“Xin hỏi anh ở đâu, ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm; dân tộc anh ở đâu sao đang tâm làm tay sai cho Tàu” (Anh Là Ai).
Hoa đào tháng ba San Jose.
Tháng hai bịn rịn chia tay với một ngày vớt vát 29 và những đứa bé sinh ra ngày này sẽ phải chờ bốn năm mới tổ chức sinh nhật một lần.
Chào em tháng ba 2012, tháng ba hoa khói như câu thơ “yên hoa tam nguyệt” thật đúng với cảnh sắc San Jose và các thành phố lân cận của Bắc Cali. Hoa nở khắp nơi, khói sương lãng đãng tạo vẻ thơ mộng.
Tháng ba năm nay bắt đầu có vẻ sôi nổi với chuyện Tòa Nhà Trắng của thủ đô nước Mỹ sẽ chào đón khoảng 100 người Mỹ gốc Việt Nam vào ngày 5/3/2002 để nhận thỉnh nguyện thư và nghe ý kiến cộng đồng mình về vấn đề dân chủ nhân quyền tại Việt Nam và một số vấn đề khác.
Sáng kiến của nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc đài truyền hình SBTN, muốn cứu nhạc sĩ Việt Khang đang bị bắt vì sáng tác và hát hai bài Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai đã được thực hiện thành công bằng cách thu thập chữ ký của khoảng 100 ngàn người gốc Việt Nam trên toàn nước Mỹ trong vòng chỉ một tháng. Có sự phối hợp khéo léo cùng tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Hội SOS Boat People, một người có kinh nghiệm trong sự liên lạc với chính giới Hoa Kỳ, nên với con số chữ ký nhiều như vậy thì những người đứng đầu Hành Pháp Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp xúc.
Đây là một công tác đấu tranh vận dụng sự phổ biến của Internet cũng như sự ảnh hưởng của ca nhạc đối với quần chúng. Hiệu quả của nó tạo nên một sự phấn khởi mang nét mới lạ.
Tên tuổi của nhạc sĩ Việt Khang đã được nhiều người biết tới. Vào các trang mạng, tên bài hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai đầy rẫy. Vào mạng Youtube đếm con số người nghe hai bài hát này, cộng lại cả triệu lượt xem. Có hình ảnh một bé trai mấy tuổi ôm đàn nhựa hát Anh Là Ai nghe rất dễ thương.
Chào em tháng ba 2012; tháng hai là tháng của Việt Khang và tháng ba này cũng sẽ là như vậy. Anh bạn nhà báo thấm nhuần đạo Phật nói rằng đây là phước đức của người nhạc sĩ, được nhiều người ngưỡng mộ và hai bài hát của anh phổ biến khắp nơi. Đối với một nhạc sĩ sáng tác, còn gì hạnh phúc bằng khi đứa con tinh thần của mình được vang xa như vậy. Thêm một niềm hạnh phúc nữa là chính tác giả hát và làm người nghe rung động.
Có nhiều người đấu tranh đang bị bắt ở tù như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên... nhưng trường hợp của Việt Khang thật đặc biệt. Anh là một nghệ sĩ.
Nói theo ý nghĩa của Dịch học thì anh đắc thời, đắc vị, đắc trung có nghĩa là bài hát đưa ra đúng lúc, anh là người trong nước ở vào hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn can đảm sáng tác và phổ biến để bị bắt và ý nghĩa của bài hát thật đúng là đề cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm.
Nghe Việt Khang hát, giọng tha thiết, nhạc đệm khá thích hợp với thời đại có nghĩa là không dùng đàn ghi ta như mấy chục năm trước. Lời ca chân thành dễ hiểu dễ nghe, nét nhạc có biến đổi chút ít để không đơn điệu nhưng vẫn dễ hát và gần gũi với quần chúng. Càng nghe càng thấm thía cho nỗi buồn của một dân tộc đang bị nguy cơ xâm lăng bởi đế quốc Tàu và sự bất công to lớn của xã hội với kẻ giàu có gian dối và đa số người dân đói khổ lầm than.
Chào em tháng ba 2012. Việt Khang bị bắt là vì hai bài hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai có lời ca chống quân Tàu thật mạnh mẽ: “Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta. Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” (Việt Nam Tôi Đâu) “Xin hỏi anh ở đâu, ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm; dân tộc anh ở đâu sao đang tâm làm tay sai cho Tàu” (Anh Là Ai).
Trong thời gian gần đây, trong nước cũng có nhiều ca khúc yêu nước nhắc đến chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa nhưng không có bài nào nêu đích danh giặc Tàu. Nhắc tới giặc Tàu là đụng tới một thế lực mạnh mẽ của Trung Cộng đang kềm chế nhà cầm quyền Hà Nội hiện tại. Cứ nhìn những nhà đấu tranh có liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa liền bị bắt và chưa được thả. Rõ ràng như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hết hạn tù 2 năm nhưng cho đến nay vẫn mất tăm không biết còn sống hay chết và thân thể như thế nào; chỉ vì anh dám đứng trước Nhà Hát Lớn Thành Phố giương biểu ngữ về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Chào em tháng ba 2012, hình ảnh ca nhạc sĩ Việt Khang đã đánh thức nhiều thanh niên Việt Nam trong nước và hải ngoại. Như Nguyễn Trải đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo thì nước ta hào kiệt thời nào cũng có; cho nên hôm nay vẫn có Việt Khang dũng cảm mà thiết tha cất lên tiếng hát ca khúc yêu nước của mình làm xúc động hàng triệu trái tim con dân Việt Nam.
Trong lúc có một số nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, một số tiếng hát ăn khách được gọi là ca sĩ đã đánh mất chữ “SĨ”, một chữ mang ý nghĩa được kính trọng trong văn hóa , vô cảm trước sự đau khổ của đồng bào nghèo khổ, trước nguy cơ diệt vong của dân tộc ; thì tiếng hát Việt Khang thổi lên một làn gió hứng khởi, làm nổi bật vai trò của nghệ thuật ca nhạc mà đóng góp cho cuộc sống.
Thời chiến tranh trước năm 1975, những người Việt Cộng đã lợi dụng chiêu bài chống Mỹ để kích thích lòng yêu nước dân miền Bắc và nhiều nhạc sĩ đã viết những bài ca chiến đấu. Nhưng hiện nay cũng chính những người Việt Cộng đang nắm quyền lại hèn nhát trước áp lực của Trung Cộng đã bắt giam nhạc sĩ Việt Khang vì hai bài hát chống ngoại xâm: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai. Suy gẫm bài học lịch sử thật ngậm ngùi cho dân tộc Việt Nam.
Chào em tháng ba 2012; có lẽ cộng đồng Việt Nam tại Mỹ biết dùng ngoại giao vận đối với các vị dân cử nhiều hơn là các sắc dân khác. Thời vượt biển thập niên 80, có người so sánh thuyền nhân Việt Nam lang thang khắp thế giới giống như dân Do Thái ngàn năm trước bỏ xứ ra đi và mang một lý tưởng quang phục quê hương dân tộc. Và người Do Thái sau nhiều đời đã thành công, có thế lực mạnh mẽ trong các ngành ngân hàng, truyền thông tại Hoa Kỳ và từ đó áp lực chính phủ Mỹ trong những chính sách có lợi cho tổ quốc Do Thái của họ ở Trung Đông. Đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều nước Hồi Giáo thù nghịch Mỹ mặc dù xứ Hiệp Chủng Quốc này luôn luôn mở rộng vòng tay đón nhận đủ loại sắc dân đến định cư và tiếp thu các nền văn hóa hay đẹp của thế giới.
Một bài học lịch sử khác là những bang hội của người Tàu ở hải ngoại đã hỗ trợ tài chánh cho Tôn Dật Tiên trong công cuộc lật đổ nhà Mãn Thanh tạo nên cách mạng Tân Hợi năm 1911.
Chào em tháng ba 2012, cộng đồng người Việt Nam hải ngoại nhất là tại Hoa Kỳ đã trở thành một nhánh quan trọng của cây tổ quốc Việt Nam. Hàng tỉ đô la gởi về giúp thân nhân và cũng tạo thêm nguồn ngoại tệ trong nước, tự do phổ biến khắp thế giới những tin tức hỗ trợ cho sự đấu tranh dân chủ ở quê nhà và những nhà đấu tranh tại Việt Nam không thấy cô đơn vì có sự ủng hộ tinh thần của hải ngoại. Có lẽ nhạc sĩ Việt Khang trong tù thế nào cũng biết là hàng triệu người đã nghe tiếng hát của anh và đang vận động trả tự do cho anh.
Cộng đồng hải ngoại đã nhiệt thành ủng hộ các phong trào kháng chiến thập niên 80 nhưng đại cuộc đã không thành và tình thế đã đổi thay cùng mục tiêu đấu tranh là tự do dân chủ nhân quyền và chế độ đa nguyên đa đảng vì độc đảng là biểu hiện của độc tài. Và hiện nay vấn đề chủ quyền của dân tộc Việt Nam trước nguy cơ bị xâm lăng của Trung Cộng- vốn lúc nào cũng muốn thực hiện sự bành trướng lãnh thổ và đồng hóa các dân tộc khác theo chủ nghĩa Đại Hán cũng trở thành đề tài nóng bỏng.
Chào em tháng ba 2012, khi đế quốc Liên Xô sụp đổ cùng chủ nghĩa cộng sản vào năm 1991 thì những người Việt Cộng vội vàng bám lấy Trung Cộng để bảo vệ chế độ của họ và từ đó cho đến nay sự lệ thuộc vào nước đàn anh này càng thêm sâu đậm. Và cũng vì thế mà những người Việt Cộng đã đưa tổ quốc Việt Nam đến một tình trạng hết sức nguy hiểm là có thể bị giặc Tàu, kẻ thù truyền kiếp ngàn năm, xâm lăng bất cứ lúc nào.
Cũng còn may mắn là Hoa Kỳ vẫn còn mạnh mẽ để can thiệp vào vùng Biển Đông và Đông Nam Á để chận đứng tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Người dân ai cũng biết là Mỹ không thể nào chiếm và đồng hóa dân tộc Việt Nam vì họ ở xa quá và khác biệt rất nhiều về chủng tộc nhưng đế quốc Đại Hán- một bộ mặt khác của Trung Cộng thì sẵn sàng làm. Thời Mao Trạch Đông còn sống đã vẽ bản đồ Trung Cộng có thêm phần đất hình chữ S; nhìn thấy họ đưa hàng triệu dân Hán đến Tây Tạng để từ từ đồng hóa dân bản xứ này thì mới cảm nhận mối nguy hiểm mất nước vĩnh viễn của Việt Nam cỡ nào. Cho nên những lời ca thống thiết của Việt Khang nói lên điều đó. “ khi thế giới này đã không còn Việt Nam”.
Chào em tháng ba 2012, chúc mừng cuộc vận động lấy hơn 100 ngàn chữ ký thành công để cộng đồng có tiếng nói với Tòa Nhà Trắng Hoa Kỳ. Trên con đường dài, mỗi người Mỹ gốc Việt là một công dân tốt, đóng góp nhiều cho xứ sở này, có thêm nhiều nhân tài về các lãnh vực khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, thể thao, văn hóa và nhất là kinh tế tài chánh. Cộng đồng hải ngoại cũng nên có nhiều hoạt động có ý nghĩa về văn hóa, xã hội cùng nghệ thuật để cho những người trong nước nể phục vì chúng ta có một số lợi điểm so với họ.
Cho dù có một số người ở hải ngoại “ phù thịnh hơn phò suy” , bám theo cán bộ quyền thế trong nước để hưởng lợi nhưng đa số đồng hương vẫn đậm đà tình yêu quê hương dân tộc, vẫn ủng hộ chính nghĩa đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền và chống giặc ngoại xâm. Hàng triệu người ngưỡng mộ Việt Khang cho thấy điều ấy.
Chào em tháng ba 2012, tình hình cho thấy chỉ khi nào đế quốc Trung Cộng nội loạn thì những người Việt Cộng mới mất đi cái thế được bảo kê từ đàn anh phương bắc và lúc đó người dân Việt Nam mới có cơ hội tốt để lật đổ một chế độ bắt chước chủ nghĩa ngoại lai, phi dân tộc, phi nhân bản và độc tài tham nhũng thối nát chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
Nào ai biết là đến khi nào thời cơ mới có, và cũng có thể là chẳng có cơ hội nào cho dân tộc và họa diệt vong cũng có thể xảy ra. Cho nên mở nghe tiếng hát nức nở của ca nhạc sĩ Việt Khang: “Tôi không thể ngồi yên, để đời sau cháu con tôi làm người, cội nguồn ở đâu, khi thế giới này đã không còn Việt Nam” mà nước mắt chợt ứa ra.
San Jose, đầu tháng ba 2012
|