Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Bên Lề Hội Tết Sinh Viên "Xuân Bình An" Nhâm Thìn Westminster (Nam California)

Bên Lề Hội Tết Sinh Viên "Xuân Bình An" Nhâm Thìn Westminster (Nam California) PDF Print E-mail
Tác Giả: Dư Thị Diêm Buồn   
Thứ Bảy, 11 Tháng 2 Năm 2012 07:38

... chúng ta phải công nhận là các em có tài lèo lái dắt dìu nhau, để năm nào Hội Tết Sinh Viên Việt Nam ở Nam California cũng thành công rực rỡ hơn ngoài dự tính và mong muốn của mọi người.

Nửa đêm về sáng, bầu trời cao thăm thẳm và còn nặng màu xám đen. Xa xa ẩn hiện từng giề sao li ti, định thần nhìn rõ một hồi mới thấy nhấp nhánh, nhấp nhánh. Sương mù còn dầy đặc trên các cánh đồng bao la bát ngát của vùng đất đai màu mỡ có cây sum sê tốt trái ngon ngọt, bông hoa tươi đẹp quanh năm của vùng đất lành Yuba City (hướng Bắc về miền Bắc của tiểu bang California).

Những đám cỏ khô trong tiết đông lạnh vừa mới nhú mầm để đón mùa xuân sắp đến. Hương các cây ăn trái như hoa hồ đào, hoa chanh… vân vê trong cơn gió the the lành lạnh với thời tiết ở khoảng 60 độ F, thiệt dễ chịu khiến lòng người thêm cảm khái tình xuân.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng sáng ánh đèn, và sau nhà nếu không phải vào những sáng sương mù thì chúng ta sẽ thấy xa tít mờ xa dợn dáng đồi dốc núi như chận nẻo chân mây. Chúng tôi đang lục đục sửa soạn khăn gói lên đường xuống miền Nam để dự Hội Tết Sinh Viên (Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012) Mà ngay từ chiều tối hôm qua phu quân tôi đã cho túi nải, xách tay và những đồ dùng cần thiết cá nhân lên xe trước rồi. Chuẩn bị như thế để khỏi lụp chụp quên trước quên sau của tuổi về chiều!

Ấy vậy mà khi đến nơi kẻ quên thứ nầy người quên thứ kia. Tuy không có gì bự sự cho lắm, nhưng đôi khi cũng gây nỗi bực bội cho mình!

Cùng trên một tiểu bang, nhưng chúng tôi ở miền Bắc phải đỗ đường xe trên dưới 8 giờ mới tới miền Nam nơi mình muốn đến. Bởi nước Mỹ có đất đai mênh mông, một tiểu bang của họ lớn lắm! Nhiều tiểu bang có khi diện tích rộng hơn cả một nước khác trên thế giới.

Năm nào cũng như năm nào, khi biết chắc chắn thời gian và địa điểm Hội Tết Sinh Viên ờ Nam California là chúng tôi đặt khách sạn gần quanh đó ngay. Mặc dù chúng tôi có người thân, em, cháu, bạn bè nhà cửa sống ở gần quanh đó rất nhiều. Nhưng ở khách sạn xa lắm chừng mươi phút lái xe thì đến nơi. Tiện lợi và tự do cho mình và không làm phiền người khác, mặc dù họ mời đến nhà ở: “Hãy đến nhà chúng cháu, lâu lắm dì dượng đến chỉ có mấy ngày… Anh chị đên nhà chúng tôi… không phiền chút nào cả…”

Cũng như mọi năm, Hội Tết do sinh viên tổ chức được dàn dựng ở công viên Garden Grove Park. Hội Tết “Xuân Bình An” năm nay cũng như mọi năm. Mặt tiền trên đường Westminster của thành phố Garden Grove. Công viên nầy lớn có diện tích rộng khoảng 36 mẫu Anh, khang trang đầy đủ tiện nghi để tổ chức một hội chợ đại qui mô, có thể chứa cùng một lúc cả trăm ngàn người.

Cửa tam quan của Hội Tết dựng cao quay mặt ra đường Westmister. Đó là cửa chánh độc nhứt để vào, còn có nhiều cửa ở bên hông và phía sau để ra. Cửa vào và ra riêng biệt để tránh cảnh chen lấn vì khách du xuân, thưởng Tết quá đông, nên không thể ra, vào dùng chung một cửa được.

Chánh quyền địa phương còn cho đóng một số các con đường xe ra vào quanh đó trong những ngày hội Tết, để dành ưu tiên cho người đi bộ. Túc trực ngày đêm trong thời gian 3 ngày nầy, có khoảng 40 nhân viên an ninh và cảnh sát giữ an ninh và trật tự cho Hội Tết.

Từ cửa lớn vào Hội Tết, chúng ta thấy giữa một khoảng đất rộng có dựng khán đài. Trước khán đài có ghế dựa để ngồi cho cả ngàn người. Trên cao (bên trên khán đài) có dựng màn ảnh truyền hình cực lớn (dài và ngang bằng với sân khấu) để phát hình và tiếng nói cho những khán thính giả đứng xa đều nghe và nhìn thấy rõ…

Trong ba ngày Hội Tết khán đài không lúc nào để trống. Những chương trình đặc biệt như là: Thi hoa hậu, thi trẻ em hiếu học chữ Việt, thi trẻ em mặc quốc phục, biễu diễn võ thuật, thi giọng ca vàng, văn nghệ hát, kịch nói… Và trong hội Tết, có ít nhứt là ba sân khấu lộ thiên khác để trình diễn văn nghệ thời đại của tuổi trẻ khiêu vũ tại chỗ như DJ, có sân khấu hát Cải Lương, Dân Ca Ba Miền…

Nhưng tiếc là năm nay khu quân đội thiếu sân khấu như những năm trước có chương trình “Lính hát lính nghe”. Thiếu những quân nhân trẻ với ba-lô, nón sắt, giầy sô, súng trận đứng trên vọng gác, thiếu những lỗ châu mai dã chiến, thiếu các chiến hào… Thiếu những chiếc thiếc vận xa, những chiếc xe nhà binh chuyên chở quân nhân ra chiến tuyến. Thiếu những mô hình chiến hạm, tàu chiến của Hải quân Ngọc Bạch… Mà trong lòng người dân miền Nam thuở đó ít ai không biết câu hát: “… Tàu về bến anh hẹn mình dạo phố/ Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm/… Tàu lắc lư làm sao viết thư tình? Anh mỉm cười khẽ nói Lính mà em…” Thiếu những cây thần công của Pháo Binh… Thiếu hoạt cảnh buổi tiễn đưa của người đi kẻ ở đã gợi nhớ gợi thương gây xúc động cho khán thính giả và người dân thương yêu thương và nhớ lính…

Đã có những khách từ các nơi Los Angeles, San Diego, Sacramento, San Francisco, ở tiểu bang xa qua du xuân, thưởng Tết đã hỏi thăm, yêu cầu và đề nghị ban tổ chức nên có những chương trình đó cho Hội Tết vào những năm tới…

Trong hội chợ có mấy trăm gian hàng được sắp xếp thứ tự theo hàng dọc, hàng ngang, vòng quanh… tùy theo địa thế của hội chợ. Mỗi gian hàng trong những lều được dựng sẵn có mái che mưa che nắng gió... Hầu hết những gian hàng là cơ quan thương mại của người Việt và các cơ quan Chánh quyền, tư nhân của ngoại quốc đầy đủ sắc thái các nước Á Châu như: Đại Hàn, Tàu, Nhật, Lào, Miên, Miến Điện, Ấn, Thái, và dân bản xứ…

Những hình ảnh trưng bày trong làng “Làng Việt Nam” có thổ sản, cây, trái, bông hoa, ngũ cốc đặc trưng trong mỗi vùng… Những di tích lịch sử của mỗi miền Nam, Trung, và Bắc được dàng dựng, như hồ Hoàn Kiếm chợ Bến Thành, Thủ đô Huế có triều đình thời xa xưa cũ với công hầu khanh tướng vua chúa, hoàng hậu, thái tử… Từ các trang phục của triều đình, đến cách ăn mặc của người dân quê đã thể hiện rõ rệt và nói lên phong tục, tập quán của Việt tộc…

Tưng bừng và rần rộ của Hội Tết, có cả mấy chục gian hàng ăn uống. California nổi tiếng cái gì cũng rẻ, nhứt là các nhà hàng vừa nấu ăn ngon lại vừa giá phải chẳng. Trong dịp hội Tết vui “Xuân Bình An”, các nhà hàng nổi tiếng trong thành phố gởi thợ chuyên môn đến nấu bán tại chỗ… Những món ăn quê hương ngon đậm đà cháo vịt, cháo lòng, cháo cá, thịt nướng, bánh cuốn, bánh canh giò heo… Nhưng bánh tét, bánh chưng, bánh dầy, bánh dừa đặc trưng cho ba ngày ngày Tết luôn được chiếu cố nhiều hơn các loại bánh khác.

Gian hàng ăn uống trong Hội Tết lúc nào cũng đông người nhứt. Đầu bếp lanh tay làm việc không ngừng nghỉ, nhưng vẫn không kịp cung ứng cho khách hàng… Kẻ du xuân thưởng Tết muốn thưởng thức phải kiên nhẩn, sắp hàng dài dài chờ đợi chớ biết làm sao! Chỉ ba ngày Tết thôi, bởi tháng Giêng là tháng ăn chơi mà lại!!

Những gian hàng đại diện các hội đoàn, đoàn thể, như là: Dân các miền, các tỉnh, đại diện các Quân binh chủng, cán bộ, chánh quyền, lãnh đạo tinh thần Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… Nhiều hình ảnh, DVD phát hình, kinh điển…. Được trưng bày để tặng hoặc ủng hộ tượng trưng… để khách du xuân gợi nhớ gợi thương về gốc nguồn quê hương xứ sở, đồng thời khuyên chúng sanh nên hướng đạo tâm lành…

Gian hàng quảng cáo cho các xí nghiệp sản xuất: Bánh, kẹo, mì khô, nước uống, sữa tươi, sữa đậu nành, nước tương, dầu ăn… Mà gần đây đại đa số người Việt hiểu rõ sự gian tham của những nhà sản xuất đã làm quá nhiều hóa chất có hại cho cơ thể nên không dám rớ… Chỉ dùng những thứ được sản xuất tại Mỹ… Vì dù sao vấn đề kiểm nghiệm và y tế của các cơ quan Chánh quyền Mỹ vẫn tin tưởng được. Những gian hàng đại diện thẩm mỹ làm mũi cao, ngực lớn, mắt to, làn da đẹp… đại diện các ngân hàng, địa ốc, bảo hiểm, bác sĩ… May áo quần, may đồ lớn (veston) áo bà ba, áo dài các loại, các kiểu...

Ba ngày chợ Tết Nam California được trời đãi ngộ, nên có thời tiết rất đẹp, trời trong mây tạnh ấm áp ở từ 75 đến 85 độ F. Ánh nắng chan hòa lên hoa lá, cỏ cây trong vùng đang ươm mầm nẫy lộc nở nụ bán khai. Các cây ăn trái quanh nhà tư nhân đến mùa, và quá lứa chín vàng cành như: Quít, bưởi, cam, chanh…

Thời tiết ấm áp đẹp nên các cô, các bà tha hồ diện áo dài đủ kiểu, đủ bông hoa đẹp, màu sắc đẹp, áo đẹp diện lên người đẹp… dập dìu phất phơ tô thêm mỹ miều thắm tươi của Hội Tết Sinh Viên.

Có bà khách xồn xồn tuổi cũng tròm trèm 50 dáng người cao ráo, thanh nhã. Tóc dài, đen như mực tàu Long Tể, được cắt so le chí vai theo đợt sóng mới trẻ trung. Bà có eo thon, ngực cao vun chùn, ăn nói dí dỏm, vui vẻ, miệng cười có duyên. Khuôn mặt thon dài vừa tầm, nhưng hai gò má có vẻ hơi nặng vun cao ép cái mũi cũng cao như người bản xứ (chắc là có bàn tay nhân tạo?) Nói tóm lại là bà ta vóc dáng coi được và mặt mũi cũng đẹp!

Bà A đứng gần đó, vọt miệng khen:

- Vóc người bà mặc áo dài đẹp quá cở thợ mộc…

Bà B đứng kế bên (hai bà bạn cùng đi hội Tết) có vẻ sành điệu nghệ, nhưng hơi gay gắt, lanh miệng sẵn giọng bảo:

- Bộ mắt bà quáng gà sao cho vậy là đẹp? Cái mặt bà ta bôm thuốc nên chừ bự như vừa bị ai vả mấy bạt tay sưng chù vù vậy! Còn áo dài thì ra áo dài! Áo mụ ta mặc hai vạt xéo xẹo và ngắn củn cởn trên đầu gối, giống y như con dế bị ngắt cái đuôi! Mấy nhà thiết kế sửa đổi riết rồi áo dài, tay áo thì cắt ngắn trên cùi chỏ như áo túi lỡ… Trông thiệt không giống ai không thẳm mỹ chút nào hết! Áo dài của người ta thướt tha mặc vào trong thanh nhã. Bây giờ bày đặt thiết kế, biến chế riết rồi cái áo dài bị chùm khiếu trông như có tật nguyền. Tôi thấy có đẹp đẽ cái gì, đẹp đẽ chỗ nào đâu vậy mà bà cũng khen lấy khen để?

Bà A chưa kịp trả lời, thì cả hai chợt thấy một phụ nữ có nét giống người lai ngoại quốc. Bà ta có thể là người lai Mễ, lai Ấn, hay người Á Đông, lai người da đen… Bà khách du xuân nầy có tướng tá vạm vỡ vai u thịt bắp, cao lớn, tròn trịa mặc chiếc áo dài mút-sơ-lin (hàng mỏng, nhẹ) mình hàng vàng, in bông màu tím hoa cà pha lẫn màu cánh sen, và màu xanh lá mạ trong rất nổi giữa chốn đông người. Bà ta phất phơ lơn tơn trờ tới ngang chỗ hai người đứng nhìn…

Bà B vô duyên cớ, hấy người ta con mắt bén như dao cạo râu của mấy ông thợ hớt tóc ngày xưa! Rồi bả vo vảnh bẻ miệng trề nhúng:

- Mèn ơi, bà thử nhìn coi, cái mụ nầy đã già chát ống vố, tướng đi ba xí ba tú rồi mà tưởng mình còn con gái mười tám vào thời thanh xuân không bằng! Bà ta mặc áo dài tay rộng chẻ lên tận vai, đánh đàng xa gió thổi lồng lồng mát rượi vú mớm, còn tay áo tung bay quạt xành xạch y như hai cánh của con vịt bầu trông thiệt “đẹp hết chỗ chê và không giống ai hết…” Con tui mà mặc như vậy nghe, tui sẽ dũa te tua cho bà coi… Áo dài thì ra áo dài, cứ theo mấy người thợ thiết kế sửa đổi, chế biến thời trang gì đó, trông xấu òm chớ có đẹp chi đâu? Sửa, cắt, xén… Ôi áo dài thành áo ngắn, thành áo dài tay lỡ như áo túi nên không còn là áo dài nữa…

Bà A nghe bạn nói, nhìn điệu bộ của bạn không nhịn được, ôm bụng cười ngất nga ngất nghéo. Còn hụt hẫng trong tiếng cười, bà bảo:

- Giống chớ, sao mà không giống!

Bà B há hốc miệng ngạc nhiên, rồi cười hỏi:

- Giống ai, giống ai đâu bà nói cho tôi nghe thử coi! Tôi có nói sai gì cái “Bà có Phước” đó?

Bà A cố dằn cơn cười, và hiểu ý của bạn mình muốn nói gì “Bà Có Phước” trong lòng bả có nghĩa là người phụ nữ có tiền nên ăn uống đầy đủ mới mập mạp, trông như người phước đức nên mới gọi người phụ nữ nào có da có thịt là “Bà Có Phước” hoặc “Cô Có Phước”…

Bà A vẫn không dằn được cơn cười còn đang sụt sôi trong bụng. Nhưng bà cũng lên tiếng:

- Nầy, chị khó tánh quá đi, nên không sanh được con gái và đến giờ nầy trong đám bạn bè ai cũng có cháu nội, cháu ngoại… Còn hai thằng con chị chẳng dám cưới vợ nên chị chưa có cháu bồng… Vì nó sợ cưới vợ về, sau khi có vài đứa con thì phát phì giống như người đẹp “Eo Chang Hy”…

Bà B nhìn lại bà A chưng hửng:

- Bà nói gì vậy, làm gì có người đẹp “Eo Chang Hy”. Bà thiệt là lắm trò “Eo Chang Hy” là cái quái gì nữa đây?

Bà A không nhịn được cười rũ rượi rồi kề tai bà B, thỏ thẻ:

- Bà chậm hiểu quá đi! Tui nói tiếng Hàn Quốc đó đa! Bà hãy nói lái “Eo Chang Hy” lại thì biết liền hà…

Thế là cả hai mụ xồn xồn nầy cười ngã nghiên ngã ngữa, cười chảy nước mắt, cười như hai mụ điên giữa chốn phồn hoa đô hội rần rộ, dập diều tài tử giai nhân tưng bừng du xuân thưởng Tết.

Đến các gian hàng Văn Học Nghệ Thuật có bày đầy đủ các bộ môn: nhạc, ca, kịch, văn, thơ, hội họa, báo chí… DVD phim truyện phiên âm tiếng Việt rẻ bèo 5 cắc (50 cents) một dĩa có đủ từ tình cảm xã hội, thần thoại, kiếm hiệp, chiến tranh, dã sử xa xưa… đổ từng đống tha hồ mà lựa từ các nước như: Tàu, Việt Nam (Cộng sản), Đại hàn…

Với châm ngôn “Chữ Việt còn, người Việt còn” dù giờ đây mạng lưới dùng máy vi tính xem sách báo, xem phim bộ… Nhưng các gian hàng báo chí ở địa phương như: Nguyệt San KBC, Hồn Việt, Sài Gòn Nhỏ, Việt Nam, Người Việt, Viễn Đông, Việt Sống, Ý Dân (San Jose)… và các tiểu bang khác cũng về tham dự như Nguyệt san: Viêt Life Styles Arizona Thời Báo của Origan, Texas, Diều Hâu Florida, Bút Tre Arizona… và các nước khác như: Diễn Đàn Việt Nam hiện hữu ở Đức hơn 30 năm, Viên Giác ở Đức, Việt Luận ở Úc, Đặc san Hội Rồng Vàng ở Canada, Anh, Pháp…

Trong Hội Tết Sinh Viên Nam California có cả rừng báo ngày, báo tuần, bán nguyệt san, tam cá nguyệt san… Ngoài báo chí ra còn có những gian hàng sách của chính các tác giả đã tự phát hành, có mặt và ký tên tại chỗ cho độc giả trong những ngày Hội Tết.

Người ra vào Hội Tết liên tục từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối không ngớt trong ba ngày, từ thứ sáu cho đến chủ nhật. Vé vào cửa 5$ cho người lớn, bãi đậu xe miễn phí… Vào Hội Tết giá vé 5$, không lỗ chút nào! Mỗi người vào hội Tết, khi ra về trên tay luôn mang nhiều quà cáp của các gian hàng quảng cáo tặng trị giá gấp mười lần hơn so với tiền vào cửa. Những quà tặng thường là là áo thun, xách tay đi chợ, bánh, kẹo, mì gói, nước uống, các loại dưỡng da, đồ chơi có trẻ con, kem bàn chải đánh răng… nhứt là sách, báo xuân…

Trong hội Tết không có đánh bài, hay bầu cua hoặc thử thời vận sát phạt bằng tiền mặt… Nhưng có phóng tên vào bong bóng, thả bắt vịt, câu cá, quay số được nhận đồ chơi khi trúng… Có carnival nhiều trò chơi: đua xe, đua tàu, đi ngựa… cho trẻ em.

Ban tổ chức Hội Tết có sáng kiến rất hay! Khuyến khích và nhắc nhở người Việt mặc quân phục, lễ phục và quốc phục Việt Nam bằng cách: “Những ai đến Hội Tết mà mặc: quân phục, áo dài thì vào cửa tự do không phải trả tiền”

Quý vị ơi, ấy vậy mà ba ngày Hội Tết Sinh Viên năm Nhâm Thìn, theo thống kê sơ khởi có khoảng trên dưới 150.000 (một trăm năm chục ngàn) khách đến du xuân thưởng Tết…

Tôi ngồi tại hàng sách báo nên gặp được, biết được là có rất nhiều, rất nhiều những người từ các tiểu bang xa có dịp về Tiểu Sài Gòn để tiêu tiền và dự Hội Tết Sinh Viên. Và có những người từ các nước như: Pháp, Đức, Anh, Canada, Ý, Hòa Lan… xa hơn nửa vòng trái đất cũng qua tham dự Hột Tết Sinh Viên để vui xuân.

Vào sáng ngày thứ bảy có Dân, Quân, Cán, Chánh, các hội đoàn, đoàn thể, sinh viên, học sinh, các cơ quan bạn diễn hành trên đường Bolsa qua ngang chợ Phước Lộc Thọ.

Trước rừng biểu ngữ, cờ vàng ba sọc đỏ phấp phới bay dưới bầu trời xanh nắng ấm của miền Nam California. Những chiếc xe nhà binh, những quân nhân đại diện các binh chủng, cùng các xe hoa của hành chánh dân sự, đoàn thể, hội đoàn… Vang tiếng còi hụ của xe chửa lửa, xe cứu thương cùng tiếng nổ máy dòn dã của đoàn xe hai bánh (mô tô, hon đa) diễn hành nối tiếp và nối tiếp… Những nhạc điệu hùng tráng rền vọng và vang vang trong không gian trong bầu trời tự do…

Đứng giữa trời xanh nắng ấm gió mát rười rượi ở khu Tiểu Sài Gòn nơi xứ người đã cho tôi nỗi bùi ngùi xúc động cảm nhận, như mình đang ở giữa thành phố Sài Gòn lúc còn đi học, đi làm vào những lễ hội như: Ngày Quân Lực 19 tháng 6, ngày 26 tháng 10, hay ngày 1 tháng 11, lễ Hai Bà Trưng… thời Cộng Hòa của thuở xa xưa!

Trong những ngày Hội Tết ở đây tôi thật sự vui mừng rơi nước mắt! Tôi gặp lại vợ chồng đứa em còn bà dì ruột. Chị em chúng tôi xa cách sau ngày tôi về dự lễ cưới em. Cho đến bây giờ cũng gần 40 năm, nay vợ chồng đứa em nầy đã có cháu ngoại rồi. Bọn họ sang Mỹ theo hệ bảo lãnh của con gái lấy chồng về đây.

Và trái đất tròn nhưng vẫn còn hẹp lắm! Thật không ai có thể ngờ, tôi gặp ba người bạn thuở học Trung học Đệ nhứt cấp (Trung học Cái Bè) Sau ngày rời trường, mỗi người một ngã, có đứa với trách nhiệm và bổn phận người trai trong thời loạn, có đứa trong việc mưu sinh… Chúng tôi không tin tức, tính ra cũng đã 50 năm tròn.

Bạn tôi đó! Một người là lính Không quân lái khu trục. Gia đình anh qua Mỹ theo diện H.O sau khi bị 15 năm tù cải tạo!

Một bạn là lính Pháo binh của sư đoàn 18, đến Mỹ cũng theo diện H.O sau 12 năm cũng bị cưỡng ép vào tù cải tạo.

Tôi ngậm ngùi chợt nhớ đến ông anh Cảnh sát Quốc Gia của mình. Anh tôi bị mười bảy năm tù cải tạo (17 năm)! Thử hỏi Cao xanh, kiếp nhân sinh sống được bao lâu trên cõi đời nầy? Và con người sẽ có được mấy lần 17 năm? Thật thương đau và tàn nhẫn quá! Tôi trăn trở xót xa, thương cảm viết cho anh, cho những người lính Cộng Hòa cùng cảnh ngộ như anh tôi.

“………………………

Giặc vào… cải tạo dãi dầu cha khổ!

Tủi nhục tột cùng… Uất hận riêng mang!

Thanh xuân theo mưòi bảy mùa lá đổ

Hồn xác xơ trong lao ngục nhọc nhằn!

……………………………………

Lời mẹ dạy con khắc ghi tâm trí:

Học làm người dân tốt nước Việt Nam

Phải hãnh diện cha con Tù Chánh Trị

Hoàn cảnh nào… không thẹn với lương tâm

…………………………………………………”

Còn chị bạn ngồi cạnh tôi là giáo sư, sang xứ người theo hệ đoàn tựu gia đình. Tôi vẫn nhớ, thuở còn đi học nàng vừa học giỏi, vừa nổi tiếng là người đẹp của trường. Sắc đẹp của cô nàng đã khiến cho các bạn nam sinh trồng cây si đó đây trong sân trường của thuở ngày xanh! Nhưng cuối cùng người đẹp lên xe hoa với anh chàng lính chiến miền sông Hương, núi Ngự! Để cho thanh niên Nam Kỳ Lục Tỉnh (nam sinh đồng môn của chúng tôi) ngẫn ngơ than thở: “…Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu/ Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai?”

Mấy mươi năm gặp lại chúng tôi có rất nhiều chuyện để hỏi, để nói cho nhau nghe. Chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, và biết được trong bạn bè kẻ còn người mất theo vận nước nổi trôi… mà không ngăn được dòng lệ!

Qua bao nhiêu thăng trầm, hưng phế thay đổi của cuộc đời, bây giờ chúng tôi đã hai màu tóc, và đều là ngoại nội hết rồi… Nhưng trên mặt và đôi mắt tinh anh ngời sáng của họ! Đã cho tôi cảm nhận được chúng tôi có cùng một niềm đau là mang nỗi sầu ly hương, và nỗi hờn vong quốc!

Bây giờ quê hương với chúng tôi ngàn trùng xa cách! Đã mấy mươi năm lìa xa cố quốc rồi, và cho dù ở xứ tự do được sung sướng từ vật chất đến tinh thần… Nhưng trong lòng chúng tôi, và trong mỗi người dân Việt đón xuân về ai mà không cảm thấy tâm hồn xao xác, bâng khuâng!

Nhìn hàng sách báo, mấy bạn tôi lè lưỡi có vẻ ngưỡng mộ! Anh Không quân vui vẻ thiệt thà lên tiếng trước:

- Chị tài quá, qua đây có thêm nghề phụ nhẹ nhàng. Rảnh rỗi viết lách như vậy, kiếm tiền thêm cho gia đình cũng đỡ…

Cô bạn nhìn tôi cười mỉm chi cọp:

- Hai anh có nhớ không? Ngay từ lúc chúng mình còn học chung, chị là người thường viết và làm thơ cộng tác với báo tường, đặc san, bích báo của trường rồi mà… Không ngờ qua đây chị vẫn tiếp nối con đường xưa nhỉ… Bây giờ chị còn viết mạnh hơn, có cả CD tân nhạc, CD ngâm thơ tao đàn nữa… Ngày nào đó truyện dài của chị làm thành phim tôi sẽ không ngạc nhiên và lấy làm lạ chút nào đâu…

Tôi vui vẻ trả lời cho ba người bạn thân thương của mình:

- Quý vị cũng biết ở xứ nầy tự do, ngoài việc đi làm kiếm tiền phụ chồng nuôi con học hành, mỗi người đều có niềm vui riêng. Có người thích đi chợ mua sắm áo quần, người thích sửa sắc đẹp, người thích đi Karaoke hò hát nhảy nhót cho thư giản, người thích nấu ăn tiệc tùng hội họp, người thích đi Casino, người thích xem phim DVD, người thích trồng hoa kiểng… Với riêng mình thì viết là niềm vui, là sở thích, là nỗi đam mê, là “hoppy” đó mà! Khi nào buồn ngồi viết vài trang, mình sẽ thấy vui liền hà!

Nói đến đó tôi cười hí hí, rồi lại tiếp:

- Viết lên nỗi lòng để tìm vui, để thỏa mãn tâm tư thì mình thoải mái và hạnh phúc lắm, chớ không phải viết để kiếm sống! Nếu muốn viết để kiếm sống, thì thật sự mình cũng chưa có khả năng đó đâu các bạn ơi! Những tác phẩm mình phát hành ít tìm thấy ở các tiệm bán sách. Mình chỉ phổ biến ở các hội chợ, các buổi hội họp đông người. Nhờ những dịp nầy mình vừa gặp lại bạn bè để tán dóc, vừa tìm thêm độc giả ủng hộ để có tiền in sách mới…

Nghe nói, anh bạn Pháo binh nhìn tôi có vẻ ái ngại:

- Theo tôi biết, ra một quyển sách tốn nhiều tiền lắm? Nhưng “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” chị bán có được không? Bán tài tử như vậy có lời không, hay chỉ lấy lại được vốn thôi? Bây giờ ít ai xem sách lắm, vì mắt kém, không có thì giờ, đại đa số họ chỉ thích xem phim bộ DVD…

Nói đến đó anh chỉ tay phía gian hàng đông khách đang chen chân lựa mua phim bộ:

- Quý vị xem, gian hàng phim bộ họ bán chạy như tôm tươi…

Tôi cười trả lời anh:

- Chưa bao giờ sách tôi in ra mà lời cả, đủ vốn thì mừng “húm” rồi. Anh nói đúng! Ở Mỹ thời giờ là tiền bạc mà… xem phim nhanh và dễ hơn… Nhưng cũng có nhiều người thích đọc sách hơn xem phim, vì thế những người viết mới có độc giả. Điển hình nhứt là chị Chung Thanh Thủy (độc giả dài hạn của tôi) Thuở xưa chị là giáo sư Hội họa của trường Trung học Trưng Vương Sài Gòn, đang ở Nam CA đây… Chị đã cho biết: “Tôi không bao giờ xem phim bộ, và DVD nhạc cũng ít khi. Tôi thích đọc sách báo hơn, lúc nào trên đầu giường tôi cũng có sách, báo…” Chừng nửa năm vắng tin tôi, thì chị gọi hỏi có sách nào mới ra chưa? Chẳng những chị mua cho chị xem, mà còn thêm mấy cuốn… Chị bảo: “Tặng cho bạn bè, khuyến khích người lớn tuổi, và bắt bộ óc họ phải làm việc, để chậm bị chứng tuổi già hay quên, và dần dần có thể sẽ đi đến si khờ…” Tôi hỏi nhỏ chị: “Bộ thật vậy sao?” Chị vui vẻ trả lời: “Thật chớ, khoa học và bác sĩ khuyên như vậy mà! Điển hình là nhạc sĩ Lam Phương, nhà văn Hồ Trường An bịnh ngồi xe lăn tay chân không còn cử động tốt, mà trí óc họ vẫn minh mẫn và vẫn còn sáng tác được…”

Tôi nhìn những bạn gần nửa thế kỷ mới gặp lại, chân tình thố lộ:

- Mỗi độc giả cho tôi những ý hay, có khi khen, cũng có khi chê (trong xây dựng…) Tất cả với tôi đó là sự học hỏi, là niềm vui đã nung đúc tinh thần và là chất xúc tác khiến tôi càng đam mê viết lách hơn… Nhưng xin quý vị đừng có ngại cho người bạn già nầy nghe! Bởi khi nào in sách tôi cũng được anh Lê Minh Bền ở San Jose (đồng môn trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, thuở Trung học cấp 3) giúp. Bằng cách là mỗi lần tôi ra sách, anh nhận mua nhiều đế tặng cho thân chủ của mình. Và còn thiếu bao nhiêu tiền in ấn nữa thì có người bảo trợ… “thầu” hết mà!

Chị bạn tôi cười tươi:

- Như vậy thì khỏe rồi, có người chi thêm cho mình cũng đỡ. Ở đây đi làm kiếm tiền cũng khó khăn, mà cứ móc túi ra in sách hoài cũng nhót ruột lắm, và không chóng thì chầy thế nào cũng sẽ bị chồng rầy!

Phu quân tôi ngồi đó nghe hết, nhưng không nói gì. Anh cười cười rờ càm nhìn trời hiu quạnh, rồi nhướng nhướng mắt như muốn chọc quê vợ. Biết tẩy chàng rồi, tôi phớt-tĩnh-Ang-Lê và làm bộ lờ đi như không thấy không biết gì cả!

Nghe chị bạn tôi bảo, anh bạn Pháo binh cười hề hề rất tự nhiên và vui vẻ chêm vào:

- Ờ nếu có người bảo trợ mỗi lần chị in sách đỡ lắm! Tôi có thằng bạn qua đây cũng viết lách, cứ châm tiền nhà hoài. Mỗi lần như vậy đều bị vợ cằn nhằn rồi cãi lộn, nên nó bỏ luôn không viết nữa…

Tôi cười xòa chỉ “chàng của tui” ngồi đó đang cười mỉm chi cọp:

- Ổng nầy bảo trợ cho tui đây nè, chớ ai mà bỏ tiền ra cho người khác in sách đâu anh ơi! Ngoài ra hàng ngày tôi còn giữ cháu ngoại, cha mẹ chúng trả tiền công thì tôi để dành in sách đó mà…

Mỗi lần đi phổ biến sách ở chỗ hội họp đông người, ở Hội Tết… tôi có thêm độc giả, thêm những đồng điệu. Lần nầy tôi được quen với anh Võ Trung Tín (nhà văn quân đội) binh chủng Nhảy Dù cùng viết chung với nhà văn cũng là quân đội Nguyễn Hữu Viên, trong cuốn“20 NĂM CHIẾN SỬ” Sách bìa cứng, có rất nhiều phụ bản và hình ảnh màu rất rõ, và trang trọng. Sách dầy trên 610 trang, được in trên giấy màu bóng, đẹp.

Qua ba ngày Hột Tết 27, 28, 29 tháng 1 năm 2012, vui tươi, rộn ràng nồng ấm tình đồng hương do sinh viên tổ chức… Và bao giờ cũng vậy, trăng tròn rồi lại khuyết, hoa nở rồi lại tàn, và Hội Tết Sinh Viên rồi cũng đến ngày cuối bế mạc!

Sáng hôm sau trên đường trở về nhà, khi xe chạy qua ngang Hội Tết hôm qua. Giờ đây chúng thấy đã được tháo gỡ mọi thứ, như hàng rào, các lều, các bản hiệu, cửa tam quan… Để trả lại Garden Grove Park bãi cỏ xanh rì và những dụng cụ trò chơi cho trẻ em trong thành phố…

Trên quãng đường xa, lòng tôi vẫn cảm thấy lưu luyến và tiếc nuối Hội Tết chóng tàn… Rất mong sẽ trở lại Hội Tết trong năm tới.

Qua bao nhiêu cuộc dâu bể thăng trầm hưng phế theo thời cuộc trên quê hương. Giờ đây chúng ta đã bị giặc cưỡng chiếm mất quê hương, nhưng những người Việt lưu vong rất tự hào, hãnh diện và hạnh phúc! Bởi ở các nước tự do trên thế giới, vào thời nào cũng vậy “Học sinh, sinh viên, lớp trẻ là rường cột của nước nhà”. Những châm ngôn nầy không bao giờ đổi thay! Bằng chứng cụ thể là Hội Tết Nam California, do sinh viên đảm nhiệm tổ chức đã có trên 31 năm (mỗi năm đều tổ chức Hội Tết).

Mặc dù các em luôn có sự hướng dẫn, hổ trợ, giúp đỡ tận tình của các bậc cha chú từ Dân, Quân, Cán, Chánh Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Nhưng chúng ta phải công nhận là các em có tài lèo lái dắt dìu nhau, để năm nào Hội Tết Sinh Viên Việt Nam ở Nam California cũng thành công rực rỡ hơn ngoài dự tính và mong muốn của mọi người.

Dân tộc ta gần trăm năm bị đô hộ bởi giặc Tây, ngàn năm đô hộ giặc Tàu… Trong Hội Tết Sinh Viên có nhiều sắc tộc, và người bản xứ tham dự, nhưng các em đã khéo léo tài tình kết hợp, dàn dựng tất cả mọi thứ, mọi hình thức từ các trang phục cổ truyền của triều đình thuở xa xưa, cho đến các thời trang của người dân Việt hiện nay! Tất cả được hòa nhập với“nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…” đã thể hiện rõ rệt và nói lên nét chân phương đặc thù về phong tục, tập quán… của giống giồng Việt tộc.

Lớp trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam theo cha mẹ lưu vong rải rác trên xứ của người. Các em đã thành công trên mọi lãnh vực từ Y tế, Khoa học, Thương mại, Kỷ Thuật… ở nước Mỹ và khắp mọi nơi trên thế giới. Dù xa lìa đất tổ đã mấy mươi năm, chúng ta phải hãnh diện vì các em và tự hào là người Việt Nam! Bởi chúng ta hòa đồng với các sắc tộc khác, với người bản xứ chớ không bị đồng hóa!

Ngày nào quê hương không còn bóng giặc, cờ vàng ba sọc đỏ phấp phới rợp bầu trời từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thì chúng ta ngại gì không có những chàng trai trẻ giống dòng hào kiệt, vững mạnh lèo lái con thuyền Quốc Gia Việt Nam.

Tết Nguyên Đán, Nhâm Thìn 2012

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

ĐT:             (530) 822 5622      .

Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it