Người lính già Khóa 12 Thủ Ðức điểm danh lần cuối |
Tác Giả: Nguyên Huy / NV | |||||
Thứ Hai, 20 Tháng 8 Năm 2012 06:16 | |||||
Lần này chúng ta điểm danh trong thân phận chung của người lính VNCH bị bắt buộc phải tan hàng, nhưng chúng ta vẫn còn nêu cao được tinh thần 'Danh Dự, Tổ Quốc, Trách Nhiệm' WESTMINSTER (NV) - “Hôm nay vừa tròn chu kỳ 50 năm ngày chúng ta ra trường năm 1962. Chu kỳ tới vào năm 2060, sẽ không còn ai trong chúng ta của Khóa 12 Thủ Ðức nữa nên sau lần điểm danh thứ nhất khi nhập quân trường vào năm 1962 thì đây là lần điểm danh thứ hai và cũng là lần điểm danh sau cùng của Khóa 12 Thủ Ðức.”
Ðó là lời phát biểu của cựu SVSQ Thủ Ðức Nguyễn Trọng Thu, trong ban tổ chức, khai mạc buổi họp mặt toàn thế giới các thành viên Khóa 12, tại nhà hàng Paracel, Westminster, hôm Chủ Nhật. Lời phát biểu đã làm cho không khí lắng đọng ngay giữa tiếng ồn ào mừng vui gặp lại của anh em cựu SVSQ Thủ Ðức khắp nơi tụ về. Ai nấy như sững lại, chợt nghĩ đến cái thời gian chẳng bao giờ tạm ngưng nghỉ để cuộc đời còn được kéo dài thêm chút nữa. Ai nấy cùng như nắm chặt bàn tay nhau hơn, vòng tay bỗng ôm siết hơn, nụ cười bỗng lớn hơn. Rồi cuộc điểm danh lần cuối bắt đầu. Ðèn nhà hàng được yêu cầu tắt hết để không gian u uất đón những anh linh của các bạn đồng khóa đã hy sinh trong chiến cuộc Việt Nam trở về cùng điểm danh lần chót. Lá cờ quân trường phủ xuống trong lễ đặt cờ rũ trước ảnh tượng Ðức Trần Hưng Ðạo, được vị tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam lấy đặt tên cho khóa vào ngày mãn khóa học. Nghi lễ khá là trang trọng với hai đoàn hầu kỳ của SVSQ Thủ Ðức vùng Orange County & Phụ Cận và Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Ðức San Jose trong những bộ quân phục đại lễ khiến cho toàn thể những người lính già của Khóa 12 Thủ Ðức cùng bồi hồi nhớ lại cảnh ngày ra trường, tưởng như mới hôm nào gần đây thôi. Ông Nguyễn Trọng Thu, trong bài diễn văn khai mạc, đã trải ra một tâm sự gần như là một tâm sự chung của những người lính già Khóa 12. Ông nói: “Tổ chức được như thế này với anh em trong khóa từ khắp nơi tụ về quả là một chuyện hãn hữu. Năm mươi năm trước chúng ta là những mái đầu xanh từ khắp nơi xếp bút nghiên để vào quân trường Thủ Ðức cùng đứng trong hàng quân mà điểm danh lần đầu với lời nguyền 'đem xương máu bảo vệ quê hương.' Hôm nay, chúng ta cũng từ khắp nơi tụ về, mái đầu không còn xanh nữa, nhưng vẫn còn trong hàng ngũ để điểm danh lần thứ hai và cũng là lần chót. Lần này chúng ta điểm danh trong thân phận chung của người lính VNCH bị bắt buộc phải tan hàng, nhưng chúng ta vẫn còn nêu cao được tinh thần 'Danh Dự, Tổ Quốc, Trách Nhiệm' mà chúng ta nguyện ghi nhớ khi bước ra khỏi quân trường đi khắp bốn vùng chiến thuật. Tinh thần ấy vẫn không suy sút khi chúng ta vẫn còn là người lính VNCH chưa giải ngũ, nay đang ở ngoài nước. Tinh thần ấy đã khiến chúng ta giữ vững được lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ của quốc gia Việt Nam biểu tượng cho tự do và nhân quyền. Chúng ta đã thực hiện được câu nói 'Một ngày là lính, một đời là lính.' Khi Chuẩn Tướng Lam Sơn, vị chỉ huy trưởng quân trường của chúng ta, nằm xuống trăn trối với gia đình là sau này đem về an táng ở Việt Nam nhớ phủ lá cờ vàng trên thân xác của ông thì những người lính già của Khóa 12 Thủ Ðức cũng có cùng một tâm nguyện với vị chỉ huy trưởng của mình.” Cuộc điểm danh cụ thể sau đó được diễn ra với lời giới thiệu của ban tổ chức cho biết anh em Khóa 12 Thủ Ðức từ Úc bay qua là 12 người, Texas 29 người, Maryland 50 người, Florida 5 người, Arizona 4 người, Pennsylvania 4 người, Canada 1 người, tổng cộng là 180 người từ xa về, nhiều nơi còn mang theo cả đoàn hậu duệ. Riêng tại Nam California thì gần 300 anh em đã có mặt. Cựu SVSQ Lê Bá Bình, một anh hùng của Mũ Xanh TQLC, lên kể đến một vài chi tiết của khóa học. Ông nói: “Khóa 12 Thủ Ðức vinh dự được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tới chủ tọa lễ mãn khóa, đã đặt lên vai chúng ta cái cấp bậc tiên khởi trong hàng ngũ sĩ quan của QLVNCH và đặt tên khóa là Trần Hưng Ðạo. Quả là một danh dự. Nhập khóa có 1,479 người nhưng trong thực tập, hai người đã hy sinh nên khi ra trường chỉ còn 1,477 sĩ quan. Tất cả đều tốt nghiệp, không có ai bị rớt. Gần 1,500 sĩ quan đó đã được tung vào khắp các đơn vị của QLVNCH để trở thành những người lính ưu tú trong nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.” Cũng có mặt trong cuộc điểm danh lần cuối này thủ khoa của khóa, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh. Ông bày tỏ lòng kính phục sự hy sinh của những người vợ lính trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Ông nói: “Chính sự hy sinh của các chị đã khiến cho chúng tôi yên tâm diệt giặc nơi tiền tuyến bảo vệ được miền Nam trong suốt 20 năm. Nhân đây tôi xin đề nghị, không cần phải đợi một chu kỳ tới 50 năm nữa mà hãy luôn điểm danh nhau khi chúng ta còn điểm danh được. Tuy chưa biết sau điểm danh chúng ta sẽ làm được cái gì nhưng được nhìn lại nhau, biết được còn trong hàng ngũ là điều vui mừng lắm rồi.” Nói với chúng tôi trong vài phút phỏng vấn, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh kể lại: “Khi bị gọi nhập ngũ thì lúc ấy cũng buồn lắm chứ. Ðang thênh thang đời dân sự thì bỗng phải vào khuôn vào phép. Tuổi tôi đáng lẽ là đi từ Khóa 1 Nam Ðịnh, nhưng được hoãn vì đang du học. Khi về, ông Diệm có nói 'hãy làm gương cho giới trí thức' nên tôi vui vẻ lên đường. Trong đời lính tôi cũng ra mặt trận nhiều lần khi ở Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, rồi lên Pleiku với Sư Ðoàn 2, rồi về Quân Ðoàn II. Mãi sau tôi mới được chuyển về làm tổng giám đốc đài phát thanh, rồi Việt Tấn Xã, và sau cùng thì theo ông Kỳ tham dự phái đoàn ở Paris. Ðời lính có vui có buồn, với những kỷ niệm khó quên nên từ Texas về gặp lại anh em cùng khóa tôi cảm thấy bồi hồi xúc động lắm.” Một người khách đặc biệt mà ban tổ chức giới thiệu là cô Phan Ðình Bảo Kim, từ Úc qua, trong đoàn phóng viên của đài TV Úc, chương trình tiếng Việt. Cô Bảo Kim là ái nữ của Chuẩn Tướng Lam Sơn. Cô cho biết ngày sinh của cô trùng với ngày Khóa 12 ra trường nên cô xin được làm một đứa con trong gia đình Khóa 12 Thủ Ðức. Bảo Kim cũng cho biết là hiện cô đang hướng dẫn một tổ chức hậu duệ những người lính VNCH ở Úc. Trước khi chương trình được chuyển sang phần văn nghệ và tiệc mừng hội ngộ, ban tổ chức đã mời sáu phu nhân đại diện cho các người vợ lính Khóa 12 để anh em đại diện khóa tặng những bó hoa tri ân sự hy sinh âm thầm nhưng vĩ đại của các chị trong suốt thời gian chồng phải đánh giặc miền xa cả trong thời gian hòa bình đến nhưng lại phải bị giam giữ trong các trại khổ sai cải tạo của chế độ cộng sản đã cưỡng chiếm toàn đất nước.
|