Home Đời Sống Dinh Dưỡng Nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Loan   
Thứ Hai, 08 Tháng 11 Năm 2010 06:13

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến chín, do chăn nuôi, giết mổ lợn bệnh đang có dấu hiệu gia tăng.

Trong đó có những trường hợp nặng phải điều trị hồi sức tích cực và thở máy. Đặc biệt, qua tìm hiểu, hiện nhiều gia đình bệnh nhân mới chỉ biết thông tin về bệnh lợn tai xanh mà chưa chú ý phòng bệnh liên cầu khuẩn.

Hồi sức cấp cứu vì ăn tiết canh lợn

Anh V.V.N. (47 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) - bảo vệ cho một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng - Hà Nội, được chuyển đến Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương với biểu hiện sốt cao, sốc và xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử trên tay, chân. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, tuy vào viện từ ngày thứ hai sau khi có biểu hiện sốt, nhưng tình trạng bệnh nhân đã rất nặng nề.

Kết quả cấy bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân V.V.N. dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Theo người nhà bệnh nhân, do hoàn cảnh đi làm xa nhà, anh N. thường ăn "cơm bụi" và có thói quen thỉnh thoảng uống rượu với lòng lợn tiết canh. Trước hôm phát bệnh vài ngày, anh có ăn tiết canh lợn. Hiện sau 4 ngày nhập viện, anh N. vẫn đang điều trị hồi sức tích cực do bị suy đa phủ tạng.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận gần 40 ca mắc bệnh liên cầu lợn. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 đến nay, số ca mắc và nghi mắc liên cầu lợn nhập viện tăng thêm 10 trường hợp. Hiện đã xác định có 6 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 2 trường hợp nặng phải cấp cứu và thở máy.

 
Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn điều trị tại Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương

Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương chủ yếu đến từ các quận, huyện của Hà Nội như Hoàng Mai, Hoài Đức, Thường Tín... Hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện có biểu hiện sốt rất cao (trên 40 độ C), khó thở, tiêu chảy, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử trên da, có trường hợp chuyển thành suy gan. Trong đó, có những trường hợp nặng phải điều trị hồi sức cấp cứu và thở máy dài ngày.

Cảnh báo thói quen ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn đều có tiếp xúc trực tiếp với lợn mắc bệnh như chăn nuôi, giết mổ lợn trong khi không có găng tay, quần áo bảo hộ lao động, tay, chân bị xước khiến vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt, có cả những trường hợp nhiễm khuẩn do ăn thịt lợn bị bệnh hoặc thực phẩm từ lợn bệnh chưa được chế biến kỹ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là ăn tiết canh lợn. Nhiều người có thói quen ăn tiết canh lợn, dù đây là món có thể gây lây nhiễm khuẩn trực tiếp rất nguy hiểm.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương, liên cầu khuẩn trên lợn có khả năng lây từ con vật bệnh sang người theo đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, ăn uống. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp, có thể chuyển biến rất nặng gây bệnh viêm não mủ, hội chứng nhiễm trùng huyết… khiến người bệnh tử vong.

Nguy hiểm như vậy, nhưng nếu được phát hiện sớm, việc chữa khỏi bệnh liên cầu khuẩn khá đơn giản, ít tốn kém, vì thuốc kháng sinh điều trị rất hiệu quả với loại khuẩn này. Do việc chẩn đoán chính xác bệnh liên cầu khuẩn là khá khó khăn, nên một số tuyến y tế cơ sở chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, dẫn đến điều trị không đúng cách. Đặc biệt, hầu hết người mắc bệnh đến viện muộn, kể cả bệnh nhân ở Hà Nội, thường sau 7 - 10 ngày mới đến khám, với nhiều biến chứng nặng, gây khó khăn trong điều trị.

Theo kinh nghiệm của một số người giết mổ và bán thịt lợn, những con lợn có biểu hiện như da có nhiều mảng đỏ, sần, sung huyết, bao khớp dày, sưng, có dịch, phổi có mủ, thịt có màu đỏ khác thường... là lợn đã mắc bệnh. Còn theo các chuyên gia thú y, bằng mắt thường, rất khó để nhận biết lợn mắc bệnh liên cầu khuẩn so với lợn khỏe mạnh, mà cần đến các xét nghiệm phức tạp trong phòng thí nghiệm xác định.

Do đó, cách tốt nhất để người dân tự phòng bệnh là phải ăn thịt lợn chế biến chín, hợp vệ sinh, từ bỏ thói quen ăn tiết canh và cần có đủ phương tiện bảo hộ lao động khi chăn nuôi, giết mổ lợn

Thanh Loan