Home Đời Sống Dinh Dưỡng Ginkgo: một cây hóa thạch sống

Ginkgo: một cây hóa thạch sống PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài và ảnh Võ Quang Yến   
Thứ Năm, 08 Tháng 9 Năm 2011 05:08

Nguồn gốc tên cây ginkgo là từ danh từ tiếng Tàu yin hsing, ta phiên âm ngân hạnh, người Tây phương dịch ra quả mơ bạc. Người Nhật phiên âm gin kyo

 Bản thể cây phải chăng một cội
Tự mình chia chẻ làm thành đôi
Hay cây là hai tự tìm chọn
Để mọi người xem như một thôi
.
dịch ý thơ Johann Wolfgang von Goethe (1815)

Đi dạo mùa thu ngày nay, khách thường gặp trong các công viên một cây cao, lá vàng, trái đỏ rất đẹp. Sự tích cây ginkgo khá ly kỳ : vết ấn lá cây đã được tìm ra trong đá có 270 triệu năm tuổi, vào kỷ thứ hai, nghĩa là trước cả những khủng long đã sống vào kỷ Jura (213 triệu năm). Có lẽ vào thời ấy có nhiều loài ginkgo, chẳng hạn Ginkgo primigenia, nhưng qua nhiều tai biến địa chất, tiếp theo sự tàn lụi của những khủng long là những động vật phân tán hột cây, chỉ còn hai loài vào kỷ ba (65 triệu năm) : Ginkgo adiantoides và Ginkgo gardneri theo những di tích hóa thạch. Cách đây khoảng 7 triệu năm, ginkgo không còn thấy ở châu Mỹ và 5 triệu năm sau đến lượt châu Âu cũng mất tích nó. Cây chỉ còn mọc ở châu Á, không thay đổi vì lá cây ngày nay không mấy khác là cây hóa thạch kỷ ba. Là cây độc nhất tồn tại từ thuở xa xưa, với những quả xem như là cổ nhất, làm giây liên lạc giữa hiện tại và quá khứ trong số hàng vạn loài cây, ginkgo là một kỳ quan trong ngành thảo mộc. Bên Trung Quốc cây đã được tìm ra trước ở miền bắc nhưng sau cũng bắt gặp mọc hoang trong nhiều dãy núi miền trung và miền nam. Từ thời nhà Hán (206 tCN- 220 sCN), quả hạt cây đã được dùng làm thức ăn và được ghi chép vào sách Thần nông bản thảo kinh nhưng phải đợị đến 1578 mới được Lý Thời Trân (1518-1593) kê vào cuốn Bản thảo cương mục. Một bài thơ đã đề cao nó như những viên ngọc đem tặng cho một người khách cực thân. Nhiều họa sĩ chiếu cố hình thức ngọn lá, còn các thi sĩ thì đua nhau ca ngợi vừa quả vừa lá. Người ta trồng nó bắt đầu từ các triều đại Tống (960-1280), Thanh (1280-1368), nhất là trong các sân chùa, sân miếu, những nơi có nhiều Phật tử và đồ đệ Lão tử tuy không có liên hệ giữa cây và đạo giáo. Bên Nhật Bản thì quả được dùng trong các buổi trà đạo, làm bánh, kẹo và được biết qua sách từ 1492. Vào thời Edo (1600-1867), dân chúng ăn nó như rau, dùng nó trong dấm đóng hộp. Đã từng được tôn vinh là kho tàng quốc gia vì sống lâu đời, không hề bị môi trường ô nhiễm chi phối, lại vẫn còn tồn tại tươi tốt sau quả bom nguyên tử ở Hiroshima, ngày nay cây còn được xem như một cổ thụ thần thoại, hoang đường.

Châu Âu biết được ginkgo nhờ ông bác sĩ kiêm nhà thảo mộc người Đức Engelbert Kaempfer (1651-1716). Được Công ty Hòa Lan Ấn Độ Đông phương gửi đi công cán, ông sống ở Nhật Bản từ 1690 đến 1692. Năm 1691, lần đầu tiên ông có dịp xem xét cây và tả nó trong cuốn Amoenitatum Exoticarum năm 1712. Ông viết : "Cây đạt kích thước một cây hồ đào : thân dài, thẳng, dày, nhiều nhánh ; vỏ trở nên xám, có nhiều kẽ nứt, lỗ hổng khi về già ; gỗ cây nhẹ, ít dày đặc, ít bền ; lõi mềm, xốp... Cuối xuân, đầu mút nhánh mang cụm hoa đuôi sóc chứa đầy một thứ bột mịn. Trái thịt, dày đặc, qua một cuốn dài bằng ngón tay cái mắc vào cây ở chỗ lá mọc, từ hình dáng tròn và dài ngoằn qua kích thước, vỏ ngoài sần sùi một màu vàng lạt, nó giống như một quả mận Damas : vỏ thịt, giàu, trắng, mùi vị chát, dính chặt vào quả hạch trừ phi tách nó ra, để ủng thối và khuấy trong nước như thường làm với Areca indica. Quả được gọi là ginnau, giống như quả đào lạt nhưng lớn gấp đôi, có dáng một nhân quả mơ với một vỏ gỗ mỏng, trong, mảnh dẻ ; nhân trắng chứa một quả hạnh độc nhất có vị dịu, dễ tách ra, thịt chắc. Ăn điểm tâm, những quả nầy giúp ích tiêu hóa, giảm hạ bụng trưóng do thức ăn gây ra : vì vậy, nó được dọn cho khách vào phần thứ hai của bữa ăn. Những quả hạnh được dùng nhiều cách trong bếp từ khi người ta khám phá ra có thể nấu hay nướng chúng...." Ông đem hột về trồng những cây đầu tiên ở Utrech bên Hòa Lan trong vườn bách thảo. Sau đó cây mới được đem qua Anh (Gordon 1754), Nga (Kew 1762), Pháp (Montpellier 1778). Hoa Kỳ chỉ biết nó từ 1784 trong vườn ông William Hamilton và qua 1900 thì cây được trồng suốt ven đường những đô thị bờ biển miền đông.

               Cây ginkgo ở vườn Luxemboug tại Paris

Nguồn gốc tên cây ginkgo là từ danh từ tiếng Tàu yin hsing, ta phiên âm ngân hạnh, người Tây phương dịch ra quả mơ bạc. Người Nhật phiên âm gin kyo : có thể ông Kaempfer chép lầm chữ y ra chữ g, hay ở vùng Lempo quê ông miền bắc nước Đức người ta không phân biệt y và g, hay chữ ông ta viết không rõ nên xảy ra sự lầm lẫn biến ginkyo thành ra ginkgo. Những tự điển ngày nay cũng sử dụng nhiểu danh từ khác : gingko, ginko, ginkgo, gingo hay ginkyo. Người Tàu còn gọi cây là it cho, ya chio (chân vịt), bai guo hay pei kuo. Từ danh từ nầy mà ta có tên cây bạch quả, hay nôm na hơn ta gọi cây lá quạt vì hình dáng lá cây (đừng lầm với cây rẻ quạt Daniella ensifolia DC hay Belamcanda sinensis Lem.). Năm 1771, bác sĩ kiêm nhà vạn vật học Thụy Điển Carl von Linné (1707-1778) xác định tên cây là Ginkgo biloba L., biloba chỉ loài cây vì lá có hai (bi) thùy (lobe). Sau nầy còn có hai tên Salisburia adiantifolia (Smith 1797), Phterophyllus salisburiensis (Nelson 1866) được đề nghị nhưng không mấy ai hưởng ứng. Tác giả Loudon kể chuyện năm 1780, một người ở Paris tên là Pétigny qua London, gặp một người làm vườn chịu bán cho ông 5 cây ginkgo với giá tiền 25 ghinê (đồng vàng Anh) ; hôm sau, người làm vườn tiếc của, xin mua lại một cây thôi với cùng giá tiền ; ông Pétigny không chịu, đem 5 cây ginkgo về trồng ở Pháp. Vì 25 ghinê tương đương với 40 êcu (tiền Pháp) nên ngày nay ở Pháp có danh từ "cây 40 êcu". Tên nầy nay rất được thông dụng và thường được gặp trong các vườn bách thảo trên bảng đặt trước cây. Cũng còn có một tên ít thông dụng hơn là "cây 1000 êcu" vì khi lá vàng rụng xuống gốc cây trông như một thảm êcu. Cây ginkgo có những tính chất giữa những cây dương xỉ và những cây thuộc bộ thông nên rất khó xếp hạng nó. Lúc đầu, người ta muốn xếp nó vào lớp Coniferopsidaea như dương xỉ, nhưng sau thấy cần phải đặt cho nó một lớp riêng biệt Gingopsida hay Ginkgophyta. Ngày nay loài Ginkgo biloba L. chính thức thuộc chi Ginkgo, họ Ginkgoaceae, bộ Ginkgoales.

Ginkgo là một cây biệt chu (dioïque) nghĩa là chùy (cône) phấn hoa (pollen) và tiểu noãn (ovule) nằm trên hai cây đực và cái khác nhau, tuy cũng có ginkgo ngày xưa mang cả hai bộ phận nầy trên một cây. Đằng khác, ginkgo là một loại cây khỏa tử hay hạt trần (gymnosperme) nghĩa là hạt không chứa trong trái như ở những cây bí tử (angiosperme) thường thấy. Trên cây đực, chùy phấn hoa màu vàng mọc từng nhóm 3-6 cái rủ thõng như những đuôi chồn, mỗi cái dài 1-2 cm. Hạt phấn hoa thường mang hai bao phấn hoa gọi là tiểu bào tử nang (microsporange) đằng mút có tinh dịch. Trên cây cái, tiểu noãn gồm có một cái bì bao quanh một bộ mô gọi là noãn tâm (nucellus) chứa đựng bốn đại bào tử (macrospore). Vào mùa xuân, những hạt phấn hoa rời cây đực được gió đưa lại cây cái thì luồn qua lỗ noãn (micropyle) là một lỗ nhỏ trên bì tiểu noãn, để lọt vào buồng thụ phấn rồi phát triển thành giao tử (gamétophyte). Tế bào giao tử phân chia, cấu thành hai tinh trùng mang tiêm mao rung động (một đặc tính của cây ginkgo và cây tuế cycas) rồi đợi thời kỳ thụ tinh vào mùa thu, từ lỗ noãn bên dưới bơi lên, một tinh trùng phối hợp với noãn tâm. Khi phôi thai bắt đầu phát triển, noãn tâm từ xanh thay màu phồng lớn bằng quả mận vàng và vẫn tiếp tục ngay cả khi quả rơi xuống đất nhờ chất dinh dưỡng có sẵn. Khi ấy, thai là một bì chất dinh dưỡng đùm bọc hai tử diệp (cotylédon); bì nầy gồm có một lớp trong cứng (sclerotesta) và một lớp ngoài vàng cam (sarcotesta) dày khoảng 5 cm. Lớp ngoài nầy trở dần nên vàng đỏ, mang nhiều vết và cho thoát ra một mùi thúi khi thoái hóa vì chất butanoic acid. Bì cây còn có thể gây nôn mửa, mụn nhọt trên cơ thể ta vì cơm quả chứa đựng urushiol là một chất gây dị ứng khi chạm vào da. Vì những mô bên trong của hạt là giao tử và phôi thai có thể ăn được nên phải dùng găng tay lượm hạch rồi phải rửa nước thật sạch để thải hết bì trước khi dùng. Bì nầy trì hoãn cuộc nảy mầm, may nhờ trong bao tử các thú ăn hạt, bì bị tiêu hủy và hạt hết còn bì khi được bài tiết ra ngoài.
 
Ngoài hạt, có thể phát tán cây ginkgo bằng các phương pháp giâm cành hay tháp cành. Giâm cành là cách chắc chắn nhất để có được một cây theo giới tính mong muốn. Người ta thường hay ghép cành cây đực lên thân cây cái để cuộc thụ tinh được dễ dàng. Rất khó phân biệt được giới tính khi chưa đến mùa cây trỗ hoa. Bên Nhật, trẻ con được nghe giảng khi lá hai thùy lá cây cách nhau rõ rệt như hai ống quần thì đó là cây đực, còn nếu hai thùy gần như gắn liền với nhau như một cái váy thì đó là một cây cái. Lắm người tin mùa xuân lá cây đực mọc sớm hơn lá cây cái và qua mùa thu lá cây đực cũng rơi sớm hơn. Nhận xét nầy nghe nói cũng diễn biến trong một cây ghép vừa đực vừa cái. Cây ginkgo cao 30-40 m nhưng cũng có lúc lên đến 50 m, choáng một khoảng càng rộng khi cây càng già. Cũng vào lúc nầy, cây có thể cho mọc những rễ ngoài trời, rơi xuống dọc thân cây và cành, chạm vào đất, nẩy rễ thành thân, mọc cành. Xem xét cặn kẽ gỗ cây, người ta nhận thấy mộc bộ (xylème) không có mạch dẫn nhựa mà là những sợi mạch (trachéide) gây ra những khoảng gian bào, chứa đựng những đám tinh thể (druse) mà thành phần là calcium oxalat. Muối oxalat nầy còn nhiều hơn trong vỏ cây. Đây là những đặc tính khác của cây ginkgo.

                                         Hoa cây đực mùa xuân

Quả hạch ginkgo có vị dịu, nấu chín ăn tựa như hạt dẻ. Người ta có thể luộc, hấp hay nướng, ăn với cơm, nấm, rau, đậu phụ hay trộn vào cháo. Chỉ chứa đựng 3% chất mỡ, nó cống hiến một nguồn tinh bột, protein, niacin. Ăn nhiều hay ăn lâu ngày, đặc biệt ở con trẻ thiếu vitamin B6, thường có xảy ra sự ngộ độc do chất methoxy pyridoxin gây ra. Bên Nhật Bản, từ thế kỷ 18, mang tên ginnan, quả được đem nướng làm đố nhắm rượu saké. Ngày nay, quả được dùng làm món nhúng nabe ryori hay đem nướng hoặc luộc, hấp với trứng trong món chawan mushi. Ngoài chợ có bán quả hạch tươi hay đóng hộp qua những nhãn Pakewo, Pakgor,... Dầu quả hạt đã được dùng làm nhiên liệu thắp đèn. Người ta cũng cho trộn cơm quả hạt với dầu hay rượu làm xà phòng. Lá cây, trước khi được chiết để nghiên cứu chất thuốc, thường đã được sắc uống, chế trà, dùng trong mỹ phẩm bảo vệ da (20), điều hòa lưu thông máu trong da (28), thuốc rửa tóc, kích thích tóc lại mọc (25). Nó cũng được dùng làm thuốc sát trùng hay làm phân bón. Một sử dụng nghệ thuật là nhờ hình dáng lạ, màu vàng đẹp mùa thu, lá tự nó là một dải đánh dấu trang vừa rẻ tiền vừa trang nhã ; hơn nữa nhờ tính chất diệt trùng, một phần nào nó bảo vệ sách ! Có lẽ bên Nhật hình dáng lá cây được thấy nhiều nhất, trên áo kimono, khăn quàng, khăn tay cũng như trên bia mộ, huy hiệu các gia đình, trường học, tượng trưng cho thành phố Tokyo từ năm 1989. Nó được dùng làm mẫu cho những búi tóc các nàng gheisa, các lực sĩ sumo. Trong các viện bảo tàng, khách ngắm được những mảnh đốc kiếm sukashi tsuba bằng kim loại hình lá cây rất thanh nhã, nay thành mẫu những đồ nữ trang lắc lư trên ngực các cô, các bà. Sau cùng gỗ cây, nhẹ, trơn, dẻo, được dùng để chạm trổ, chế tạo bàn và con cờ, những vật dụng trong buổi trà đạo, trên bàn thờ chùa miếu, thùng vận dụng rượu saké, những tủ chống cự lại được sâu mối, gỗ cây cái trong kỹ nghệ làm giấy.

                                Hoa cây cái mùa xuân 

Sách vở Tàu từ lâu đã bàn đến những vị thuốc trong cây ginkgo. Quả nhuộm đỏ được sử dụng trong các buổi lễ, dọn ăn trong các đám cưới, giúp tiêu hóa, giải rượu. Thường được dùng thay thế hột sen, quả là một thuốc lại sức trong thời kỳ bổ dưỡng, thuốc yang qui tăng cường năng lực tính phái. Nó là thành phần các liều thuốc chữa những bệnh tim, phổi, ho hen, viêm họng, iả chảy, nóng sốt, điều hòa đường niệu, tương quan giữa thận và bóng đái. Người ta tin nấu chín, nó ổn định tinh dịch, còn tươi thì nó có khả năng tác dụng chống ung thư, độc trùng. Nhờ các chất ginkolic acid (16,22), ginnol, nó có tính chất ức chế hoạt động vi khuẩn, nhiễm trùng do mốc meo gây ra. Quả hạch xay nhỏ đem sắc uống có khả năng kích thích sự tuần hoàn. Lá cây trong thang thuốc bai guo ye được dùng để chữa những chứng hô hấp như hen suyển, viêm phế quản, những chứng thính giác, những bệnh ngoài da, khí hư, ho lao, tuần hoàn, huyết áp, bệnh lậu, bao tử, kiết kỵ, trí nhớ, lo âu. Đem nghiền thành bột, lá cây được đem xông chữa tai, mũi, họng cũng như viêm mũi hay phế quản. Lá cây còn được dùng làm thuốc cao dán. Nó được xem là thuốc trị liệu khớp cắn (occlusion) động mạch ngoại biên gây ra tật đi khập khiểng cách quảng (claudication intermittente)(1,29). Chứa đựng nhiều flavonoid (14), nó có hoạt động phản oxy hóa, thu hồi những gốc tự do ở mức não và võng mạc ở mắt nên có tác dụng ngăn ngừa những rối loạn nguyên do từ tuổi già, rối loạn tuần hoàn óc não, chứng Alzheimer (12) và làm chậm sự lão hóa võng mạc (10). Tác động lên sự lão suy của não, kích thích sự tổng hợp dopamin, nó cải thiện trí nhớ, tâm trạng, cảnh giác, năng lực nhận thức (22). Tăng máu vào não, nó giảm nhẹ sự sa sút trí tuệ thoái hóa (7) tuy có khả năng tăng gia xuất huyết (18). Nó có thể giúp ích cho những người không thoải mái ở núi cao (15) hay bị loạn năng tình dục (27). Đặc biệt cho các bà, nó có khả năng giảm đau sau thời kỳ mãn kinh (17,33).

                              Trái và lá mùa thu

Bắt đầu từ 1950, người Đức là những người Tây phương đầu tiên muốn khảo cứu sâu rộng tiềm lực y học của ginkgo, đặc biệt phần chiết từ lá, tưởng có phần phong phú hơn phần chiết từ quả hạch. Nói chung, ở Âu châu, những phần chiết được xem có hiệu nghiệm không kém gì những phương thuốc cổ điển để kìm hãm cuộc tiến triển của chứng Alzheimer cũng như để làm giảm bớt những hỗn loạn có liên hệ đến sự suy đồi của trí nhớ và chức năng nhận thức. Chính bác sĩ kiêm nhà thực vật học Willmar Schwabe ở Karlsruhe đầu tiên phân tích những thành phần của phần chiết từ lá, nghiên cứu những hoạt động của chúng và năm 1965 cho sản xuất thuốc Tebonin, nồng độ 10/1 (nghĩa là 1kg chiết từ 10 kg lá). Sau đó, hãng Beaufour ở Pháp và nhiều hãng khác tiếp tay phát triển phần chiết, phần lớn với nồng độ 50/1. Riêng ở Đức, phần chiết EGB 761 (ngoài Tebonin còn mang những tên Kaveri, Tanakan, Rokan, Ginkgold) là một trong 5 vị được ghi nhiều nhất trong các toa thuốc, theo sau là phần chiết Li 1370, chứa đựng 22-24% glucoflavonoid (quercetin, kaempferol, isohamnetin,...) (32) và 5-7% terpenolacton (những ginkgolid, bilobalid) (14,30). Flavonoid là những chất chống oxy hóa, cũng đã tìm ra được trong rau quả. Còn những ginkgolid là những chất ức chế sự đông tụ máu, có hiệu nghiệm nhất là ginkgolid B (16) trong toa thuốc BN-52021 (9). Được Furakawa chiết xuất năm 1932, phải đợi đến 1966 mới thấy Nakanishi khảo cứu tường tận cấu tạo, ginkgolid được Corey ở Viện Đại học Harvard năm 1988 thành công nhân tạo tổng hợp để nghiên cứu các tính chất chống sự hắt gạt những cơ quan vừa ghép và nhân đó hai năm sau đuợc thưởng giải Nobel. Hội đồng Liên bang Đức về Sức khỏe năm 1988 có kê khai một bảng những hoạt chất của cây ginkgo đuợc Hội đồng thực vật học Hoa Kỳ in.

Nói chung, tính chất cốt yếu của ginkgo là chống oxy hóa (19), đào thải những gốc tự do (3), được dùng trong cuộc trị liệu chứng Alzheimer (12,26). Người ta dùng nó để điều trị bệnh trên nền tảng cơ chế bệnh lý gây ra một cuộc thoái hóa thần kinh (6), những biến chứng sau một cuộc nhồi máu não như những rối loạn nhận thức, trí giác, vận động, trí nhớ, ngôn ngữ (22), những chứng ù tai, chóng mặt (2). Phần chiết với ginkgolid có tính chất bảo vệ thần kinh, hoạt động tiết acetylcholin phụ thuộc cơ chế chứng Alzheimer (5), bảo vệ màng ruột (4), giảm hạ bệnh phù và tổn thương sau chứng tăng thân nhiệt (9). Bên phần chiết với flavonoid thì có tác dụng chống đầu độc tế bào, bảo vệ những tế bào thần kinh, tất nhiên cũng chống bệnh thiếu máu cục bộ não (11). Theo một văn bằng sáng chế Hàn Quốc, phần chiết chứa đựng isoginkgetin thi giảm hạ nhựa và nicotin trong thuốc hút, đồng thời làm tăng mùi hương (23), lá dùng quấn điếu thay thuốc lá (34). Phần chiết ginkgo không chỉ là chống oxy hóa, nó còn là một thuốc có tiềm năng chống viêm (13), giảm nhẹ bất an tâm thần (8,34), ngăn cản, kềm hãm, giảm hạ thiệt hại động lực thần kinh, mất cân (24). Trái cây ginkgo được dùng để làm dấm chữa các chứng tăng huyết áp, tăng lipid huyết, bệnh đái đường (36). Một văn bằng Nhật Bản đề nghị một thức uống hạ huyềt áp, điều hòa máu, tăng miễn dịch, phòng ngừa các chứng mạch tim, mạch não (35), bổ sức gồm có ginkgo và nga truật Curcuma zedoaria(21). Thuốc men thì đã sử dụng nhiều ginkgo. Năm 1997, số tiền bán phần chiết lá ginkgo vượt quá 100 triệu USD. Những lá nầy được sản xuất trong một đồn điền lớn 400 ha (25.000 cây mỗi ha) ở South-Caroline (Hoa Kỳ) của một công ty Pháp-Đức và những đồn điền nhỏ hơn ở Bordeaux (Pháp). Ở Á châu, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây Trung Quốc đều có trồng ginkgo. Năm 1990, một đồn điền ở tỉnh Shandong và nhất là ở tỉnh Jiangsu đạt đến 3000 ha. Khí hậu hai nơi gần giống nhau nên công ty Pháp-Đức đã kết hợp với người Tàu, đem qua máy móc gặt hái vì đến nay người Tàu hái lá bằng tay : những cây trồng nầy không cao quá con người và cứ 5 năm thì nhổ đi trồng lại.

Nếu cây ginkgo ngày nay đang trở thành một cây thuốc quan trọng trong môn liệu pháp thực vật học, nó có thể ghi trong lịch sử một nạn nhân : ông Sakugoro Hirase (1856-1925). Cán sự thực vật học ở Phân khoa Khoa học, Viện Đại học Hoàng gia Tokyo, ông tự học kỹ thuật nuôi trồng. Từ năm 1894 ông khảo cứu thời gian thụ trái và cấu tạo phôi thai cây ginkgo. Khảo sát noãn tâm qua kính hiển vi, ông thấy được một cấu trúc tỏa tia đặc biệt, hai noãn cơ thực vật (archegonia) trong tiền phôi nhũ (endosperme), sau đó những tiêm mao rung động : ông đã khám phá ra những tinh trùng (1896) cây ginkgo. Sau những báo cáo ở Hội Thực vật học Tokyo, ông cho đăng kết quả trong tờ Tạp chí của Hội (1898) : ở Tokyo, thời kỳ thụ phấn nằm giữa tháng 4 và tháng 5, còn thời kỳ thụ tinh thì giữa tháng 9 và tháng 10. Cùng Seiichino Ikeno (1866-1943), giảng sư đại học, với những khám phá về tinh trùng cây tuế Cycas revoluta, hai ông được tặng thưởng giải Viện Hàn lâm Hoàng gia Tokyo năm 1912. Những khám phá của ông được chính thức thừa nhận, nhưng không phải giảng viên hay giáo sư đại học, thành công của ông có lẽ đã gây khó khăn cho ông trong giới khảo cứu, vì sau đó ông từ chức và đi làm giáo viên. Năm 1925, khi ông từ trần, S. Ikeno trở thành giáo sư ở Viện Đại học Tokyo, có viết bài ca tụng và năm 1967, Gs Y. Ogura cũng có bài nhắc lại sự tích khám phá tinh trùng cây ginkgo. Bên phần S. Hirase, dù sao đã để lại một tấm gương sáng không những cho những nhà thực vật học mà cho cả một thế hệ thanh niên Nhật Bản.

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Viết tại Xô thành

Nghiên cứu và Phát triển 3(62) (2007) 61-69 (có bổ túc)

Tham khảo

www.xs4all.nl/~kwanten, www.passeportsante.net/fr, www.biologie.uni-hamburg.de/b-online

1- H. Letzel, W. Schoop, Gingko biloba extract EGB761 and pentoxifylline in intermittent claudication. Secondary analysis of the clinical effectiveness, VASA (4) 21 (1992) 403-10

2- C.B. Cano, A.J. Marco, B. Perez del Valle, P.F.J. Pellicer, The effect of Ginkgo biloba on cocheleovestibulary pathology of vascular origin, A..Otorrinolaringologicos Iberoamericanos (6) 22 (1995) 619-29

3- M. Rosler, W. Retz, J. Thome, P. Riederer, Free radicals in Alzheimer's dementia : currently available therapeutic strategies, J. Neu. Trans. Supp. 54 (1998) 211-9

4- A. Onen, E. Deveci, S.S. Inaloz, B. Isik, M. Kilinc, Histopathological assessement of the prophylactic effect of Gingko biloba extract on intestinal ischemia-reperfusion injury, Acta Gastroenterologica Belgica (4) 62 (1999) 386-9

5- E.K. Perry, A.T. Pickering, W.W. Wang, P.J. Houghton, N.S.L. Perry, Medicinal plants and Alzheimer's disease: from ethnobotany to phytotherapy, J. Pharmacy and Pharmacology (5) 51 (1999) 527-34

6- S. Kieszek, Trials and perspectives in pharmacotherapy of Alzheimer's disease, Psychiatria Polska (3) 33 (1999) 331-40

7- A. Gajewski, S.A. Hensch, Ginkgo biloba and memory for a maze, Psychological Rep. (2) 84 (1999) 481-4

8- D. Pratico, N. Delanty, Oxidative injury in diseases of the central nervous system : focus on Alzheimer's disease, Amer. J. Med. (7) 109 (2000) 577-85

9- J. Westman, K. Drieu, H.S. Sharma, Antioxidant compounds EGB-761 and BN-52021 attenuate heat shock protein (HSP 72 kD) response, edema and cell changes following hyperthermic brain injury. An experimental study using immunohistochemistry in the rat, Amino acids (1) 19 (2000) 339-50

10- C.P. Juarez, J.C. Muino, H. Guglielmone, R. Sambuelli, J.R. Echenique, M. Hernadez, J.D. Luna, Experimental retinopathy of prematury : angiostatic inhibition by nimodipine, Ginkgo biloba, and dipyridamole, and response to different growth factors, Eur. J. Ophthalmology (1) 10 (2000) 51-9

11- M.S. Kobayashi, D. Han, L. Packer, Antioxidants and herbal extracts protect HT-4 neuronal cells against glutamate-induced cytotoxicity, Free Rad. Res. (2) 32 (2000) 115-24

12- H. Sienkiewicz-Jarosz, W. Kostowski, Perspectives of therapy of Alzheimer's disease, Psychiatria Polska, (4) 34 (2000) 623-40

13- A. Wong, S. Dukic-Stefanovic, J. Gasic-Milenkovic, R. Schinzel, H. Wiesinger, P. Riederer, G. Munch, Anti-inflammatory antioxidants attenuate the expression of inducible nitric oxide synthase mediated by advanced glycation endproducts in murine microglia, Eur. J. Neurosci. (12) 14 (2001) 1961-7

14- K. Nakanishi, K. Stromgaard, D.R. Saito, Synthesis of gingolide probes for neuromodulatory studies, Abs. Papers 223rd ACS Nat. Meet. Orlando, FL, US 7-11(2002)

15- J.H. Gertsch, T.B. Seto, J. Mor, J. Onopa, Ginkgo biloba for the prevention of severe acute mountain sickness (AMS) starting one day before rapid ascent, High Alt. Med. Biol. (1) 3 (2002) 29-37

16- F. Drago, M.L. Floriddia, M. Cro, S. Giuffrida, Pharmacokineticks and bioavailability of a Ginkgo biloba extract, J. Ocular Pharmacological Therapeutics (2) 18 (2002) 197-202

17- H. Xu, D.S. Fabricant, C.E. Piersen, J.L. Bolton, J.M. Pezzuto, H. Fong, S. Totura, N.R. Farnsworth, A.I. Constantinou, A preliminary RAPD-PCR analysis of Cimicifuga species and other botanicals used for women'health, Phytomedicine (8) 9 (2002) 757-62

18- B.J. Tesch, Herbs commonly used by women : an evidence-based review, Amer. J. Obstetrics and Gynecology 188 (5 Suppl) (2003) S44-55

19- O. Lopez, D. Bonnefont-Rousselot, M. Edeas, J. Emerit, F. Bricaire, Could antioxidant supplementation reduce antiretroviral therapy-induced chronic stable hyperlactatemia? , Biomedicine and Pharmacotherapy (3) 57 (2003) 113-6

20- M.M. Cals Grierson, A. Ormerod, Use with extracts vegetaux to improve the function barrier of the skin, Fr. Demande FR 2831443 (2003)

21- S. Toyota, Health beverage preparation from Curcuma rhizome juice, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2003111581 (2003) 4 tr.

22- T. Morimasa, Gingko biloba extracts for treatment of complications after brain infarction, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2003095966 (2003) 7 tr.

23- C.W. Cho, C.Y. Jung, A filtering material for cigarettes composed of ginkgo leaves starch, spices, and a zeolite, PCT Int. Appl. WO 0313285 (2003) 22 tr.

24- M.F. Beal, R.J. Ferrante, J. Ribert, Use of gingko biloba extracts to promote neuroprotection and reduce weight loss, PCT Int. Appl. WO 0347511 (2003)

25- K.H. Lee, S.I. Han, G.H. Park, Y.E. Kwon, Evaluation of the herbal extract or the effects of hair-regrowth compared to 3% minoxidil ; elongation of anagen period on C3H mice, Yakhak Hoechi (1) 47 (2003) 14-9

26- B. Schmitt, T. Bernhardt, H.J. Moeller, I. Heuser, L. Froelich, Combination therapy in Alzheimer's disease : a rewiev of current evidence, CNS Drugs (13) 18 (2004) 827-44

27. D. Wheatley, Triple-blind, placebo-controlled trial of Ginkgo biloba in sexual dysfunction d ue to antidepressant drugs, Hum. Psychopharmacology (8) 19 (2004) 545-8

28- E. Boelsma, R.J.A.N. Lamers, H.F.J. Hendriks, J.H.J. van Nesselrooij, L. Roza, Evidence of the regulatory effect of Ginkgo biloba extract on skin blood flow and study of its effects on urinary metabolites in healthy humans, Planta Med.(11) 70 (2004) 1052-7

29. M.H. Pittler, E. Ernst, Complementary therapies for peripheral arterial disease : systematic review, Atherosclerosis (1) 181 (2005) 1-7

30- K. Nakanishi, Terpene trilactones from Gingko biloba : from ancient times tothe 21 st century, Bioor. Med. Chem. (17) 13 (2005) 4987-5000

31- J. Liang, Cigarette-like product containing leaves of Gingko biloba, Lycium chinense and Mentha haplocalyx, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1559313 (2005) 8 tr.
 
32- G. Kostalova, D. Tekelova, Sz. Czigle, J. Toth, M. Mrlianova, S. Lalkovic, Comparison of flavonoid contents in mass produced drugs and diatery supplements containing Gingko bilola L., Farm. Obzor (Slovakia) (5) 74 (2005) 119-23

33 S. Elsabagh, D.E. Hartley, S.E. File, Limited cognitive benefits in stage+2 postmenopausal women after 6 weeks of treatment with Ginkgo biloba, J. Psychophamacology. (2) 19 (2005) 173-81

34- M. Atmaca, E. Tezcan, M. Kuloglu, B. Ustundag, O. Kirtas, The effect of extract of Ginkgo biloba addition to olanzapine on therapeutic effect and and antioxidant enzyme levels in patients with schizophrenia, Psychiatry and Clinical Neurosciences (6) 59 (2005) 652-6

35- X. Zhao, Vinegar manufactured from Gingko biloba and Fagopyrum tataricum, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1721521 (2006) 5 tr.

36- L. Weng, Method for producing pure Gingko biloba beverage, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1803032 (2006) 4 tr.