Giới thiệu các làn điệu cổ truyền miền Bắc |
Tác Giả: Nguyên Huy | |||||||
Thứ Ba, 28 Tháng 8 Năm 2012 06:29 | |||||||
Gần 3 tiếng đồng hồ với 15 tiết mục các làn điệu dân ca cổ truyền miền Bắc đã làm cho hầu hết khán thính giả được trọn hưởng một chiều văn nghệ đầy lạc thú và hữu ích. Chiều Chủ Nhật 26 tháng 8 vừa qua, Viện Việt Học và ban nhạc cổ truyền Lạc Hồng đã có một buổi giới thiệu các làn điệu nhạc cổ truyền miền Bắc tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst thuộc thành phố Westminster.
Ðây là một chương trình văn nghệ định kỳ nhằm lần lượt giới thiệu các làn điệu ca nhạc miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam. Chương trình này nhằm “gửi đến các du khách đến thăm viếng Little Saigon, các bạn ngoại quốc, các sinh viên thuộc các đại học quanh vùng và phụ cận Little Saigon, các bạn trẻ và đồng hương người Việt,” theo như lời ban tổ chức cho biết. Nội dung chương trình với 15 tiết mục chọn lọc qua các làn điệu ngâm thơ, dân ca Quan họ, Trống quân, Ca Trù, Hát Xẩm, Hát Chèo, Chầu Văn được biên soạn và dàn dựng bởi Giáo Sư Nguyễn Châu. Trình diễn trong chương trình đặc sắc này gồm những nghệ sĩ tên tuổi trong làng ca nhạc cổ truyền dân tộc như cặp Nga Mi-Trần Lãng Minh, Thúy Anh, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Thanh Vân, Bá Toàn và Lê Ðào, đặc biệt là hơn 10 em trong ban nhạc cổ truyền Lạc Hồng với sự dìu dắt của Giáo Sư Nguyễn Châu, Nguyễn Thị Mai. Châu Giang, một trong những em trong ban Lạc Hồng, cho biết: “Cháu theo học đàn tranh từ 10 năm nay. Nhờ sự chỉ bảo của thầy Nguyễn Châu nay cháu có thể hòa điệu được với hầu hết các làn điệu dân ca Bắc Trung Nam. Mới đầu thì cháu cũng học nhiều thứ như sáo, đàn nguyệt nhưng sau cháu thấy thích đàn tranh hơn cả nên chỉ chăm chú vào thứ đàn này thôi”. Châu Giang, một thiếu nữ mới chưa đầy 16 tuổi còn biết đàn dương cầm nữa. Hỏi về ý thích của em về các nhạc cụ Ðông Tây, em cho biết: “Mỗi loại đàn, cháu thấy nó có một sự lôi cuốn riêng cho người nghe cũng như người chơi nhạc. Nếu như dương cầm thể hiện được hoàn hảo mọi cung bực trong âm thanh thì đàn tranh qua ngũ âm cũng diễn tả được hết từ cái vui cho đến cái buồn”.
Trong 15 tiết mục ban Lạc Hồng trình diễn thì thấy tiếng đàn hòa trộn vui nhiều hơn buồn. Cái nét ủ ê của nhạc cổ truyền Việt Nam mà có người cho rằng nó thể hiện cái tâm trạng đau buồn mất nước (thời Pháp thuộc) nhưng đó chỉ là cái nhìn phiến diện. Với Giáo Sư Nguyễn Châu, có thể những nét ủ ê nếu có trong nhạc cổ truyền Việt Nam cũng đã được biên soạn lại để các làn điệu phát ra vui tươi hơn, ríu rít hơn do từ khai thác được những tinh hoa của nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Trong buổi trình diễn này phải nói là ban tổ chức đã có sự chọn lựa khá kỹ càng không chỉ trong chương trình trình diễn mà từ các em trong ban Lạc Hồng. Các nghệ sĩ nhỏ tuổi này đã có được một tài năng khá vững nên sự trình tấu các tiết mục đều hoàn hảo một cách xuất sắc. Trong suốt chương trình, Giáo Sư Nguyễn Châu luôn luôn đứng trên sân khấu, khi thì trình diễn chiếc đàn đáy (mà MC Thúy Anh dí dỏm giới thiệu là cái đàn không có đáy nhưng lại được gọi là đàn đáy), khi thì theo dõi chỉ huy ban nhạc thiếu nhi Lạc Hồng trình tấu. Mở đầu chương trình là màn đồng ca Trống Quân và hát Cò Lả với hai cặp Thái Mỹ-Hiền Trần và Thanh Vân-Bá Toàn đã gợi lên ngay được nét sống văn hoa thanh tú, tình tứ của người dân miền Bắc Việt Nam. Ðến màn thứ hai, 4 nhạc sĩ nhỏ của ban Lạc Hồng đã làm cho hơn 100 khán thính giả ngồi chật phòng hội Viện Việt Học phải nổ ra những tràng pháo tay thích thú. Nhạc sĩ “tí hon” Cody Trần với chiếc đàn bầu một dây và sự phụ đệm của ba nhạc sĩ trẻ khác David Phạm với tiếng Trống Ðế, Tường Vi xen kẽ Phách và Emily điểm thêm Phách Tiền làm không khí rộn rã hẳn lên với hai khúc Ðào Liễu và Bèo Dạt Mây Trôi. Qua sang mục kế tiếp, anh chàng ca sĩ tí hon Ðức Khang đóng vai Lý Toét thật là tự nhiên không gượng ép tí nào từ cử chỉ của một nhân vật “bắng nhắng” nhưng lại “quê mùa” lúc nào cũng ra vẻ “ta đây” cho đến giọng hát dân ca Quan Họ qua bài Cây Trúc Xinh có thể được coi như một tiết mục ăn khách. Hát Huê Tình, một lối hát tỏ tình của trai gái được Ngọc Quỳnh làm nổi bật lên cùng Giáo Sư Nguyễn Châu phụ họa đàn đáy và tiếng Phách của Lam Dung. Ðến tiết mục Hát Xẩm thì khán thính giả phải phục lăn lối diễn tả vừa ý nhị vừa cảm động của đôi nghệ sĩ Thúy Anh và Lily Nguyễn trong bài Lỡ Bước Sang Ngang thơ của Nguyễn Bính. Hát xẩm là một lối hát của những nghệ sĩ hát rong mà giới hành khất lấy sử dụng trong việc sinh nhai. Thời Pháp thuộc khi giao thông trên vùng sông nước được thực dân Pháp cải tiến bằng những chiếc ca nô hay tàu nhỏ “síp phê” thì cũng xuất hiện đông đúc những nghệ nhân hát xẩm trên những chuyến “đò dọc” này. Hát xẩm là lối hát pha trộn nhiều làn điệu khi thì cò lả khi thì như hát nói, ngâm thơ có khi còn đá sang cả quan họ... nên hát xẩm thu hút được nhiều người nghe nhất là trong những phút lênh đênh sông nước hay mòn mỏi chờ tàu ở những nhà ga. Một màn nhạc cổ truyền nhiều người mong đợi, đó là Ca Trù được nữ nghệ sĩ Nga Mi với sự phụ đệm đàn đáy của Giáo Sư Nguyễn Châu và tiếng trống Ðế của Lãng Minh đã làm cho nhiều người thích thú bởi Ca Trù là lối hát của những “Ả Ðào” trong thú chơi văn chương tao nhã của các nhà nho, giới có học ngày xưa. Cặp nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh còn cống hiến xuất sắc các tiết mục Chầu văn, thường gọi là hát Lên Ðồng cũng làm cho người nghe say sưa đê mê như cũng cảm thấy trong người có máu đồng cốt. Gần 3 tiếng đồng hồ với 15 tiết mục các làn điệu dân ca cổ truyền miền Bắc đã làm cho hầu hết khán thính giả được trọn hưởng một chiều văn nghệ đầy lạc thú và hữu ích. Nói chuyện với Người Việt, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai vui vẻ kể: “Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng chúng tôi nay đã được hơn 23 năm giúp cho hàng ngàn em biết đến văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Các em nay đã lớn thường quay về trường sinh hoạt có khoe khi còn ở trung học các em đã nhiều lần trình bày cũng như trình diễn giới thiệu nét văn hóa cổ truyền Việt Nam với nhà trường và các bạn học thuộc nhiều dân tộc khác. Nay các em ra đời làm việc khắp mọi nơi, khắp mọi ngành, các em cũng vẫn tranh thủ giới thiệu nền văn hóa cổ truyền Việt Nam khi có dịp, có thời cơ. Ðây là điều mà chúng tôi cảm thấy sung sướng nhất, hãnh diện nhất nên cứ còn loanh quanh với Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng chưa về hưu được”.
|