Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Hội VAHF và nỗ lực bảo tồn lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt

Hội VAHF và nỗ lực bảo tồn lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoài Hương-VOA   
Thứ Hai, 10 Tháng 9 Năm 2012 07:48

Giới trẻ người Việt có trọng trách gìn giữ các tài liệu lịch sử của thế hệ đi trước...

 VAHF được vinh danh là có công lớn trong việc thu thập các tài liệu,
chứng tích, để hình thành một thư khố với mục đích bảo tồn lịch sử và
văn hóa người Mỹ gốc Việt cho các thế hệ mai sau

 Chủ nhật ngày 26 tháng 8 vừa qua, Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt đã tổ chức một cuộc triển lãm, văn nghệ và dạ tiệc tại thành phố Falls Church ở thủ đô Washington, để gây quỹ cho dự án thực hiện bộ phim “Viet Story-Chuyện Việt Nam”, một bộ phim tài liệu về làn sóng di cư của người Mỹ gốc Việt mà Hội dự tính sẽ hoàn tất trước cuối năm 2013.

Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation, gọi tắt là VAHF) được vinh danh là có công lớn trong việc thu thập các tài liệu, chứng tích, để hình thành một thư khố với mục đích bảo tồn lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt cho các thế hệ mai sau, với sự tiếp tay của một số trường đại học có uy tín của Mỹ. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này sẽ được dành để tường trình về buổi sinh hoạt có ý nghĩa này. 

Cuộc triển lãm và văn nghệ “Hành Trình Viễn Xứ DC” là sinh hoạt mới nhất trong các hoạt động rất năng động của Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) từ khi Hội được thành lập vào năm 2004.

Được sự giúp đỡ của các cộng đồng Mỹ gốc Việt, các tổ chức bảo trợ, các hội đoàn, các hội sinh viên và nhiều trường đại học nổi tiếng như Trường Đại học Texas Tech ở Austin, Đại học California, Irvine, Đại học Rice University ở Houston, Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation, gọi tắt là VAHF) trong những năm qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong sứ mạng bảo tồn lịch sử người Mỹ Gốc Việt, trong đĩ phải kể đến 3 bộ sưu tập về người Mỹ gốc Việt.

Bộ sưu tập đầu tiên gồm những tài liệu về cuộc di tản năm 1975 của dân tỵ nạn, sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản miền Bắc. Bộ sưu tập thứ nhì là do Hội Gia đình Cựu Tù Nhân Chính trị Việt Nam chuyển giao, gồm các hồ sơ tái định cư hơn 300,000 cựu tù nhân chính trị và thân nhân của họ. Bộ sưu tập này đang được lưu giữ và bảo tồn tại Trung tâm Vietnam của Đại học Texas Tech ở Lubbock.

Nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là bộ sưu tập thứ Ba của Hội VAHF, Chương trình 500 Lịch sử Truyền Khẩu, với hơn 500 cuộc phỏng vấn kể lại hành trình của những người Việt tỵ nạn, và những biến cố đã đưa đẩy người Việt tới Hoa Kỳ, cùng với những kinh nghiệm định cư của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Bà Triều Giang, tức Nancy Bùi, là Chủ tịch Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt. Cư ngụ tại Texas, bà Triều Giang cho biết mục đích chuyến đi thăm thủ đô Washington kỳ này:

“Triều Giang trở về vùng Washington DC lần này có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất là đi tìm những tài liệu trong thư khố của quốc gia để đi viết cái chuyện phim bằng tiếng Anh, phỏng vấn một số vị là nhân chứng quan trọng, và thứ 3 là cuộc gây quỹ này. Quý vị cũng thấy là công việc khá bề bộn, nhưng Triều Giang và các anh chị cũng rất là vui là bởi vì nghĩ rằng mình đóng góp được phần nào vào công việc mà chúng ta hầu như đã bỏ quả trong 30 mấy năm vừa qua. ”

Bà Khúc Minh Thơ, nguyên Chủ tịch Hội Gia đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (FVPPA) là người có công lớn trong việc vận động và giúp hơn 300.000 cựu tụ nhân chính trị và thân nhân định cư tại Hoa Kỳ. Là một trong những cố vấn của Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, bà Khúc Minh Thơ đề cập tới sứ mệnh của Hội:

“Chúng tôi đã ngồi lại cùng nhau với ý thức cần phải gìn giữ di sản văn hóa và lịch sử của chúng ta ở hải ngoại để cho các thế hệ đi sau hiểu biết và hãnh diện về nguồn gốc của chúng. Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng với niềm tin bền vững và tiếp tay của các hội đoàn cũng như đồng hương, chúng tôi đã thực hiện một phần lớn các dự án đã đề ra.”

Bà Khúc Minh Thơ cho biết tình trạng sức khỏe không cho phép bà tiếp tục đóng góp như trước đây vào các hoạt động cộng đồng, và đã quyết định trao lại các tài liệu quan trọng của Hội Gia đình Cựu Tù Nhân Chính Trị, đã ngưng hoạt động, cho VAHF:

“Hội Gia đình Tù nhân đã quyết định chuyển giao tất cả hồ sơ của hội cho Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt vì muốn những sự thật về tù nhân chính trị được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau, trước những sự xuyên tạc, tuyên truyền và bóp méo lịch sử đang diễn ra.”

Văn nghệ “Hành Trình Viễn Xứ DC”

​​Trước khi tập hồ sơ được trao lại cho bà Triều Giang và đại diện của thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt, nhạc sĩ Nam Lộc, một trong hai MC của buổi sinh hoạt, nói rằng có thể coi đây như thế hệ đi trước trao lại bó đuốc cho thế hệ sau. Ông nhắn nhủ giới trẻ người Việt về trọng trách gìn giữ các tài liệu lịch sử của thế hệ đi trước:

“Các cháu có trách nhiệm để gìn giữ những tài liệu lịch sử này. Các cháu có trách nhiệm để bảo vệ những tài liệu này, và quan trọng hơn cả là các cháu có trách nhiệm để nói lên cho các bạn cùng trang lứa hay những tuổi trẻ hơn các cháu về những câu chuyện đầy máu, đầy nước mắt nhưng đầy vinh dự của những người lính Việt Nam Cộng hòa và đặc biệt của những người tù cải tạo. ”

Giới trẻ người Việt có trọng trách gìn giữ các tài liệu lịch sử của thế hệ đi trước...
Nam Lộc

Trong mấy năm gần đây, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt đã dấn thân, đóng vai trò tích cực trong các hoạt động của cộng đồng, kể cả dự án của VAHF. Điển hình là Liên hội Sinh Viện Việt Nam vùng Bắc Mỹ (UNVASA),đã gây quỹ và trực tiếp thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn cho chương trình 500 Lịch sử Truyền khẩu của Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt.

Một trong những người trẻ tuổi đã hỗ trợ cho VAHF là Long Nguyễn, cựu Chủ tịch Liên Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Bắc Mỹ (UNAVSA). Long Nguyễn nói về nỗ lực này:

“Hàng trăm toán sinh viên, đoàn kết dưới một lý tưởng chung, làm việc để phục vụ một mục tiêu chung, là gây quỹ và nâng cao nhận thức về Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt. Chúng tôi tổ chức những buổi bán bánh nướng, rửa xe, bán phở, bán vé số vv... Sinh viên học sinh thường không để dành được bao nhiêu tiền sau những chi phí như sách vở, tiền mướn nhà vv, nhưng tụi em đã tìm mọi cách để thuyết phục sinh viên đóng góp những gì có thể được, và qua hoạt động đó, đã hun đúc tinh thần tập thể, đoàn kết. Nỗ lực này cũng giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với gia đình, khi nâng cao được nhận thức về nguồn gốc xuất xứ của mình. Trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có một khoảng cách giữa các thế hệ, khoảng cách văn hóa giữa con cái và cha mẹ, khoảng cách giữa thế hệ sinh trưởng tại đất nước này với thế hệ đi trước đã hy sinh rất nhiều để đưa gia đình con cái đến đây . Rất nhiều sinh viên không biết gì về những sự hy sinh đó, và không chú ý tới những câu chuyện kể khi các em đang lớn lên. Nhiều người không nghĩ tới việc hỏi cha mẹ về những chuyện như thế. Nỗ lực này là một cơ hội để chúng em được đặt những câu hỏi đó với cha mẹ, và lần đầu tiên trong đời, được lắng nghe những câu chuyện đó. Vì thế cộng đồng sinh viên chúng em rất cảm kích về dự án này và rất tự hào là đã đóng góp được một phần nào vào dự án này.”

Bà Triều Giang, Chủ tịch VAHF cho biết về số tiền cần có để thực hiện bộ phim Viet Story choi Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt:

VAHFR trao đuốc cho giới trẻ

​​“Số tiền khoảng trên 250,000, làm một cuốn phim tài liệu với số tiền này kể ra nó cũng rất khiêm nhường nhưng sở dĩ làm được là nhờ có nhiều người tình nguyện, nếu không thì chắc phải lên tới cả triệu đồng, và tôi chắc rằng nếu lên cả triệu đồng thì hơi khó đối với chúng ta, nhưng với trên 250,000 mà Hội cũng đã kiếm được trên 100,000 thì Triều Giang mong mỏi rằng buổi tối hôm nay, có khi nào quý vị có thể giúp Triều Giang hoàn thành được việc đó, để Triều Giang cắm cúi vào cái công việc cùng với các anh chị em để thực hiện bộ phim này. ”
  
Cuộc triển lãm và văn nghệ gây quỹ “Hành Trình Viễn Xứ DC” đã đạt được phần lớn mục tiêu mong đợi. Ban Tổ chức cho biết Hội đã quyên góp được 60,000 đôla, nhờ sự hưởng ứng nồng nhiệt của những người tham dự, có lẽ vì đại đa số đều hậu thuẫn sứ mệnh của Hội, là bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa Người Mỹ Gốc Việt cho các thế hệ mai sau.