Gia đình nạn nhân Cồn Dầu đầu tiên đến Mỹ |
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt | |||||
Thứ Sáu, 25 Tháng 5 Năm 2012 02:34 | |||||
Ông Hải cho biết lý do chạy sang Thái Lan lánh nạn là vì ông sợ bị công an trả thù. ‘Nước Mỹ văn minh và tự do, không giống Việt Nam’
Dù vậy, ông Hải cho biết vẫn không quên những người đang còn kẹt ở Thái Lan và quê nhà. Ông Hải nói tiếp: “Ở đây có điều kiện, có cơ hội để thay đổi cuộc sống. Tuy vậy, sau khi ổn định cuộc sống, tôi sẽ tiếp tay với các tổ chức cộng đồng để vận động cho những người còn kẹt ở Thái Lan đi tị nạn, đồng thời tiếp tục đấu tranh cho những người bị tình trạng đàn áp tôn giáo và cướp bóc tài sản hành hạ tại quê nhà.” Giáo xứ Cồn Dầu tọa lạc tại quận Cẩm Lệ, thành phố Ðà Nẵng. Hồi Tháng Năm, 2010, tại đây xảy ra một vụ tranh chấp được truyền thông quốc tế nói là “liên quan đến đất nghĩa trang,” và lực lượng công an xuất hiện, “chặn người dân” trong lúc họ đang chuẩn bị chôn cất một bà cụ 82 tuổi. Sau khi sự việc xảy ra, một số giáo dân phải bỏ trốn sang Thái Lan lánh nạn. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BPSOS, đây là gia đình giáo dân Cồn Dầu tị nạn đầu tiên tại Thái Lan đến Hoa Kỳ qua vận động của tổ chức này. BPSOS là tổ chức chuyên vận động, đấu tranh và giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Tiến Sĩ Thắng cho biết gia đình ông Hải đến Mỹ gồm hai vợ chồng và hai đứa con trai, bay từ Bangkok sang Chicago, rồi từ đây bay về Raleigh. “Hiện vẫn còn khoảng 80 giáo dân Cồn Dầu sống tại Thái Lan. Họ là những người bị chính quyền Ðà Nẵng cướp đất tại giáo xứ Cồn Dầu và sợ bị trả thù, nên sang Thái Lan lánh nạn,” Tiến Sĩ Thắng cho biết tiếp. “Vào giữa Tháng Sáu, sẽ có một giáo dân nữa ở Thái Lan bay đến phi trường Los Angeles.” Lánh nạn Ông Hải cho biết lý do chạy sang Thái Lan lánh nạn là vì ông sợ bị công an trả thù. Ông kể: “Khi vụ Cồn Dầu xảy ra, tôi thấy công an đánh đập người dân, cướp xác, dã man quá. Thành ra, tôi dùng máy quay phim những gì xảy ra, để làm bằng chứng sau này. Khi thấy vụ cướp xác, tôi bèn nhảy ra quay, thế là bị công an phát giác. Rồi họ đuổi theo tôi, tôi bỏ máy để phi tang bằng chứng, rồi bỏ chạy trốn luôn. Tôi thoát được là nhờ giáo dân cản trở công an.” “Trong khi đó, tôi còn kẹt lại mẹ già và ba anh trai. Công an đến nhà kiếm tôi, mẹ tôi nói 'nó có gia đình riêng, tôi không chịu trách nhiệm. Muốn làm gì tôi thì làm,'” ông Hải kể. “Sau đó công an vẫn tiếp tục đến, gây khó khăn cho gia đình.” Rồi ông Hải cùng vợ con trốn sang Lào tạm lánh nạn, vì có người quen bên đó. Ông kể: “Nhờ có một số người quen làm việc bên Lào, nên tôi chạy sang đó, với ý định tạm lánh nạn một thời gian, chờ tình hình êm rồi về. Thế nhưng, người nhà tôi cho biết tình hình rất căng thẳng. Công an bắt 62 người, không cho người nhà vào thăm. Gia đình dặn tôi đừng về.” “Tại Lào, chúng tôi liên lạc được ông Trần Thanh Tùng ở North Carolina nhờ giúp đỡ. Ông Tùng liên lạc với Tiến Sĩ Thắng, tiến sĩ nói phải tìm cách sang Thái Lan, vì ở Lào rất nguy hiểm,” ông Hải kể tiếp. “Thế rồi chúng tôi tìm cách vào Thái Lan, sống bất hợp pháp ở đó, rất nguy hiểm.” Ông Hải cho biết thời gian sống ở Thái Lan rất khó khăn và luôn lo sợ. “Hai năm ở Thái Lan rất khó khăn. Dù mình là người tị nạn, nhưng nhập cư bất hợp pháp,” ông kể. “Nếu bị cảnh sát Thái Lan bắt rất nguy hiểm, vì có thể bị dẫn độ về Việt Nam. Ngoài ra, công an Việt Nam cũng qua theo dõi. Ðôi khi thấy người nói tiếng Việt thì mừng lắm, như vẫn đa nghi, không dám tiếp xúc. Chúng tôi đổi chỗ ở liên tục. Tôi chỉ trả lời điện thoại khi thấy số quen, và chỉ liên lạc với người của BPSOS.” BPSOS vận động “Khi biết tin giáo dân Cồn Dầu sang Thái Lan, nhân viên của BPSOS ở Bangkok tìm cách tiếp xúc liền,” Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng nói với nhật báo Người Việt. “Rồi chúng tôi vận động, thu thập tin tức, hình ảnh, tài liệu, để chứng minh với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc những giáo dân này tị nạn.” Ông Thắng nói tiếp: “Ban đầu, không ai tin họ là người tị nạn. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đưa thông tin sai lạc, còn giáo dân Cồn Dầu lại không có tiếng nói. Chúng tôi phải nhờ anh JB Nguyễn Hữu Vinh và Linh Mục Nguyễn Ngọc Nam Phong vào tận Cồn Dầu để thu thập thông tin.” “Chúng tôi cũng thu thập thông tin qua trang web Nữ Vương Công Lý, rồi nhờ ông Grover Joseph Rees, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ðông Timor, qua tận Bangkok để vận động với cao ủy,” Tiến Sĩ Thắng kể tiếp. “Cùng lúc đó, chính quyền Việt Nam nhất quyết áp lực với cao ủy và Thái Lan đưa những người này về và vận động các quốc gia khác không nhận họ.” Ông Thắng cho biết, ngoài những công việc nêu trên, BPSOS cũng vận động với Ủy Hội Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ để chứng minh những giáo dân Cồn Dầu bị đàn áp tôn giáo. “Trước đó, đại diện ủy hội có đến giáo xứ Cồn Dầu, nhưng không được gặp giáo dân. Vì thế, tôi nói với họ đây là cơ hội rất tốt để họ đến tận Thái Lan, gặp gỡ và phỏng vấn người tị nạn. Những cuộc phỏng vấn này sau đó được thực hiện, nhờ chúng tôi có nhân viên người Thái và người Việt tại chỗ,” Tiến Sĩ Thắng kể tiếp. Khó khăn và thuận lợi Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết trong cuộc vận động cho giáo dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan, có cả khó khăn lẫn thuận lợi. “Khó khăn đầu tiên là quốc tế không hiểu tình hình nhân quyền tại Việt Nam,” ông Thắng nói. “Chính Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội cũng muốn bao che sự việc, vì sợ Việt Nam bị đưa vào CPC (Danh Sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Ðặc Biệt), nên ém đi. Thứ nhì, cộng đồng người Việt hải ngoại không nắm vững tình hình tị nạn hiện nay rất khó khăn. Trước đây, họ chỉ cần đến Thái Lan là gần như được công nhận tị nạn. Ngày nay, phải chứng minh mình là tị nạn, rất khó khăn, phải có luật sư can thiệp.” Thuận lợi trong việc vận động, theo Tiến Sĩ Thắng, là nhờ sự yểm trợ của thân nhân giáo dân Cồn Dầu đang sống ở Mỹ và sự lên tiếng của một số cơ quan chính quyền Mỹ. “Phải nói cuộc vận động thành công một phần là nhờ sự yểm trợ của thân nhân giáo dân Cồn Dầu có quốc tịch Mỹ,” ông Thắng nói. “Họ đến điều trần tại Quốc Hội Mỹ, gặp gỡ giới chức Tòa Bạch Ốc, nên tiếng nói rất mạnh. Ngoài ra, qua thân nhân của giáo dân Cồn Dầu, nhất là những người còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, chúng tôi chứng minh được rằng công dân Hoa Kỳ bị chính quyền Việt Nam cướp tài sản, yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ can thiệp, bảo vệ quyền lợi của họ.” Ông kết luận: “Nói chung, chúng tôi chứng minh được trường hợp của giáo dân Cồn Dầu vừa là tôn giáo vừa là dân oan, nên có sự yểm trợ từ từ của cộng đồng người Việt hải ngoại. Thậm chí, có một số luật sư, bác sĩ, hòa thượng, sang tận Thái Lan giúp đỡ họ.” Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết thêm, ngoài những giáo dân Cồn Dầu, hiện có khoảng 800 người Việt Nam đang sống tị nạn tại Thái Lan, và BPSOS vẫn đang làm việc để đưa họ đến Mỹ, đủ “chỉ nhỏ giọt”. “Hiện nay có khoảng 800 người tị nạn Việt Nam ở Bangkok, trong đó gần 300 người H'mong, 100 người Montagnard, một số người Khmer Khrom, 80 người trong nhóm Cồn Dầu, một số người từng sống tại trại tị nạn Sikew ở Thái Lan, vài người từng là nạn nhân buôn người, những người đấu tranh dân chủ, v.v...” Tiến Sĩ Thắng cho biết. Vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 3 Tháng Sáu, tới đây, BPSOS sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt để đồng hương gặp trực tiếp Luật Sư An Phong, nghe trình bày tình cảnh hiện nay của đồng bào Việt Nam đang tị nạn ở Bangkok ra sao, và để xem cộng đồng Việt Nam ở Nam Californnia có thể làm được gì để giúp những người này. “Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân từng sống qua cuộc đời tị nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão,” thông báo của BPSOS kêu gọi. Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về: BPSOS/RCS, PO Box 8065, Falls Church, VA 22041, USA.
|