Cựu nữ sinh Trưng Vương vẫn một tấm lòng |
Tác Giả: Nguyên Huy/Người Việt | |||||||
Thứ Tư, 28 Tháng 3 Năm 2012 05:17 | |||||||
Thời gian có qua, cột trụ bằng đồng có hao mòn rỉ sét nhưng đã không đổ vì mỗi người dân đi qua đã đắp thêm lên một hòn đá đến độ sau một thời gian ngắn cột đồng trụ Mã Viện đã bị chôn kín dưới đống đá to như một cái gò. Ðại Lễ Hai Bà 2012 WESTMINSTER (NV) - Ðại lễ kỷ niệm Hai Bà năm 2012 được Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương và một số hội đoàn, tổ chức trẻ cùng tham gia thực hiện tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley vào ngày 25 Tháng Ba, 2012. Ðại lễ thể hiện rõ rệt ba thế hệ Trưng Vương ở hải ngoại vẫn là một tấm lòng. Ðó là tấm lòng thiết tha với ngôi trường cũ, với bạn bè thầy cô xưa. Ðó cũng là tấm lòng yêu nước nồng nàn theo tấm gương yêu nước của Hai Bà mà ngôi trường thân yêu được danh dự mang tên.
Cả ngàn đồng hương tham dự ngồi kín rạp, đứng chật trên các lối đi cả trong lẫn ngoài rạp. Ðồng hương đến không chỉ vì muốn được thưởng thức một nhạc hội mà như muốn cùng tham gia với các bạn Trưng Vương nhắc nhở nhau, nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam đến tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc từ ngày lập nước. Tinh thần ấy không chỉ ở nơi nam giới mà khi “giặc đến nhà, đàn bà chúng tôi cũng lên ngựa tuốt gươm ra chốn chiến trường”. Về nghi lễ, cũng như mọi năm, một lễ rước kiệu Hai Bà từ ngoài vào sân khấu trong rạp do tuổi trẻ thuộc Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, võ đường Việt Võ Ðạo cung nghinh cùng đại diện các hội đoàn cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long... trong những bộ quốc phục rực rỡ màu sắc. Cả ngàn người cùng đứng dậy chào đón kiệu Hai Bà. Các nam nữ học sinh, sinh viên trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California và các trường trung học, các trung tâm Việt ngữ trong những bộ đồ “lính thú đời xưa” vàng đỏ oanh liệt dàn hàng ngang trên sân khấu đón rước kiệu Hai Bà lên đặt chính giữa sân khấu. Hai nữ sinh viên kiều diễm đóng vai Trưng Trắc và Trưng Nhị là Nguyễn Hằng Ni, hoa khôi Liên Trường 2012 và Ðặng Trần Kiều Diễm, Hoa Khôi Duyên Dáng 2012, oai nghi đứng dưới những tàn lọng ngay dưới chân kiệu Hai Bà trên sân khấu. Nghi lễ bắt đầu. Chiêng trống nổi lên. Quốc ca Việt-Mỹ được trang trọng cử hành. Phút mặc niệm đến tổ tiên và anh hùng chiến sĩ đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia dân tộc để Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay. Lịch sử Hai Bà được Trưng Vương đại diện cho ban tổ chức nhắc lại. Âm thanh dội vang toàn rạp trong không khí trang nghiêm. Thế hệ lớn tuổi nhẩm lại bài thơ lịch sử ai nấy đã thuộc nằm lòng từ khi bước chân vào lớp học đầu đời.
“Bà Trưng quê ở Châu Phong, giận người tham bạo thù chồng chẳng quên, Chị em nặng một lời nguyền. Phất cờ nương tử thay quyền Tướng quân...” Ba năm dựng nền độc lập thu 65 thành trì về một cõi dựng nên một quốc gia Giao Chỉ oai hùng đến độ Mã Viện, một danh tướng của Trung Hoa lúc bấy giờ, khi rút quân về qua Ải Chi Lăng phân chia địa giới Hoa Việt đã phải dựng một cột trụ bằng đồng trên khắc hàng chữ đầy miệt thị “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (ý nói cột đồng trụ này khi đổ thì đất nước Giao Chỉ sẽ diệt vong). Thời gian có qua, cột trụ bằng đồng có hao mòn rỉ sét nhưng đã không đổ vì mỗi người dân đi qua đã đắp thêm lên một hòn đá đến độ sau một thời gian ngắn cột đồng trụ Mã Viện đã bị chôn kín dưới đống đá to như một cái gò. Sau phần tế lễ do các cựu nữ sinh Trương Vương cử hành, Hội Trưởng Nguyễn Mộng Tâm đọc lời chào mừng đồng hương và quan khách, nhắc đến tinh thần chống giặc ngoại xâm của Hai Bà để mọi người cùng “trang bị tinh thần bảo vệ đất nước trước nguy cơ bành trướng của Trung Cộng, hậu duệ của bọn nhà Hán ngày xưa”. Phần nghi lễ chấm dứt, sân khấu chợt bừng sáng lên, rực rỡ bội phần với màn hoạt cảnh “Bà Trưng Khởi Nghĩa”. Thực hiện hoạt cảnh này là các hoa hậu, á hậu và đoàn vũ Việt Cầm phối hợp với Trung Tâm Việt Võ Ðạo. Phải nói ngay rằng, đây là màn hoạt cảnh đặc sắc. Những chuyển động nhịp nhàng thể hiện được sự vùng lên của người dân Việt theo tiếng gọi của Hai Bà. Các vũ sinh của ban Việt Cầm không chỉ thi triển được công phu luyện tập Việt võ đạo mà còn thể hiện tính kiêu hùng của dân tộc trong một giai đoạn của lịch sử. Màn trau dồi võ thuật trong quân Hai Bà đã được các nam nữ võ sinh Việt võ đạo diễn tả lại thật đẹp mắt. Ai cũng hết lòng ngưỡng phục cô võ sinh xinh đẹp của Việt võ đạo một mình quật ngã đến 4 nam võ sinh rất điêu luyện đẹp mắt, không để lộ một chút sơ suất nào. Toàn rạp xao động dõi theo đến độ quên hẳn đây là màn hoạt cảnh thể hiện lúc Hai Bà luyện quân trước khi mở các cuộc tấn công Tô Ðịnh. Kế màn luyện quân là màn Hai Bà thi triển võ công do hai nữ võ sinh kiêm vũ công của đoàn Việt Cầm thể hiện. Hai nữ võ sinh vũ công này thi triển những đường kiếm tuyệt hảo, những đường kiếm mà cách đây gần 5 ngàn năm Hai Bà dùng để đánh tan quân Tô Ðịnh lập nên một đất nước trong suốt ba năm trời. Rồi một chương trình văn nghệ thật đặc sắc với các màn vũ vừa điêu luyện vừa hào hứng của đoàn vũ Việt Cầm của Giáo Sư Luân Vũ, cùng chương trình ca nhạc lành mạnh được nhiều ca nhạc sĩ đóng góp... Có theo dõi lâu nay hội cựu nữ sinh Trưng Vương tổ chức kỷ niệm Hai Bà mới thấy sự cố gắng và kiên trì của ba thế hệ Trưng Vương hải ngoại. Từ Bội Tú, Kim Toàn,Vân Bằng, Tuyết Yên, Minh Nguyệt, Bích Huyền... qua đến Như Mai, Mai Khanh, Minh Phú, Mộng Tâm... cho đến Vũ Mai Khanh, Liên Hải, Bảo Sơn bây giờ. Cựu nữ sinh Trưng Vương quả là “vẫn một tấm lòng với trường xưa, thầy cũ, bạn bè...” Nhìn chung, năm nay hội cựu nữ sinh Trưng Vương tổ chức Lễ Kỷ Niệm Hai Bà có nhiều thay đổi vui tươi, mới lạ hơn, trẻ trung hơn, kết hợp được với nhiều tổ chức khác trong cộng đồng.
|