Trần Thiên Ái: Người gốc Việt đoạt giải 'di dân hàng đầu Canada' |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||||||
Chúa Nhật, 10 Tháng 6 Năm 2012 03:47 | |||||||
"Trên đường đời sẽ có những đêm không có ánh trăng sao, nhưng trong lòng chúng ta ánh trăng chẳng bao giờ tàn, vì mãi mãi chúng ta vẫn luôn có lòng thương mến nhau.’” Khi di tản khỏi Việt Nam năm 1989, lúc mới tuổi 20, Trần Thiên Ái không ngờ mình sẽ dấn thân vào một hành trình khổ ải kéo dài 12 năm, qua đó ông sống bơ vơ và đơn độc đối diện với tương lai bất định của một người vô tổ quốc trong trại tị nạn. Ông lại càng không thể hình dung sẽ có ngày mình vinh hạnh được bầu là một trong những “Di Dân Hàng Ðầu” của Canada, nơi ông đến định cư năm 2001. Trần Thiên Ái và tất cả những người trúng giải “25 Người Di Dân Hàng Ðầu Canada” trong buổi lễ trao giải thưởng tại Toronto vào Tháng Năm. (Hình: Sue Chun/Jane-Finch.com) Ðoạt giải “25 Người Di Dân Hàng Ðầu Canada,” ông nói với báo Người Việt, là một “niềm vinh dự lớn lao,” nhưng khiêm tốn cho là có rất nhiều người Việt di dân khác tại Canada và trên khắp thế giới cũng rất xứng đáng để được nhận giải thưởng này. Ông phát biểu: “Họ là những thiên thần trong bóng tối đã và đang hy sinh thầm lặng cho những người yêu thương của mình, và luôn cố gắng đóng góp phần mình vào sự phồn vinh và bình yên của đất nước họ đang sống.” Giải “25 Người Di Dân Hàng Ðầu Canada” là giải thưởng hàng năm do tạp chí Canadian Immigrant thành lập từ năm 2009, nhằm mục đích vinh danh thành quả cũng như sự đóng góp của những người dân mới của Canada. 25 người trúng giải năm 2012 đến Canada định cư từ 18 quốc gia khác nhau, thuộc mọi thành phần, và toàn là những người thành đạt đáng kể, chẳng hạn như Keinan “K'naan” Abdi Warsame, nhạc sĩ Hip-hop người gốc Somalia; huyền thoại đô vật Olympic Daniel Igali, người gốc Nigeria; Luật Sư Juan Carranza người gốc El Savardo và thành viên Quốc Hội Olivia Chow, người gốc Hongkong. Ðể đoạt giải, họ phải được ban giám khảo, gồm những người đã trúng giải trước đây tuyển chọn từ danh sách 550 người được đề cử, cho vào chung kết gồm 75 người, rồi sau đó phải được người dân Canada bầu bằng cách bỏ phiếu online, một tiến trình kéo dài gần hai tháng. Trong buổi lễ phát giải, bà Margaret Jetelina, chủ biên tạp chí Canadian Immigrant phát biểu: “Dù đây mới chỉ là giải thưởng lần thứ tư, biết bao nhiêu người di dân xứng đáng được vinh danh vì những đóng góp của họ Canada. Tầm cỡ của 25 người đoạt giải, hay nói đúng hơn, của tất cả 75 người được vào vòng chung kết là minh chứng hùng hồn cho điều này. Từ vận động viên chuyên nghiệp, đến nghệ sĩ, từ doanh nhân đến chính trị gia, từ các vị hảo tâm đến các nhà hoạt động cộng đồng, 25 người di dân hàng đầu Canada năm 2012 là những hình ảnh gương mẫu tạo hứng khởi không chỉ cho mọi người di dân mà cho cả người dân Canada.” Nhận xét về những người đồng đoạt giải với mình, ông Ái nói: “Họ không chỉ có uy tín lớn trong cộng đồng mình, mà còn có uy tín và tiếng tăm với xã hội vì những hoạt động xã hội và đóng góp riêng của họ cho đất nước tươi đẹp này. Một điều nổi bật chung của những vị thắng giải này là sự phấn đấu không ngừng và bền bỉ của bản thân để vươn lên, cũng như lòng hăng say để được đóng góp cho cộng đồng, cho tập thể, cho xã hội.” Phấn đấu để vươn lên Tả về sự phấn đấu để vươn lên này của Trần Thiên Ái, ban tổ chức giải “Di Dân Hàng Ðầu” viết: “Quyết tâm và sức mạnh tinh thần cũng như khả năng phục hồi tuyệt vời đã giúp Ái vượt qua tất cả.” Bài viết cũng nhắc đến những thành quả đáng kể của ông từ ngày chân ướt chân ráo đến Canada, chẳng hạn như “khởi đầu từ công việc đơn giản ở nhà kho một công ty sản xuất ở Montreal, chỉ trong vòng bốn năm, ông đã tăng lên chức người điều phối phòng nhân viên của công ty. Sau đó, vừa đi làm vừa ghi danh học chương trình công tác xã hội tại Ðại Học McGill, để bổ túc cho kinh nghiệm thực tiễn, Ái đã tốt nghiệp cách đây 3 năm với bằng danh dự. Với số điểm trung bình 4.0, Ái được xếp hạng trong 15% người đứng đầu trong lớp học của mình. Nhờ thành tích này, ông Ái đã được mời làm một thành viên của hội danh dự quốc tế Golden Key, một tổ chức vinh danh các sinh viên đại học hàng đầu trên thế giới...” Những thành quả được đánh giá cao của ông Ái không dễ thực hiện, và chắc chắn đây là một trong những yếu tố khiến ông có vinh hạnh là người gốc Việt duy nhất đoạt giải, trong hàng trăm người di dân thắng giải “Di Dân Hàng Ðầu” của Canada trong vòng 4 năm qua. Thế nhưng, một khía cạnh của cuộc đời ông Ái, mà ít ai để ý đến để vinh danh hay rút tỉa kinh nghiệm, là quãng thời gian 12 năm dài ông sống lây lất ở trại tị nạn, lúc mất hết niềm tin vào tương lai, và sự phấn đấu từng giây phút để đối phó với tâm trạng hoang mang, để tìm một hướng đi lành mạnh, hướng thượng và trở thành một người hữu ích cho xã hội sau này. Sự chọn lựa hình thành nhân cách Kể về khoảng thời gian khổ ải mà nhân cách ông được định hình, cũng như hoài bão được ấp ủ, ông tâm sự: “Ðã có nhiều lần Ái mất niềm tin vào cuộc sống và cũng đã có nhiều lần Ái đã muốn buông xuôi, nhất là sau khi bị rớt thanh lọc và phải sống với viễn cảnh không hướng đi, không lối thoát. Nhưng nghĩ đến vai trò của mình như một người counselor cho lời khuyên cho những người khác cũng đang sống trong thất vọng như mình, nghĩ đến mình như một người giảng viên trên bục giảng, Ái đã tự khuyến khích mình và tự tìm cho mình ý nghĩa sống vui.” Và trong những phút giây cực kỳ tuyệt vọng, ông đã khám phá ra rằng “sự khác biệt giữa thành công và thất bại, giữa thất vọng và tìm được niềm tin, tùy thuộc vào cách suy nghĩ của mình,” ông thổ lộ: “Ái đã trưởng thành rất nhiều, về niềm tin tôn giáo, về cảm xúc, về tâm lý, và về nhận thức cuộc sống, qua cuộc sống 12 năm lận đận tại Phi. Ái thấy rằng thái độ của mỗi người chúng ta trước cuộc sống sẽ quyết định rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta. Nói một cách khác, cuộc sống chúng ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp và tích cực nếu chúng ta có thể giữ được một thái độ sống tích cực.” Hình lưu niệm trong buổi lễ trao giải thưởng “25 Người Di Dân Hàng Ðầu Canada.” Từ trái -bà Thượng Nghị Sĩ Linda Frum, đại diện Văn phòng Thủ Tướng Canada; ông John Cruickshank, người xuất bản của tờ báo lớn nhất Canada, Toronto Star, và là chủ tịch của Nhóm Star Media Group; Trần Thiên Ái, một đại diện của nhà băng bảo trợ RBC; ông Gautam Sharma, chủ bút tạp chí Canadian Immigrant Magazine. (Hình: Sue Chun/Jane-Finch.com) Và chọn lựa “thái độ sống tích cực,” với Ái đồng nghĩa với quyết giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ hay kém may mắn hơn mình. Kể lại thời gian này trong một đoạn văn có tên “The Unforgettable Months and Years” (Những năm tháng không thể quên), ông viết: “Lòng thôi thúc muốn tiếp cận và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh cần giúp đỡ của tôi bắt đầu được thành hình trong thời gian này. Sự thôi thúc này đã thúc đẩy tôi đến với các công tác xã hội ngay ở trong trại tị nạn, nơi tôi sống với 8,000 người tị nạn khác, và sau đó khi xuất trại.” Ái giải thích sự chọn lựa của mình: “Tôi thấy công việc xã hội thú vị và có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân, nhưng cho nhiều người khác, mà tôi có cơ hội giúp đỡ. Công tác xã hội khiến tôi có được một tâm hồn bình thản trong cuộc sống đầy tuyệt vọng và bất an. Giữa sự sợ hãi và lo lắng liên tục, tôi tìm thấy sức mạnh và niềm tin vào việc tạo niềm tin cho người xung quanh. Càng chìm đắm vào công việc xã hội, tôi càng cảm thấy tự tại, bình thản.” Ðiều gì đã khiến ông có được sự lựa chọn này, Ái cho rằng hành trang vào đời mà ông mang theo khi một thân một mình rời khỏi Việt Nam chính là giáo dục của gia đình. Ông kể: “Tìm được động lực và niềm vui trong cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh sống nào và dành tình yêu thương và tấm lòng thiện tâm cho nhau, là điều Bố tôi, cựu hiệu trưởng của Trường Sư Phạm Qui Nhơn đã truyền đạt ngay từ khi tấm bé, như lời Bố tôi đã có lần viết: ‘Trên đường đời sẽ có những đêm không có ánh trăng sao, nhưng trong lòng chúng ta ánh trăng chẳng bao giờ tàn, vì mãi mãi chúng ta vẫn luôn có lòng thương mến nhau.’” Hiện Ái là một nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại Canada. Ông mong sẽ luôn có được những cơ hội để phục vụ xã hội và cộng đồng. Với quê hương Việt Nam, ông mong các quyền hạn căn bản của con người được bảo đảm, và hệ thống y tế được cung cấp công bằng đối với mọi người, đặc biệt là người nghèo.
|