Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị |
Tác Giả: Nguyên Huy | |||||||
Thứ Tư, 19 Tháng 9 Năm 2012 06:28 | |||||||
Chiến thắng Quảng Trị là chiến thắng oai hùng của QLVNCH nhưng cũng là một chiến thắng trong đau thương vì hàng ngàn đồng bào đã hy sinh. Chiều tối hôm Chủ Nhật 16 Tháng Chín, tại nhà hàng Hoàng Sa Paracel Seafood, Hội Ðồng Ðiều Hành của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị của QLVNCH.
Tham dự trong buổi lễ kỷ niệm này có mặt hầu hết đại diện các quân binh chủng, nghĩa quân và địa phương quân của QLVNCH. Ðiều này được nhận rõ khi MC Phạm Ðình Khuông “điểm danh” các đơn vị, quân binh chủng thì đều có rất nhiều tiếng đáp lại. Dõi theo tiếng giới thiệu của MC Phạm Ðình Khuông thì thấy có đủ mặt các quân binh chủng VNCH từ Không Quân, Hải Quân, Biệt Ðộng Quân, Cảnh Sát Quốc Gia, Quân Cảnh, Quân Cán Chính Hải Ninh, Gia Ðình Mũ Ðỏ, Nữ Quân Nhân, Pháo Binh, Thiếu Sinh Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Võ Bị Quốc Gia, Võ Khoa Thủ Ðức, Nha Kỹ Thuật, Thiết Giáp, Truyền Tin, Chiến Tranh Chính Trị cho đến Bộ Binh, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân. Nhiều đại diện đến từ xa như Trung Tâm Tây Bắc Hoa Kỳ, Hội Võ Bị Bắc Cali, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ San Diego. Một số hội đoàn đồng hương cũng đến tham dự như Hội Ðồng Hương Quảng Trị, Hội Ðồng Hương Quảng Nam-Ðà Nẵng, Hội Ðồng Hương Bạc Liêu, Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia, Viện Việt Học. Sau nghi lễ chào Quốc Quân kỳ được đại diện Liên Quân QLVNCH cử hành, trưởng ban tổ chức, KQ Bùi Trí Dũng mở đầu buổi lễ bằng một bài diễn văn ngắn. Không theo thông lệ của những bài diễn văn khai mạc là cám ơn sự hiện diện của các “quan chức” trong cộng đồng, kể công trạng của ban tổ chức, v.v... Không Quân Bùi Trí Dũng đi ngay vào điểm mà người lính không quân này muốn nhắc nhở trong buổi lễ kỷ niệm chiến thắng này. Ðó là hàng ngàn người dân vô tội đã bị quân cộng sản tàn sát khi nã hàng chục ngàn quả đạn cối dõi theo bước chân trốn chạy cộng sản trên quốc lộ I của người dân xứ Quảng. Ông nói: “Chiến thắng Quảng Trị là chiến thắng oai hùng của QLVNCH nhưng cũng là một chiến thắng trong đau thương vì hàng ngàn đồng bào đã hy sinh. Hôm nay, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị, xin tất cả hãy cùng tưởng niệm đến đồng bào nạn nhân trong cuộc chiến và chia sẻ nỗi đau thương mất mát cùng với thân nhân của những nạn nhân đã hy sinh cùng các chiến sĩ QLVNCH để có chiến thắng này”. Tiếp đó KQ Bùi Trí Dũng nhắc lại cuộc chiến oai hùng của những người lính trong QLVNCH khi phải chiến đấu trong thế bất quân bình về quân số với 2,500 chiến sĩ VNCH chống lại 10,000 quân chính quy CSBV. Trận chiến được các vị chỉ huy dự trù 80 ngày phải dứt điểm nhưng chỉ 60 ngày “quân ta đã tiêu diệt được những ổ kháng cự cuối cùng của cộng quân trong cổ thành Quảng Trị, tiến vào cắm ngọn cờ chính nghĩa trong tiếng reo vui của quân dân miền Nam suốt vùng hỏa tuyến”.
Dứt bài diễn văn mở đầu buổi lễ, Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Phục Hưng trong ban tổ chức đã mời mọi người tham dự cùng hướng lên những màn hình lớn quanh nhà hàng để theo dõi một số hình ảnh cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Trận chiến được ghi lại những gian lao khổ cực của người lính VNCH giành từng tấc đất với địch quân khi tiến về cổ thành Quảng Trị. Nhìn lại hình ảnh những người lính VNCH trong trận chiến này không ai là không ngăn được lòng cảm phục, thương yêu. Trên lưng là một chiếc ba lô đầy chặt quân dụng cá nhân lại còn vũ khí đạn dược cơ hữu dùng cho không phải trong một cuộc chiến đấu mà là trong một chiến dịch nhiều ngày. Thế mà không một người lính nào tỏ ra sự mệt mỏi, trái lại trên từng khuôn mặt người lính cận ảnh đều toát lên vẻ quyết chiến. Tất cả những nét khắc khổ quả cảm ấy đã làm nên chiến tích lừng danh, tái chiếm cổ thành Quảng Trị ngăn chặn được nhiều sư đoàn chính qui CSBV đã vượt qua sông Bến Hải, sông Mỹ Chánh bằng mọi giá để xâm lược miền Nam. Nhiều phân tích gia quân sự và chính trị cho rằng nếu QLVNCH thất bại trong trận chiến này thì CSBV đã tiến chiếm được miền Nam từ năm 1972. Kế tiếp, nhiều đại diện của các quân binh chủng từng tham dự trận tái chiếm Quảng Trị đã lên phát biểu ý kiến. Không Quân Nguyễn Duy Diệm, đại diện cho những chiến sĩ không quân từng tham dự trận đánh cho biết: “Về không quân, đã đóng góp vào cuộc chiến thắng này trong ba điểm, thứ nhất là quan sát và bám sát chiến trường cung cấp cho các vị chỉ huy ra được những quyết định chính xác. Thứ hai, không quân đã tiệu diệt được phần lớn xe tăng T.54 của địch. Thứ ba là trong ngày đầu tái chiếm, các không đoàn trực thăng đã không vận cho nhảy dù đáp xuống chính xác ngay trên đầu địch trong lưới lửa phòng không của chúng mà vẫn bảo toàn được quân sĩ và phi cơ. Chiến thắng Quảng Trị đã là một chiến thắng tổng hợp của các quân binh chủng QLVNCH”. Nhảy Dù Mai Ðức Vy cũng đại diện anh em Nhảy Dù từng tham dự trận chiến này cho biết: “Trên đường hành quân đến mặt trận chúng tôi đã được chứng kiến hàng chục ngàn dân chạy trốn cộng sản. Ðâu cũng có tiến reo hò ‘Nhảy Dù đã đến rồi, dừng lại thôi không phải chạy đi đâu nữa’. Nhiều nơi dân chúng còn chia cả chút nước uống, gói mì của mình dành dụm trên đường trốn chạy CS cho anh em chúng tôi đúng như tình quân dân cá nước. Từ những chứng kiến ấy chúng tôi hết thảy đều mủi lòng, nước mắt lưng tròng mà thề quyết tâm chiến đấu giành lại quê hương bản quán cho đồng bào”. Sau phần phát biểu của một số cựu quân nhân đã có mặt trong trận tái chiếm Quảng Trị 1972, ban tổ chức đã giới thiệu các thành phần của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH. Chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện là Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, chủ tịch Hội Ðồng Giám Sát là KQ Nguyễn Văn Ức, chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành là Chiến Hữu Trần Quan An với hai phụ tá là KQ Bùi Trí Dũng và chiến hữu Trần Vệ, Võ Bị Quốc Gia. Phát biểu với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn ngắn, cựu Trung Tá TQLC Ðoàn Trọng Cảo cho biết: “Trận tái chiếm Quảng Trị năm 1972 có thể nói là một trận chiến của hỏa lực. Trong vai trò là một sĩ quan chỉ huy pháo binh Thủy Quân Lục Chiến, chúng tôi đã dọn chiến trường từ bờ sông Mỹ Chánh rải ra phía Bắc trong nhiều ngày trước. Một ngày theo lệnh hành quân chúng tôi phải rải đều lên chiến trường sông Mỹ Chánh 80,000 pháo 155 ly và 105 ly. Trong khi đó thì bên cánh trái chúng tôi có 3 tiểu đoàn pháo binh dù được tăng phái cũng đều đều với chúng tôi nã hàng ngàn quả từ những đại bác 105. Về phía Bắc sông Mỹ Chánh, nơi 3 sư đoàn quân CSBV đã vượt qua sông Bến Hải tiến về sông Mỹ Chánh thì B.52 và hải pháo của Hoa Kỳ bắn từ biển vào suốt ngày đêm trung bình mỗi ngày 7 ngàn quả, theo tôi được biết. Ngoài ra còn có những cuộc oanh tạc của Không Quân chiến thuật Hoa Kỳ và Không quân của QLVNCH. Ðúng ngày 28 Tháng Sáu, lệnh xuất phát được ban ra hẹn trong 90 ngày phải dứt điểm chiến trường chiếm lại cổ thành Quảng Trị nhưng mới chỉ 68 ngày sau, ngày 16 Tháng Chín, những người chiến sĩ của QLVNCH đã chiếm xong cổ thành Quảng Trị và những người lính TQLC đã dựng ngọn cờ Vàng trong cổ thành Quảng Trị. Sau trận chiến, cả một vùng không còn gì nguyên vẹn, chỉ còn là những đóng đổ nát trừ nhà thờ La Vang và một ngôi chùa mà tôi không còn nhớ tên. Tất cả đã thành bình địa. Trận này TQLC chúng tôi bị hy sinh mất 3,500 chiến sĩ, 8,000 bị thương. Hôm nay kỷ niệm chiến thắng Quảng Trị, lòng chúng tôi bỗng chùng xuống khi nhớ đến những đồng ngũ đã hy sinh”. Trong suốt cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975, QLVNCH đã từng lập nên nhiều chiến tích oai hùng nhất là sau khi Hoa Kỳ đã quyết định rút quân trong kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của họ. Còn lại một mình đương đầu với quân CSBV dốc toàn lực với sự hỗ trợ tối đa của khối cộng sản, QLVNCH đã làm ngạc nhiên những chiến lược gia những nhà quân sự Hoa Kỳ và thế giới. Nhưng bàn cờ thế giới đã sắp sẵn, VNCH phải hy sinh cho thế chiến lược của Hoa Kỳ để Hoa Kỳ phá đổ khối cộng sản quốc tế. QLVNCH đã phải chiến đấu trong thiếu thốn quân trang quân dụng và đạn dược nhưng vẫn còn kiêu hùng làm cản trở chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ nên Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt hoàn toàn viện trợ cho VNCH trong khi khối cộng sản thì ngược lại viện trợ tối đa cho quân CSBV, kể cả quân giữ nhà miền Bắc cho CSVN dốc toàn lực quân đội vào Nam xâm chiếm bằng được phần đất tự do mà khối tự do vừa dứt bỏ.
|