Kết Quả Bầu Sơ Bộ Ở Cali |
Tác Giả: Bùi Văn Phú | |||||||||
Thứ Sáu, 08 Tháng 6 Năm 2012 03:18 | |||||||||
Bang California đã tổ chức bầu sơ bộ vào thứ Ba 5-6, nhưng không sôi nổi lắm. Chỉ có khoảng 25% cử tri đã thực sự tham gia bầu chọn, đại đa số dùng cách bỏ phiếu qua đường bưu điện. So với cách đây bốn năm, lúc đó Đảng Dân chủ chưa rõ giữa hai ứng viên Barack Obama và Hillary Clinton ai sẽ được tiến cử trong một cuộc tranh đua lịch sử giữa một người Mỹ da đen và một phụ nữ, và đảng này cho phép các cử tri không theo đảng nào được chọn ứng viên tổng thống dân chủ, vì thế con số cử tri California tham gia bầu sơ bộ năm 2008 lên đến 58%. Năm nay, từ nhiều tuần trước mọi người đã biết đương kim tổng thống Obama sẽ tái tranh cử và cựu thống đốc Mitt Romney sẽ được Đảng Cộng hoà tiến cử. Thứ Ba tuần qua, tại bang Texas ứng viên Romney đã đẩy con số đại biểu qua cột mốc 1144 để chắc chắn được đảng tiến cử. Như thế tiếng nói của cử tri cộng hoà ở California không còn trọng lượng trong việc chọn ai khác để tranh cử tổng thống, dù trên lá phiếu ngoài Mitt Romney vẫn còn có Rick Santorum, Newt Gingrich, Ron Paul từng là đối thủ của Romney. Kết quả Mitt Romney được hơn 80% số phiếu ở California, nâng số đại biểu cộng hoà dành cho ông lên 1398. Trong khi việc bầu chọn ứng viên tổng thống không còn được cử tri California chú ý, kì bầu cử vừa qua đã có thay đổi quan trọng về cách bầu chọn dân cử quốc hội liên bang và tiểu bang.
Trước đây, khi bầu sơ bộ thì cử tri của đảng nào chỉ được quyền tiến cử ứng viên của đảng đó và ai về nhất sẽ tranh đua với các đảng khác vào tháng 11. Các đảng thường tiến cử người ra tranh cử là: Republican (Cộng hoà), Democratic (Dân chủ), Green (Xanh), American Independent (Người Mỹ Độc lập), Peace and Freedom (Hoà bình và Tự do), Libertarian (Người Tự do). Những ai khi ghi danh đi bầu đã không đăng kí theo một đảng mà đánh vào ô “Declined to State” (DTS, từ chối cho biết) thì không được chọn ứng viên trong vòng sơ bộ. Nay không còn chuyện chỉ được chọn người của đảng mình. Theo cách bầu mới, các ứng viên vào lập pháp được ghi chung vào cùng một danh sách. Tất cả cử tri của tiểu bang hay của một khu vực đều được quyền bầu chọn một người trong danh sách đó. Hai người đạt số phiếu cao nhất, bất kể thuộc đảng nào, sẽ vào chung kết. Vì thay đổi nên danh sách ứng viên vào Thượng viện Hoa Kỳ, nhiệm kì 6 năm, trong kì bầu cử vừa qua đã có tất cả 24 người. Nghị sĩ đương nhiệm là Dianne Feinstein, người của Đảng Dân chủ, tái tranh cử với 5 ứng viên khác cũng là Dân chủ, cùng với 14 Cộng hoà, 2 Hoà bình và Tự do, 1 Người Mỹ Độc lập và 1 Người Tự do. Kết quả bà Feinstein về nhất và Dân biểu Cộng hoà Elizabeth Emken về nhì. Tháng Mười Một tới đây hai người sẽ vào chung kết. Ở một số nơi những thay đổi này đã đưa đến việc hai ứng viên cùng đảng phải tranh đua với nhau trong vòng chung kết. Như chức dân biểu tiểu bang ở các đơn vị 1 sẽ là hai ứng viên cộng hoà, đơn vị 50 và 51 sẽ có hai ứng viên dân chủ. Mục đích của những thay đổi này, theo giới chức lập pháp là để loại bỏ những ứng viên quá giáo điều trong đảng. Bầu cử 5-6 vừa qua cũng không sôi động lắm trong cộng đồng người Việt California. Tại miền nam có 4 ứng viên gốc Việt ra tranh cử. Giám sát viên Janet Nguyễn tranh cử nhiệm kì hai và đã thắng vẻ vang với 74% số phiếu. Bà là dân cử gốc Việt cao cấp nhất ở California.
Ba ứng viên khác không thành công. Ken Khanh Nguyễn tranh chức ủy viên hội đồng giáo dục quận hạt và về nhì với 31.6% số phiếu, so với người về nhất được 36.5% là một kết quả khả quan nhưng chưa đủ. Hai ứng viên gốc Việt cùng tranh chức dân biểu tiểu bang khu vực 72 về hạng ba với dân chủ Joe Dovinh được 19.3%, 9728 phiếu, và hạng tư với cộng hoà Long Phạm 18.1%, 9111 phiếu, nên không vào chung kết. Khu vực này có 5 ứng viên, đạt nhiều phiếu nhất là Troy Edgar với 14388 phiếu, tức 28.5% và về nhì là Travis Allen với 10093 phiếu, 20%. Kết quả trên tính đến chiều thứ Tư 6-6 và còn khoảng hơn chục nghìn phiếu chưa được đếm nên Dovinh còn hy vọng lên hạng nhì để vào chung kết vì khác biệt cho đến lúc này là 365 phiếu. Nếu chỉ có một ứng viên gốc Việt thì đã không bị chia phiếu và cơ hội vào chung kết rất cao vì số phiếu của cả hai cộng lại lên đến 37.4%. Vùng San Jose có 3 ứng viên gốc Việt tranh cử. Tranh chức dân biểu liên bang với dân biểu đương nhiệm là Zoe Lofgren có Phát Nguyễn không vận động gì nhiều và được 8%, về thứ ba trong số bốn ứng viên. Bà Lofgren về nhất với 66% và Robert Murray về nhì với 23% là hai ứng viên sẽ vào chung kết. Đáng chú ý là hai ứng viên vào hội đồng thành phố, Tâm Trương ở khu vực 4 và Jimmy Nguyễn ở khu vực 8. Tâm Trương, một thám tử của sở cảnh sát San Jose, được Thị trưởng Chuck Reed, Phó Thị trưởng Madison Nguyễn, Phòng Thương mại, nhật báo San Jose Mercury News và tuần báo Metro chính thức ủng hộ. Kết quả nghị viên đương nhiệm Kansen Chu đã đạt 54.3% và Tâm Trương 38.3% nên không có bầu chung kết. Khu vực 4 có số người Việt chiếm khoảng một phần tư và nhiều cử tri còn chưa quên vụ đặt tên Little Saigon do nghị viên Madison Nguyễn khởi xướng đã gây xung đột. Nghị viên Kansen Chu từ đầu đã ủng hộ danh xưng Little Saigon và sát cánh cùng cộng đồng, trong khi Tâm Trương lại quá thân với Madison Nguyễn nên mất một số phiếu đáng kể của người Việt. Kết quả ở khu vực 8, nơi có gần 20% cử tri gốc Việt đem lại hy vọng cho luật sư Jimmy Nguyễn. Ông về nhì với 28.2% số phiếu, trong khi nghị viên đương nhiệm Rose Herrera, cũng được thị trưởng và phó thị trưởng San Jose ủng hộ, đạt 48.1% nên sẽ có bầu chung kết giữa Nguyễn và Herrera. Ứng viên Jimmy Nguyễn mới bước vào chính trường và đã tỏ ra gần gũi với cộng đồng người Việt qua việc tham gia đón Tết, sinh hoạt của các hội đoàn tương trợ, cho đến biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, yểm trợ tinh thần Lý Tống. Chưa biết kết quả sẽ ra sao vào tháng Mười Một. Với Jimmy Nguyễn, ứng viên gốc Việt duy nhất được vào chung kết cho thấy cơ hội thắng của người Việt cao hơn so với kì bầu chọn trước đây tại cùng khu vực, khi có đến ba ứng viên Việt tranh nhau nên bị chia phiếu và không ai vào được vòng nhì.
Tự do ứng cử là quyền công dân, nhưng đôi khi nếu không biết thoả hiệp với nhau thì khó có thể đem lại cho cộng đồng những thành quả tốt trong chính trường. Nhìn vào các cộng đồng có nét tương đồng với người Việt thì cộng đồng người Mỹ gốc Cu Ba sang Hoa Kỳ tị nạn từ đầu thập niên 1960 và sống tập trung ở Miami, bang Florida, họ có thể cho người Việt nhiều bài học, vì sau bốn mươi năm định cư người Mỹ gốc Cu Ba đã đưa được nhiều đại diện vào quốc hội và có ảnh hưởng mạnh trong chính trường Mỹ. [Kết quả ghi trong bài là cập nhật đến 5 giờ chiều 6-6-12]
|