Học được bài học đời sau một năm ra tù |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||||
Thứ Ba, 22 Tháng 5 Năm 2012 06:33 | |||||||
Chuyện của một người tù làm lại cuộc đời Tù chung thân duy nhất ở Calif. được phóng thích năm 2011 WESTMINSTER (NV) - Tùng Nguyễn trở lại nhật báo Người Việt lần thứ hai đúng một năm sau ngày được ra tù. Trầm tĩnh hơn. Cười buồn hơn. Ngập ngừng và âu lo nhiều hơn. Từng mang bản án 25 năm đến chung thân vì tội giết người cấp độ 1, Tùng được Thống Ðốc Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau 18 năm thi hành án. Người viết từng thấy được ở Tùng những giọt nước mắt của sự xúc động, và niềm sung sướng, hạnh phúc vô bờ của người vừa thoát khỏi án chung thân sau 18 năm trong lần đầu tiên Tùng tìm đến với báo Người Việt để kể lại câu chuyện của mình, như một sự đồng cảm, chia sẻ và cũng là gợi lên một bài học cho những người đang bước trên con đường như Tùng đã từng qua, Lần này trở lại, một năm sau khi hít thở không khí của tự do, ở Tùng có sự già dặn hơn, ánh nhìn mệt mỏi hơn, và nhiều tiếng thở dài buông trôi theo tâm trạng. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Người Việt và Tùng Nguyễn, tù chung thân duy nhất được thống đốc tiểu bang California ký lệnh thả sớm trong năm 2011, một lần nữa mở ra nhiều vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.
Cảm nhận về cuộc sống bên ngoài nhà tù Ngọc Lan (NV): Cảm giác lần thứ hai đến với Nhật báo Người Việt của Tùng là gì? Tùng Nguyễn: Em cảm thấy mình có bài học đời, va chạm với đời. Trong vòng một năm mới biết đi làm, hiểu làm ra đồng tiền cực khổ như thế nào. Cố đi tìm việc làm mà mình muốn nhưng hoàn cảnh của mình không cho phép mình có việc làm đó. Nó cũng như một sự thử thách, rất khó khăn nhưng vẫn phải tiếp tục thôi. Nhưng cho đến ngày hôm nay, em cũng cảm thấy mình rất là may mắn. NV: Ngày hôm qua là đúng một năm ngày Tùng được tha? Tùng Nguyễn: Ngày hôm qua là ngày mà tâm hồn em rất là không bình thường. Ngày hôm qua là ngày em được thả về, cũng là ngày em gây ra cái án mạng. Nguyên cả ngày em cứ nghĩ tới người nạn nhân của em. Em không nghĩ nhiều đến ngày em được tha, mà em nghĩ nhiều hơn về ngày em làm tội. Ngủ dậy con người mình thấy nặng nề trong lòng. Nguyên cả ngày cảm giác đó cứ theo em hoài. Rốt cuộc thì em cũng ngồi, ngồi, ngồi, cho người “relax” một chút rồi thì mọi chuyện cũng đi. Hôm nay khi thức dậy có cảm thấy “better” hơn một chút nhưng nó lại làm em nghĩ đến ngày em đi “hội đồng.” Wow, ngày đó người ta thả em ra như thế nào, người ta nói làm sao. Em cảm thấy rất là may mắn. Một năm rồi! NV: Sau một năm sống đời sống thật bên ngoài nhà tù, Tùng cảm thấy như thế nào? Tùng Nguyễn: Nói thì khó nghe thiệt nhưng mà thật tình là đầu óc khó khăn nhiều hơn trong tù. Trong tù thì thoải mái hơn, ăn ngủ rồi thức dậy thôi. Ở ngoài đây nếu không có việc làm thì không có income, không có income thì không giúp đỡ được cho bản thân và gia đình, rồi nó tạo ra nhiều sự khó chịu, làm cho mình nghĩ bậy bạ. Nên chuyện “ngựa quen đường cũ” là điều rất dễ dàng. Ðiều khó là làm sao mình phải đẩy điều đó ra khỏi đầu mình. Nhiều người bạn ra tù không kiếm được việc làm, không ai mướn nên chỉ còn cách đi ngược lại đường cũ. Do đó mình phải mạnh mẽ và cứng rắn lên.
NV: Lúc mới ra tù, Tùng cảm thấy sợ khi tiếp xúc với cộng đồng, với những người xung quanh, có cảm giác ngộp, sợ nhiều thứ... Bây giờ thì sao? Tùng Nguyễn: Bây giờ không còn nhiều nữa chị à. Từ từ em thấy những gì xảy ra cho em lúc em mới ra tù là do chính em tạo ra hết chứ không phải do môi trường những người bên ngoài làm như vậy, nên từ từ nó cũng giúp em cởi mở hơn một chút. Chỉ có cái làm cho em cảm thấy mình mặc cảm tự ti là em không còn dám háo hức đi kiếm việc làm khác nữa tại vì “background, history” của em khiến mỗi lần em muốn làm đơn đi xin việc là em lại thấy họ nói “no” sẵn rồi nên giờ em yên phận với công việc làm của mình. Em không muốn tự mình “set up” mình rồi đi xin chỗ này chỗ kia. Ðiều thất vọng là không chỉ trong việc làm mình bị từ chối mà cả xin đi làm thiện nguyện cũng bị từ chối luôn, tại vì tình trạng của mình là như vậy. Những điều đã làm được NV: Một năm qua, Tùng đã làm được những điều gì? Tùng Nguyễn: Em được một số đài TV mời lên nói chuyện. Từ đó nhiều người biết đến em. Có người gọi đến để động viên, khuyến khích em. Có những cha mẹ có con đang ở tù cũng gọi cho em để hỏi về tình trạng của con họ. Em tham gia vào nhóm Human Right Watch giúp cho thông qua luật đừng có sử dụng hình phạt chung thân không ngày ra với những đứa trẻ vị thành niên giống như em lúc ở tù. Rồi em đi tham dự những “victim groups,” tham gia nói chuyện, giúp hàn gắn vết thương, nỗi đau của nạn nhân, cũng như nói lên những thay đổi trong cuộc đời của người tù sau tội lỗi mà họ gây ra... Em tham gia với người Mỹ nhiều hơn. Những hoạt động đó còn quá mới mẻ với cộng đồng Việt Nam. Cộng đồng Việt Nam chưa biết đến việc giúp đỡ như thế nào cho thân nhân của các nạn nhân, cho cha mẹ có con cái ở tù, và cho luôn cả những người mới ra tù. Em muốn giúp đỡ, muốn làm những việc như vậy cho cộng đồng Việt Nam nhưng em giống như ly rượu mà chẳng có gì rót vào thì cũng chịu thôi. Em tham gia cùng cộng đồng Mỹ, với những kinh nghiệm có được, đến lúc nào đó, em sẽ mang những điều đó làm trong cộng đồng mình. NV: Nhìn lại, Tùng thấy những điều mình có, mình làm được nhiều hơn hay không được như trông đợi? Tùng Nguyễn: Em có người bạn luôn nói với em rằng làm gì làm đừng bao giờ hứa cho nhiều mà không làm được bao nhiêu. Em có nhiều kế hoạch, nhiều dự tính, và em luôn nghĩ là ai cũng sẽ giúp em. Nhưng như lúc đầu em đã nói với chị, em đã học được bài học đời. Em biết ai cũng có cuộc sống, ai cũng có sự bận rộn khó khăn, ai cũng muốn giúp em nhưng họ không có khả năng thì thôi. Em hiểu được điều đó và em phải tự đi tìm những phương tiện, điều kiện nào giúp cho em tạo nên điều mơ ước của em. Có thể nó chậm hơn 5, 6 năm hay 10 năm nhưng mà nó cũng là con đường để em đi đến đó, chứ em không từ bỏ. NV: Lần đầu Tùng đến đây, báo Người Việt đã có một bài viết kể về câu chuyện của Tùng, có rất nhiều thư độc giả gửi tới bày tỏ sự quan tâm, động viên và hứa hẹn giúp đỡ Tùng. Những thư đó có tác dụng thế nào với Tùng? Tùng Nguyễn: Em rất cám ơn những người hiểu và thông cảm cho em. Em đi ra đường em gặp người ta, em chào. Có người cũng người nhận ra em. Em không có mắc cỡ. Em cám ơn cho những điều đó, không ai khi dễ hay khinh thường em, nếu có em không biết. Em hy vọng trong tương lai những gì em làm sẽ là bằng chứng cho những gì em nói thì đó là cách tốt nhất em chia sẻ với những người đó. Em không muốn mọi người nghĩ em nói nhiều hơn làm. Nhiều chuyện em làm không phải là cho chính em nữa mà là em cám ơn cho những gì đã xảy ra trong cuộc đời của em. Nó cũng có một phần nào của người nạn nhân của em trong đó. Nếu em làm cho em không nó không có cân bằng. Ðó là lý do vì sao nhiều lúc em đi làm về em rất mệt nhưng em phải đi cái này em đi cái kia. Em vẫn đi mà không biết tại sao mình có năng lượng để đi. Ðó là ơn trên cho em thôi. Nhiều người hứa giúp đỡ tiền bạc nhưng em không nhận, bởi em có công việc làm mà. Tâm tư của cha mẹ và nỗi lòng của người tù NV: Qua những điều mà các bậc cha mẹ có con ở tù lâu tâm sự với Tùng, Tùng nghĩ gì? Tùng Nguyễn: Ðiều thứ nhất là tình cha mẹ thương con không có gì ngăn cản được. Nhiều người gọi em chỉ muốn biết cuối cùng thì con họ sẽ như thế nào, chứ họ không có nghĩ đến hệ thống luật pháp làm việc như thế nào, rồi lỡ có chuyện gì thì tương lai con mình sẽ ra làm sao. Họ chỉ nghĩ là làm như thế nào để cho con họ bớt khổ đau trong hiện tại. Nhiều người hy vọng câu trả lời của em giúp cho họ bớt lo lắng đi, tại vì họ đọc báo họ cảm thấy em có thể trả lời cho họ câu hỏi mà họ muốn biết nhưng mà nhiều khi câu hỏi không có đầy đủ và nó không đúng để cho em trả lời. Nhiều người chỉ muốn “problem stops right away” mà họ quên tương lai của con họ như thế nào, đặc biệt có nhiều cha mẹ có con vừa ở tù, vừa mới lãnh án. Vì sự đau đớn là con mình lãnh án chung thân hay ba, bốn chục năm nó đau quá, nên họ chỉ muốn làm như thế nào để chống án, để con họ được ra lại. Giống như mình té xuống nước, tay mình với được cái nào thì mình với cái đó. Vì lo tập trung vào chuyện đó nhiều quá mà họ quên là hoàn cảnh, cuộc sống của con họ trong tù từ bây giờ cho đến ngày nó ra theo như bản án của ông tòa cho nó sẽ như thế nào. Cha mẹ cứ tập trung vào nỗi đau khổ của chính mình, lo đi chống án, mà quên đứa con trong tù, nó vừa mới lãnh án chung thân, cuộc đời nó, đầu óc nó bị chết đứng rồi, nên nó cần người thân gần gũi nhất chia sẻ những tâm sự với nó, giúp nó đối mặt với cuộc sống tương lai của nó. Lỡ đứa con đó yếu đuối, nó tự tử thì sao. Hay nó chịu không nổi thì nó lại không quan tâm gì nữa, nó trở nên phá phách trong tù, không có hạnh kiểm tốt trong tù thì sao... Em hiểu tình cha mẹ thương con không ai ngăn cản được, nhưng em muốn là họ nên nghĩ đến chuyện an ủi quan tâm đến đứa con trước cái đã. NV: Kinh nghiệm của người từng trải qua hết những tâm trạng đó, Tùng nghĩ người tù cần gì nhất trong thời gian ở tù? Tùng Nguyễn: Em hiểu theo quan niệm của người Việt Nam thì sự nhục nhã và niềm đau có con bị tù tội nhiều khi làm cho cha mẹ không có vươn ra ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người, tại vì sợ mọi người khi dễ hay đánh giá mình không biết dạy con để cho con ở tù. Cha mẹ hướng về điều đó nhiều quá mà quên đi mình còn có bổn phận lo cho người con của mình nó đang ở tù, đang phạm phải nhiều lỗi lầm, nhưng cuộc sống trong tù thì rất là nguy hiểm mà nó không có ai bên cạnh ngoài gia đình của nó. Nếu gia đình cứ không để ý đến nó thì làm cho cuộc sống nó khó lắm. Em sẽ không có cuộc sống ngày hôm nay nếu như cha mẹ em không có bên cạnh em. Chị hiểu em nói không? Em hy vọng những mặc cảm đó của cha mẹ cũng từ từ bớt đi. Ðó cũng là lý do vì sao em muốn tạo một cái nhóm cho những cha mẹ có con cái ở tù hay có con cái đi vô hướng đó cho họ ngồi cùng với nhau, họ có cùng hoàn cảnh nên có cùng sự chia sẻ, tâm sự,... Em hy vọng em làm được điều đó cho cộng đồng người Việt của mình, giống như của người Mỹ. Bởi nó tốt cho tinh thần mọi người, họ giúp được cho đứa con đang ở tù và cả cho những đứa con còn lại.
|