Cao Ủy Tị Nạn LHQ bổ nhiệm phụ nữ Việt làm đại diện tại Úc |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||||
Chúa Nhật, 24 Tháng 6 Năm 2012 05:19 | |||||
“Câu chuyện của Carina nhắc nhớ chúng ta về sự cùng cực, tủi nhục, sự quyết tâm, hy vọng, niềm vui, và lòng phấn đấu của người tị nạn.” SYDNEY, Úc (NV) - Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chi nhánh Úc (UNHCR-Australia), vừa bổ nhiệm bà Carina Hoàng làm đại diện đặc biệt của cơ quan này tại Úc.
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, bà Carina Hoàng cho biết rất “hãnh diện và vô cùng ngạc nhiên,” và kể là bà được mời làm diễn giả chính cho buổi ăn sáng có tên “UNCHR's World Refugee Day” của UNHCR-Australia tại Sydney hôm 20 Tháng Sáu, và đã kể lại câu chuyện vượt biên của mình cho hơn 300 người tham dự bữa tiệc. “Ðúng ngày hôm đó, khi đến dự tiệc, khi nghe đọc thông cáo báo chí, tôi mới biết mình được đề cử. Thật bất ngờ.” Bà Carina nói. Trong bản thông cáo báo chí được phổ biến đúng vào bữa tiệc ăn sáng cùng ngày, UNHCR-Australia trích lời bà Naomi Steer, giám đốc của chi nhánh, viết rằng chuyện của Carina là một câu chuyện cảm động, gây nhiều ấn tượng về hành trình của người tị nạn. Bà bày tỏ: “Câu chuyện của Carina nhắc nhớ chúng ta về sự cùng cực, tủi nhục, sự quyết tâm, hy vọng, niềm vui, và lòng phấn đấu của người tị nạn.” Ngoài niềm hãnh diện, Carina tâm sự rằng việc được đề cử là đại diện tại Úc khiến bà rút tỉa được nhiều điều, và quan trọng nhất là việc theo đuổi một lý tưởng nào đó. Carina cho biết khi được mời làm diễn giả chính cho buổi gây quỹ lớn nhất trong năm của UNHCR-Australia, bà “rất lo vì không biết là phần trình bày của mình có mang lại hiệu quả cho họ hay không” và đã thở phào nhẹ nhõm khi buổi gây quỹ đó thành công vượt sự mong đợi của ban tổ chức. Việc được chọn làm đại diện chính thức của UNHCR-Australia với bà Carina còn mang một ý nghĩa đặc biệt khác là giờ đây bà có thể thay mặt chính mình và hàng triệu người tị nạn Việt Nam trên khắp thế giới cảm ơn UNHCR, trong lúc tình hình tị nạn trên thế giới, với con số 41 ngàn người, đang ở trong tình trạng căng thẳng nhất, làm trách nhiệm của cơ quan này thêm nặng nề. “Ðược đóng góp một phần nhỏ vào công việc nhân đạo cho nhân loại với tôi là một vinh dự, và đối với hàng triệu người tị nạn từ nhiều chủng tộc khác nhau, mà họ chọn người tị nạn Việt Nam, đó là một vinh dự chung.” Carina nói. Bà Carina Hoàng là chủ biên cuốn “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996” (“Thuyền Nhân: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996”) được phát hành tại Nam California cách đây hơn một năm. “Thuyền Nhân: Những câu chuyện cá nhân trong hành trình tỵ nạn 1975 đến 1996” là tác phẩm viết bằng Anh ngữ, dài hơn 250 trang, được xem vừa là một sách ghi nhận sự kiện, người thật việc thật, với một kho tài liệu, thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 38 người trực tiếp tham dự vào cuộc di tản khổng lồ diễn ra cách đây gần 40 năm, trình bày rất mỹ thuật, chứa đựng hơn 200 hình ảnh, đa số hình màu, chưa bao giờ được phổ biến.
|