Kỷ niệm đầu với nước Mỹ |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||
Thứ Tư, 04 Tháng 7 Năm 2012 08:37 | |||||
Nhưng nhớ nhất là ấn tượng: Mỹ không giàu như sách vở. Mỹ không đẹp như trong phim. Và Mỹ không là thiên đường cho tất cả. Cách đây 8 năm, đúng ngày này, 4 tháng 7, lần đầu tiên tôi đứng trên một ngọn đồi ở thành phố Newport Beach, giữa bốn bề lồng lộng gió, quay vòng các hướng xem người ta bắn pháo bông mừng ngày Lễ Ðộc Lập, trong tâm thế của một người khách du lịch.
Một năm sau chuyến du lịch ngẫu nhiên đó, tôi chính thức trở thành kẻ di dân đến Hoa Kỳ. Cuộc đời tôi bước sang một trang mới, lạ lẫm, không ngờ, từ ngày ấy, 7 tháng 7. Nhìn lại chặng đường 7 năm sống trên mảnh đất này, tôi có nhiều thứ để nhớ. Nhưng nhớ nhất là ấn tượng: Mỹ không giàu như sách vở. Mỹ không đẹp như trong phim. Và Mỹ không là thiên đường cho tất cả. *** Ðến giờ, tôi thỉnh thoảng vẫn còn bật cười khi nhìn thấy nắng rực rỡ lúc đồng hồ chỉ hơn 7 giờ tối. Bởi lần đầu đến Mỹ, tôi chỉ biết rằng máy bay sẽ đáp xuống LAX lúc 7 giờ 30, vậy thì tôi cứ ngủ, khi nào mở mắt nhìn ra bên ngoài trời màn đêm xuống thì tôi biết mình sắp tới nơi. Vậy mà sau một giấc li bì, mở mắt nghe tiếng người ta lao xao sửa soạn cho máy bay hạ cánh, tôi nhấp nha nhấp nhỏm, “Chẳng lẽ mình ngủ quên trời quên đất? Hay có sự nhầm lẫn gì, vì bên ngoài cửa máy bay nắng vẫn rực rỡ như những trưa hè Sài Gòn?” Tôi rụt rè quay sang vợ chồng người Mỹ kế bên hỏi mấy giờ. Họ bảo 7:30. Tôi hoang mang. Giờ thì tối, mà sao trời thì nắng? Sau này thì tôi biết, mặt trời trên đất Mỹ vào mùa Hè đến hơn 8 giờ mới đi ngủ. Ðường từ sân bay về hướng Little Saigon cho tôi những cảm giác mới lạ nữa. Bởi màu đen của đất trời. Tôi thấy xung quanh mình tối. Khác hẳn với màn đêm được thắp sáng bởi những ngọn đèn đường tôi quen nhìn trên phố Sài Gòn. Khác hẳn với những ngọn đèn màu nhảy múa nơi các khu nhà cao tầng tôi nhìn thấy trong phim Mỹ. Và phố xá im lìm, vắng vẻ chào đón tôi ở thời khắc đầu tiên đến Mỹ. Khi mặt trời lên, nơi tôi đứng nhìn dung nhan “cường quốc số một thế giới” chính là phía trước Bank of America trong khu chợ ABC, trên đường Bolsa. Tôi không biết đó là điều may mắn hay bất hạnh. Chỉ biết rằng ngay từ giây phút đó, “Mỹ cũng nghèo, cũng nhếch nhác như ai” là điều tôi ghi ngay vào đầu. Nhưng sớm tinh sương ở Little Saigon êm đềm và tĩnh lặng hơn Sài Gòn, cũng là điều tôi nhớ. Tôi cũng được gia đình đưa đến Las Vegas, kinh đô ăn chơi giải trí bậc nhất thế giới, để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng nét hiện đại của New York, sự thơ mộng của Paris, vẻ cổ kính của Hy Lạp, hay thoáng hiền hòa của Ý qua những tên khách sạn với kiến trúc mô phỏng nơi nó mang tên. Nhưng sao đậm trong lòng tôi ở lần đầu đến Mỹ, lại là hình ảnh của dãy nhà “mobile home” ở thành phố Garden Grove mà đứa bạn thời trung học đưa tôi đến thăm người thân của nó. Khi bước chân lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, nhỏ hẹp, để bước vào bên trong ngôi nhà nhỏ bằng ván, tôi thoáng thấy trong lòng mình dậy lên một nỗi gì đó thật lạ lùng. Vừa xúc động. Vừa tội nghiệp. Lẫn điều gì đó hụt hẫng. Tôi vẽ lên nước Mỹ trong tôi khác lắm. Mỹ của những ngôi nhà lớn, có bãi cỏ xanh, có vườn hoa đủ sắc. Mỹ của sự sang trọng, có vẻ quí phái, có nét uy nghi. Mỹ phải hơn ngôi nhà lầu hai tầng đẹp đẽ tôi có ở Sài Gòn. Tôi nghe cổ mình nghẹn đắng. Tôi theo má tôi ra chợ. Tôi nhìn cách má tôi chi tiêu. Tôi chợt nhớ những lần tôi cầm lấy $100, $200 má tôi gửi về cho đám con cháu ở nhà mỗi khi lễ Tết, để không chút đắn đo mua đôi giày, chiếc áo, thêm vào tủ đã chất đống của mình, mà nghe như có muối xát vào da. Tiền ở Mỹ không dễ kiếm, như người ta vẫn nghĩ. Vậy mà tôi tiêu không do dự những nhọc nhằn của ba má và anh em tôi. Nhưng tôi cũng ghi lại trong đầu mình, Mỹ có những công viên mà cháu tôi tung tăng chạy nhảy không cần mua vé, không cần coi chừng móc túi, không cần chen chúc dẫn đến cọ quẹt đánh nhau. Tôi thu vào mắt tôi hình ảnh những ngôi trường tiểu học, trung học lớn hơn rất nhiều ngôi trường đại học 4 năm tôi ngồi qua. Và tôi nhớ lời anh tôi nói, “Những đứa trẻ ở đây lớn lên không biết chữ 'sợ' bởi nó biết nó được bao bọc trong sự an toàn của gia đình và của luật pháp.” *** Tôi quyết định làm kẻ di dân sau một tháng viếng thăm gia đình chính bởi lý do này, dù rằng “Mỹ không giàu như sách vở. Mỹ không đẹp như trong phim. Và Mỹ không là thiên đường cho tất cả.” Tôi mang cảm nhận của lần đầu đến Mỹ làm tư tưởng cho mình khi chính thức trở thành kẻ di dân. Ðể tôi không phải một lần nào, trong 7 năm qua, mang thêm cảm giác hụt hẫng về mảnh đất này. Mà chỉ có yêu thêm, quyến luyến thêm, và tự hào thêm về quyết định của mình, sau mỗi nơi tôi đến, sau mỗi chặng đường tôi qua, để nhìn Mỹ ở những góc khác, đẹp hơn, giàu hơn, và nhân bản hơn. Tối hôm nay, Ngày Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ, tôi sẽ cùng đại gia đình tôi quây quần, và cùng xem người ta đốt pháo bông. Rợp trời màu sắc.
|