Phỏng vấn Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng VN |
Tác Giả: Hà Giang/ Người Việt | |||||
Thứ Năm, 14 Tháng 6 Năm 2012 06:09 | |||||
‘Người lao động phải có nghiệp đoàn đúng nghĩa’ LTS - Nhân dịp đến Nam California trong chuyến vận động Hoa Kỳ cho Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch của ủy ban, đến từ Ba Lan, dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn do Hà Giang thực hiện sau đây. -Hà Giang (NV): Xin ông nói qua về bối cảnh và quá trình thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam? -Trần Ngọc Thành: Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ồ ạt kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì giới lao động Việt Nam chuyển hướng từ nông dân đến công nhân. Từ năm 1990 đến bây giờ, số lượng người công dân Việt Nam tăng lên hàng ngày.
-NV: Ông có thể cho biết cụ thể mục đích của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, và làm thế nào ủy ban đạt được mục đích đề ra? -Trần Ngọc Thành: Từ sáu năm nay, mục đích xuyên suốt của chúng tôi là làm sao tranh đấu để người công nhân Việt Nam có tổ chức của mình, có một nghiệp đoàn do chính họ bầu ra, tức là đại diện đúng nghĩa của họ, chứ không phải là một tổ chức hình thức như Công Ðoàn Việt Nam. -NV: Là một tổ chức ở xa, làm sao ủy ban có thể tác động lên người lao động trong nước để tạo điều kiện cho họ đòi hỏi quyền lợi cho mình, và nhất là làm thế nào để nhà cầm quyền Việt Nam cho phép họ tự lập nghiệp đoàn? -Trần Ngọc Thành: Thực ra, chủ yếu lực lượng của ủy ban là ở trong nước. Thí dụ khi Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng được thành lập tại thủ đô Ba Lan, thì trước đó anh em trong nước đã thành lập Công Ðoàn Tự Do hay Công Ðoàn Ðộc Lập rồi. Dĩ nhiên ở ngoài này chúng tôi hỗ trợ. Những người trong Công Ðoàn Ðộc Lập, chẳng hạn như Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, hay là Nguyễn Khắc Toàn và một số anh em khác, khi thấy tình trạng giai cấp công nhân Việt Nam cô đơn trong những cuộc tranh đấu, thì họ thấy là cần phải có một tổ chức nghiệp đoàn để bênh vực. Khi những người tổ chức giúp bênh vực giới công nhân ở trong nước bị đàn áp, thì ở ngoài này chúng tôi đưa những việc đàn áp đó lên công luận quốc tế, để nói với thế giới bên ngoài về thực trạng Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi có những hình thức khác để giúp người trong nước. Thời đại này là thời đại thông tin, thời đại Internet, cho nên chúng tôi cũng có những hỗ trợ khác. Các anh em trong nước vẫn hoạt động nhưng họ chuyển sang hoạt động bí mật, vì tất cả ai ra công khai đều bị bắt. Ở Việt Nam, bất cứ những gì trái với chính quyền thì bị cho là phản động. -NV: Ông có thể đơn cử một vài phương pháp hỗ trợ người lao động Việt Nam mà ủy ban đã thực hiện? -Trần Ngọc Thành: Chúng tôi đã phát hành một số tờ báo, nhỏ thôi, in trên giấy A4, nói rõ về quyền lao động do công ước quốc tế quy định, mà Việt Nam đã ký kết, để người lao động Việt Nam biết họ có những quyền gì. Kiến thức này giúp họ có thể xem xét kỹ một hợp đồng lao động trước khi ký kết, sau đó là giúp họ hiểu cách tự tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình, chẳng hạn như đình công và cách thương lượng cho đến khi đòi hỏi được quyền lợi của mình. Chúng tôi cũng thường xuyên đưa người trong tổ chức đến các nơi cư trú của công nhân để tiếp xúc và hướng dẫn họ cũng như theo dõi điều kiện sống và những sinh hoạt của họ. Ngoài lãnh thổ Việt Nam, chẳng hạn như Mã Lai, chúng tôi có điều kiện để tiếp xúc nhiều với những người Việt Nam xuất khẩu lao động. Ðây là nơi mà người lao động Việt Nam bị đối xử hết sức bất công. Sự có mặt của chúng tôi không những chỉ giúp đỡ những người anh em này mà còn có tác dụng cảnh báo chính quyền sở tại là thân phận những công nhân Việt Nam cần được quan tâm đến. -NV: Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam đo lường và đánh giá thành quả của mình như thế nào? -Trần Ngọc Thành: Mục đích tối hậu của chúng tôi, như đã nói, là làm sao cho người lao động Việt Nam có thể thành lập nghiệp đoàn thực sự bảo vệ cho họ, thực sự đại diện cho quyền lợi của công nhân, bảo vệ hữu hiệu thành quả chính đáng của người lao động. Chúng ta biết rằng, đứng đầu Liên Hiệp Lao Ðộng Việt Nam là một ủy viên Trung ương Ðảng, chịu trách nhiệm trước Ðảng Cộng Sản, trước bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam. Vai trò của liên hội là kiềm tỏa cũng như kiểm soát công nhân Việt Nam chứ không phải để giúp đỡ công nhân theo đúng nghĩa của nó, và theo những điều họ nói. -NV: Ngân sách làm việc của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam được tài trợ ra sao? -Trần Ngọc Thành: Thú thật, từ trước đến giờ anh em chúng tôi toàn bỏ tiền túi ra hoàn toàn tự túc, cho nên hoạt động đôi khi cũng gặp rất nhiều khó khăn, có khi các thành viên còn gặp sự khó xử và hiểu lầm của gia đình. Vì thế kỳ này chúng tôi sang Hoa Kỳ cũng với mục đích phổ biến và tường trình về sinh hoạt của ủy ban qua các cơ quan truyền thông, và nhờ đó vận động sự hỗ trợ của đồng hương, cụ thể là buổi họp mặt tại hội trường nhật báo Người Việt từ 3 giờ đến 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, tới đây và sau đó là Chủ Nhật ngày 24 tháng Sáu tại Washington DC. Ngoài việc vận động cộng đồng, chúng tôi trong chuyến đi này cũng dự định sẽ gặp một số giới chức chính quyền Hoa Kỳ để trình bày với họ tình hình người công nhân Việt Nam bị đối xử bất công, bóc lột ra sao, và hy vọng sẽ thuyết phục được họ hỗ trợ, làm áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam cho phép công nhân được lập nghiệp đoàn do chính người họ bầu ra, và thực sự bảo vệ quyền lợi cho họ. -NV: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
|