Home Đời Sống Dinh Dưỡng Bạn có bao giờ bị đau lưng chưa?

Bạn có bao giờ bị đau lưng chưa? PDF Print E-mail
Tác Giả: Yến Tuyết   
Chúa Nhật, 14 Tháng 12 Năm 2008 05:43

December 09, 2008

(Viết dựa theo báo Health)

Tôi không bao giờ quên được cái thời gian bị chứng đau lưng hành hạ khoảng mười năm trước. Khi leo xuống basement của căn nhà trọ ở miền Ðông, tôi bị trượt chân, lưng đánh mạnh vào mấy cái bậc thang bằng gỗ. Mặc dù lưng bị ê ẩm cả một ngày hôm đó nhưng sau khi xoa dầu nóng và nằm nghỉ ngơi, buổi tối tôi vẫn đi làm bồi bàn lại ở nhà hàng như thường lệ. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau tôi bắt đầu thấy nhức nhối ở lưng và khi chịu đựng hết nổi tôi mới đi bác sĩ và biết mình bị “herniated disk” - dĩa sụn bị lệch. Ðau quá, và cho dù nhiều người quen can ngăn vì nói rằng có thểạ bán thân bất toại vì giải phẫu lưng, tôi vẫn quyết định đi mổ vì thà chết còn sướng hơn là bị đau lưng như vậy! May mắn thay tôi gặp một vị bác sĩ giỏi. Mổ xong, ông bảo nếu không muốn đau lưng nữa thì phải đi bộ cả đời! Chuyện đó cũng dễ thực hiện thôi nên cho đến nay tôi gắng đi bộ dù nhiều khi rất là lười biếng. Kể từ đó đến nay, trừ khi làm việc nặng như khiêng vác mấy bao gạo, hay di chuyển bàn ghế thì mới bị đau lưng sơ sơ, còn bình thường thì tôi không còn đau nữa.

Trường hợp của tôi thì vì bất cẩn hay xui xẻo gì đó mới xảy ra việc lưng bị thương như vậy chứ còn bị đau lưng thì thiên hình vạn trạng, không ai giống ai và có thể nói là 80% người Mỹ thế nào cũng trải qua kinh nghiệm bị đau lưng ít nhất là một lần trong đời. Dennis Turk, chuyên gia tâm lý hiện đang thành lập một nhóm nghiên cứu về các chứng đau nhức ở trường University of Washington nói rằng người mà không bị đau lưng bao giờ là người bất bình thường.

May mắn thay, trong một thập niên gần đây, người ta đã tìm ra những phương cách về việc săn sóc cái lưng của hàng triệu người bị đau khổ vì chứng bệnh đau lưng này, Bác Sĩ Richard Deyo đã cho biết như vậy. Sau đây là những cách thức để tránh chứng đau lưng mà các bác sĩ thuộc Stanford University, University of Washington đề nghị chúng ta nên áp dụng

1/ Tự săn sóc

Bạn trải qua một buổi sáng nhấc lên, bỏ xuống mấy cái thùng sách và lưng của bạn bắt đầu đau. Các bác sĩ gọi sự tấn công dữ dội này là đau cấp tính. Khi bị đau đớn thì cần nhất là phải hành động ngay bằng cách dùng các loại thuốc giảm đau không cần toa bác sĩ có chứa chất ibuprofen, aspirin hay acetaminophen. Nhưng nếu trong trường hợp bạn bị đau kinh niên thì phải cần đi khám bác sĩ để xin loại thuốc trị đau nhức mua theo toa.

Các bác sĩ cũng khuyên nên đắp nước đá vùng bị đau khoảng 15 phút một, từ 3 đến 5 lần một ngày. Nếu không có nước đá, bạn có thể dùng một gói đậu đông lạnh để đắp lên lưng. Nhưng nếu lưng bị đau kéo dài tới vài ngày thì nên thay phiên đắp nước nóng và nước đá. Trong khi đó, dù vẫn cố gắng hoạt động được chừng nào tốt chừng ấy.

Ðể tránh bị đau lưng, hãy ngủ trên một tấm nệm cứng (firm mattress) và khi nằm nghiêng thì nên kẹp một cái gối giữa hai đầu gối. Hãy chọn những ghế nào có hỗ trợ phần lưng dưới của bạn. Khi công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, bạn nên đứng dậy đi lại sau mỗi một tiếng đồng hồ, đừng nhấc đồ nặng và không nên để mình bị căng thẳng quá độ.

Giá cả: Một gói đậu đông lạnh: 2 đồng; một hộp thuốc aspirin: 5 đồng; tìm cách giảm căng thẳng: vô giá!

2/ Tập thể dục

Cho dù bạn ao ước được nằm ngủ nướng thêm vài giờ nữa nhưng nếu bạn tự bắt buộc mình thức dậy để tập thể dục thường xuyên mỗi ngày, thì đó là cách hay nhất có thể giúp bạn tránh được, hay bớt được chứng đau lưng. Thời gian duy nhất mà bạn cần tránh tập thể dục là vào một hai ngày đầu tiên mà bạn cảm thấy bị đau lưng cấp tính. Bác sĩ Eugene Carragee thuộc trường Ðại Học Stanford nói rằng những cuộc nghiên cứu cho thấy là những người có nhiều hoạt động trong khi đang đau lưng lại mau lành hơn những người nằm yên một chỗ.

Dĩ nhiên, những chuyên viên về vấn đề đau lưng cho biết là không có một hình thức thể dục rõ ràng nào có thể chấm dứt chứng đau lưng, tuy nhiên họ nói rằng có hai loại quan trọng: thể dục nhịp điệu như đi bộ nhanh, và co thắt cơ bụng cũng như tập thể dục vùng lưng, làm bụng và lưng trở nên chắc chắn hơn. Một người huấn luyện viên ở trung tâm thể dục có thể giúp bạn chọn lựa một phương pháp đúng cách nhưng bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.

Giá cả: Ði bộ thì không phải tốn tiền gì cả.

3/ Kỹ thuật thư giãn

Bác Sĩ Deyo cho biết sự căng thẳng có thể làm cho cơ thể của bạn bị cứng lại, khiến cho đau lưng thêm. Một vài kỹ thuật để thư giãn như tĩnh tâm (meditation) có thể giúp bạn giảm căng thẳng.

Trong một bản báo cáo vào năm 1999, cơ quan National Institute of Health đã dựa theo nghiên cứu của một số các chuyên gia để cho biết là những kỹ thuật như meditation (tĩnh tâm) và thôi miên (hypnonis) có thể giúp chấm dứt chứng đau kinh niên. Các nhà khoa học nói rằng những hoạt động này làm dịu hệ thống kích thích (nervous system) trong cơ thể. Và làm giảm sự nhạy cảm của cơ thể đối với cơn đau nhức.

Một vài kỹ thuật thư giãn như yoga và tai chi còn có thêm sự ích lợi của thể dục trong đó.

4/ Xoa bóp (massage)

Một chuyên viên xoa bóp (massage therapist) có thể nhắm vào vùng lưng và khu vực chung quanh. Ðối với nhiều người thì sự xoa bóp đem lại kết quả tức khắc và lâu dài. Những động tác xoa, nắn và tẩm quất làm gia tăng sự lưu thông của máu ở phần lưng và làm cho những cơ bắp thịt bớt căng cứng.

Có bằng chứng cho thấy là kỹ thuật chữa trị bằng cách xoa nắn dây thần kinh bắp thịt - Neuromuscular massage therapy - nhắm vào một vài điểm chính trên lưng làm cho chứng đau lưng giảm đi thấy rõ.

5/ Châm cứu-Acupuncture

Báo cáo của cơ quan National Institute of Health vào năm 1997 còn cho biết là châm cứu cũng giúp cho chứng đau phần dưới thắt lưng (low back pain). Các nhà nghiên cứu cho rằng châm cứu kích thích sự điều tiết của chất endorphin của cơ thể làm giảm cơn đau.

Trong một cuộc tìm hiểu khác, một số bác sĩ báo cáo là 2/3 số bệnh nhân được châm cứu cho biết họ hài lòng với kết quả do châm cứu đem lại.Có vài bệnh nhân cho biết là họ cảm thất bớt đau ngay sau khi được châm cứu lần đầu. Bác Sĩ Robert Schulman thuộc tổ chức American Academy of Medical Acupuncture nói: “Nếu kỹ thuật châm cứu này có thể giúp bạn bớt đau lưng thì nó phải đem lại kết quả sáu sáu lần chữa trị.”

6/ Vật lý trị liệu

Người chuyên viên về vật lý trị liệu sẽ chỉ cho bạn những hoạt động thư giãn để bớt đau cũng như chỉ dẫn bạn cách cử động tránh làm cho bạn bị thương khi bạn đang bị đau lưng. Họ chỉ cho bạn tập thể dục bằng cách giữ quân bình của các tư thế ngồi hay đứng, làm cho bắp thịt chắn chắn hơn vì nếu không, nó có thể là nguyên nhân gây nên bệnh đau lưng. Các chuyên viên này còn chỉ cho bạn cách nhấc đồ vật cũng như cúi gập người xuống sao cho đúng cách.

7/ Chỉnh xương, nắn gân-Chiropractic

Một số những cuộc nghiên cứu cho thấy là sự lôi kéo để chỉnh xương -chiropractic manipulations, thật sự làm giảm cơn đau lưng. Nguyên lý đàng sau việc điều chỉnh rất giản dị. Các bác sĩ chỉnh xương nói rằng việc sưng khớp xương hay cơ bắp bị co thắt có thể làm cho khớp xương đàng sau lưng bị bất động, gây ra chứng đau lưng cấp tính. Bác Sĩ Daniel Hansen làm việc cho cơ quan Texas Back Institute nói rằng khi người bác sĩ chiropractor dùng tay để di động những khớp xương, họ sẽ làm dịu đi sự căng cứng (tension) và giúp chúng cử động lại. Cũng giống như là chú tâm đến việc tập thể dục cho khớp xương vậy.

8/ Giải phẫu

Chỉ có 2% số bệnh nhân vị đau lưng cần phải giải phẫu mà thôi. Bác sĩ Deyo cho biết thật ra có 4 lý do để phải mổ lưng: Một là dĩa sụn bị mòn (herniated disk) gây ra cơn đau sciatic ở phía dưới đầu gối trong vòng một tháng; hai là là chứng Spinal Stenosis - rãnh xương sống bị hẹp; ba là đốt xương sống bị lệch, bốn là vì có một cái bướu hay một chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Bác Sĩ Deyo và các chuyên gia về chứng đau lưng đề nghị là những bệnh nhân cần cảnh giác và tìm hiểu trước khi quyết định về việc giải phẫu lưng cho dù có một số bác sĩ giải phẫu hứa hẹn là họ sẽ dùng những phương pháp mới mẻ nhất. Ông nói: “Có nhiều bệnh nhân nhanh chóng chọn một phương cách tối tân nhất và 5 năm sau đó biết được rằng nó không hề hữu hiệu hay là tệ hơn phương cách cũ nữa. Bệnh nhân luôn luôn nên tham khảo ý kiến của ít nhất hai bác sĩ và trước khi quyết định nên chọn một bác sĩ giải phẫu có kinh nghiệm và phải biết rõ ràng là những điều gì sẽ xảy ra trong một thời gian dài sắp tới.