Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt 'Ác mộng' vì nhà bị ngân hàng xiết ((kỳ 1) và (kỳ 2)

'Ác mộng' vì nhà bị ngân hàng xiết ((kỳ 1) và (kỳ 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Ba, 15 Tháng 5 Năm 2012 06:21

 Giữa Tháng Hai, 2011, ông Tiến nhận được “Notice of Trustee Sales” từ Bank of America là vì nhà bị tịch thu vì “non-payment” và sẽ được bán đấu giá trong vòng 30 ngày.

Chỉ mới cách đây chừng một năm, ông Nguyễn Ngọc Tiến, 54 tuổi, và vợ là bà Phạm Thị Hương, 52 tuổi, chưa bao giờ nghe đến những chữ “Class Action Lawsuit,” và cũng chưa bị đuổi ra khỏi căn nhà mà họ phải dành dụm biết bao lâu mới mua nổi.

Thành viên của Miami Workers Center để những túi rác, thu được tại các
căn nhà bị xiết, trước văn phòng chi nhánh Bank of America, Miami, Florida,
trong một cuộc biểu tình chống các ngân hàng xiết nhà.
(Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Giờ đây vận mệnh họ dường như gắn liền với kết quả của vụ kiện tập thể, và dù biết là không nên đặt hết hy vọng vào đó, mỗi diễn tiến, dù rất chậm (của vụ kiện) đều cho cả hai vợ chồng ông có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu.

“Ông ấy hy vọng lắm, nhưng không biết vụ kiện rồi sẽ đi đến đâu. Chỉ biết bây giờ chúng tôi mất hết và lại sống kiếp ở thuê!” Bà Hương nói giữa những tiếng chép miệng.

Giờ đây ông bà cùng 3 người con ở xúm xít trong một chung cư chật hẹp tại Anaheim, gần Disneyland, nơi ông Tiến làm việc. Và những chữ “Foreclosure,” “Loan Modification,” và “Bank of America,” đặc biệt là “Bank of America,” với họ là nhắc nhớ của cơn ác mộng dài, mà cho đến giờ họ vẫn chưa thoát được ra.

Ngồi trên cái ghế của một bàn ăn nhỏ kê trong bếp, ông Tiến kể cho phóng viên Người Việt câu chuyện bị ngân hàng tịch thu nhà của họ, một trường hợp tiêu biểu cho hoàn cảnh của hàng trăm ngàn người đã bị các ngân hàng tịch thu nhà sai trái, oan uổng từ năm 2010 đến giờ.

Giấc mơ trở thành ác mộng

 Ðầu năm 2003, vợ chồng ông Tiến đạt giấc mơ làm chủ căn nhà mình ở. Họ mua một ngôi nhà 4 phòng ngủ khang trang có sân trước, vườn sau, tại thành phố Cypress, nơi gia đình ông cư ngụ cho đến cách đây hơn một năm. Món nợ nhà của họ sau nhiều lần bán qua bán lại, đã được chuyển qua cho Bank of America. Tiền nhà hàng tháng kể cả vốn, lời, bảo hiểm và thuế nhà là $2,845.

“Tuy hơi cao, nhưng không sao, cả hai vợ chồng cùng đi làm.” Ông Tiến bảo lúc đồng ý mua nhà, ông đã nghĩ thế.

Tháng Sáu, 2009, lợi tức gia đình ông bất thình lình giảm đi 40% vì bà Tiến tự nhiên thất nghiệp. Việc trả tiền nhà chật vật hơn nhiều. Tuy thế, hai ông bà vẫn gồng mình, mỗi tháng đúng hẹn rút tiền dành dụm để trả nợ nhà.

Tháng Năm, 2010, tình hình trở nên nguy kịch hơn. Bà Tiến vẫn không kiếm được việc, trong khi đó ông Tiến bị bớt lương.

Ông Tiến gọi điện thoại cho Bank of America xin giúp đỡ, và được nhân viên ngân hàng giải thích về chương trình “Home Affordable Modification Program” (HAMP) của chính phủ, và đề nghị nên nộp đơn xin điều chỉnh nợ theo chương trình này.

Sau vài lần thảo luận qua điện thoại, ông Tiến được một nhân viên của Bank of America cho biết là “trên nguyên tắc” họ “tạm đủ điều kiện” xin giảm nợ.

Tháng Sáu, 2010, ông bà Tiến chính thức nộp đơn điều chỉnh nợ, và một lô tài liệu theo yêu cầu của Bank of America. Qua điện thoại, một nhân viên ngân hàng cho biết là ông có thể “tạm dừng không đóng tiền nhà” cho đến khoảng Tháng Mười, 2010, khi đơn xin giảm nợ “có hiệu lực,” vì đằng nào số tiền nợ đến lúc đó cũng được tính lại.

Cuối Tháng Bẩy, 2010, ông Tiến nhận được tờ “Terms and Conditions Agreements” từ Bank of America, cho biết ngân hàng tạm bằng lòng điều chỉnh (temporary modified) món nợ cho ông bà, với tiền lời 3% mỗi năm, mỗi tháng trả $1,995.

Bank of America cho biết họ phải theo một chương trình trả nợ thử kéo dài 3 tháng (3 month trial), bắt đầu từ 1 Tháng Chín, 2010. Nếu sau thời gian thử mà luôn trả tiền đúng hạn, họ sẽ nhận được thư báo cho biết nợ đã được điều chỉnh vĩnh viễn (permanently modified).

Ông Tiến và vợ gửi tiền trả nợ đúng hạn Tháng Chín, Tháng Mười, và Tháng Mười Một, 2010.

Chờ hết Tháng Mười Một vẫn không thấy thư báo, ông Tiến một mặt gọi điện thoại hỏi, mặt khác tiếp tục viết chi phiếu trả tiền cho Tháng Mười Hai, 2010, rồi Tháng Giêng, Tháng Hai, 2011. Những thư “Notice of Default” bắt đầu được lần lượt gửi về, nhưng lần nào gọi điện thoại cho Bank of America, ông Tiến sốt ruột thì cũng đều được bảo là “đang xúc tiến” và “đừng để ý đến những lá thư do máy điện toán tự động in.”

Giữa Tháng Hai, 2011, ông Tiến nhận được “Notice of Trustee Sales” từ Bank of America là vì nhà bị tịch thu vì “non-payment” và sẽ được bán đấu giá trong vòng 30 ngày. Cuống cuồng, ông lại gọi cho Bank of America nữa, thì cũng như trước, nhân viên cả quyết là theo đúng luật, “sẽ không có chuyện nhà bị tịch thu trong khi đơn điều chỉnh nợ đang được cứu xét.”

Giữa Tháng Ba, 2011, khi vợ chồng ông vẫn đang chờ tin món nợ đã được điều chỉnh vĩnh viễn, thì một người môi giới địa ốc gõ cửa cho biết đại diện cho người chủ nhà mới, vừa mua nhà của ông được bán đấu giá trước đó hai ngày.

Sửng sốt, ông bà Tiến nhờ một luật sư đại diện chống lại việc bị đuổi khỏi nhà, nhưng đã quá muộn. Bank of America đưa ra bản sao của các “Notice of Default” và “Notice of Trustee Sales” để dẫn chứng là việc bán đấu giá nhà của Bank of America “hoàn toàn đúng luật.”

“Khi biết mình thực sự mất nhà, tôi khóc hết nước mắt, còn ông ấy thì nằm tê liệt cả tuần.” Bà Hương kể.

Cuối cùng thì cũng phải tìm nhà, dọn nhà. Sau khi mọi việc tạm lắng xuống, tham khảo với một số luật sư, ông bà Tiến biết là nhà mình đã bị tịch thu trái phép, và hiện đang xúc tiến thủ tục gia nhập vào một vụ kiện tập thể đối với Bank of America, do tổ hợp luật Hagens Berman Sobol Shapiro, LLP đảm nhiệm.

“Thật là xui! Biết thế hồi đó đừng tiếp tục đóng tiền nhà, lấy tiền để dành thì bây giờ còn được một ít vốn.” Ông Tiến kết thúc câu chuyện bằng một tiếng thở dài.

 Cam kết nhưng không thực thi

Thế nào là tịch thu nhà trái phép, và tại sao Bank of America và một số ngân hàng khác lại tịch thu nhà sai luật khiến biết bao người bị tịch thu nhà oan uổng?

Muốn trả lời câu hỏi này, phải hiểu bối cảnh thị trường bất động sản trong những năm vừa qua.

Từ năm 2008, tình trạng thất nghiệp dài hạn dẫn đến cảnh hàng triệu người Mỹ không trả nổi nợ, và bị mất nhà, tạo ra sự sụp đổ của thị trường địa ốc.

Ðầu Tháng Mười, 2008, chính quyền Obama dành ra một ngân khoản $75 tỷ, tài trợ cho dự án “Making Home Affordable Program” với mục đích giúp đỡ từ bảy đến chín triệu gia đình tránh nạn mất nhà. Một phần của số tiền $75 tỷ được dùng để cung cấp cho các ngân hàng tham gia chương trình giảm nợ, theo điều lệ được đặt ra trong chương trình “Trouble Asset Relief Program” (TARP), để khuyến khích các ngân hàng này điều chỉnh nợ, làm giảm nhẹ tiền trả hàng tháng cho những chủ nhà hội đủ điều kiện.

Cuối Tháng Mười, vài tuần sau khi TARP được thực hiện, nhiều ngân hàng lớn ghi danh tham gia chương trình, một phần để nhận tiền của chính phủ, phần khác để bảo đảm là các chủ nhà tiếp tục trả nổi nợ, không để cho nhà bị tịch thu.

Ghi danh tham gia xong, Bank of America nhận của chính phủ $15 tỷ. Tháng Giêng, 2009, sau khi mua công ty Merrill Lynch, Bank of America nhận thêm của chính phủ Hoa Kỳ $10 tỷ nữa.

Ðể nhận những khoản tiền này, Bank of America cam kết sẽ tham gia vào các chương trình do TARP đưa ra, trong đó có chương trình “Ðiều Chỉnh Nợ Nhà” (HAMP) với những điều khoản rõ ràng được Bộ Tài Chánh đưa ra.

(Còn tiếp)

 ------------------------------------------------------------------------------------------------

Kỳ 2: Các vụ kiện tập thể và biện pháp của chính phủ

 Kiện nhà băng

Ngày 17 Tháng Tư năm 2009, Bank of America ký một hợp đồng với chính phủ, theo đó, BoA phải thực hiện những điều sau: a) Tìm những món nợ cần điều chỉnh; b) Liên lạc với homeowners để thu cập nhật tình trạng tài chánh; để đánh giá xem họ có đủ điều kiện chỉnh nợ không; c) Ðiều chỉnh cho tiền phải trả hàng tháng thấp xuống theo công thức do Bộ Ngân Khố ấn định, thiết lập chương trình trả nợ thử 3 tháng (3 month trial); d) Sau ba tháng, khi chủ nhà trả nợ đúng hẹn, phải chính thức báo cho chủ nhà biết đã điều chỉnh nợ vĩnh viễn hoặc báo cho họ biết lý do tại sao không điều chỉnh; và e) Không xúc tiến tịch thu nhà trong thời gian chủ nhà chờ quyết định tối hậu về việc điều chỉnh nợ.

Bank of America là một trong những nhà băng lớn bị nhiều vụ kiện tập thể
vì tịch thu nhà sai phép. (Hình minh họa: website
www.thebracybeat.com)

Tiếc thay cam kết là một việc, thi hành lại là một việc khác. Có nhiều lý do Bank of America nói riêng và những nhà băng lớn nói chung đã không thực hành đúng các điều khoản của (Home Affordable Modification Program) do chính phủ đưa ra.

Vụ kiện tập thể

 Chứng cớ của nhiều vụ tịch thu nhà trái phép đã khiến các tổ hợp luật sư khởi động nhiều vụ kiện tập thể, tố nhiều nhà băng tịch thu nhà thân chủ của họ sai luật.

Năm 2010, tổ hợp luật Hagens Berman Sobol Shapiro LLP (Hargens Berman), đại diện một số thân chủ, nộp đơn tại US District Court, miền Bắc California, khởi kiện tập thể (Class Action Lawsuit) nhà băng Bank of America.

Bên nguyên của vụ kiện là những người hội đủ điều kiện điều chỉnh nợ, đã nộp đơn xin, được tạm thời chấp thuận, đã trả tiền đúng hẹn trong thời gian 3 tháng trial, nhưng sau thời gian thử thách, nợ vẫn không được điều chỉnh vĩnh viễn, nhiều người còn bị tịch thu nhà oan uổng trong thời gian hồ sơ bị đình trệ, như trường hợp gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Tiến.

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, Phụ Tá Pháp Lý Adrian Garcia, thuộc tổ hợp Luật Sư Hargens Berman, có trách nhiệm cập nhật hồ sơ vụ kiện tập thể Bank of America cho biết đơn kiện cáo buộc rằng Bank of America không thực thi nghĩa vụ theo đúng hợp đồng ký với chính phủ Hoa Kỳ, và cũng không giữ cam kết theo hợp đồng đã ký với những người vay tiền nộp đơn xin điều chỉnh nợ.

Ông Garcia giải thích:

“Thứ nhất theo đúng chương trình HAMP, món nợ của các chủ nhà đã được tạm thời điều chỉnh, sau khi trả đúng hẹn 3 tháng, phải được điều chỉnh vĩnh viễn. Trong trường hợp họ không trả đúng hẹn, hoặc tình hình lợi tức thay đổi khiến họ không còn đủ điều kiện, nhà băng có thể từ chối không điều chỉnh vĩnh viễn, nhưng vẫn phải cho biết quyết định tối hậu. Hơn nữa, trong thời gian món nợ đang được điều chỉnh, hay kết quả chưa ngã ngũ thì tuyệt đối không được tịch thu nhà.”

Và nhấn mạnh:

“Vì sự tắc trách của Bank of America mà ít nhất hàng ngàn người đã bị sống trong khắc khoải chờ đợi trong nhiều tháng sau khi đã trải qua giai đoạn trial, nhiều người còn bị mất nhà oan uổng. Hành động này của Bank of America vi phạm pháp luật của California.”

Ðơn kiện của Hagens Berman Sobol Shapiro LLP đòi “bồi thường, đền bù thiệt hại và giảm nhẹ”. Ngoài ra bồi thường, Hargens Berman còn yêu cầu vụ kiện phải được đưa ra xét xử trước bồi thẩm đoàn.

 Phản ứng của các giới

 Theo ông Kevin Stein, phó giám đốc của California Reinvestment Coalition, một tổ chức quy tụ hàng chục những NGO chuyên bảo vệ quyền lợi của homeowners, thì lý do tại sao có hiện tượng nhiều người bị tịch thu nhà oan uổng như vậy, là vì sau khi luật về HAMP được ban hành, “hàng triệu chủ nhà đang gặp khó khăn trả nợ ào ạt nộp đơn” xin điều chỉnh nợ, khiến các nhà băng không phản ứng kịp thời, vô tình tạo ra tình trạng hỗn loạn.

Ông Stein quy lỗi cho điều ông gọi là “dual track system” của các nhà băng:

“Ða số các nhà băng chia việc quản trị các hồ sơ chỉnh nợ và việc tiến hành tịch thu nhà thành hai bộ phận riêng biệt, và hai bên không làm việc với nhau. Bên chỉnh nợ cứ lo chỉnh nợ, bên tịch thu nhà cứ lo tịch thu.”

Nhiều tổ chức bảo vệ quyền người tiêu thụ như ProPublica thì có cái nhìn khe khắt hơn.

Ông Paul Kiel, tác giả nhiều bài viết về vấn nạn nhà bị tịch thu oan uổng cho rằng sở dĩ các nhà băng có “dual track” là vì làm như thế có lợi cho họ:

“Một mặt nhà băng tham gia chương trình TARP để lấy tiền của chính phủ, mặt khác họ giảm nợ để nhận thêm payment của những con nợ một thời gian nữa, một mặt vẫn xúc tiến việc tịch thu nhà.”

Dù không cho rằng “dual track” của các nhà băng là cố tình, ông Stein vẫn cho rằng sở dĩ các nhà băng có thể bất cẩn, thậm chí ẩu tả là vì khi phạm luật, họ không bị trừng phạt.

“Các nhà băng được quá nhiều củ cà rốt, giờ đây điều họ cần là nhiều cây gậy!” Ông Stein nói.

Trong khi đó, giới chức của Bộ Ngân Khố nói rằng họ đã điều tra, rất thấu hiểu tình hình và đang tìm cách giải quyết.

Cuối cùng thì người ta cũng thấy xuất hiện vài cây gậy.

Ðầu Tháng Hai, năm 2012, sau nhiều tháng thương lượng, Tổng Chưởng Lý (General Attorneys) của 49 tiểu bang công bố một thỏa thuận điều đình trong đó 5 nhà băng lớn gồm GMAC, Bank of America, Citibank, JPMorgan Chase, và Wells Fargo phải bồi thường tổng số tiền 25 tỉ đô la cho những nạn nhân bị tịch thu nhà trái phép.

Theo tài liệu của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thì phần lớn của số tiền này, khoảng 20 tỷ, sẽ được dùng để giảm nợ cho 1 triệu chủ nhà hội đủ điều kiện. Khoảng 1.5 tỷ được dùng để lập tức trao cho gần 750,000 gia đình đã bị tịch thu nhà trong thời gian từ 2008 đến 2011, đổ đồng khoảng $2,000 đô la cho mỗi gia đình.

Trước con số $2,000 mình sẽ nhận được, ông Nguyễn Ngọc Tiến phản ứng:

“Thật khôi hài!”

Tổ hợp luật Hagens Berman Sobol Shapiro LLP cho biết là dù nhận $2,000, các chủ nhà vẫn có thể tiếp tục đi kiện nhà băng đã tịch thu nhà sai luật của họ để đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng cũng nhấn mạnh rằng một vụ kiện tập thể có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm, và khuyến cáo các thân chủ không nên đặt hết tính toán của mình vào kết quả của vụ kiện.

Ngoài vụ kiện tập thể, những người bị tịch thu nhà còn có thể nhờ các luật sư kiện thêm riêng cho trường hợp của mình.