Người trẻ gốc Việt: Kiến thức quan trọng hơn tiền |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||||||
Thứ Sáu, 30 Tháng 3 Năm 2012 06:18 | |||||||||
Nếu trúng số độc đắc, vẫn đi học!
WESTMINSTER (NV)- “Nếu em trúng số được một món lên đến nhiều chục triệu đô la, đủ bảo đảm cho em có một cuộc sống giàu sang, sung sướng đến cuối đời mà không cần phải làm bất cứ việc gì, thì em có tiếp tục đi học không? Và em sẽ dùng tiền đó để làm gì?”
Ðó là hai câu hỏi mà phóng viên Người Việt đặt ra cho một cuộc phỏng vấn ngắn với một số em học sinh người Mỹ gốc Việt từ tiểu học đến đại học nhân sự kiện giải độc đắc Mega Millions lên tới hơn 500 triệu đô la sẽ xổ vào tối Thứ Sáu, 30 tháng 3. Ðiều rất bất ngờ là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của cả 4 em Matthew Ngô, 11 tuổi; Trúc Trần, 16 tuổi; Nghiêm Trịnh, 23 tuổi và Kathy Phan, 21 tuổi; ở 4 nơi khác nhau, lại gần như hoàn toàn giống nhau. Ðó là “dùng tiền trúng số để tiếp tục đi học!” Sau chuyện “dùng tiền để đi học,” các em mới tính đến việc dùng tiền trúng số đó cho những mục đích khác, trong đó có mục đích “cho ba mẹ về Việt Nam du lịch.” Còn “tại sao phải học khi đã có quá nhiều tiền?” thì mỗi em cũng có một cách giải thích theo suy nghĩ của riêng mình. Em Matthew Ngô, 11 tuổi, đang học lớp 5, hiện sống tại tiểu bang North Carolina cho biết: “Nếu trúng số, con lấy tiền đó để trả tiền học phí học đại học cho con. Nếu còn dư, con để dành trả học phí cho con của con. Nếu vẫn còn dư, con mở 'business' vì nó có thể giúp con kiếm được thêm nhiều tiền nữa.” “Tại sao lại phải đi học?” - “Học là để học.” Matthew trả lời một cách đơn giản như vậy.
Ðang học lớp 11 trường trung học La Quinta, Trúc Trần, 16 tuổi, nhà ở Westminster, nói một cách hớn hở: “Nếu mà con trúng số, con sẽ dùng số tiền đó để đi học đại học.” “Tại sao nhất định phải học đại học?” - “Phải đi học đại học, vì học không chỉ là để có được kiến thức, mà còn học để biết cách tự chủ, học về đời sống, học về tính kỷ luật, học cách biết chơi với bạn bè. Phải đi học, cô ạ.” Cô bé khẳng định một cách dứt khoát mục tiêu phải đi học của mình. Sau khi dùng tiền đi học, còn lại, Trúc Trần sẽ “xây nhà cho bố mẹ, giúp bố mẹ có cuộc sống tốt hơn, giúp cho các em có điều kiện học tốt hơn. Nếu mấy em muốn đi du học ngoài Mỹ, cũng có thể cho các em đi.” “Con cũng sẽ cho ba mẹ đi du lịch ở Việt Nam vì còn gia đình con bên đó. Con cũng muốn đi đến nhiều nước khác để học hỏi, hiểu biết thêm những gì mình muốn biết. Con cũng sẽ dùng tiền đó để giúp cho người nghèo nữa.” Trúc Trần cho biết. Với Nghiêm Trịnh, 23 tuổi, đang học năm thứ hai ngành Bio-Chem tại trường Golden West College thì chuyện đầu tiên là “sẽ dùng tiền trúng số để học tiếp lên ngành Dược.” “Cuộc đời không thể nói trước được chuyện gì hết, tiền bạc không bao giờ là chắc chắn vì ăn xài rồi thì cũng sẽ hết. Cho nên phải có nghề mới tốt, mới
bền vững.” Nghiêm nêu suy nghĩ. Sau đó, Nghiêm dùng tiền để “mua xe, mua nhà, đưa cho ba mẹ và giữ lại một ít để phòng thân.” “Nếu trúng số con vẫn đi học” là sự khẳng định của Kathy Phan, 21 tuổi, đang học năm thứ 4 trường đại học Cal State Long Beach, ngành Sinh học. “Tại sao vẫn phải đi học khi mà mình có đủ tiền để không cần kiếm việc làm?” - “Con nghĩ nếu sống cuộc đời mà chỉ có xài tiền mà không làm gì hết thì cuộc đời đó không có gì hay ho hết.” Kathy nói không chút chần chừ. Sau mục đích đi học, Kathy dùng số tiền còn lại để “ba mẹ đi du lịch Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Ba mẹ sang đây lâu rồi mà chỉ mới về Việt Nam có một lần thôi vì không có nhiều tiền, lại phải để dành tiền cho con đi học, cho chị con đi học.” “Dĩ nhiên là cũng sẽ mua xe, mua nhà vì con vẫn đang đi xe cũ, nhà thì mướn. Con cũng dùng tiền đó để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, vì khi mình có được sự may mắn thì mình phải biết mang điều may mắn đó chia cho những người bất hạnh khác.” Kathy nói tiếp ước mơ của mình. “Ði du lịch khắp nơi trên thế giới, đến hết những nơi mình muốn” cũng là điều Kathy ao ước. Tuy nhiên, “điều này phải thực hiện sau khi tốt nghiệp đại học. Nghĩa là có thể dành cả năm đi du lịch sau khi học xong đại học, chứ không phải bỏ học mà đi chơi trước.” Cô sinh viên cười tươi nói về giấc mộng “nếu trúng số.”
|