Vovinam, môn võ Việt 'màu xanh' cổ truyền trên đất Mỹ |
Tác Giả: Ngọc Lan | |||||||
Chúa Nhật, 02 Tháng 9 Năm 2012 07:00 | |||||||
“Vovinam là Võ Việt Nam. Chúng tôi muốn bảo tồn và phát huy môn võ Việt Nam, giới thiệu cho người ngoại quốc khắp nơi đều biết đến môn võ này. Tôi muốn ở đâu cũng có màu xanh trùng dương của Vovinam.” WESTMINSTER (NV) -Ði tìm một lò võ cổ truyền Việt Nam trên vùng Little Saigon thật ra không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Bởi lẽ, như lời võ sư Lý Hoàng Tùng, chủ tịch Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới, nhận xét, “Võ cổ truyền Việt Nam hơi khác các môn võ khác, vì mỗi võ sư tự đặt ra một môn phái khác nhau. Mỗi môn phái lại có những biến chế thêm ở các bài tân quyền, ví dụ như họ có thể pha thêm võ Thái Lan hay boxing vào.” Chính vì điều này mà việc đi tìm một môn võ mang đủ tính cổ truyền Việt Nam tại hải ngoại là chuyện không thể có. Tuy nhiên, “Chỉ duy nhất môn phái Vovinam là có sự thống nhất, tức chỉ có một chưởng môn duy nhất xưa nay, và dù ở bất kỳ đâu, cũng chỉ có duy nhất một tên Vovinam.” Võ sư Lý Hoàng Tùng cho biết. Tại Little Saigon, có một võ đường Vovinam khá nổi tiếng tại trung tâm Nguyễn Bá Học, Westminster, do võ sư Phạm Văn Thành phụ trách và điều hành, đến nay đã được 13 năm. Nguồn gốc Vovinam Vovinam (Võ Việt Nam, hay còn gọi là Việt Võ Ðạo) là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960) sáng lập vào năm 1936 trong tinh thần “Muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm song song với một thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ.” Võ sư Nguyễn Lộc nhận thấy môn võ nào của các dân tộc khác cũng có những ưu điểm và khuyết điểm nếu đem áp dụng vào thể trạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt Nam. Do đó, ông để tâm nghiên cứu một môn võ đáp ứng được hai nhu cầu cho người thanh niên Việt, đó là võ thuật và tinh thần võ đạo. Về võ thuật, Vovinam áp dụng những thế võ cổ truyền, thuần túy dân tộc như các môn vật, lấy nhu thắng cương. Về tinh thần võ đạo, võ sư Nguyễn Lộc lưu tâm đến đạo lý Ðông phương, danh dự của tổ quốc, và lòng yêu nước. Ðối với cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước, Vovinam không chỉ là môn phái võ thuần túy mang tính chất võ học dân tộc mà còn là một võ đạo trong đó môn sinh ngoài sự rèn luyện võ học dân tộc, còn được trui rèn lòng yêu nước với tinh thần võ đạo Việt Nam, lấy nhu thắng cương, “uy vũ bất năng khuất” của tổ tiên. Năm 1960, sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức chưởng môn của môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới. Vovinam bao gồm phần võ thuật như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân,... và phần binh khí như việc sử dụng và chống đỡ kiếm, đao, côn, thương, dao găm, súng ngắn, súng trường. Ðòn thế Vovinam được đưa vào hệ thống “Một phát triển thành ba” tức là tất cả các đòn thế được tập luyện từ thế căn bản như tấn công, phản đòn, khóa gỡ, đến đơn luyện như quyền pháp, chiến lược, và các dạng đa luyện như song luyện, đối luyện, tam đấu, tứ đấu. Vovinam đa dạng và thức thời, nên dễ phù hợp với nhiều lứa tuổi, cho cả nam lẫn nữ. Từ xưa đến nay, Vovinam nổi tiếng với ba đòn chỏ, chém quét và đòn chân kẹp cổ. Tuy nhiên, trong một số cuộc thi song đấu đối kháng Vovinam, môn sinh không được phép dùng chỏ, vì Vovinam dùng chỏ rất mạnh. Lò võ Vovinam tại Little Saigon Khởi đầu từ năm 1999, võ đường Vovinam tại trung tâm Nguyễn Bá Học có sự trợ giúp của võ sư Kiều Công Lang và võ sư Dương Ngọc Bích.
Võ sư Phạm Văn Thành, cao đẳng hồng đai đệ tam cấp, học võ từ năm 1969, sang Mỹ năm 1989, và gần như ngay lập tức tham gia vào sinh hoạt của các trung tâm võ thuật Vovinam ở vùng Orange County và Los Angeles. “Ðến năm 1999, tôi mới mở lớp võ Vovinam của riêng tôi ở vùng Westminster,” võ sư Thành cho biết. Bước chân vào võ đường này, điều đầu tiên đập vào mắt người quan sát là màu xanh biển của trang phục võ sinh. Kế đến là sự có mặt của các võ sinh thuộc nhiều lứa tuổi, và có đông thiếu nữ. “Vovinam cương nhu phối triển cho nên các em gái theo học đông hơn các môn phái khác,” võ sư Thành nhận xét. Sau khi thực hiện xong một bài tập võ tự vệ với các thế đá, vật, đỡ một cách dứt khoát và mạnh mẽ, cô Tâm Nguyễn, 23 tuổi, một võ sinh học võ từ năm 11 tuổi, nói một cách bẽn lẽn, “Lúc đầu do ba mẹ bắt đi học, nhưng khi theo học rồi thì em thấy thích, và học luôn tới bây giờ.” Sau 12 năm học võ, hiện tại Tâm Nguyễn mang “hoàng đai tam,” nói mục đích học võ là nhằm “giúp cho mình sức khỏe, và bảo vệ bản thân.” Trong khi đó, em Jacqueline Ðoàn, học võ được một năm, cũng “thấy thích” và cô “chọn học võ này vì đó là võ của Việt Nam.” Theo võ sư Phạm Văn Thành, môn phái Vovinam có ba trung tâm tại Westminster, nơi tập trung đông người Việt nhất tại Hoa Kỳ. Trên toàn miền Nam California, có sáu đến bảy trung tâm. Nhiều em đi học võ từ 5, 6 tuổi, nhưng đông nhất là ở lứa tuổi 10 đến 12. Võ sư Thành phân tích, “Vovinam lấy võ vật cổ truyền của Việt Nam là căn bản, làm gốc. Ðiểm đặc biệt của Vovinam là đánh đòn chân và vật trên không, tức dùng hai chân từ trên không vật người ta xuống, bẻ người ta xuống. Ðó là nét đặc thù của Vovinam. Ngoài ra, điểm riêng biệt của Vovinam còn là việc dùng đòn cơ bản khắc chế, tức dùng đòn của đối phương đánh lại đối phương, và có rất nhiều cách đánh phản lại đòn của đối phương.” Ðẳng cấp của môn phái Vovinam được chia ra thành sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng. Mỗi đẳng có ba cấp, như sơ đẳng nhất cấp, sơ đẳng nhị cấp, và sơ đẳng tam cấp. Trung đẳng cũng tương tự như thế. Riêng cao đẳng có sáu cấp, từ hồng đai nhất cấp đến lục cấp. Sau cao đẳng đến cấp thượng đẳng bạch đai chỉ dành riêng cho võ sư chưởng môn. “Nhưng chưởng môn Vovinam Lê Sáng qua đời năm 2010, nên hiện thời không ai mang đai đó nữa.” Võ sư Phạm Văn Thành cho biết. Người điều hành võ đường Vovinam tại trung tâm Nguyễn Bá Học nói thêm về ý nghĩa các màu đai xanh, vàng, đỏ, và trắng của môn phái này, “Ðai màu xanh, sơ đẳng, tượng trưng cho hy vọng, hy vọng mình học được võ thuật, võ đạo. Sau ba cấp đai xanh thì tiến đến đai màu vàng tượng trưng cho màu da, tức võ thuật thấm vào da thịt con người. Rồi đến đai màu đỏ, gọi là hồng đai, với ý nghĩa màu máu, tức võ thuật thấm vào máu con người. Cuối cùng là màu trắng, màu của xương, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã vào tận xương tủy, đạt đến giới hạn thâm viễn nhất dành cho người đứng đầu môn phái.” Một nét khác biệt nữa của Vovinam, theo võ sư Phạm Văn Thành, là “Môn võ này không cho thi đấu và thí võ ở ngoài như những môn võ khác. Chỉ có đấu nội bộ giữa các trung tâm thôi.” Võ sinh David Phạm, 15 tuổi, học võ được sáu năm, nói, “Em đi học võ cho vui, vì ở nhà chán hơn, vô đây vui hơn.” Hiện mang đai vàng, David nhận xét một cách thú vị về chuyện học võ của mình, “Ði tập võ mà té được thì không đau, nhưng khi té không được, hoặc những khi bị đánh vô người, vô mặt, thỉnh thoảng thì cũng đau. Ði học võ không phải là để đánh lộn trong trường, vì điều đó không tốt.” David cho biết em vẫn sẽ tiếp tục học võ cho đến “chừng nào con già, giống thầy thì con mới nghỉ!” Có mặt trong số các võ sinh của võ sư Phạm Văn Thành là Bác Sĩ Henry Ngô. Theo học Vovinam được hai năm, bác sĩ này nhận xét, “Học võ có nhiều tác dụng cho thân thể. Thứ nhất là có sức khỏe, thứ hai là tạo sự chịu đựng tốt, thứ ba là tạo cho mình một ý chí biết đối phó trước một hoàn cảnh, và để tự vệ là chính.” Là người từng có đai đen Taekwondo, năm năm theo học Thiếu Lâm trong chùa, hai năm học Wushu, và sáu tháng học Aikido, cuối cùng, vị bác sĩ này chọn Vovinam vì “mỗi môn phái có những đặc thù riêng của nó, nhưng tôi thích Vovinam vì nó kết hợp vừa cương vừa nhu, lại có những đòn chân rất hay mà các môn phái khác không có.” Sau hơn 40 năm theo nghiệp võ, võ sư Phạm Văn Thành tâm sự, “Vovinam là Võ Việt Nam. Chúng tôi muốn bảo tồn và phát huy môn võ Việt Nam, giới thiệu cho người ngoại quốc khắp nơi đều biết đến môn võ này. Tôi muốn ở đâu cũng có màu xanh trùng dương của Vovinam.”
|