Cẩn trọng thực phẩm nhiễm độc trong ngày Xuân |
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 20:11 | |||||||||
Vui Xuân nhưng người dân không khỏi lo lắng khi mà hệ thống thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về việc “vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm” tại Việt Nam.
Truyền thống của người Việt trong ba ngày Tết là ăn uống thù tạc vãng lai, nhưng chưa bao giờ các bà nội trợ cảm thấy đau đầu như lúc này, khi mà báo đài TV liên tục cảnh báo về những mặt hàng lương thực vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, rau quả thịt thà mức bánh, thậm chí rượu than rượu nếp cũng có thể bị nhiễm độc bị dư lượng hóa chất vượt mức cho phép. Thanh Trúc trò chuyện cùng những bà mẹ thường chăm sóc niêu cơm trách cá cho gia đình để mong hiểu được ý thức của người dân trước vấn đề an toàn thực phẩm: Hôm nay là 24 Tết, một ngày sau khi đưa ông Táo về trời rồi thì các bà mẹ quay sang với mẻ bánh chưng, nồi thịt kho, bát măng bát miếng, món bánh móm mứt, trước là để cúng cụ, sau là để cả nhà quay quần ăn uống ba ngày trước Tết và sau Tết. Dè dặt Từ khi những tin tức về những loại rau quả hay thực phẩm chế biến mà ăn vào là bệnh vì không hợp vệ sinh, không rõ nguồn gốc, được báo đài và tivi liên tục cảnh báo trong thời gian qua, thì các bà nội trợ đâm ra dè dặt chứ không dám mạnh mua như mấy năm trước. Bà Hiệp : Mình có ý thức được cái chuyện đó đi chăng nữa thì mình cũng không có đường để lựa chọn. Một cư dân ở Cam Ranh, bà Hiệp, nói rằng những tin tức đại loại trên các cơ quan truyền thông rõ ràng là có khiến cho nhiều người ý thức hơn. Thế nhưng: Mình có ý thức được cái chuyện đó đi chăng nữa thì mình cũng không có đường để lựa chọn. Chẳng hạn như nếu mà mình ở thành phố lớn có siêu thị , mà phải có tiền mới vô được siêu thị. Cái rau ở ngoài chợ có hai ngàn một ký thì siêu thị bán năm ngàn một ký, bà nội trợ bình thường làm sao mà có tiền mà mua hoàn toàn trong đó được? Còn nếu mình ở thôn quê hay thành phố nhỏ mà không có siêu thị thì mình đành phải mua chợ thôi. Mà mua chợ thì bây giờ phải dè dặt. Rau thì bị hóa chất . Chẳng hạn cái rau tần ô nó nhỏ nó ngắn chừng một gang thì nó an toàn hơn vì đó là rau sạch. Nếu nó to mà nó dài chừng hai tấc hai tấc rưỡi là cái tàn ô mà nó phun thuốc.
Rồi còn thịt heo gì cũng vậy, ai cũng ngại chuyện heo thì ăn phải cái thứ có hormone tức là thuốc tăng trưởng mà con người mình ăn vô thì tương lai về dài sẽ bị ung thư. Bây giờ chỉ có nước biết thì lựa chọn, không biết thì cũng đành phải mua mà ăn thôi. Chứ bây giờ cái gì cũng sợ thì biết ăn cái gì bây giờ. Còn mứt bánh, những món không thể thiếu trên bàn thờ ba ngày Tết, bà Hiệp quả quyết là cũng phải rất cẩn thận: Mấy cái mức bánh bây giờ tạm gọi là an toàn thì mua của những hãng mức bánh có đóng gói có thương hiệu, được cái giải thưởng là chất lượng cao hay là chất lượng bảo đảm, chứ còn mua tràn lan ngoài chợ là chắc chắn hổng dám mua rồi, hết 80% đều không bảo đảm. Theo ý của bà nội trợ này, quan trọng là ý thức của tuyệt đại đa số người tiêu dùng chứ không phải chỉ một thiểu số nào đó: Sợ thì sợ nhưng mà cũng giống như là cái nhu cầu nó cần thiết thì bắt buộc người ta cũng phải quên đi. Mà đâu có phải là ai cũng theo dõi trên báo chí trên TV hay trên đài đâu mặc dù đài lúc nào cũng nói cơ sở này bị nhiễm độc cơ sở kia dư lượng thuốc trừ sâu hay này nọ. Người i ta cũng đưa ra những cơ sở làm ăn bất chính cho dân thấy. Nói chung bây giờ mọi người là tự bảo vệ mình thôi. Mà hình như sợ thì sợ đó, người ta cũng vô tư mua về ăn, nhất là những người lao động, đâu có thời gian tiếp cận thông tin nhiều. Chắc nhà nước cũng phải tìm cách cải thiện, nhưng không thể một sớm một chiều, cũng khó khăn cho mấy ông lãnh đạo của mình lắm chứ. Mới tháng trước, thanh tra Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh phát hiện các cơ sở sản xuất lạp xưởng sử dụng hóa chất trôi nổi, rồi thì các lò mứt trong thành phố dùng nguyên liệu chế biến từ những thùng ngâm bị mốc meo hay nổi đầy dòi bọ và ấu trùng. Điều đáng nói là vựa sản xuất mứt Như Ý, hoạt động lâu năm và từng được cấp giấy chứng nhận hợp đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đã dùng những vật liệu chế biến bị nhiễm trùng đó. Báo chí cũng đề cập đến hạt dưa ngày Tết nhuộm phẩm màu rodamine, một chất độc hai gây ung thư. Hạt dưa hay ớt bột tẩm chất rodamine thì dậy màu đỏ coi rất đẹp mắt. Tại Hà Nội những ngày trước Tết, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm bị đưa lên hàng báo động đỏ. Công an thủ đô bắt giữ và tịch thu trên hai mươi lăm tấn mỡ động vật dơ bẩn và bốc mùi hôi thối đang trên đường chuyển vào Nam để tiêu thụ. Đó là chưa kể đến chuyện thịt thối từ Hà Nội chuyển sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, được tẩy rửa bằng acid chlohydric, sau đó ướp hương liệu rồi mang về lại Việt Nam để bán. Bà Hà, cư dân Hà Nội, nói rằng vì nghi ngờ mức độ an toàn của hoa quả gia vị thịt thà cá mú nên Tết này bà khuyến khích con cái và người thân bỏ cái thú ăn nhậu gọi là cơm hàng cháo chợ mà chỉ nên dùng bữa ở nhà: Bây giờ tới nhà hàng cũng đâu có dám ăn gì nhiều đâu, nhất là rau này, rồi những món lẩu này, rất là sợ, họ cho vào những cái bột của Trung Quốc làm cho cái nước rất là ngọt. Mỡ bán ở ngàoi ăn vào là bị tiêu chảy, đủ các thứ nguy hiểm. Hàng ở lề đường thì người lao động không có nhiều tiền họ sẳn sàng họ mua. Biết là hại mà vẫn mua, tại vì Tết mà không có ăn thì không được, không đãi khách thì không được, bắt buộc phải mua, mai mốt có chuyện gì đó tính sau. Đối với ông Thắng, tự cho mình là người dành phần nội trợ bếp núc của vợ chỉ vì muốn bảo đảm miếng ăn tốt hàng ngày cho trẻ, kể rằng từ ngày biết xách làn đi chợ thì ông nghiệm ra vấn đề an toàn thực phẩm là cả một hệ thống chứ không chỉ riêng những mặt hàng nhỏ lẻ. Cái khó của vấn đề, ông nói tiếp: Trước tiên nguồn thực phẩm động vật heo gà bò, cái thứ hai là các loại rau đậu củ quả, hiện nay thì ở bên mình chỉ còn mỗi cái loại củ là có thể ít bị ảnh hưởng, ít vi phạm nhất về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thôi. Còn lại hiện nay kể cả hệ thống rau sạch ở siêu thị đều ít nhiều nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc kích thích tăng trưởng.
Ngoài ra đối với thịt thà ngoài đường thì ở Việt Nam biết bao nhiêu chợ cóc, làm sao phát hiện được, làm sao chắc những sản phẩm trong các chợ cóc ấy có bảo đảm an toàn thức phẩm. Có kiểm tra thì chỉ một phần ở những siêu thị hoặc những chợ lớn thôi. Đại bộ phận bà con ở đây thì thường xuyên sử dụng hàng ở những cái chợ cóc. Ớt bột hay bánh có tẩm cái này cái kia do những cơ quan quyền lực nhà nước kiểm tra được, những cái rõ quá chẳng hạn như bì lợn thối hay là mứt kẹo phơi cạnh bờ sông này, thì kiểm tra được, chứ còn rất nhiều cái khác không kiểm tra được. Có nghĩa an toàn thực phẩm là nó bao gồm tất cả các mặt. “Sống chung với lũ”
An toàn thực phẩm là vấn đề phổ thông không chỉ riêng ở đây mà cả Trung Quốc và các nước. Vấn đề là mình mua cái gì, mua ở đâu, của ai. Thậm chí nó lệ thuộc vào con mắt tinh tường của người tiêu dùng nữa. Ví dụ bánh chưng mình có thể tự mình gói chứ không mua của người có pha hàng the, giò cũng không mua của người cho hàng the. Nói chung người tiêu dùng đừng ham rẻ , ôi nhiều vấn đề bức xúc lắm, thực trạng là như vậy đấy. Nhìn chung là mình tự bảo vệ mình trong khả năng ý thức của mình thôi nhưng mà phải sống chung với lũ thôi, vì ra ngoài là môi trường như vậy rau như vậy thực phẩm như vậy… Không tách khỏi xu thế tiêu dùng được.
Bà Minh Hằng nói bà tin rằng chính phủ đang cố giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc: Nói chung là bộ máy và chính sách của nhà nước rất là minh bạch và rõ ràng, còn cái việc thực thi thì không thể quản lý không thể kiểm soát hết được. Cái vấn đề ấy thuộc về ý thức của con người thôi. Chứ còn bộ máy thì tôi nghĩ là làm tốt. Với bà nội trợ tên Hà thì không phải đơn giản bởi có bao nhiêu khó khăn trước mắt: Chính phủ nói là chính phủ sẽ ra những cái ban phòng chống rồi kiểm nghiệm về thực phẩm nhưng là họ chỉ đi một vài điểm nào đó để đăng lên báo. Còn nhiều điểm khác nữa họ không có tới, và những cái hàng chui vẫn chuyển vào trong thành phố, vẫn bán ra được, nên câu hỏi là vệ sinh an toàn thực phẩm là do chính phủ đặt ra mà làm không đàng hoàng thì dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. An toàn thực phẩm phải đi đôi với chuyện đề cao dân trí, ông Thắng khẳng định như vậy: Tại vì ở một chế độ xã hội mà mức dân trí của chúng ta hiện nay thì các biện pháp thực ra đều là khó khả thị. Mặc dù người dân biết sản phẩm đấy là có độc hay rất nhiều sản phẩm đều có khả năng ô nhiễm. Nói là để khống chế hoàn toàn thì rất là khó. Đầu tiên là từ cơ quan quản lý của nhà nước. Không thể nào kiểm soát được tất cả khi mà ý thức người dân còn thấp như thế. Những người chuyển hàng từ trên cửa khẩu, bì lợn thối chẳng hạn, cũng chỉ vì lợi ích của họ thôi. Nông thôn thì còn có thể tự cung tự cấp, còn ở thành phố chỉ có thể dựa vào một vài nhà cung cấp mà họ tin cậy. Khi mà kiểm soát được bởi tất cả môi trường xung quanh đều như thế. Hồi đầu tuần này, báo Bangkok Post của Thái Lan đưa tin năm người ở tỉnh Ninh Thuận thiệt mạng và hai mươi hai người khác nhập viện, sau khi uống một loại rượu nếp gạo có hóa chất Methanol. Đây là đề tài sẽ được nói đến vì rượu làm từ gạo hay từ nếp là món đưa cay thông dụng của người Việt mình trong ba ngày xuân.
|