'Ngọc Vẫn Quanh Ta' và những tài năng khuyết tật |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||
Thứ Bảy, 19 Tháng 5 Năm 2012 06:33 | |||||
Hãy nhìn nhau một cách toàn vẹn hơn FOUNTAIN VALLEY (NV) - “Chị có thể vào Internet gõ chữ 'Thủy Tiên hát nhạc Trịnh Công Sơn' thì chị sẽ biết thêm về em. Nhưng những bài nào viết thê lương quá thì đó không phải là em.” Câu nói kèm theo nụ cười tự tin của ca sĩ Thủy Tiên trước khi rời khỏi nhật báo Người Việt cứ ám ảnh tôi.
Tương tự như vậy, nụ cười không chút ưu phiền, cùng giọng nói ấm áp của nhạc sĩ Hà Chương, hay danh cầm thủ Nguyễn Ðức Ðạt, cứ vương vấn trong tôi, sau buổi chuyện trò cùng họ, những nghệ sĩ tài năng khuyết tật, về chương trình “Ngọc Vẫn Quanh Ta” diễn ra vào chiều Chủ Nhật, 20 Tháng Năm tới đây, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley. *** Dù đã nghe giới thiệu rằng “Thủy Tiên hát rất hay, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn,” nhưng tôi vẫn không tránh khỏi sự bất ngờ khi nghe cô hát bài “Ca Dao Mẹ,” bài hát mở đầu của CD “Ra Ðồng Giữa Ngọ.” Một cảm giác rất lạ lùng, như có một luồng hơi lạnh chạy trong người mình. Tôi nhắm mắt nghe. Từ “Ca Dao Mẹ” đến “Xin Mặt Trời Ngủ Yên,” “Chiều Một Mình Qua Phố,” “Chiều Trên Quê Hương Tôi” cho đến “Bốn Mùa Thay Lá” và những bài khác nữa. Giọng Thủy Tiên trong trẻo một cách lạ lùng, khác hẳn những người từng hát nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng hát cùng cách hòa âm của “Ra Ðồng Giữa Ngọ” đủ sức giữ tôi ngồi yên, thả hồn mình nghe trọn những ca khúc Thủy Tiên trình bày. Và tôi nhớ lại gương mặt người ca sĩ ấy, với những vết sẹo trên cằm, trên môi. “Năm 4 tuổi em bị một vết thâm nhỏ trên khóe môi, do điều trị không đúng cách nên vết thâm ăn lan ra và trở nên hoại tử, sứt thịt, tạo nên lỗ trống rất lớn trên môi, khiến mép môi trong dính vào trong nướu răng, nên khẩu hình của miệng bị méo mó đi rất nhiều. Từ đó, giọng nói em cũng không còn tròn vành rõ chữ.” Thủy Tiên nhớ lại. Thủy Tiên bị mắc chứng bệnh “xỉ tổ mả,” một chứng bệnh rất hiếm gặp trên thế giới. Theo lời Thủy Tiên, cô cũng đã qua khoảng 10 lần giải phẫu thì mới có hình dạng như hôm nay, dù không hoàn toàn như những người bình thường khác. Chứng bệnh liên quan đến miệng, đến môi, kéo theo việc giọng nói bị “ngọng nghịu, méo mó” vậy mà Thủy Tiên lại trở thành một ca sĩ, một ca sĩ hát hay! Cô kể, “Khoảng năm 8, 9 tuổi, khi em chui đầu vào trong lu nước trước nhà ngoại để tắm, em nghe được tiếng vọng trong lòng lu. Khi đó em mới nghĩ là em chỉnh sửa giọng nói méo mó của mình trong lòng lu để mình tự kiểm tra lại. Thấy tiếng vọng cũng hay hay, nên em tự chỉnh giọng em theo cách đó.” Mê ca hát từ nhỏ, không mặc cảm ôm lấy nỗi buồn dị tật vào lòng, Thủy Tiên tham gia ca đoàn để được thầy cô chỉnh sửa lại những phát âm chưa đúng trong thanh nhạc. Ðể từ lòng mê âm nhạc đó, cùng với sự động viên, khuyến khích của bạn bè, Thủy Tiên từng bước đến với sân khấu, từ “phong trào văn nghệ quần chúng” ở quận Bình Thạnh, đến thành phố Sài Gòn, và chiếm được một vị trí trong lòng khán giả yêu mến ở một số phòng trà chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn. *** Trong khi đó, Hà Chương, chàng nhạc sĩ khiếm thị chưa đầy 30 tuổi, lại sở hữu ba CD ca nhạc với những ca khúc do chính anh sáng tác và trình bày cùng một số bạn bè của mình. Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với người nhạc sĩ trẻ này là nụ cười. Nụ cười không vướng chút lo âu. Bằng nụ cười ấy cùng giọng nói ấm áp, Hà Chương kể một cách vắn tắt về mình, “Em sinh ra ở Quảng Ngãi, đi học phổ thông ở Ðà Nẵng, học đại học ở Hà Nội, và giờ thì đang ở Sài Gòn. Ði khắp nơi, nên giờ em nói được giọng cả ba miền luôn.” Theo lời Hà Chương, lúc mới sinh ra, anh “vẫn còn nhìn thấy, nhưng cận nặng, đến 2 tuổi thì không nhìn thấy nữa. Trong nhà không ai bị hết nên không biết nguyên nhân vì sao. Bố mẹ cũng cố gắng hết sức nhưng có lẽ đó là cái số rồi.” Nhạc sĩ cười tỉnh rụi. Ðến 12 tuổi mới đi học lớp 1 ở Ðà Nẵng do “Quảng Ngãi không có trường khiếm thị.” Học hết lớp 10, Hà Chương thi vào nhạc viện Hà Nội hệ trung cấp, học đàn bầu và sáng tác. “Nhưng thay vì học trung cấp 4 năm thì em chỉ học 2 năm là vượt rào lên học đại học luôn.” Nhạc sĩ Hà Chương nhắc lại thành tích của mình. Anh nói một cách hiền lành, “Trong nhà em không có ai theo âm nhạc hết. Mẹ hát không hay lắm, nhưng thuộc rất nhiều làn điệu dân ca. Nghe mẹ kể là hồi nhỏ mẹ ru bài gì là em nhớ bài đó. Chị gái cũng thích hát và chơi đàn guitar một ít theo kiểu ở quê, thì chị cũng bày em đánh. Lúc nhỏ khi chưa đi học mà ở làng, xã có đám cưới hay có tiệc liên hoan gì có hát hò là em chạy đến xin hát, người ta không cho hát là khóc luôn.” Hà Chương có một chất giọng truyền cảm và ấm. Nghe 8 bài anh hát trong CD “Mắt Lệ Cho Người” như “Xin Còn Gọi Tên Nhau,” “Riêng Một Góc Trời,” “Có Những Niềm Riêng,” “Khúc Thụy Du”... tôi có cảm giác giọng của anh “giông giống” giọng ca sĩ Tuấn Ngọc. Nhưng nghe Hà Chương qua những ca khúc do chính anh sáng tác như “Kem Dâu Mùa Hè,” “Áo Dài Cuối Phố,” “Gửi Lại Chút Hương,” “Ðiều Muốn Nói”... lại thấy anh có những nét của riêng mình. *** Khác với Thủy Tiên và Hà Chương, những nghệ sĩ khuyết tật tài năng từ Việt Nam đến, Nguyễn Ðức Ðạt là một người khiếm thị khá nổi tiếng tại Orange County, không chỉ trong cộng đồng Việt Nam mà cả trong cộng đồng khác. Tôi chào Nguyễn Ðức Ðạt bằng câu: “Ly nước đầy một nửa!” Anh “Ồ” lên một cách thú vị. Cách đây 2 năm, lần đầu tiên chuyện trò với người nhạc sĩ khiếm thị tài năng nổi tiếng này, tôi đã hỏi, “Cảm nhận của anh về cuộc sống hiện tại của mình là gì?” Câu trả lời của anh là, “Người ta hay nói thế này ‘nếu mình thấy thiếu thì bao nhiêu cũng thấy thiếu, còn thấy đủ thì như thế nào cũng đủ.’ Vậy thì tinh thần của mình trong cuộc sống hiện tại là ‘Ly nước đầy một nửa.’” Câu trả lời đó cho tôi hiểu, anh lạc quan biết bao về cuộc sống này. Lần này gặp lại, Nguyễn Ðức Ðạt, người từng giành được nhiều giải thưởng, không nói nhiều về mình, bởi vì những người quanh đây đã biết quá nhiều về anh, về tiếng đàn guitar của anh. Anh chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về chương trình “Ngọc Vẫn Quanh Ta” sắp tới. “Thông qua chương trình đầy màu sắc từ âm nhạc tới cách biên tập, tới sự kết hợp hài hòa giữa những tài năng khuyết tật cho tới các anh chị em nghệ sĩ có tên tuổi, Ðạt chỉ muốn điều duy nhất mà khán giả nhận được là niềm hy vọng của cuộc đời, của mỗi người. Mặc dù mỗi người ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, cũng có khiếm khuyết này, khiếm khuyết kia, không ai là hoàn hảo cả nhưng cuộc đời luôn đầy hy vọng.” Anh nói một cách chậm rãi. Ước muốn mọi người nhìn nhau một cách toàn vẹn hơn Ðó là điều mà nhóm Ngọc Trong Tim đã và đang hướng tới. “Ngọc Trong Tim chỉ muốn làm người đi đầu trong vấn đề này chứ không phải là nhóm duy nhất làm những công việc y như vậy. Chúng ta phải làm thế nào để bớt đi sự tội nghiệp, sự rủ lòng thương, hay thương hại. Nhiều anh em khuyết tật muốn được cho cái cần câu và ánh đèn để đi, chứ không cần 'baby-sit' hay cho miếng cơm ngày qua ngày.” Nguyễn Ðức Ðạt nói thêm về sắc thái mới, thông điệp mới mà nhóm Ngọc Trong Tim, qua chương trình “Ngọc Vẫn Quanh Ta” muốn gửi đến mọi người. “Phải làm sao để từ từ thay đổi quan niệm của con người, nhất là người Việt, về người khuyết tật.” Người nghệ sĩ khiếm thị tài hoa nói thêm, một cách tự tin Vẫn bằng nụ cười trên môi, Hà Chương bày tỏ tiếp cảm nghĩ của mình, “Ý nghĩa quan trọng của chương trình là thông qua đây, mọi người sẽ có cách nhìn toàn diện hơn về khả năng của người khuyết tật.” Theo Hà Chương, “Trước đây nhiều người xem chương trình do người khuyết tật diễn thì đơn thuần chỉ là người khuyết tật thôi, còn chương trình này qui tụ những tài năng khuyết tật, nghĩa là những người đứng trên sân khấu là những người có khả năng và ít ra họ cũng đều là người có một vị trí nhất định trên sân khấu. Một số người được học hành rất bài bản. Ðó là hướng mà Ngọc Trong Tim muốn hướng đến, muốn đưa ra những gì là tốt đẹp nhất của người khuyết tật, để mọi người nhìn vào đó như là một động lực, một tấm gương để mọi người sống tốt hơn chứ không phải show ra để mọi người thấy tội nghiệp phải rủ lòng thương, để xin tiền.” Thủy Tiên thì cho rằng, “Em là người khuyết tật, em biết cảm giác như thế nào về anh em của mình.” Người ca sĩ này chia sẻ cảm xúc, “Thường thì người bình thường nghĩ khả năng của anh em khuyết tật chỉ lưng chừng đó thôi. Ðến khi nào thấy tận mắt nghe tận tai mới hiểu. Văn nghệ là bạn đồng hành với những người khuyết tật như tụi em. Ðã đam mê thì cũng muốn chia sẻ, nhưng sân khấu dành riêng cho người khuyết tật hầu như không có.” Chính vì điều này mà Thủy Tiên hy vọng “những người khuyết tật sẽ được chắp thêm đôi cánh để thể hiện khả năng của mình, nó như một sự cộng góp cho xã hội. Em mong là một sân chơi cho người khuyết tật sẽ ngày càng được mở rộng.”
|