Lịch sử ăn kiêng cho thấy vấn đề cân bằng là quan trọng nhất |
Tác Giả: Hồng Quang | |||||
Thứ Ba, 02 Tháng 3 Năm 2010 20:53 | |||||
Nhưng dù theo cách ăn kiêng nào, tất cả các bác sĩ đều khuyên chúng ta phải tập thể dục
Người ta ăn kiêng vì hai lý do, muốn giảm cân do quá mập và có thân hình thon thả hơn, thứ nhì là để trị bệnh. Nhưng lịch sử ăn kiêng có nhiều chi tiết và huyền thoại hấp dẫn khác. Ngày nay chúng ta chỉ biết chế độ ăn kiêng nổi tiếng của bác sĩ Atkins đề ra, cho phép ăn nhiều thịt cá, sữa và rau nhưng thật ít chất bột, hay không có chất bột gì hết, nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, dù một số bác sĩ đồng tình và hàng triệu người theo phương pháp này. Thường bắt đầu cho năm mới, người Mỹ lại tự hứa hẹn những chương trình và kế hoạch để ăn kiêng (sau khi đã…thả cửa ăn uống trong những ngày lễ lạc). Năm 2010 cũng không ra ngoài ngoại lệ khi có tới 50% dân Mỹ nói họ sẽ ăn kiêng và tập thể dục. Nhưng có lẽ chúng ta cần chú ý là các phương pháp ăn kiêng đôi khi “kỳ lạ” sẽ có những hậu quả ngoài ý muốn, có khi tai hại đến sức khỏe rất nhiều. Nổi tiếng nhất trong lịch sử là Đại Đế Williams the Conqueror, vốn trở nên quá mập phệ đến nỗi con ngựa cũng không chịu nổi sức nặng của ông, đã ăn kiêng vào năm 1087. Nhưng Hoàng Đế “bụng bự” này lại ăn kiêng rất lạ là chỉ ăn những thứ gì có nhiều rượu hay tẩm rượu mà thôi và chỉ một thời gian ngắn sau đó, Wiliams qua đời sau khi đã té từ con ngụa âu sầu của mình, nhưng thân hình vẫn còn khá vĩ đại. Trong thời Trung Cổ người ta vẫn xem hình ảnh các chiến sĩ lực lưỡng to con là mẫu mực, ăn uống như hùm hổ, nên ít khi thấy có chuyện ăn kiêng, mãi đến khi thực phẩm bắt đầu được sản xuất ồ ạt theo công nghiệp, mới bắt đầu có ý thức là phải dè sẻn những gì đưa vào mồm. Năm 1829, Sylvester Graham, thuộc giòng Giáo Hội Tin Lành Scotland ca tụng các thực phẩm “rau cỏ Graham Diet”, vốn được ca tụng là không những trị được bệnh béo phì mà cả bệnh thủ dâm, người ta mới bắt đầu chú ý ăn kiêng trở lại. Năm 1863, lần đầu tiên một người tên William Banting, chuyên sản xuất nhà hòm, đã bắt đầu viết sách có tên là “Letter on Corpulence” quảng bá ăn kiêng những thực phẩm không có chất bột, người ta thật sự chú ý đến vấn đề này. Nhiều người trên khắp Anh Quốc rầm rộ bắt chước và ngày càng có những chuyện kỳ lạ xuất hiện trong cách ăn kiêng của nhân loại. Năm 1903, nhà dinh dưỡng Horace Fletcher, với biệt danh “Người Nhai Kỹ” (The Great Masticator) khuyên những người theo cách ăn kiêng của mình hãy nhai đúng 32 lần thực phẩm trong miệng và sau đó…phun ra hết, chỉ nuốt nước bọt tiết ra mà thôi! Năm 1928 một trường phái khác là Inuit Diet khuyên người ăn kiêng chỉ dùng toàn là thịt và chất béo. Sáu năm sau bác sĩ George Harrop chủ trương uống sữa gạn bớt chất béo và ăn thật nhiều chuối. Vào những năm 1960, đến lượt bác sĩ Herman Taller lên tiếng tán thán chế độ ăn kiêng của ông, có tên là “Calories Don’t Count” cho phép người ăn kiêng ăn nhiều loại thực phẩm, nhưng nhưng với điều kiện phải kèm theo nhiều dầu thực vật. Năm 1966, một phong trào dùng thuốc ngủ vì người ta tin là làm như thế khi ngủ sẽ…giảm cân. Một trong “các tín đồ nhiệt thành” của phương pháp ngủ để giảm cân này là ca sĩ lừng danh Elvis Presley. Năm 1972, bác sĩ Robert Atkins viết quyển “Dr.Atkins’ Diet Revolution”, bán ra tới 45 triệu ấn bảng khắp thế giới khuyên ăn thật ít chất bột. Còn bây giờ có những loại súp bán ra như súp bắp cải quảng cáo sẽ giúp người tiêu thụ giảm đến 10 kg trong 1 tuần lễ! Nhưng dù theo cách ăn kiêng nào, tất cả các bác sĩ đều khuyên chúng ta phải tập thể dục, vì chỉ có tập thể dục đều đặn mới thật sự giúp cơ thể cường tráng và đủ sức khỏe chống lại bệnh tật.
|