Home Đời Sống Dinh Dưỡng Những điều bạn chưa biết về trà

Những điều bạn chưa biết về trà PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Vĩnh An   
Thứ Bảy, 20 Tháng 6 Năm 2009 13:39

Trà là một trong những thức uống “cổ xưa” nhất của thế giới. Cây trà được biết đến đầu tiên bởi người Trung Quốc.Cũng chính họ đã trải qua vài thế kỷ xây dựng nên nghệ thuật trồng và chế biến giống trà thật phong phú và độc đáo cho thế giới này ngày nay.

 1. Nghi thức pha chế và thưởng trà lần đầu tiên được ghi chép trong sổ sách cũng bởi người Trung Quốc. Tái bản thứ 3 của tài liệu này được xuất bản vào năm 780 trước Công Nguyên bởi tác giả Lu Yu. Tác giả đã biên soạn khá công phu và tỉ mỉ nhiều cách thức pha chế và thưởng thức trà mà ngày nay người ta gọi là “Trà đạo”. Bình và tách trà cũng là phát minh của người Trung Quốc.

 2. Sau người Trung Quốc, trà được người Nhật Bản tiếp nhận và rồi đến người châu Âu ở thế kỷ 17. Họ trồng trà trong các thuộc địa vùng nhiệt đới. Vời thời đó, trà là một trong các loại thức uống xa xỉ và đắt tiền nhất châu Âu. Ngày nay, trà được trồng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Sri Lanka, châu Phi và Georgia.

 3. “Bữa trà 5 giờ” nổi tiếng của người Anh được hình thành nhờ nữ Bá tước xứ Bedford người thường có cảm giác đói vào buổi chiều. Một lần, bà gọi một tách trà và vài món ăn nhẹ vào phòng riêng. Việc dùng bữa trà chiều này thích thú đến mức nó trở thành thói quen hàng ngày. Chẳng bao lâu sau, cả thành Luân Đôn đều bắt chước uống trà và nháp nhấp chút sandwich vào khoảng 5 giờ mỗi chiều.

 4. Trong khi người Trung Quốc và Người Nhật uống thứ trà nguyên chất thì người châu Âu lại thêm sữa vào. Người Tây Tạng thích trà với… bơ sữa bò, người Morocco thêm bạc hà, húng quế, hoặc cây xô thơm và người Nga thêm mứt quả.

 5. Người châu Âu có thới quen uống trà với sữa bắt đầu từ thế kỷ 18 ở Anh. Ngày đó, những tách trà bằng sứ đắt tiền quá dễ vỡ và nước trà nóng có thể làm chúng bị nứt. Vì thế, người ta thêm sữa nguội vào trước để bảo vệ chiếc tách họ yêu quý.

 6. Trà ướp hương lạ nhất được pha ở Kashmir: Nó là sự pha trộn giữa thứ trà xanh và trà Dac-di-linh của Ấn Độ được hãm cùng với hạt bạch đậu khấu, quế, đinh hương, quả hạnh và hạt thông.

 7. Nhiều dược sỹ khuyến cáo các bệnh nhân của họ rằng việc lạm dụng trà có thể gây kích thích vùng thượng thận và phá vỡ bộ máy điều hòa đường huyết. Điều này có thể dẫn đến chứng mệt mỏi kinh niên, sự suy nhược, mất ngủ và các rối loạn khác.

 8. Mặt khác, người châu Á lại tin rằng trà có nhiều tác dụng tốt đến sức khỏe. Các thầy thuốc người Trung Quốc từ xưa đã kê đơn thuốc bằng các lá trà để chữa bệnh đau đầu, thậm chí để luyện tiên đan trường sinh bất lão! Họ cho rằng trà có thể làm thanh giọng, tăng cường trí nhơ, kích thích tiêu hóa và điều hòa các hoạt động của cơ thể. 

Chè đắng và tác dụng chữa bệnh 

Cây chè đắng được trồng nhiều ở Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam chè đắng được trồng ở Cao Bằng. Ở Trung Quốc, chè đắng được trồng nhiều nhất ở Quảng Tây.

Về phần loại thực vật, cây chè đắng Cao Bằng và khổ đinh trà Quảng Tây đều có cùng họ, cùng chi.

 Do đặc điểm: Lá chè được chế biến cuộn chặt như cái đinh, vị lại rất đắng. Tiếng Trung Quốc khổ là đắng, chè là trà nên có tên gọi khác: “Khổ đinh trà”.

Chè đắng là loại cây thân gỗ, có cây cao đến 30 mét.  

Theo y học cổ truyền Trung Hoa: Khổ đinh trà có tác dụng tản phong nhiệt, chữa cảm mạo nhức đầu, ngứa mắt, viêm mũi, giải độc, làm dịu chứng rung cơ, giảm khát, chữa viêm phế quản, giảm ho, tiêu đờm; tăng cường tiêu hóa, giảm tác hại của bệnh tiêu chảy, ổn định thần kinh, tăng trí nhớ.

 Theo y học hiện đại: những kết quả nghiên cứu mới đây công bố, chè đắng có tác dụng giảm cholestorol, giảm mỡ máu, giảm chứng cao huyết áp, tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn suy thoái chức năng tim và não, giãn khí quản, điều hòa mô mỡ, giảm tích tụ mỡ, làm cho cơ thể cân đối (chống béo phì). Dịch chiết nước chè đắng có tác dụng kháng khuẩn cao.

 Thành phần hóa học của chè đắng: ngoài một số hoạt chất chính khác với chè xanh, còn đại bộ phận các thành phần khác cũng tương tự như chè xanh, chỉ khác nhau về hàm lượng. Ví dụ trong chè đắng Cao Bằng có hàm lượng flavoonoid (chất có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư) lại cao gấp 7 lần chè xanh.

 Liều thường dùng: 2 lá khô (còn gọi là 2 đinh) cho ấm trà 1 người uống; pha nước sôi nhiều lần để uống đến khi hết vị đắng.

 Uống chè đắng có giảm khả năng sinh lý đàn ông?  

Điều này các tài liệu y học cổ truyền và hiện đại chưa thấy ghi. Đồng bào dân tộc ở Cao Bằng uống chè đắng đã bao đời nay chưa thấy ai nói tới tác dụng giảm khả năng sinh lý của đàn ông sau khi dùng chè đắng.

Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống

 Trà cam khổ 

Ở vùng Vạn Hội, núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân có hai thứ trà mọc hoang dã trên đồi gò hoặc ven chân núi, không ai trồng cả nhưng lại rất quí. Một loại gọi là trà cam, còn loại kia là trà khổ.

Trà cam lá nhỏ, có vị ngọt như đường, nên mới gọi là cam (ngọt). Trà khổ lá to, xanh, dày và cứng, ngắt đọt non nhai thấy đắng nhân nhẩn, nấu nước uống thì rất đắng. Bởi thế mới có tên khổ (đắng), như khổ qua (mướp đắng), khổ cự (rau diếp), khổ thái (rau đắng) v.v…

 Rễ trà cam có tác dụng hồi sức cho phụ nữ sau khi sinh nở. Còn nước trà khổ làm cho người say tỉnh rượu. Uống thường xuyên trà khổ, gan hoạt động tốt và có khả năng phòng ngừa bệnh sốt rét.

 Ngày xưa, người ta dùng cả hai loại trà cam và khổ để tiến vua. Trộn 2 ngọt 1 đắng thành trà cam khổ. Cam khổ còn có nghĩa là phải rất vất vả gian khổ, "nếm mật nằm gai" mới kiến được thứ trà này.

 Trà cam khổ bây giờ rất hiếm. Người ta đã trồng thử trong vườn nhà nhưng cây rất khó sống. Có lẽ nó ưa chen chúc nơi hoang dã. Đây là một thứ trà quí nhưng chưa mấy người biết, chưa ai quan tâm trừ người dân địa phương. Người dân mong mỏi được các nhà khoa học nghiên cứu, di thực, thuần hóa được thứ trà này để nhân giống trồng đại trà, mở ra hướng sản xuất kinh doanh để trà cam khổ trở thành hàng hóa, thành một thứ "đặc sản" kinh tế giá trị của địa phương.

 TRÀ HƯƠNG

Trà Sen

Khác biệt với 3 nước còn lại, ở Việt Nam trà ướp hương rất được coi trọng. Ngoài Nữ Hoàng Trà Sen, còn có Trà Ngũ Hương và một loại đặc biệt thú vị là Trà Hoa Sứ.

Nữ Hoàng Trà Sen luôn chiếm vị trí độc tôn trong thế giới trà ướp hương. Qua nhiều năm tháng Trà Sen đã trở thành khái niệm tinh thần chứ không đơn thuần là trà ướp hoa sen.

 Trà Sen nổi tiếng nhất là trà được ướp với hoa sen tại Hồ Tây Hà Nội.

 Trà Ngũ Hương

Năm loài hoa bắt hương nhất là Cúc, Lài, Sói, Sen và Ngâu. Mỗi loài hoa đều có thể ướp thành một loại trà. Tuy nhiên, khi nói đến Trà Ngũ Hương là nói đến cách thưởng trà vào những dịp đặc biệt như Lễ Tết. Một khay trà với 5 chỗ trũng đặt 5 loài hoa. Chiếc ly nóng úp lên hoa sau 3 phút được lấy ra rót trà thưởng thức. Hương thơm đang còn quện trong lòng chén trà, thoảng rất tự nhiên. Trà Ngũ Hương thường đi với việc ngắm cảnh Mai, Đào nở rộ ngày Tết.

 Trà Hoa Sứ

Nếu Trà Sen là vị Nữ Hoàng của Văn hóa Trà Việt Nam thì Trà Hoa Sứ là nàng công chúa vô cùng kiều diễm. Là ngôn sứ của tình yêu và sự lãng mạn, kiêu sa và mong manh, nồng nàn và trong sáng. Hoa sứ không thể ướp trực tiếp vào trà mà chỉ có thể dùng một chén trà được làm nóng úp lên hoa cho đượm hương, rồi dùng ly đó để thưởng trà.

 Uống trà Long Tĩnh 

Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã biết uống trà. Ngày nay, trà đã trở thành thức uống phổ biến trên toàn thế giới, được xem là thứ giải khát rất tốt, có tác dụng ngừa và chữa được nhiều bệnh.

 Trung Quốc có nhiều loại trà, trong đó có 4 loại nổi tiếng nhất: trà Long Tĩnh (ở tỉnh Triết Giang), trà Ô Long, trà Thiết Quan Âm (ở tỉnh Phúc Kiến), trà Phổ Nhĩ (ở tỉnh Vân Nam). Trong các loại danh trà kể trên, trà Long Tĩnh được đánh giá cao nhất, có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm và đậm, xưa kia các bậc vua chúa và quý tộc Trung Quốc thích dùng nhất loại trà này.

 Một buổi sáng mùa thu, chúng tôi rời thành phố Hoàng Châu (thủ phủ tỉnh Triết Giang) đến thăm thôn Long Tĩnh, nơi tập trung nhất ở Trung Quốc trồng loại trà nổi tiếng này. Long Tĩnh nằm ở ngoại ô phía tây nam Hoàng Châu, đi xe chỉ độ 15 phút là đến. Đây là một vùng đồi núi, chen lẫn vào giữa là những cánh đồng nhỏ trồng cây trà. Hai bên đường đi vào trung tâm thôn Long Tĩnh, có rất nhiều trà thất, trà quán, xen lẫn những ngôi nhà rất khang trang, gần như những biệt thự nho nhỏ. Hỏi ra mới biết đó là nhà của những nông hộ trồng trà. Bên cạnh những ngôi nhà hoàn chỉnh, người ta còn đang xây tiếp những ngôi nhà khác. Nông dân trồng trà ở Long Tĩnh thuộc loại giàu có ở Trung Quốc. Trà Long Tĩnh vừa đắt tiền vừa được tiêu thụ rộng rãi ở Trung Quốc và trên thế giới.

 Du khách đến Long Tĩnh, nơi đến thăm chủ yếu là trà thất của Mai gia (gia tộc họ Mai). Đây là một khu rộng lớn, gồm nhiều nhà ngang dãy dọc, có bãi đậu xe, kho dự trữ, nơi tiếp khách, quán uống trà. Đứng trước cửa trà thất, có thể nhìn bao quát cả phong cảnh chung quanh, những cánh đồng trà từ chân đồi lên đến các sườn đồi thoai thoải, đằng sau là những dãy núi mờ ảo trong sương sớm. Phong cảnh đúng như trong những bức tranh thuỷ mặc của Trung Hoa.

 Bước vào khuôn viên trà thất, đập vào mắt du khách là một bức tượng đồng sừng sững ở giữa sân, với dòng chữ khắc ở bệ pho tượng: Trà Thánh Lục Vũ. Nói đến văn hoá trà, không thể không nhắc đến Lục Vũ. Ông là người đọc nhiều, hiểu xa, giao du rộng rãi, xuất du nhiều lần ở lưu vực sông Hoài và hạ lưu sông Trường Giang, đặc biệt là những vùng nổi tiếng về sản xuất trà tại miền đông Triết Giang (trong đó có Long Tĩnh). Ông nghiên cứu khảo sát tỉ mỉ cách trồng trọt, bảo dưỡng, hái trà, cách sao chế và nghệ thuật uống trà. Từ quá trình khảo sát đó, ông viết cuốn Trà kinh, được đánh giá là bộ sách về trà hoàn bị nhất của Trung Quốc và cũng là bộ sách chuyên môn về trà đầu tiên trên thế giới.

Ngoài quyển Trà kinh, Lục Vũ còn viết cuốn Trà ký và cuốn Cổ chữ sơn ký (nội dung phần lớn liên quan đến trà). Tiếc rằng hai bộ sách này đã thất lạc, chỉ có Trà kinh là còn lại đến ngày nay.

Từ hơn nghìn năm nay, phong cách uống trà do Lục Vũ đề xướng đã được phổ biến khắp Trung Quốc. Các trà quán, trà thất đều thờ phụng ông, tôn ông là trà thánh, trà thần, trà tiên.

Nghệ thuật uống trà Long Tĩnh

Chúng tôi được hướng dẫn vào một phòng trà, ngồi chung quanh một bàn hình bầu dục. Hai cô nhân viên xinh đẹp tiếp chúng tôi, một cô pha trà mời khách, một cô giới thiệu đặc tính của trà Long Tĩnh và cách pha trà.

Trà được cho vào từng cốc, lần đầu chỉ rót một ít nước (chỉ nóng 80 độ), sau đó mới rót đầy cốc - cách rót cũng đặc biệt. Cô thiếu nữ Trung Quốc cầm chiếc ấm nước rót vào cốc, nhưng khi rót nhún lên nhún xuống đến ba lần, mục đích là để đảo trà cho đều, nếu không khéo tay thì nước nóng có thể văng tung toé trên bàn. Năm phút sau, mới lấy nắp đậy lên cốc. Để tỏ ý cám ơn người pha trà, trước khi uống, nên lấy hai ngón tay trỏ và giữa gõ lên cốc ba lần.

Điều đáng chú ý là người Trung Quốc không uống trà đặc như ở Việt Nam. Họ cho rằng uống trà đặc sẽ dẫn đến sự hưng phấn quá độ ở đại não, làm cho nhịp tim tăng nhanh và do đó không lợi cho sức khoẻ.

Cô thuyết minh còn cho biết trà Long Tĩnh có nhiều loại, loại rẻ tiền nhất là trà lão bà có thể hái vào bất cứ giờ nào trong ngày, còn quý nhất là trà cô nương, chỉ hái vào lúc 2 - 3 giờ đêm. Theo lời cô, trà Long Tĩnh có thể giữ được một năm rưỡi, còn nếu để trong tủ lạnh có thể giữ được ba năm.

Cũng giống như trà Ô Long, trà Long Tĩnh có thể pha năm lần mà vẫn còn hương vị. Chúng tôi lấy trà khô chưa pha cho vào mồm nhai thử, thấy rất dễ ăn, vừa thơm vừa ngọt, giòn tan trong miệng, nuốt vào rồi mà hương vị còn đọng ở cổ họng rất lâu.