Lễ Giỗ lần thứ 66 Linh Mục Trương Bửu Diệp |
Tác Giả: Nguyên Huy/Người Việt | ||||
Chúa Nhật, 18 Tháng 3 Năm 2012 05:33 | ||||
Là một nhà tu hành đã hết lòng, xả thân với giáo dân của mình khi sống, ... khi mất đi thì lại hiển linh mà đáp lại muôn lời cầu xin cứu giúp mọi người bất kể thuộc tôn giáo nào và sắc dân nào. Hơn 500 đồng hương đã đến tham dự đông chật thánh đường. Sau những nghi thức mở đầu buổi lễ giỗ do ba Linh Mục Ðinh Ngọc Quế, Trịnh Văn Ngoạn và Nguyễn Ngọc Thọ, cựu giáo xứ Tắc Sậy phụ trách, Luật Sư Phạm Văn Phổ trong cộng đồng giáo dân Giáo Phận Orange County lên nhắc về ý nghĩa buổi lễ này. Lễ đọc kinh Thương Xót được ba vị linh mục chủ lễ và toàn thể đồng hương tham dự đã cất cao những tiếng hát “Về bên Cha Trương Bửu Diệp,” “Mừng kính Cha Trương Bửu Diệp” vang động thánh đường nhắc mọi người nhớ đến ơn đức mà Cha Trương Bửu Diệp đã hiển linh cứu giúp mọi người. Sau đó Lễ Giỗ được Linh mục Chủ tế Ðinh Ngọc Quế nhắc lại tiểu sử của Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, người được không chỉ giáo dân mà cả những người ngoại đạo cũng thường thân kính gọi là “Cha Trương Bửu Diệp.” Là một nhà tu hành đã hết lòng, xả thân với giáo dân của mình khi sống, theo lời Linh Mục Quế nói, khi mất đi thì lại hiển linh mà đáp lại muôn lời cầu xin cứu giúp mọi người bất kể thuộc tôn giáo nào và sắc dân nào. Những lời Tạ Ơn được đăng tải trên báo chí Việt ngữ hải ngoại và một số báo chí Anh ngữ ở các địa phương được xem là bằng chứng sự hiển linh cho nhiều người có lời cầu xin đến Cha đã được mãn nguyện. Cha Trương Bửu Diệp sanh ngày 1 Tháng Giêng năm 1897 tại Tấn Ðức, xã Mỹ Lợi, huyện Mỹ Luông, chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1904, mẹ mất sớm nên đã theo cha đến Battambang, Kampuchea. Năm 1909, cha sở Pherô Lê Huỳnh Tiền đưa ngài vào tiểu chủng viện Cù Lao Giềng sau được vào đại chủng viện ở Nam Vang (vào thời gian này thì các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều thuộc vào giáo phận Nam Vang). Năm 1924, thụ phong linh mục tại Nam Vang. Ðến năm 1927 được cử về làm giáo sư trong chủng viện Cù Lao Giềng. Ðến tháng 3 năm 1930 được cử làm cha sở họ đạo Tắc Sậy đồng thời chăm sóc mục vụ cho 8 họ đạo lẻ là Bà Ðốc, Căm Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chi, Khúc Tréo, Ðồng Gò và Rạch Rắn. Trong thời gian làm linh mục, Cha Trương Bửu Diệp đã rửa tội cho gần 2,000 người. Khoảng những năm 1945-1946 khắp miền Nam chiến tranh, loạn lạc, các phe phái chém giết lẫn nhau, bề trên có khuyên ngài nên tạm rời nhiệm sở nhưng ngài đã cương quyết từ chối, nói rằng: “Tôi sống giữa đoàn chiên, chết cũng giữa đoàn chiên, tôi không đi đâu hết.” Ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị cộng sản bắt cùng với gần 100 giáo dân họ đạo Tắc Sậy. Tất cả đều bị giam trong một kho để trấu của nhà ông Châu Văn Sự tại Cây Gừa. Các giáo dân bị tra khảo dã man, Cha Trương Bửu Diệp đã đứng lên binh vực chịu chết thay cho giáo dân. Sau đó Cha bị dẫn đi rồi người ta thấy thi thể của ngài trong cái ao của nhà ông Châu Văn Mưu, thi thể bị nhiều vết chém ở cổ, vai bằng mã tấu. Các giáo dân được trả tự do, đã đưa thi thể cha về chôn cất trong phòng Thánh của nhà thờ Tắc Sậy. Năm 2010, vào tháng 3, Giám Mục Stephano Tri Bửu Thiên giáo phận Cần Thơ chủ sự thánh lễ di dời hài cốt cha Trương Bửu Diệp vào phần mộ khang trang mới được xây cất. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 3, giáo dân khắp nơi lại tổ chức lễ Giỗ Cha Trương Bửu Diệp rất trọng thể với sự tham dự của hàng trăm người từng được ơn của Cha Trương Bửu Diệp đã hiển linh cứu giúp cho. Năm nay tổ chức Lễ Giỗ Cha Trương Bửu Diệp, ban tổ chức thuộc cộng đồng giáo dân giáo phận O.C. tổ chức góp chữ ký ủng hộ Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp. Ðây là công việc của tổ chức Trương Bửu Diệp Foundation. Theo các vị trong tổ chức này cho biết thì “đây là bước đầu kêu gọi mọi người trên toàn thế giới góp chữ ký vào Thỉnh Nguyện Thư gửi lên Ủy Ban Tuyên Thánh của Tòa Thánh La Mã. Theo Huấn Thị Sanctorum Mater do Bộ Tuyên Thánh ban hành năm 2007 thì Thỉnh Nguyện Thư càng góp được nhiều chữ ký bao nhiêu thì tiến trình xét duyệt tuyên thánh Cha Trương Bửu Diệp càng có nhiều thuận lợi bấy nhiêu.” Hầu hết người đến tham dự Lễ Giỗ Cha Trương Bửu Diệp đều sốt sắng ký vào Thỉnh Nguyện Thư.
|