Home Đời Sống Dinh Dưỡng 13 lợi ích bạn chưa từng biết về cây húng quế và Các loại rau thơm

13 lợi ích bạn chưa từng biết về cây húng quế và Các loại rau thơm PDF Print E-mail
Tác Giả: Thảo Nguyên / Minh Trang   
Thứ Bảy, 04 Tháng 9 Năm 2010 12:00

Trong rổ rau thơm nhà bạn, hẳn lúc nào cũng sẽ có cây húng quế cay cay, hăng hăng bên cạnh nhiều loại rau thơm khác.

Vài nét về cây húng quế
Húng quế thường phát triển mạnh mẽ trong thời tiết ấm áp, nó rất nhạy cảm với khí hậu lạnh. Nó trông giống như cây lá bạc hà nhỏ và được rất nhiều gia đình trồng tại nhà.

Húng quế thường cao từ 30-130cm. Lá của nó có màu xanh lá cây sáng mượt và những bông hoa của chúng thường nhỏ bé và có màu trắng.

 
Lá húng quế rất thơm và thường được sử dụng như là một gia vị.

Khi được sử dụng trong các món ăn nấu chín nó thường được thêm vào khi thức ăn đã gần bắc ra khỏi bếp bởi vì nhiệt độ có thể dễ dàng phá hủy hương vị của nó.

Có rất nhiều loại húng quế, chúng chỉ khác nhau đôi chút về hình dáng bên ngoài và mùi vị. Có thể kể ra, húng quế, húng quế ngọt, húng chanh, húng quế hồi …

Những lợi ích sức khỏe của cây húng quế
1. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tinh dầu húng quế có chứa một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể ngăn ngừa lão hóa sớm, những vấn đề có liên quan đến tuổi tác và thậm chí là bệnh ung thư.

2. Tinh dầu húng quế có tính chất chống vi khuẩn. Nghiên cứu cho thấy sử dụng tinh dầu húng quế làm hạn chế sự phát triển của rất nhiều vi khuẩn như khuẩn tụ cầu, cầu tràng khuẩn, vi khuẩn hình que…. mà không cần dùng đến bất cứ loại thuốc kháng sinh nào.

3. Húng quế có chứa flavonoid  với 2 chất orientin và vicenin. Đây là 2 chất flavonoid quan trọng tan trong nước. Các chất flavonoid trong húng quế này bảo vệ cấu trúc tế bào cũng như các nhiễm sắc thể từ bức xạ và ô xi hóa tự nhiên.

4. Húng quế có tác dụng chống viêm, vì thế nó là một thực phẩm lý tưởng cho những người bị bệnh viêm khớp. Dầu húng quế có chứa eugenol giúp ngăn chặn sự hoạt động của 1 loại enzyme trong cơ thể gọi là cyclooxygenase. Loại enzyme này thông thường sẽ gây ra sưng tấy.

5. Là nguồn giàu Beta-caroten dồi dào, điều này giúp bảo vệ tế bào biểu mô (màng của các cấu trúc cơ thể bao gồm rất nhiều mạch máu) khỏi thiệt hại từ các gốc tự do, giúp phòng tránh bệnh viêm khớp và ung thư tối ưu.

6. Là nguồn cung cấp magiê, một khoáng sản được biết đến luôn làm cho các bắp thịt và mạch máu thư giãn, do đó cải thiện lưu lượng máu và giảm nguy cơ nhịp tim bất thường.

7. Húng quế còn là một nguồn cung cấp sắt, canxi, kali, vitamin C và K. Nó cũng là một nguồn chất xơ rất có lợi trong chế độ ăn uống.

8. Tinh dầu húng quế còn được sử dụng như là một liệu pháp dưỡng da và dưỡng ẩm tóc.

9. Sử dụng tinh dầu húng quế còn rất hiệu quả trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá và bệnh vẩy nến.

10. Trà húng quế  được sử dụng để điều trị táo bón, đau bụng, khó tiêu và đầy hơi. Nó có thể cứu trợ tức thì cho chứng đầy bụng và khó tiêu của bạn.

11. Tinh dầu húng quế cũng thường được sử dụng trong việc điều trị cảm lạnh, cúm, ho gà, hen suyễn, viêm phế quản và viêm xoang.

12. Trong trường hợp bạn bị nôn mửa nhiều bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu húng quế vì nó có thể được sử dụng như một chất chống nôn các trường hợp nôn mửa nhiều.

13. Tinh dầu húng quế cũng được sử dụng như là một liệu pháp có thể làm nguôi đi và giảm căng thẳng cho bệnh đau nửa đầu và trầm cảm. Nếu sử dụng thường xuyên có thể cải thiện tình trạng này khá rõ ràng.

Những tác dụng không ngờ từ rau thơm

Thảo dược chống ôxy hóa
Những loại rau thơm có chứa hợp chất phenol giúp ngăn ngừa việc cơ thể bị phá hủy. Do đó ăn nhiều rau thơm với chất chống ôxy hóa sẽ giúp ngăn cản quá trình ôxy trong thời gian dài, giúp chống lại các căn bệnh nguy hiểm.

Nguồn cung cấp can xi, chất sắt, vitamin A và C
Trong rau thơm có chứa nguồn cung cấp can xi, chất sắt, vitamin A và C có lợi cho sức khỏe trong việc phòng chống các bệnh tật.
Bên cạnh đó nó cũng giúp cho vẻ đẹp của làn da và mái tóc bạn khỏe khoắn, tươi mát và hồng hào.

Hương thơm dễ chịu, quyến rũ
Đa số các loại rau thơm đều có những hương thơm tự nhiên rất dễ chịu, dù là khi bạn sử dụng chúng lúc tươi hay khi đã sấy khô.

Tuy nhiên rau thơm tươi chứa nhiều dinh dưỡng và thơm ngon hơn. Nếu dùng rau thơm trong các bữa ăn, chúng có thể giúp bạn kích thích tiêu hóa, bữa ăn trở nên thơm ngon hơn.

Ít khi gây ra các phản ứng dị ứng
Rau thơm tự nhiên là một loại rau an toàn gần như tuyệt đối. Vì thế khi sử dụng chúng, bạn sẽ không phải ngần ngại hay lo lắng về những tác dụng phụ của nó xảy ra.

Ngay cả khi bạn sử dụng rau thơm để ăn, để nấu lên lấy nước tắm hay đắp lên da mặt làm đẹp thì rất hiếm khi xảy ra các phản ứng gây dị ứng như một số mỹ phẩm.

Công dụng làm đẹp làn da
Chắc hẳn bạn đã biết đến công dụng làm đẹp cho làn da từ những loại rau thơm rùi. Ví như rau diếp cá có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, ngăn ngừa mụn trứng cá và mụn nước, làm đẹp da thì lá ngải cứu tươi giã nát đắp lên da mặt giúp tẩy lớp tế bào chết, làm mềm vùng da sần sùi và chai sạn, giúp huyết mạch lưu thồng và làm dịu vết sưng.

Bên cạnh đó, rau mùi cũng được biết đến với công dụng trị mụn nhọt. Đắp lá rau mùi giã nhuyễn giúp chống lại sự nhiễm độc do côn trùng cắn hay do ong đốt.

Ngoài ra, thì là cũng là một loại rau gia vị chứa nhiều vitamin C và chất xơ. Tinh dầu thì là có thể dùng để xông hương tạo ẩm, tắm, gội…, giúp tẩy sạch và làm mát da, khiến da hết nhờn…

Khỏe người nhờ vị thuốc từ cây gia vị
Khi nấu nướng, nếu bạn cho thêm loại rau gia vị phù hợp, không những tăng hương vị tuyệt vời cho món ăn mà chắc chắn là bạn còn bổ sung những lợi ích về sức khỏe cho gia đình.

Cây hẹ
Cây hẹ được dùng phổ biến trong dân gian để chữa ho, cảm mạo, táo bón, trị giun kim, đau răng… Đông y lý giải, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín thì có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc,… Hạt và rễ hẹ cũng có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào kinh can, thận, chữa đái dầm, táo bón, trị giun kim… Củ hẹ tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí…

Bài thuốc hay từ cây hẹ:
- Chữa ho cho trẻ: Lấy lá hẹ tươi rửa sạch, cắt nhỏ, thêm đường phèn cho vào bát hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 – 3 lần.
- Chữa táo bón: Dùng hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần, mỗi lần uống 5g.
- Cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g đem hấp chín, có thể thêm đường cho dễ ăn.
- Chữa đau răng: cây hẹ giã nhuyễn, đặt vào chỗ răng đau.
- Trị giun kim: giã rễ hẹ lấy nước uống.

Cần tây

Cần tây là loại rau gia vị rất tốt cho người huyết áp cao và béo phì.
Chất hoá học tự nhiên apigenin có trong cần tây giúp trị cao huyết áp và làm hạ cholesterol, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, thiếu máu, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Đối với phụ nữ, loại gia vị này giúp điều hoà kinh nguyệt, tăng khả năng thụ thai và đặc biệt có thể là trợ thủ đắc lực của chị em trong giảm cân nặng.
Dùng nước ép rau cần tây dùng súc miệng hàng ngày có thể chữa được lở loét miệng, viêm họng và khản tiếng.
Ăn cần tây với cháo nóng hoặc ăn sống, nấu canh, xào… có thể giúp trị chứng cảm cúm.

Tía tô

Dân gian vẫn thường dùng tía tô để chống cảm cúm, cảm lạnh, sốt, không ra mồ hôi, chống nôn, tăng cường tiêu hóa, trị ho hen, làm long đờm, giải độc…
Khi bị cảm cúm, ăn một bát cháo hành, tía tô sẽ giúp đẩy lùi cảm lạnh một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, Đông y có bài thuốc chữa trúng độc, đau bụng do ăn cua cá rất hữu hiệu từ cây tía tô: Lá tía tô 10g; gừng 8g; cam thảo 4g; nước 600ml đem sắc lấy nước đặc uống nóng ngày 3 lần.

Rau mùi (rau ngò)

Cả cây, quả mùi đều có thể được dùng làm vị thuốc chữa bệnh trong Đông y và Tây y.

Quả mùi có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, long đờm, làm thuốc tiêu cơm, thông khí bụng dưới, kích thích tiêu hóa… Dân gian hay dùng cây mùi già đun nước tắm để làm mát da và mịn da.

- Chữa ít sữa: Lấy lá rau mùi khô 50 g, hạt mùi 20 g. Sắc đặc, uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần. Hoặc dùng 12 g hạt mùi, gạo nếp lức 30 g, nấu cháo ăn cũng giúp lợi sữa.
- Chữa ho: mỗi ngày dùng 4-10g quả mùi hoặc 10-20g lá cây tươi sắc lấy nước uống hay ngâm rượu.
- Chữa sởi cho trẻ: dùng lá hoặc hạt giã nhỏ, nhuyễn, với ít rượu trắng, cho vào bọc vải xoa nhẹ lên người từ trên xuống tay chân (trừ mặt).
- Trị tiêu chảy: Dùng hạt mùi khoảng 8g trong 1 ngày, sao lên cho thơm, rồi uống với nước.
- Trị chứng đầy hơi, không tiêu: Rau mùi một nắm, vỏ quýt 8-10 g. Sắc uống khi nước còn ấm.

Húng chanh

Tinh dầu húng chanh có chất kháng sinh mạnh, có thể được dùng trị ho, cảm cúm, tiêu đờm, sát khuẩn…
Bài thuốc với lá húng chanh có thể được dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

- Trị cảm cúm: lấy 30 – 40g lá húng chanh tươi, sắc uống nóng, có thể thêm đường cho dễ uống.
- Chữa ho, viêm họng, khản tiếng: lá húng chanh tươi, rửa sạch ngậm với muối, cắn nhẹ trong miệng, hút lấy nước.
Cũng có thể giã nát nắm lá húng chanh rồi vắt lấy nước, ngày uống 2 lần.
- Trị hôi miệng: Dùng một nắm húng chanh khô, sắc lấy nước đặc để súc miệng và ngậm. Ngậm thường xuyên nhiều lần trong ngày, chỉ sau vài ngày có thể thấy hiệu nghiệm, hết hôi miệng.

 Thì là (Thìa là)

- Trị đái rắt: Lấy một nắm thì là tẩm chút muối, sao vàng, tán thành bột, ăn dần.
 

- Trị chứng sốt rét: Dùng hạt thì là tươi, giã, vắt lấy nước uống hoặc dùng hạt thì là khô tán thành bột, sắc lấy nước uống.

- Trị chứng thận suy, tỳ yếu: Lấy quả thì là sắc uống hằng ngày, mỗi ngày 50-100g. Uống một đợt từ 5-7 ngày.