạ tam bôi tửu. Bình minh nhất trản trà"... Người Việt xưa còn có tổ chức các hội trà. Khắp nơi trên đất Việt, người ta tôn vinh trà như là ông chủ của các cuộc vui. Họ tụ họp cùng uống trà khi có trà ngon hay vào các dịp đặc biệt, thường là uống trà thưởng hoa xuân, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa kia. Trước tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, hoa cúc, hoa mai trắng, thuỷ tiên ở tại vườn và tự chuẩn bị loại trà ngon nhất. sáng mồng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà. Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà vào tối mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự và dặn dò lớp con cháu. Trà ngũ hương giới hạn cho năm người. Khay uống trà ngũ hương thửa năm chỗ trũng, để năm loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu. Đậy chén trà kín hoa, bưng khay lên rồi để nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu bám vào chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét về trà. Sau mỗi chén trà, người chủ trà hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức cái tinh tuý của năm loại hoa. Ở nông thôn, người bình dân hay uống trà xanh. Đó là những lá chè tươi, rửa sạch, hãm trong nước sôi sủi tăm cá, nước trà thơm dịu, xanh ngắt. Uống trà bằng bát sành, hút thuốc lào và nếu sang hơn, có thêm phong chè làm hoặc kẹo"cu đơ" xứ Nghệ. Ở Nghệ an còn có tục uống "chè gay", hái cả cành lẫn lá hãm trong nước sôi. Trà được ủ nóng trên bếp than, lúc khát, chắt nước trong nồi ra uống. Người Việt Nam hiện nay uống chủ yếu là trà xanh sơ chế bằng phương pháp thủ công mà người đời thường gọi là "trà mộc","trà sao suốt" hay "trà móc câu". Gọi là "trà móc câu" vì cánh trà sao quăn giống hình chiếc móc câu. Song người sành trà lại bảo phải gọi là "trà mốc cau" mới đúng vì chè tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn "trà sao suốt" là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước (giảm bớt thủy phần) bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn, không to quá, không nhỏ quá. Người ta sao trà bằng chảo gang. Những thứ trà ngon thường được gọi chung là "chè Thái". Nhưng thực ra, trà bán ở thị trường hiện nay có rất nhiều nguồn gốc: trà Tân Cương, trà Mạn Hà Giang, trà Vị Xuyên, trà Lục Yên Bái, trà Suối Giàng.... Song trà dù được chế biến, được uống bằng cách nào (độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm) vẫn biểu thị một thứ "đạo". " Ðạo trà" Việt Nam thật trân trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dù lòng vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời bằng hai tay. Dâng trà đã là một ứng xử văn hóa phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một ứng xử văn hóa. Uống từng ngụm nhỏ để thưởng thức hết cái thơm ngọt của trà và cảm nhận hơi ấm của chén trà đủ nóng bàn tay ta khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái, để cảm thấy trong trà có cả hương vị của trời đất, cỏ cây. Dâng trà và dùng trà cũng là một biểu hiện phong độ văn hóa, sự thanh cao, tình tri âm, tri kỷ, lòng mong muốn hoà hợp và xóa đi những đố kỵ, hận thù. Uống trà là một cách biểu thị mức độ tình cảm và học vấn người đối thoại. Những khía cạnh của văn hóa ứng xử Việt Nam rất phong phú và biểu hiện tập trung nhất ở tục uống trà. Người ta có thể uống trà một cách im lặng và nhiều khi sự im lặng đã ẩn chứa nhiều điều. Người ta có thể xét đoán tâm lý người đối thoại khi dùng trà. Khi đã trở thành một cái thú thì người ta không thể quên nó, vì trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Tuy nhiên, trà cũng rất cần sự tiết độ. Người Việt Nam không uống nhiều, uống đặc và cũng không thể uống liên tục suốt ngày. Vì trà là một triết học về sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, sự suy ngẫm và óc tỉnh táo. Trà là một sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con người. Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương. Thưởng trà là một nghệ thuật đẹp của người Việt trong quá khứ. Thưởng trà với hoa, trăng hoặc thanh tịnh nơi trà thất. Với trà, họ có một cách thưởng thức đặc biệt và giàu ý nghĩa. Khi lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm đồng, họ thanh tịnh nhĩ căn; khi nhâm nhi từng ngụm trà nhỏ, họ thanh tịnh khẩu vị và thiệt căn; khi tiếp xúc với những trà cụ trong sự tĩnh giác, họ thanh tịnh xúc giác và thân căn; khi thâm tâm và lục căn thanh tịnh, họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền muộn và tâm hồn trở nên thanh thản. Ẩm trà lưu giữ giá trị văn hóa Việt Trong đời sống người xưa, trà là một dụng phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đến mức ẩm trà đích thực là một nghệ thuật, nếu không thì sao có chuyện cụ Sáu phải cho người nhà xuống tận chùa Đồi Mai quẩy nước về pha trà mời tiếp bạn tri ân, bởi chỉ có giếng nước chùa này mới không thể làm lạc mất hương. Từ câu chuyện người sành trà của nhà văn hào hoa Nguyễn Tuân mới thấy, với ẩm trà, hình như có gì đặc biệt… Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương.Thưởng trà là một nghệ thuật đẹp của người Việt trong quá khứ. Thưởng trà với hoa, trăng hoặc thanh tịnh nơi trà thất. Nghệ thuật uống trà trước hết là cái ấm quần ẩm. Bậc văn nho xưa dùng ấm hình quả vả, quả sung hay ấm đất nung đã một thời nổi tiếng kinh kỳ. Làm thế nào cho cao chè bám chặt vào vách ấm mà người sành trà cứ mong mỗi ngày được phủ dày thêm như phù sa bồi đắp mãi vào màu nâu của ấm đất. Lại còn chén tống, chén quân, bày tất cả lên chiếc khay hình chữ nhật, cao thành bằng gỗ trắc, chân quỳ, chạm trổ tinh vi nữa. Có như thế mới đúng là bộ trà Việt Nam xưa. Trà ắt phải đựng trong bao thiếc dày để chống được độ ẩm và hương chè mới không bay. Nước pha trà được múc từ đầu nguồn suối mới tinh khiết và uống thì phải ngồi trong không gian tĩnh lặng, thiên nhiên, con người hoà làm một để thư thái tận hưởng. Có như thế hớp chè mới chứa đầy đủ cái chất thơm ngon và cái hồn hương vị. “Một ấm trà ngon sẽ để lại cho người thưởng thức một hương thi ca và một triết lý ngàn đời”, câu nói ấy của người Trung Hoa xưa thật ý vị. Người ta cú thể uống trà một cỏch im lặng và nhiều khi sự im lặng đó ẩn chứa nhiều điều. Người ta có thể xét đoán tâm lý người đối thoại khi dựng trà. Khi đó trở thành một cỏi thỳ thỡ người ta khụng thể quờn nú, vỡ trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Trong sự gấp gáp nhịp sống đô thị hôm nay mấy ai uống trà cầu kỳ, nghiêm cẩn như pha trà bằng nước mưa, nước giếng mà Nguyễn Tuân đã miêu tả? Ai đi thuyền hứng nước lòng lá sen, ủ trà trong từng bông búp sen chưa nở? Ai mỗi sáng đun nước bằng than hoa, tiểu đồng hầu trà, chỉ vài ba chén mắt trâu thay cho bữa sáng? Tìm được một nơi thanh tịnh, bỏ lại phía sau bao ưu phiền, nhọc nhằn, toan tính để thưởng ngoạn chén trà cùng tâm tình “trà tam rượu tứ” kể không phải dễ… Còn không một phòng thưởng thức trà mà khi bước qua cửa, thực khách “lội” qua dòng nước, “dẫm” qua hàng sỏi để gột rửa, giũ sạch bụi bặm, dư tạp bước vào không gian trầm mặc mà cứ ngỡ lạc vào “cửa thiền”? Phố Cảng có một nơi như thế. Một không gian với màu sắc dịu nhẹ, không có cảm giác tức mắt ở đây. Để rồi, ta như thăng hoa cảm xúc khi âm thanh ngọt nhẹ giọng hát quan họ của liền anh, liền chị với áo tứ thân, mớ ba mớ bảy cất lời mời gọi: “có yêu nhau thì sang chơi cửa, chơi nhà”, “em pha trà mời người sơi, sơi mấy chén cho em vui lòng”… Đến đây được cười, được nói thoả chí nhưng là trong tâm thức nhẹ nhàng, không xô bồ, ầm ĩ. Hãy cùng trò chuyện trong khi đợi các thiếu nữ duyên dáng áo dài truyền trống, thường trực nét cười duyên trên đôi môi, nhanh tay nhưng khéo léo, nhẹ nhàng tráng ấm, thổi lửa, nhúm từng cọng chè trôi vào ấm Nước hoà vào trà ngút hương thơm, khói lan quanh bàn, tìm đến gọi mời khách trong ánh đèn lồng treo cao hắt xuống đủ sáng để thấy rõ cảm xúc của nhau. Hãy mở lòng cảm thông, cho dù không được pha bằng “ấm cổ” nhưng cũng có những ấm đất nung đủ “chuẩn” cho trà giữ nguyên vị thơm. Thứ trà Sen để mời khách bảo đảm tốt nhất Việt Nam rồi đấy. Phải ướp từ hơn một nghìn bông sen mới được một ký trà, cầu kỳ ở chỗ, phải là sen Hồ Tây của đất Hà Thành. Hãy tự hào khoe với bè bạn năm châu rằng trà Sen của Việt Nam ta đủ sánh với trà Đạo-Nhật Bản, trà bắc Triều Tiên hay trà Trung Hoa. Hiện hữu nơi đây hơn ba mươi loại trà khác: từ Thượng Sơn, Bạch Ngọc, Tân Cương, Hoa Bách Hợp, đến Cung Đình, Bát Bảo, Long Nhãn, La Hán… nghe tên thôi cũng cảm được những điều lắng đọng. Có một không gian thuần Việt để khách thưởng trà không còn cảm giác đang ngồi ở quán, lo toan những suy nghĩ mua bán tầm thường. Thay vào là tình cảm gần gũi, đầm ấm như ở nhà mình vậy. Ấy là không gian của mái lá, vách gỗ xen lẫn gạch cũ rêu phong hình dung không hơn một ngôi nhà xưa nơi thôn quê. Đâu đó tiếng chim kêu, róc rách tiếng nước chảy, điểm bức tranh Đông Hồ, hay những cổ vật của người chủ có thú sưu tầm, yêu thích đồ cổ từ nhỏ. Khách đến để cảm thụ văn hoá, tìm lại thú “quần thực, độc thực”, vì trà giúp tìm lại sự minh mẫn và sáng tạo ở con người. Khi thưởng trà tâm thế nhẹ nhàng, giúp con người trở về với sự thuần khiết, giản đơn hơn trong suy nghĩ, như thế ắt sẽ cảm thấy cuộc sống thi vị nhường nào. Người nước ngoài hay kiều bào xa quê, tất nhiên cả người Việt ta đắm say cùng nơi này sẽ thấy hiển hiện sâu đậm văn hoá Việt, ắt sẽ đọng lại nỗi nhớ niềm thương, ra về còn vấn vương câu hát: “…đừng thấy tôi lắm bạn mà ngờ, tuy rằng tôi lắm bạn nhưng vẫn chờ là chờ người ngoan, tính tang…tính tình… tình tang…” Người Hải Phòng tự hào có một nơi để thoả thú vui ẩm trà tao nhã, cao sang. Ở Hải Phòng mà không biết nơi này thì “phí” quá, không chỉ ẩm trà, còn có ẩm tửu, ẩm thực đặc biệt, lạ kỳ chẳng kém. Với tao nhân mặc khách, quán Nam Giao không khó tìm mặc cho nó lẩn khuất trong một ngõ nhỏ, qua hai lần ngoặt mới thấy, ngự khoảng giữa đường Văn Cao không xa lạ với mỗi người…
|