‘The Lucky Few’ hội ngộ, tri ân |
Tác Giả: Nguyên Huy/Người Việt | |||||
Thứ Tư, 25 Tháng 4 Năm 2012 06:01 | |||||
“Họ đã hành động cao cả và xa hơn trách nhiệm và bổn phận đã được trao phó. Họ đã tận tụy săn sóc người dân Việt Nam đang trong cảnh ngặt nghèo một cách hồn nhiên, vui vẻ và chân thật.” Câu chuyện của Kirk WESTMINSTER - Trong không gian mênh mông của Nhà Thờ Kiếng thuộc thành phố Garden Grove vào chiều hôm Chủ Nhật, 22 tháng 4, nhiều ngàn người tị nạn Việt Nam đã tìm đến để cùng nhau bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã cứu vớt họ sau biến cố 30 tháng 4, 1975.
Ðó là những chiến sĩ Hải Quân thuộc Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ, rõ hơn là thuộc một phân đội của Hạm Ðội 7, trong đó có chiến hạm Kirk và lực lượng Hải Quân VNCH. Ðây là lần thứ hai có cuộc họp mặt của người tị nạn Việt Nam tìm về với nhau để vinh danh và tri ân những ân nhân của mình. Lần gặp mặt này được định danh là “Vietnamese American, The Lucky Few.” Cả hai lần đều được tổ chức bởi “Federal Asian Pacific American Council Southwest” (FAPAC - SW - Hiệp Hội Liên Bang Á Châu - Thái Bình Dương Tây Nam Hoa Kỳ). Trong cuộc gặp gỡ tri ân này, nhiều sĩ quan và thủy thủ chiến hạm Kirk đã có mặt, như Phó Ðô Ðốc hồi hưu Adam Robinson và các cựu sĩ quan hải quân trên chiến hạm Kirk, như Paul Jacobs, Richard Mc Kenna... Phía Việt Nam có cựu Ðại Tá Ðỗ Kiểm, nguyên là sĩ quan trong thành phần chỉ huy đoàn tàu HQ/VNCH 30 chiếc chở hơn 32 ngàn người Việt Nam đến được bến bờ tự do sau 30 tháng 4, 1975. Theo ban tổ chức, tất cả sĩ quan và thủy thủ đoàn trên chiến hạm Kirk từ nhiều năm nay muốn gặp lại những người Việt Nam mà họ đã tận tình giúp đỡ khi trốn chạy khỏi nanh vuốt cộng sản, nhất là khi họ lại được biết những người tị nạn này vẫn luôn nhớ đến họ. Có người khi sanh con đã lấy tên chiến hạm mà đặt cho con. Ðó là bà Lan Trần và cô gái mang danh Kirk, là cô Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên, hiện ở Orlando, Florida. Cựu Ðại Úy Paul Jacobs, sĩ quan hải hành trên chiến hạm Kirk, kể lại những nỗ lực của sĩ quan và thủy thủ đoàn trên chiến hạm Kirk từ nhiều năm nay mong mỏi có cuộc gặp gỡ như thế này. Tất cả những sĩ quan và thủy thủ Hoa Kỳ trên các chiến hạm thuộc phân đội của Hạm Ðội 7 đều cho rằng cuộc cứu trợ 37 năm trước là một chuyện tuyệt vời của Hải Quân Hoa Kỳ. Cựu Ðại Úy Richard Mc Kenna nói: “Chúng tôi đã rất hạnh phúc khi nhìn thấy cộng đồng Việt Nam đã hòa mình vào cuộc sống của nước Mỹ để phục vụ, để trở thành những công dân thịnh vượng của một quốc gia lớn mạnh của chúng ta.” Một cuốn phim kể về thảm cảnh của những người tị nạn Việt Nam và sự cứu trợ hết lòng của toàn thể sĩ quan thủy thủ trên chiến hạm Kirk cũng đã được chiếu giới thiệu trong dịp này. Cựu Hải Quân Ðại Tá Ðỗ Kiểm, một trong những vị sĩ quan chỉ huy đoàn tàu 30 chiếc của HQ/VNCH, phát biểu rằng: “Gạt bỏ một vài kỷ niệm cay đắng về việc, không ít thì nhiều, một số dân cử và viên chức cao cấp phản chiến của chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã góp phần không nhỏ vào việc đưa VNCH vào đường cùng để rồi bị bức tử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta phải ghi nhận công ơn của người lính Hoa Kỳ đã nhiều năm sát cánh chiến đấu gian khổ cùng chúng ta chống lại CSVN.” “Chúng ta không quên 58 ngàn người lính Hoa Kỳ đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam. Bóng dáng người lính Hoa Kỳ đã hầu như không còn tại Việt Nam sau hiệp ước tái thiết hòa bình tại Paris vào đầu năm 1973 để rồi đến ngày cuối cùng của VNCH một phân đội của Ðệ Thất Hạm Ðội đã lại đến với Hải Quân VNCH như những người bạn quí, lần này để trợ giúp chúng ta đem 30 chiến hạm và hơn 30 ngàn người VN đến bến bờ tự do...” “Họ đã hành động cao cả và xa hơn trách nhiệm và bổn phận đã được trao phó. Họ đã tận tụy săn sóc người dân Việt Nam đang trong cảnh ngặt nghèo một cách hồn nhiên, vui vẻ và chân thật.” Cựu Hải Quân Ðại Tá Ðỗ Kiểm cũng đã nhắc đến tinh thần và sự hy sinh của người lính hải quân VNCH. Ông nói: “Giờ đây họ đang xa rời quê hương. Họ bỏ lại ruộng vườn nhà cửa tài sản. Họ bỏ lại ông bà cha mẹ anh em họ hàng thân thích để đi vào một chuyến lưu đầy vô định. Họ đang ở tại điểm đau khổ cùng độ của một người lính không thua trận mà phải bỏ nước ra đi. Thế nhưng những người thủy thủ của QLVNCH đã không chịu ngồi xuống để than thân trách phận. Họ đã đứng lên vì một tinh thần tự giác cao độ, để tự động làm phần nhiệm coi sóc máy móc, vận chuyển hải hành như thường lệ mà không cần phải một lệnh lạc, một lời năn nỉ hay một cưỡng ép nào. Họ đã hoàn tất nhiệm vụ một cách hữu hiệu và âm thầm.” Hầu hết những lời phát biểu trong buổi tri ân này, cả về phía Hoa Kỳ cũng như phía những người tị nạn Việt Nam, đều nói lên tấm lòng chân thiết của mình để bày tỏ những xúc động sau bao nhiêu năm được gặp lại nhau kể từ ngày ấy. Ông Mã Gia Trí, một trong những người được cứu vớt trong dịp này, cho biết: “Tôi có được chứng kiến khi các tàu Hải Quân của mình vào vịnh Subic của Philippines đã phải hạ cờ VNCH, treo cờ Hoa Kỳ vì chính phủ Philippines cho biết cộng sản Việt Nam đang đòi những chiến hạm mà Hải Quân VNCH đã chạy tới đây. Nhưng Hải Quân Hoa Kỳ không đáp ứng, và để cho hợp pháp, những chiến hạm của Hải Quân VNCH phải hạ cờ VNCH, giương cờ Hoa Kỳ mới được vào đất Philippines. Buổi lễ hạ cờ rất long trọng và đầy xúc động, không như một số người không biết rõ đã kể sai lạc. Lá cờ Vàng khi hạ xuống theo lễ nghi quân cách đã được trao lại cho Ðại Tá Ðỗ Kiểm.”
|