Chuyện một người Mỹ gốc Việt lâm vòng lao lý |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||||
Thứ Sáu, 27 Tháng 7 Năm 2012 08:06 | |||||
“Anh tôi vì bị ức hiếp nhiều năm, kêu cứu với nhà chức trách mà không được ai giúp đỡ, nên mới đi đến tình trạng như thế này.” Thủ phạm hay nạn nhân? Tin ông Joseph Phạm, một người Mỹ gốc Việt, 42 tuổi, dân cư thành phố Cedar Rapids, tiểu bang Iowa phải ngồi tù vì bị cáo buộc tội mưu sát vào đầu Tháng Bẩy vừa qua đã gây xôn xao dư luận.
Theo biên bản của Sở Cảnh Sát Cedar Rapids, ông Phạm dùng súng bắn vào người hàng xóm là Brian Wilson, ở ngay trước cửa nhà ông ta. Ngoài Brian, ông Phạm còn bắn Jayde Wilson, con gái, và Tracy Moses, vợ của Brian. Riêng ông Brian, 39 tuổi, bị ông Phạm bắn nhiều lần vào người, tình trạng nguy ngập, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cũng theo nhận định của cảnh sát, vụ bắn súng bắt nguồn từ bất đồng giữa hai người đàn ông nhà ở cạnh nhau. Tiếp xúc với nhật báo Người Việt qua điện thoại, bà Thu Vân Nguyễn, vợ ông Joseph Phạm nói rằng chồng bà “không có lỗi” và chính gia đình mới là “nạn nhân của người hàng xóm có thái độ kỳ thị chủng tộc, đã chèn ép, sách nhiễu và thóa mạ” gia đình bà từ nhiều năm nay. “Gia đình này (gia đình bà Tracy Moses) là người Mỹ trắng, khu chúng tôi ở toàn người Mỹ trắng, họ không thích có người Việt Nam ở, và họ bắt nạt gia đình chúng tôi từ 7 năm nay, để ép chúng tôi dọn đi.” Bà Thu Vân nói. Về tình trạng của chồng, bà Thu Vân cho biết hiện ông Phạm vẫn ở tù vì gia đình không có đủ tiền nộp số tiền tại ngoại hầu tra $100,000 tiền mặt mà tòa đòi hỏi. “Bây giờ tinh thần anh ấy suy sụp lắm, nói chuyện lúc nhớ lúc không. Tôi lo lắng lắm.” Bà Thu Vân nói. Luật Sư James P. Moriarty, đại diện cho ông Phạm, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng thân chủ ông là người “hiền lành, vô tội,” chưa bao giờ đi tù, và cho biết “hiện đang yêu cầu tòa cho ông Phạm được thẩm định tâm thần” xem có đủ khả năng ra trước tòa án không. “Thân chủ tôi không nhận tội.” Luật Sư Moriarty khẳng định. Trả lời câu hỏi của Người Việt về chiến lược pháp lý của mình, Luật Sư Moriarty nói “không thể tiết lộ,” nhưng đề cập đến một vụ kiện vào cuối năm 2009, qua đó ông Joseph Phạm nộp đơn tố cáo hàng xóm là ông Jamie Moses (chồng cũ của bà Tracy Moses) là sách nhiễu, gây khó khăn cho gia đình mình. “Bất cứ ai quan tâm, có thể đọc tài liệu vụ án này thì có thể hiểu được một phần của câu chuyện.” Luật Sư Moriarty kết luận. Nguyên nhân xa Tài liệu tòa án của vụ kiện nói trên ghi rõ là hai cửa sổ nhà ông Phạm bị ông phá vỡ, sân cỏ của ông bị Jamie Moses lái xe lên làm nát bấy, tường nhà bị bắn súng vào, và con gái ông Phạm là Kathie Phạm bị ném phân vào mặt. Khi vụ kiện ngã ngũ, ông Jamie Moses bị tòa xử là phải đền ông Phạm 190 đô la tiền sửa cửa sổ, mặc dù ông Phạm đòi bồi thường cả nỗi đau tinh thần, thiệt hại tài sản, và chi phí tòa án. Ngoài việc phạt tiền, quan tòa còn ra lệnh cho hai bên không được giao tiếp với nhau. Trả lời câu hỏi là tại sao ở phải một khu bị kỳ thị như vậy mà không dọn đi. Bà Thu Vân cho biết hai vợ chồng bà đã muốn bán nhà từ hơn 3 năm nay, nhưng với tình hình kinh tế xuống dốc, họ không bán được. “Với lại, sau khi ông Jamie Moses ly dị vợ là bà Tracy Moses dọn đi thì chúng tôi nghĩ là thoát nạn rồi, nhưng ai ngờ chồng mới của bà Moses là ông Brian Wilson dọn vào thì cũng có óc kỳ thị không kém.” Bà Thu Vân kể. Kể lại diễn tiến hôm xẩy ra biến cố, bà Thu Vân cho biết hôm đó cả nhà bà đi ăn tiệc mừng ra trường của một người thân về đến cửa nhà thì gặp gia đình ông Brian Wilson cũng ở đâu vừa về tới. Gia đình bà vừa xuống xe đóng cửa lại thì ông Brian giơ ngón giữa lên, chửi đổng và nói, “Tao không thích tụi mày ở đây, tụi mày cút đi!” Theo lời bà Thu Vân, vì đã quen cảnh bị thóa mạ, hai vợ chồng bà và ba con đi tuột vào trong nhà, ra sân sau, chồng bà thì sơn cái deck đang sơn dở dang, còn bà Thu Vân thì đi cắt cỏ. “Mặc cho ông ta chửi, tôi thì cứ cắt cỏ làm vườn, còn anh ấy thì cứ cắm cúi sơn, nhưng ông Brian cứ đứng chửi tiếp và gào lên 'tụi mày cút về nước mày đi, ở đây không ai muốn có mặt mày cả.'” “Lúc đó chồng tôi tức quá vừa hét to vừa bước lên nhà 'Tôi là công dân Mỹ, tôi ở Mỹ đã hơn 30 năm, không ai có quyền đuổi tôi.'” Tưởng chồng bực quá không muốn làm việc nữa, và bỏ lên nhà, bà Vân vẫn tiếp tục cắt cỏ, nhưng khoảng mười lăm phút sau thì nghe có tiếng xe cứu thương và xe cảnh sát tới, bà chạy vội lên, thì thấy chồng nói “anh đi tù rồi em ơi.” “Cảnh sát nói là anh ấy bắn họ, nhưng thực sự lúc chạy lên, tôi không hề nhìn thấy anh cầm súng bắn ai.” Bà Thu Vân khẳng định. Bà Vanessa Phạm, em ruột của ông Joseph Phạm, cư ngụ ở Nam California cho phóng viên Người Việt biết đã lập một trang mạng có tên www.helpjosephpham.wordpress.com để kêu gọi mọi người giúp ông Joseph Phạm tìm công lý. “Anh tôi vì bị ức hiếp nhiều năm, kêu cứu với nhà chức trách mà không được ai giúp đỡ, nên mới đi đến tình trạng như thế này.” Bà Vanessa Phạm than thở. “Giá mà lúc anh ấy đi thưa bị hàng xóm sách nhiễu mà được giới thẩm quyền giúp đỡ thì đâu đến nỗi!” Vai trò của các tổ chức dân quyền Vợ chồng ông Joseph Phạm hiển nhiên đã không biết đến những dịch vụ do tổ chức dân quyền có tên “Iowa Civil Rights Commission” cung cấp. Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, ông Carl Kassell, thuộc chi nhánh Cedar Rapids của “Iowa Civil Rights Commission“cho biết tổ chức ông được tiền của HUD và thành phố tài trợ, và có trách nhiệm điều tra những khiếu nại liên quan đến việc bị kỳ thị chủng tộc. Bàn về việc ông Joseph Phạm ngồi tù vì bị cáo buộc tội mưu sát, ông Kassell ngậm ngùi: “Chúng tôi có nghe đến vụ này, và tuy không biết mọi tình tiết của câu chuyện, nhìn qua tài liệu của vụ kiện cách đây gần 3 năm thì rõ ràng là gia đình ông Joseph Phạm đã từng là nạn nhân bị sách nhiễu vì kỳ thị chủng tộc.” “Giá mà chúng tôi được biết trước thì có lẽ đã giúp được họ và biết đâu đã ngăn ngừa được kết cuộc thảm thương vừa qua.” Ông Kassell cho biết cơ quan của ông có trách nhiệm phải nhận đơn khiếu nại của những nạn nhân bị kỳ thị, mở cuộc điều tra rồi phải đi đến kết luận trong vòng 100 ngày, và trao kết quả điều tra cho nhà chức trách. “Nếu gia đình ông Phạm nộp đơn khiếu nại bây giờ, chúng tôi sẽ mở cuộc điều tra ngay, và nếu có đầy đủ chứng cớ thì chúng tôi có thể đi đến kết luận là họ bị kỳ thị. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi không thể giúp gì được cho việc ông đang bị cáo buộc tội mưu sát.” Ông Kassell kết luận. Vẫn theo lời ông Kassell, mỗi tháng chi nhánh Cedar Rapids của “Iowa Civil Rights Commission” nhận từ 2 đến 8 đơn khiếu nại của những người bị kỳ thị chủng tộc. Sở cảnh sát của thành phố Cedar Rapids không trả lời điện thoại, dù phóng viên Người Việt đã để lại nhiều lời nhắn.
|