Vợ chồng YÊU nhau sẽ sống thọ hơn... |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||
Thứ Hai, 15 Tháng 3 Năm 2010 21:12 | |||
Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn! Văn hóa và niềm tin: Một bác sĩ đảo lộn cách chữa bệnh, khám phá phương thức khỏi phải khỏi mổ tim Cách đây mấy năm, tuần báo Newsweek đã cho in bìa hình bác sĩ Dean Ornish, một người đang làm đảo ngược lối sống người Mỹ và lung lay ngành thuốc bằng một loạt những khảo cứu đã được chứng nghiệm bằng khoa học từ trên mười năm nay. Hai chứng bệnh tốn tiền nhiều nhất và làm chết nhiều nhất ở Âu Mỹ bây giờ là bệnh tắc tim và ung thư. Một cuộc giải phẫu mạch tim thường tốn cả mấy chục ngàn tiền Mỹ. Vậy mà bác sĩ Dean Ornish đã tìm ra cách thông mạch mà không cần phải giải phẫu hay dùng thuốc gì cả. Kinh nghiệm này ông đã học được từ chính đời ông. Những thất bại trong cuộc sống làm ông xuống tinh thần tột độ, mất hết nhuệ khí, đã có lần toan tự tử. Thế mà ông đã tìm lại được sinh lực nhờ mở tâm ra mà đi đến được với người khác. Từ giữa thập niên '70, ông đã bắt đầu thực nghiệm với một nhóm nhỏ trong một thời gian bốn tuần: cùng bác cầu tình thân, chia sẻ được những ưu phiền, sinh hoạt và cầu nguyện chung, và chỉ ăn rau, trái cây, đậu phụ... chứ không ăn thịt gì cả. Kết quả là 90% bớt được chứng tức ngực, và máu chạy khỏe khoắn hơn. Nhưng nhiều người hồ nghi kết quả này vì thời gian chưa đủ đảm bảo, và phương pháp lại quá nghiêm ngặt khắc khổ khiến cho khó mà có nhiều người áp dụng được. Vậy là bác sĩ Ornish phải bước xa hơn. Khi dạy ngành thuốc tại Đại Học California ở San Francisco, ông thiết lập ở Sausalito một Viện Khảo Cứu Y Học Phòng Ngừa (PMRI) với 48 bệnh nhân kéo dài cả năm trời. Hai mươi tám người này theo phương cách của ông; số còn lại thì cứ theo phương pháp thông thường ngừa bệnh. Và ông đã dùng máy trắc nghiệm hình để đo trong suốt năm. Kết quả được phổ biến năm 1990 đã làm mọi người kinh ngạc. Những người theo phương pháp thông thường thì trở nên tệ hơn trước, còn những người theo sát chương trình của bác sĩ Ornish thì có kết quả rất khả quan: mạch máu được khai thông, tim khỏe lại. Thế là các viện y tế quốc gia bỏ tiền ra hỗ trợ khảo cứu tiếp kéo dài bốn năm. Các hãng bảo hiểm cũng nhào tới tài trợ chương trình, vì cứu được một người bệnh tim nặng không phải giải phẫu tốn phí quá sức thì quả là một điều đáng đầu tư. Vì ở Mỹ nguyên chi cho việc mổ tim là 26 tỉ tiền Mỹ mỗi năm. Căn bệnh tách lìa Đồ ăn quá nhiều thịt và chất mỡ là căn nguyên đầu tiên gây ra bệnh tắc mạch tim vì chất cholesterol. Theo thống kê thì dân Âu Mỹ hiện nay bị chết vì bệnh tim nhiều hơn gấp 20 lần những dân ở những nước Á Đông ăn nhiều rau hơn. Như vậy thì truyền thống ăn chay và kiêng thịt trong Đạo Chúa chẳng phải chỉ là việc hy sinh hãm mình mà thôi, mà còn là một phương cách lấy lại sức khỏe cho thể xác liên hệ tới tinh thần. Chất mỡ làm tắc mạch nên phải tìm cách khai thông. Vì thế mà đồ ăn trong chương trình của bác sĩ Ornish chỉ có rau, trái cây, bánh, đậu nành, đậu phụ; và hoàn toàn vắng bóng thịt và ngay cả tôm cá, không dùng cà-phê, bơ, hạt cây và các loại dầu có chất mỡ. Căn nguyên thứ hai cũng mạnh y như trên là chứng tách lìa tình thân. Kể cũng lạ đời, những người ghi tên tham dự chương trình phải trả tới 7500 Mĩ kim cho những sinh hoạt nhóm. Họ được hướng dẫn để có những hoạt động thể thao chung, những buổi "tĩnh tâm" chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm, có chia sẻ những buồn vui lo lắng, những ấm ức trong lòng... Bác sĩ Ornish thấy rõ cô đơn tách lìa thiếu tình thân là căn nguyên mọi chứng bệnh, mà gần nhất là bệnh tim và ung thư. Dân Roseto với tình thương Một quan sát điển hình nhất là làng Roseto ở phía đông bang Pennsylvania. ở đây trước kia ít bị bệnh tim, dù họ ăn cũng giống như dân làng bên cạnh là Bangor, cũng đi những bác sĩ và nhà thương giống nhau thôi. Nhưng tại sao dân làng Roseto lại có tỉ lệ chết vì bệnh tim rất thấp so với dân làng Bangor? Câu trả lời thật đơn giản: dân làng Roseto là một nhóm người rất gần gũi thân nhau. Họ di cư từ nam Ý sang đây vào năm 1882; đã ba thế hệ họ sống với nhau, gắn bó lấy nhau, cùng sinh hoạt đi nhà thờ với nhau, cùng giữ mối liên hệ gia đình chặt chẽ, ít người rời chuyển đi xa. Nhưng từ khoảng giữa thập niên '70, dân Roseto bắt đầu bỏ làng chuyển đi như dòng sống nước Mỹ. Thế là bệnh tim bắt đầu hoành hành.
Một trong những sinh hoạt chính của những người tham dự chương trình của bác sĩ Ornish là gặp gỡ nhau để chia sẻ trong tình thân. "Nếu bạn không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì bạn sẽ tự hành hạ; khi người ta có thể nói ra hay ít nhất có thể viết ra được những gì đang làm mình khổ tâm, thì hệ thống đề kháng được tăng cường, và ít phải uống thuốc." Như vậy bác cầu tình thân với người khác sẽ làm cho tính tình được thanh thản, bớt bị căng thẳng. Bởi vì khi bị căng thẳng thì trong cơ thể tiết ra một loại hóa chất gọi là adrelanine, noradrelanine và cortisol. Những chất này như còi hụ tình trạng báo động nguy cấp, mọi nỗ lực chỉ còn dồn vào một động tác duy nhất là đánh hay chạy; mọi sinh hoạt khác bị ứ đọng hoàn toàn: ăn không cảm thấy ngon, đầu hết suy nghĩ được, mạch máu trì trệ, mất kháng tố chống nhiễm trùng nên các tế bào sinh chứng, dễ bị cảm cúm, mất hết hứng khởi... Như vậy, cô đơn tách lìa cũng là chất độc như chất cholesterol trong miếng cheeseburger mà chỉ tình thương mới chữa cứu nổi. "Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn!" Không có con đường nào khác nữa đâu. Bác sĩ Ornish tâm sự: "Tôi càng tìm vun quén cho mình thì càng cô đơn, nhưng khi tôi biết tìm phục vụ người khác thì tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều." Thì ra đây không phải chỉ là một cuộc làm lung lay ngành thuốc, mà là một cuộc cách mạng lối sống của nền văn minh Âu Mỹ: từ cách ăn uống đến kiểu suy nghĩ và cư xử. Vợ chồng YÊU nhau sẽ sống thọ hơn... Bí quyết hạnh phúc của cặp vợ chồng kết hôn còn sống lâu nhất thế giới. Ông Liu Fuben, 95 tuổi và bà vợ Shi Jihui, 100 tuổi, sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc vừa có buổi trò chuyện với báo giới sau khi được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness là "đôi vợ chồng chung sống lâu nhất thế giới" với 85 năm. Ông Liu chia sẻ: “Tình cảm của chúng tôi còn rất nồng cháy. Chúng tôi không có bí quyết gì. Trong cuộc sống vợ chồng, quy tắc vàng là tránh cãi nhau. Trong mọi xung đột, tôi luôn nhường vợ mình với phương châm: vợ mình luôn đúng!”. Tình cảm vợ chồng sau 85 năm giữa ông Liu và bà Shi vẫn còn nồng ấm. Còn bà Shi cho biết thêm: “Đối với tôi, không nên cấm chồng mình những thứ mà ông ấy thích làm. Hãy để cho chồng mình tự do, ông ấy sẽ thoải mái”. Giống như những thanh niên thời xưa, cặp vợ chồng này kết hôn từ rất sớm. Lúc đó, ông Liu mới 10 tuổi còn bà Shi 15 tuổi. Họ làm đám cưới năm 1924. “Tôi lớn tuổi hơn, vì thế tôi đã giúp chồng mình nhiều thứ và cũng giúp ông ấy trở thành một người chồng tốt. Trong làng tôi thời điểm ấy, những người đàn ông thường kết hôn ở độ tuổi rất trẻ. Người vợ thường hơn chồng vài tuổi để có thể chăm lo cho gia đình”, bà Shi nhớ lại. Người con trai 64 tuổi của hai ông bà nói: “Bố mẹ tôi vẫn yêu nhau lắm. Mẹ tôi sinh 6 người con nhưng chỉ có hai người sống sót vì đói nghèo và bệnh tật. Mặc dù tuổi đã cao nhưng mẹ tôi vẫn còn khả năng chăm sóc bố”. Kỷ lục Guinness trước đó về cặp vợ chồng kết hôn lâu nhất và có tổng số tuổi cao nhất thế giới thuộc về ông Percy Arrowsmith (105 tuổi) và bà Florence (100 tuổi), người Anh, vào năm 2005. Họ đã kết hôn được 80 năm. Tuy nhiên, cụ ông Percy Arrowsmith đã qua đời sau hai tuần được ghi danh vào sách kỷ lục.
|