Home Đời Sống Dinh Dưỡng Hoa Trái Việt-Nam và những dược tính

Hoa Trái Việt-Nam và những dược tính PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Tư, 07 Tháng 4 Năm 2010 15:42

Nhãn,Vải,chôm chôm,hồng xiêm,cam chanh, dưa hấu, mít, xòai, vú sữa,

đào lộn hột, măng cụt, sầu riêng và quả hồng đều có dược tính...

Nhãn Lồng (Euphoria Longana)
Nhãn xuất xứ ớ Bắc Việt-Nam và Nam Trung Hoa. Ở nước ta, vùng nào cũng có nhãn. Nhãn lồng là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên.

Theo truyền thuyết xa xưa có một mầm cây mọc lên từ con mắt bị hỏng của một con rồng. Quả của cây đó ngày nay, ta quen gọi là "LONG NHÃN" (mắt rồng). Và cũng trước kia mùa màng hạn hán, rồng cuộn mây phu mưa cho trăm họ trồng lúa, trồng khoai xanh tốt, tưới nhuần nên năm nào cũng được mùa NHÃN, người ta thường hay bảo: năm ấy sẽ có mưa nhiều và có thể con nước sẽ lên to.

Nhãn Lồng là một loại nhãn rất quý. Hột nhỏ xiú, cùi dầy chứa nhiều chất protein, đường sacarose, sinh tố A, B và còn có chất béo dinh dưỡng tốt. Hiện ta thấy sản phẩm nhãn bán sống tại các chợ Việt-Nam hay theo kiểu đóng hộp LONGAN bán khắp nơi.

LONG NHÃN còn là một vị thuốc bổ, an thần, định trí, bổ huyết bổ tì. Trị bệnh lo nghĩ thái quá, nhọc mệt hay quên, hồi hộp, chữa suy nhược thần kinh kém ngủ.

Vải thiều (Nephelium Litchi)

Vải có gốc từ Bắc Việt-Nam được trồng nhiều tại các vườn quả làng quê Bắc Phần. Quả vải có mầu đỏ đẹp. Hạt mầu đỏ nâu bao bọc bởi một lớp cùi mầu trắng. Khi tiếng chim tu hú gọi bầy cũng là khi mùa vải chín. Có nhiều loại vải nhưng vải thiều là đặc sản nổi tiếng của huyện Hải Hưng. Một loại vải rất nhỏ, cùi dầy, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường. Cùi vải chứa glucose, protein, chất béo, các sinh tố C,P,A,B và acid citric.

Ăn vải có tác dụng bồi bổ cơ thể suy nhược, theo Đông y vải giúp cho tinh thần minh mẫn. Hạt quả vải có công dụng chữa lỵ, đậu mùa và đau răng...

 Ngoài các loại vải trên, ở các vùng Đông Nam Phần và đồng bằng sông Cửu Long dân ta còn hay trồng loại vải thiều rừng (Nephelium Lappaceum) mà ta vẫn gọi là "Chôm Chôm".

Loại quả này hình trứng, ngoài mặt có nhiều gai mềm dài, cùi quả dính cứng vào hạt, ngoại trừ loại chôm chôm tróc. Chôm chôm có vị chua ngọt và thơm được dùng ăn tươi và phơi khô làm thuốc chữa tiêu chảy và nóng sốt.

Hồng Xiêm (Achras Sapota)

Hồng xiêm vốn gốc ở Mễ Tây Cơ. Hồng xiêm Hànội trồng nhiều ở Xuân La, Xuân Đỉnh, Tây Tựu, Phú Diễn..

Quả rất sai trĩu cành, mầu vàng ngả xanh. Quả ăn ngọt lịm tựa đường phèn, khi còn xanh thì nhiều nhựa. Quả chín có protein, glucid và sinh tố C.

Hạt hồng xiêm được dùng làm thuốc chữa nóng sốt và rất tốt về lợi tiểu.

Cam Chanh (Citrus Aurantium)

Cây cam chanh xuất xứ tại vùng nhiệt đới Châu Á và được trồng rộng khắp vùng Thái Bnìh Dương. Ở nước ta, Cam Chanh được trồng ở các huyện Nghệ Tĩnh, Hải Hưng và Kim Bôi. Đây là loại cam rất quý, quả tròn, vỏ mỏng căng, vàng như mầu nắng nhiệt đới, cầm nặng tay, bổ ra nước chảy ròng, ngọt đậm và thơm.

Cam Chanh chứa acid nitric, sinh tố A, B và rất giầu đường và sinh tố C. Cùi cam chứa nhiều pectin là một polyholosid tạo thành pectose có tác dụng cầm máu, làm giảm thời gian đông máu, dùng trong các bệnh ho ra máu, chảy máu cam và chảy máu dạ dầy.... Theo Đông Y ăn Cam Chanh có tác dụng thông ruột, trị đau thận giúp đàn bà sinh nở dễ dàng hơn.

Dưa Hấu (Citrullus Vulgaris)


Dưa hấu gốc Phi Châu được trồng phổ biến ở nước ta và các nước nhiệt đới khác. Dưa hấu miền Bắc trước đây thường có vào mùa hè nhưng mới đây Hải Hưng đã trồng được dưa hấu vào mùa Đông. Miền Nam có nhiều dưa hấu vào dịp Tết Nguyên Đán. Ở Đông Nam Phần có loại dưa hấu trắng, thịt dưa sáng như đường cát , khi ăn mang vị mát ngọt. Miền cực nam Trung Phần có loại dưa hấu ruột đỏ như son.

Người Maroc chế rượu với dưa hấu theo một phương pháp độc đáo: Lấy quả dưa hấu khoét một mảnh vỏ hình nêm, đổ vào ít mật rồi đóng nêm lại đem vùi qua dưa hấu trong một đống ngũ cốc cho lên men. Khi lấy ra sẽ có một thứ nước uống say như rượu.

Theo đông y, trong trường hợp sốt cao ra mồ hôi do cảm nắng dùng nước ép dưa hấu làm thuốc uống sẽ giảm sốt. Ở Mã Lai nước dưa hấu được dùng làm thuốc cầm máu khi xẩy thai.

Mít (Artocarpus Intergrifolia)

Mít xuất xứ tại Đông Nam Á, mít được trồng khắp tỉnh ở nước ta. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều loại mít quí như mít tố nữ, mít xiêm quả đeo lủng lẳng khắp cây cành, quanh năm có quả, múi dầy, giòn ngọt thơm phức và rất ít xơ.

Trong múi mít có chứa đường fructose, glucose, protein, muối khoáng, caroten, sinh tố B2, C và tinh dầu thơm.

Theo đông y, ăn mít đỡ được khát, chữa ngộ độc rượu, làm nhẹ mình và làm khuôn mặt thêm tươi đẹp. Phụ nữ đang thời kỳ cho con bú mà ít sữa lấy nước sắc lá mít mà uống sẽ có nhiều sữa.


Xoài (Mangeifera)


Xuất xứ Mã lai và được trồng khắp các nước nhiệt đới. Ở miền Nam nước ta xoài được trồng rất phổ biến. Ở miền Bắc cũng có nhiều loại xoài rất nổi tiếng nhất là xoài Yên Chân, Mọc Châu tỉnh Sơn La.

Xoài là đặc sản cuả miền Nam có rất nhiều loại: Xoài Cát, Xoài Tượng, Xoài Thanh Ca, Xoài Xiêm, Xoài Gòn, Xoài Vang... chín rộ trong những ngày nắng hè, nhưng nổi tiếng nhất là Xoài Cao Lãnh tỉnh Tiền Giang như câu thơ sau đây:

"Xoài nào ngon bằng Xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào bảnh bằng vú sữa Cần Thơ"

Trái xoài khi còn non xanh mầu nước biển, khi chín da căng bóng mầu lụa tơ tằm.

Xoài có nhiều chất : đường, gôm, acid nitric, sinh tố A, B, C, ngoài việc ăn sống còn dùng để làm mứt và đóng hộp.

Quả Xoài còn là vị thuốc có tác dụng cầm máu tử cung, chữa khái huyết, chảy máu ruột. Nhân xoài xấy khô tán thành bột được người dân Mã lai, Ấn Độ và Ba Tây dùng làm thuốc tẩy giun sán.

Vú Sữa (Chrysophillium Cainito)


Xuất xứ từ Châu Mỹ vào Việt-Nam từ lâu. Khi mùa Xuân Nam Phần đến, nằng bắt đầu rực rỡ, ấm áp thì cũng vào mùa vú sữa chín. Vú sữa có 2 loại: Trắng và Tím, đều to như quả cam. Quả vú sữa tròn trịa, vỏ mịn màng láng bóng, có huơng vị ngọt ngào và thơm.

Thịt quả trắng như sữa và rất béo có chưa protein, glucid và sinh tố C. Muốn ăn người ta bổ dôi quả vú sữa rót nước cam vào làm huơng vị ngon tuyệt và thú vị.

Quả vú sữa được dùng làm thức ăn bổ dưỡng một số nơi dùng vỏ cây vú sữa làm thuốc bổ, giúp tiêu hoá tốt.

 

Đào Lộn Hột (Anacardium Occidentale)


Xuất xứ từ Nam Mỹ nhưng từ lâu đã được trồng tại nhiều nước nhiệt đới vùng Á Châu. Tại nước ta phần lớn đào lộn hột được trồng tại miền Nam. Loại quả này có 2 phần: một phần do đế hoa phát triển lên (cuống quả) nom giống như quả đào, mọng nước ăn được, khi chín có vị ngọt hơi chua chưa nhiều sinh tố C gấp 10 lần so với chuối và 5 lần so với cam hay chanh. Phần trên là quả thật, có vỏ cứng giống như một hạt đậu đặt trên phần hạt nói trên.

Đào lộn hột cho nhân vừa bùi, vừa bổ được dùng làm bánh, kẹo, nấu chè và có thể ép thành dầu quý. Xưa kia người dân miền Tây Nam Phần hoặc Trung Phần vào Sàigòn dù vội thế nào đi nữa mà chưa đến Lái Thiêu để ăn một miếng kẹo hột đào thì chưa có thể yên tâm xuôi thuyền.

Từ cuống quả đào lộn hột có thể được ép lấy dung dịch có vị ngọt cho lên men thành rượu có tác dụng lợi tiểu và chốn nôn mửa.
 
Măng Cụt (Garcinia Mangostana)


Xuất xứ từ Mã Lai được các nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo đưa vào VN từ thế kỷ thứ 19. Hiện nay măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long, như ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu có những vuờn măng cụt rộng đến cả chục mẫu, gồm cà ngàn cây mỗi cây tới mùa có đến 7, 8 trăm quả.

Cũng như trái sầu riêng, quả măng cụt là một đặc sản cuả Việt-Nam ta. Măng cụt có hình dáng như 1 quả cam nhỏ, mầu tím sẫm ngả sang mầu đỏ như quả sim chín.Vỏ dầy rắn, cuống to, ngắn có 4 hay 5 cái tai tròn úp thìa vào đáy quả. Quả bổ ra ruột trắng muốt như hoa bưởi, co 5,6 múi cấu tạo như ruột bứa. Ăn vào ngọt lịm hương thơm thoang thoảng. Ở nước ta và một số nước Á Châu khác dùng nước sắc của vỏ măng cụt làm thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy và kiết lỵ.

Sầu Riêng(Duriozibethinus)

Xuất xứ từ Mã Lai được đem vào trồng tại miền Nam nước ta. Ở Việt-Nam sầu riêng còn được gọi là cây "Tu Rên", do sự tích một chàng trai Việt-Nam ờ bên Kampuchia, vì vợ chết nên quá buồn rầu, về nước đem theo hạt "tu rên" trồng thành cây "sầu riêng" như ngày nay.

Những khu vườn dọc theo đôi bờ sông Tiền sông Hậu thuộc tỉnh Hậu Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, Sông Bé, Long An, Bến Tre sầu riêng được trồng rất nhiều. Quả sầu riêng khi chín vỏ tự tách ra theo những khe nhất định, chia thành 4,5 mảnh theo chiều dọc để lộ những múi sầu riêng béo ngậy gối lên nhau.

Sầu riêng vừa có hương vị đậm đà vừa có tác dụng kích thích sinh lý, dùng chữa bệnh rất tốt.

Quả Hồng (Dicpyos Kaki)

Hồng thuộc dòng họ Ebensceae được trồng nhiều tại vùng miến núi và trung du Bắc Phần. Hồng có nhiều dạng: quả dài, quả tròn, quả có cạnh gần như hình vuông, quả hình trứng, lúc non mầu xanh nhạt và lúc chín chuyển sang mầu vàng hoặc đỏ, trông mọng và vỏ mỏng.

Ngoài việc ăn sống, hồng còn có thể ép sấy khô để dành làm mứt. Hồng có loại có hột hay không hột, ăn giòn, ngọt và thơm có tỷ lệ khá nhiều đường cỡ 15%. Tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng về trồng nhiều hồng có những cây già đến 200 năm quả to nặng được 65-70 gram. Hồng ngon phải kể đến Hồng Hạc ở Vĩnh Phú và hồng Nghi Xuân ở Nghệ Tĩnh. Tại California, hồng dòn được người Việt trồng rất nhiều trong sân đằng sau nhà và rất sai trái.

Hồng có nhiều chất sắt, caroten, potassium, calcium, sinh tố A và C.
http://www.vnfa.com/index.html