Thành công của Ðêm Văn Hóa Việt tại La Quinta |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||||||||||
Chúa Nhật, 25 Tháng 3 Năm 2012 07:06 | |||||||||||
“Tụi con tập chương trình chung với nhau cả 3 tháng nay, giờ hết buổi này là không còn cơ hội tập chung, họp mặt chung như vậy nữa, nên tụi con buồn quá!”
Không chỉ là chuyện hiểu sự hy sinh của cha mẹ WESTMINSTER (NV) - “Vui thì rất là vui, nhưng mà hôm nay không còn đến trường tập cùng các bạn nữa thấy nhớ quá à!” Andy Lương, học sinh lớp 12, “diễn viên” đóng vai người cha trong đêm Hội Văn Hóa Việt của trường trung học La Quinta, vừa nói vừa cười để che đi sự xúc động của mình.
Ðêm Văn Hóa Việt lần thứ hai của trường trung học La Quinta, ở ngay Little Saigon, kết thúc lúc 10 giờ tối Thứ Sáu, không chỉ bằng những tràng pháo tay, tiếng cười ríu rít vì sự thành công, mà còn bằng cả những giọt nước mắt, những đôi mắt ngân ngấn nước của các “diễn viên” học trò vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình, với sự chứng kiến của hơn 2,000 phụ huynh và học sinh, đa phần là gốc Việt.*** Những đêm hội văn hóa Việt (Vietnamese Culture Night) được tổ chức tại các trường đại học, trung học ở quanh vùng Orange County, nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt sinh sống đông đảo, không phải là điều mới mẻ với mọi người nơi đây. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa văn hóa dân tộc, nhắc nhớ về cội nguồn mà chương trình Ðêm Văn Hóa Việt Nam với chủ đề “Sự Hy Sinh của Cha Mẹ” mà thầy trò trường La Quinta mang lại cho phụ huynh lẫn học sinh, dường như có một điều lớn lao hơn để lại trong lòng các em, đó chính là tình bạn, là kỹ năng giao tiếp mà các em học được qua mấy tháng trời cùng nhau tập luyện chuẩn bị chương trình. Trên nền của vở kịch “Parent Sacrifice” gồm 8 màn do thầy Leon Nguyễn viết kịch bản với sự bổ sung góp ý của thầy Dzũng Bạch, hai thầy giáo dạy tiếng Việt của trường La Quinta, cũng là hai người chịu trách nhiệm thực hiện chương trình Ðêm Văn Hóa Việt lần 2 này, các tiết mục nhảy múa, ca hát, từ dân gian đến hiện đại được đan xen vào nhau, làm thành một chương trình xuyên suốt kéo dài 3 giờ.
“Thông điệp mà các thầy giáo của tụi con muốn gửi đến trong vở kịch là cha mẹ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì đời sống của con mình,” Andy Lương, cậu học trò lớp 12, người đóng vai cha trong vở kịch, cho biết. Cô bé có gương mặt xinh xắn Emily Kaede Nguyễn, học sinh lớp 11, đóng vai người con gái trong vở kịch, nói, “Con thấy xúc động lắm khi con đóng vở kịch đó và con khóc thật khi đang diễn.” “Qua mấy tháng tập kịch, con hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, con hiểu nhiều lắm, con hiểu ba mẹ, hiểu thầy giáo của con.” Emily chia sẻ cảm nghĩ. Cùng đến tham dự Ðêm Văn Hóa Việt của trường La Quinta, ông Bảo Nguyễn, phó chủ tịch hội đồng giáo dục học khu Garden Grove, tâm sự: “Tôi là một người sanh ra ở trại tị nạn. Mẹ tôi mang thai tôi 8 tháng trước khi vượt biên đến Thái Lan, và tôi sang Hoa Kỳ khi tôi được 3 tháng tuổi. Với tư cách đó, tôi hiểu sự đau đớn của cha mẹ, và thấy những thay đổi trong văn hóa là khó khăn. Sự liên hệ giữa cha mẹ và người con rất là quan trọng. Có chia sẻ được những câu chuyện từ những kinh nghiệm của cha mẹ và từ những kinh nghiệm của chính các em thì mới xây dựng và bảo tồn được văn hóa và gia đình Việt Nam.” *** Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ, tiếp sức của thầy cô và Hội Phụ Huynh, điều mà gần 300 em học sinh tham gia trong đủ các vai trò để làm nên chương trình, từ tham gia nhảy múa, vẽ phông màn, đội kèn, đội trống, diễn viên chính-phụ, giữ trật tự, soát vé, phụ bán thức ăn thức uống... có được từ chương trình này, như đã nói ở trên, chính là tình bạn, là kỹ năng giao tiếp mà các em học được qua mấy tháng trời cùng nhau tập luyện chuẩn bị chương trình. Nếu như vị phó chủ tịch hội đồng giáo dục học khu Garden Grove cho rằng, “Nhìn thấy các em nhớ lại thời đi học của mình. Rất là vui, rất là nhộn nhịp” thì bản thân các học sinh tham gia chương trình còn cảm nhận niềm vui gấp nhiều lần hơn. Andy Lương tâm sự, “Lúc trước con ít có bạn, ít nói chuyện với người khác nhưng thời gian tập vở kịch này mang con đến với tất cả mọi người, làm cho con quen biết với mọi người thêm. Giúp con phát triển được khả năng giao tiếp xã hội.” Trong lúc đứng ngay cửa sau sân khấu quan sát các bạn bè mình chuẩn bị cho những tiết mục tiếp theo, Lina Hồ, học lớp 11, thành viên trong hội sinh viên của trường La Quinta vui vẻ nói, “Trong buổi hôm nay con coi hết mấy màn trình diễn, con coi trật tự. Vui lắm cô! Con thấy mấy bạn nhảy múa hay lắm!” Lina muốn là “mỗi năm sẽ mỗi có chương trình như thế này”. Trong khi đó thì Emily Nguyễn kêu lên, “Ồ, không được đâu, thời gian làm việc nhiều lắm!”
Với gương mặt vẫn còn đang hồi hộp theo vở diễn, Emily cho biết em phải tập luyện cùng các bạn trong suốt 3 tháng qua, vào mỗi Thứ Bảy, 3 tiếng mỗi lần, tuy nhiên “rất là vui” chính là điều khiến em cũng như bạn bè mình ai cũng muốn tham gia. Cũng mang tâm trạng háo hức không kém bạn bè khi đứng sau sân khấu, Jimmy Lê, học lớp 10, cũng muốn được bày tỏ suy nghĩ của mình bằng “tiếng Việt mang âm sắc Mỹ” rất đặc trưng của những em được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ. “Việc của con trong chương trình này là con giúp bỏ đồ ra, rồi con nhảy chung với các bạn.” Jimmy khoe việc của mình một cách hồn nhiên. Theo lời Jimmy thì “Trước đó con nhảy dở lắm, xong rồi con vô chỗ này mấy thầy mấy bạn dạy con, con thích lắm! Trong đây dạy con học được làm sao biết nhảy nè, làm sao vừa nhảy vừa cười nè.” “Khi con lên biểu diễn con thiệt là run, tại con sợ con làm lộn người ta cười. Nhưng cuối cùng thì không có lộn.” Jimmy kể bằng sự tự hào rất học trò của mình. Trong bộ trang phục của “y tá” chuẩn bị cho một màn nhảy múa nằm trong kịch bản, Ðan-Thư Phạm, học lớp 10, ríu rít nói, “Ðây là lần đầu tiên con tham dự Ðêm Văn Hóa Việt, con thấy vui, con học được rất là nhiều điều, làm việc chung với mọi người, học được tinh thần làm việc nhóm với nhau, cùng học cùng chơi!” Nhìn lại thời gian bỏ ra trong suốt mấy tháng qua, Ðan-Thư nhận xét, “Mệt lắm nhưng mà con rất là vui vì con có thêm nhiều bạn mới nữa, con học được từ các anh chị lớn hơn, những người đã dạy cho tui con nhảy, dạy cho tụi con thêm về văn hóa nữa.” Ðứng sau sân khấu, thấy nhóm học trò-diễn viên này tụm lại, lắng nghe đứa trưởng nhóm nói: Cố gắng lên, try your best, nhớ phải cười, ráng đừng quên động tác... rồi châu đầu lại “cầu nguyện” xiết tay nhau mà không dám hét lên câu động viên chiến thắng vì sợ thầy cô la vì phía trước bạn khác đang trình diễn; hay nhìn nhóm học trò-diễn viên này khều nhau, tập lại vài động tác trước khi chạy ra sân khấu, cái tay mày nên thế này này, cái chân mày nên vầy nè; hay ngay cả nhìn đám học trò-diễn viên trong lúc chờ tiết mục của mình, cũng ngồi bệt dưới đất, chẳng nề hà áo váy, trang phục biểu diễn gì đâu, để hào hứng hò hét, vỗ tay cổ vũ cho bạn mình trên sân khấu... là cũng đủ thấy vui và xúc động lắm lắm luôn rồi!
Khi chương trình sắp sửa kết thúc, nhiều em bỗng ôm nhau, và mắt đỏ hoe. Có cả những đứa con trai. Cả những đứa con gái. Cắn môi. Ðứng lặng. Ðứa khác tới. Cùng nắm tay, đấm nhau. Một cách chào. Rồi lại ôm nhau, quay đi, quẹt nước mắt. Chuyện gì vậy? Ðan-Thư mắt cũng ươn ướt, cho biết, “Tụi con tập chương trình chung với nhau cả 3 tháng nay, giờ hết buổi này là không còn cơ hội tập chung, họp mặt chung như vậy nữa, nên tụi con buồn quá!” Ôi, học trò!
|