Điểm mặt "kẻ thù" trong... tiết canh |
Tác Giả: Saigon Echo | |||
Thứ Sáu, 29 Tháng 5 Năm 2009 13:07 | |||
Sán lên não, sốt cao, xuất huyết hoại tử dưới da, nhiễm trùng huyết, viêm não, hoại tử cơ... là những căn bệnh đau đớn mà những vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có trong tiết canh có thể tàn phá con người. Những nạn nhân của tiết canh Ông Nguyễn L., 60 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An rất thích ăn tiết canh. Cách đây khoảng 2 năm, bỗng dưng ông bị lên cơn động kinh, co giật và ngã xuống đường khi đang đi xe. Sau đó 2, 3 tháng liền, ông vẫn bị triệu chứng đau đầu, động kinh và gia đình đưa ông đi khám với nghi ngờ ông bị tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Ba Lan (Nghệ An), khi các bác sĩ điện não đồ cho ông, đã chẩn đoán não của ông Liên bị tai biến do xuất hiện một sợi dây lạ. Sau khi chụp cắt lớp não, bác sĩ phát hiện sợi dây lạ đó chính là một tổ kén sán trong não. Ông được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TW và các bác sĩ kết luận ông Liên bị nhiễm sán lợn lên não do ăn nhiều tiết canh. Sau khi điều trị, số nang sán trong não đã giảm. Và đến khi diệt hết số nang sán đang sống “ký sinh” trong người ông thì chứng động kinh lúc đó mới hết. Viện Truyền nhiễm & Các bệnh Nhiệt đới Quốc gia cũng đã đón nhận không ít bệnh nhân mắc bệnh do ăn tiết canh. Nam bệnh nhân Nguyễn Ngân Đỉnh, 58 tuổi, ở huyện Thường Tín - Hà Tấy vì ăn tiết canh lợn dẫn tới sốt cao, buồn nôn, xuất huyết hoại tử dưới da, các đầu ngón chân tím đen… Các bác sĩ xác định ông bị nhiễm liên cầu lợn (Streptococcus suis). Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện Truyền nhiễm & Các bệnh Nhiệt đới Quốc gia, bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh chủ yếu là bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh ngan, vịt (có 7 trường hợp mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh, chiếm 12,5%) và bệnh nhân ăn tiết canh lợn (5 trường hợp bị nhiễm liên cầu lợn, gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não). Ngoài ra còn có bệnh nhân ở Sơn La, vì ăn tiết canh lợn mán bị nhiễm giun xoắn mà bản thân ông đã bị ấu trùng giun xoắn chui vào trong cơ thể, gây hoại tử cơ, đau cơ. Nhiều người quan niệm, tiết canh mát, bổ, nhưng với các bác sĩ, đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh, là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Còn khi động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ thay đổi chóng mặt. "Vũ điệu" của vi khuẩn Theo BS đông y Vũ Quốc Trung, tiết canh là máu tươi của gia súc như lợn, ngan, vịt... Đây là dung dịch giàu protein, protit, đồng thời là chất lỏng nên đây là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Chỉ cần khi máu của động vật ra ngoài cơ thể, các vi khuẩn có trong môi trường đã có thể xâm nhập ngay. Chưa kể, trong quá trình cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu. Một trong những vi khuẩn gây bệnh cho đường tiêu hóa chính là staphylococus aureus - còn gọi là tụ cầu khuẩn. Tụ cầu khuẩn có ở khắp nơi trong không khí và môi trường, đất, nước. Khi giết gia súc, máu rất dễ nhiễm tụ cầu khuẩn này, sinh ra các độc tố ruột. Chỉ 4 đến 5 tiếng sau khi bị ô nhiễm vào tiết canh, tụ cầu khuẩn này đã sản sinh ra loại độc tố ruột, để khi vào trong ruột và dạ dày, các men tiêu hóa không thể tiêu diệt được nó. Tụ cầu khuẩn nhanh chóng thấm vào trong niêm mạc dạ dày, ruột và máu, tác động lên thần kinh thực vật, làm cường hệ thần kinh phó giao cảm khiến tăng bóp dạ dày, ruột và dẫn đến các triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy... Nếu bị nặng, bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nhiều dẫn tới mất nước, trụy tim mạch. Vi khuẩn salmonella có nhiều trong máu sống của động vật, đương nhiên hiển diện trong món tiết canh. Nguy hiểm của loại vi khuẩn này là khi nhiễm vào trong ruột, nó sẽ xâm nhập vào các mảng Payer theo đường mạch huyết và vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết. Nó sẽ phá hủy các tổ chức tảng phủ bằng nội độc tố của nó. Loại vi khuẩn thứ ba là shigella, có trong máu và thịt động vật. Vi khuẩn này khi vào trong ruột sẽ định cư ở đó và phát triển lên trong tế bào biểu mô của thành ruột non, làm tổn thương niêm mạc ruột, khiến người nhiễm chúng có cảm giác đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng. Virus cũng "hân hoan" Ngoài vi khuẩn, trong máu động vật còn có nhiều virus gây bệnh cho người. Theo BS Trung, trong máu, tạng phủ động vật thường có virus đường ruột gây viêm gan cho người. Cơ chế gây bệnh của chúng là thông qua đường ruột, phát triển trên tế bào biểu mô đường ruột sau đó chúng tấn công sang máu và tới tế bào nhu mô ở gan. Loại virus này có thể gây viêm gan A với thời gian sau 28 đến 30 ngày; gây viêm gan E sau 40 ngày. Ngoài ra, máu của động vật còn chứa virus đường ruột (polyo) gây ra bại liệt; virus astro gây hủy hoại niêm mạc ruột, gây viêm dạ dày trên người; Virus adno có trong máu, sữa, thịt của động vật nhiễm bệnh sẽ gây ra thoái hóa thần kinh chậm người (bệnh bò điên là do nhiễm virus này) Ký sinh trùng "cổ vũ" Có không ít trường hợp ăn tiết canh nhiễm sán, giun. Một trong những ký sinh trùng hay gặp nhất là sán lá gan, giun móc, giun xoắn. Vì trong máu động vật thường có những ký sinh trùng này. Bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis) là bệnh nguy hiểm, gây sốt cao kéo dài và dễ làm người ta nhầm tưởng với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét... Giun xoắn rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy (con đực dài 1,4 – 1,6 mm, chiều ngang 40 micromet; giun cái dài 3 - 4 mm, ngang khoảng 60 micromet). Giun sống chủ yếu trong ruột non một số súc vật, đặc biệt là loài lợn. Theo máu, ấu trùng giun sẽ đi khắp cơ thể, bám trụ ở các cơ và thành kén trong các cơ rồi sống rất dai dẳng. Người khi mắc bệnh giun xoắn (do ăn món lòng lợn luộc chưa kĩ, món tiết canh) sẽ bị giun xoắn tấn công tương tự cơ chế trên, rất khó chữa, dễ làm chết người. Tiết canh lợn còn có thể "bổ sung" cho cơ thể món sán lợn. BS Nguyễn Nhật Lệ - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TW, cho biết, bệnh nhân mắc sán lợn sẽ bị động kinh, co giật là do sán chèn lên não, làm tổn thương vùng não. Sán lợn sang người thường chỉ lên não và vùng dưới da. Nếu lên não, bệnh nhân sẽ bị giảm trí nhớ, mất trí nhớ, đau đầu và động kinh co giật. Ký sinh dưới da, giun xoắn sẽ hút chất dinh dưỡng tại đây, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực hoặc liệt chân, tay.
|