Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Người Việt Nam duy nhất trong Hội Ðồng Thẩm Mỹ California

Người Việt Nam duy nhất trong Hội Ðồng Thẩm Mỹ California PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Năm, 16 Tháng 9 Năm 2010 08:29

Christie Trúc Trần: 'California hơn 84,000 người làm nail, 80% là người Việt Nam'

Mới đây, trường thẩm mỹ Advanced Beauty College, Garden Grove, đã mời TNS Lou Correa và chị Christie Trúc Trần đến nói chuyện với học viên về một số vấn đề của ngành nail tại California.

Chị Christie Trúc Trần là người Việt Nam đầu tiên trong Hội Ðồng Thẩm Mỹ California (California Board of Barbering and Cosmetology), được thống đốc tiểu bang bổ nhiệm với sự chuẩn thuận của Thượng Viện California. Nhiệm kỳ của chị bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, 2010 và kéo dài trong bốn năm. Nhân dịp này, chị Christie đã dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây. 


Từ trái, Bác Sĩ Tâm Nguyễn, chị Christie Trúc Trần, TNS Lou Correa và cô Linh Nguyễn tại trường thẩm mỹ Advanced Beauty College, Garden Grove. Bác Sĩ Tâm và cô Linh là đồng chủ nhân trường nail này. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Ðỗ Dzũng (NV): Chúc mừng chị, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất hiện nay trong hội đồng. Làm thế nào chị được chọn vào hội đồng?

Christie Trúc Trần: Hội đồng cần một người biết làm nail, thường tiếp xúc khách hàng ngày, hiểu người làm nail, hiểu hội đồng, không cần hiểu công việc của chính phủ. Nói chung, họ cần một người đại diện cho giới làm nail để làm việc trong hội đồng. Qua một người đề cử, tôi nộp đơn vào hội đồng, họ phỏng vấn tôi ba lần và đề nghị thống đốc bổ nhiệm với sự đồng ý của Thượng Viện.

NV: Chị nói “không cần hiểu công việc của chính phủ.” Nghĩa là...?

Christie Trúc Trần: Có nghĩa là họ cần một người thấu hiểu những việc làm của chủ doanh nghiệp cũng như thợ nail để có thể đại diện một cách đúng mức. Một trong những nhiệm vụ của tôi là phản ảnh những gì mà tôi thấy từ góc độ của một người làm nail. Nếu hội đồng không có thành viên trong lãnh vực này, tôi nghĩ, họ sẽ khó hoạt động hữu hiệu được. Hội đồng sẽ mắc sai lầm khi đưa ra các quy định liên quan trực tiếp đến người làm nail, vì họ không thấu hiểu thực tế. 


Chị Christie Trúc Trần, người Việt Nam đầu tiên trong Hội Ðồng Thẩm Mỹ California (California Board of Barbering and Cosmetology). (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

 NV: Những đóng góp của chị cho tới nay là gì?

Christie Trúc Trần: Kể từ ngày được bổ nhiệm, tôi đã dự ba trong bốn phiên họp thường kỳ. Tôi bận nên không họp được một lần. Những điều tôi nêu ra là không phải tiệm nail nào của Việt Nam cũng dơ như nhiều người nghĩ.

Có những tiệm rất sạch, nếu không muốn nói là đa số. Khi họ đi kiểm tra, vì một lý do nào đó, họ vào những tiệm dơ, họ phạt, và có thể làm cho người Mỹ có suy nghĩ như vậy. Rồi có khi làm lớn chuyện.

Tôi nói rằng tại sao quý vị không đến những tiệm sạch nữa, mà chỉ đến những tiệm dơ, vì kiểm tra là phải bất ngờ, hên xui mới đúng. Nếu nói dơ tại sao cứ đến tiệm của người Việt Nam hoài vậy!

NV: Có một thời, các tiệm nail do người Việt làm chủ bị phạt liên tục chỉ vì lý do không bảo đảm vệ sinh. Chị nghĩ sao về chuyện này?

Christie Trúc Trần: Công tâm mà nói, cũng có tiệm dơ thật, vì chưa nắm rõ hoặc không thi hành đúng quy định của hội đồng. Những cũng có tiệm bị oan.

 Ví dụ, một số chủ tiệm sau khi xài hết dung dịch vệ sinh, họ vứt bỏ bình đựng dung dịch. Khi thanh tra đến, không thấy bình đâu, chủ tiệm nói đã bỏ, chưa kịp mua bình mới, họ đâu có tin. Thế là bị phạt. Thành ra, tôi đã đề nghị nhân viên thanh tra, trong trường hợp này, nên hỏi biên nhận mua dung dịch của chủ tiệm. Nếu chủ tiệm chứng minh được thì không nên phạt họ. Nhưng tốt hơn hết là nên giữ cái bình lại trước khi mua bình mới.

NV: Vì một lý do nào đó, mỗi khi thanh tra vào tiệm, thợ, và có khi chủ tiệm, thường bỏ chạy, mặc dù không vi phạm gì cả. Ðại khái là họ rất ngại, nếu không muốn nói là rất sợ, gặp thanh tra. Từ đó, trong suy nghĩ của người thanh tra, có thể những người này vi phạm một cái gì đó. Thế là họ tìm cách phạt. Có cách nào giải quyết vấn đề này không?

Christie Trúc Trần: Ðây là một vấn đề, tôi nghĩ, thuộc về văn hóa khác biệt, rất Việt Nam. Tôi từng làm thợ, rồi bây giờ làm chủ, tôi hiểu vấn đề này rất rõ. Sau khi vào hội đồng, tôi đã đề nghị các thanh tra là khi xuống các tiệm, quý vị nên chào hỏi người ta, hòa nhã, thân thiện, đừng làm ra vẻ nghiêm trọng, giống nhân viên công lực quá, thì các thợ nail mới thoải mái, mới không bỏ chạy.

Về phía các thanh tra, họ cho rằng, khi bước vào, họ nhận thấy một số tiệm có không khí rất ngột ngạt, căng thẳng, họ cũng lo. Thậm chí, có tiệm đòi hành hung họ, nên họ cũng sợ, nên họ phải làm ra mặt nghiêm trọng để đề phòng bất cứ điều gì xảy ra. Hy vọng, trong tương lai, tình trạng này sẽ không xảy ra nữa.

NV: Theo quy định của hội đồng, các tiệm nail phải dùng giấy cuộn (paper towel) để lau khi muốn làm vệ sinh. Như vậy rất tốn kém, mà giá cả ngày càng xuống, vì cạnh tranh quá nhiều. Theo chị, có cách nào giải quyết vấn đề này. Tại sao không hội đồng không cho dùng giẻ lau, cũng sạch lắm chứ?

Christie Trúc Trần: Ðúng là rất tốn kém, nhưng theo các thanh tra, khi dùng giẻ, các sợi chỉ có thể dính vào các ngóc ngách của thiết bị làm nail, làm chân, vì mỗi lần xuống thanh tra, họ đều thấy một chất gì đó bám vào các ngõ ngách này. Tôi đã giải thích với họ là không phải vậy, đó là những chất khác, không phải sợi chỉ. Hơn nữa, khi dùng giẻ lau, sau đó giặt lại bằng xà bông, thật ra rất là sạch. Nhưng họ nói sẽ phải nghiên cứu thêm vấn đề, rồi mới trình Quốc Hội quyết định sau này.

Ngoài ra, khi làm trong tiệm, đâu phải lúc nào mình cũng đi theo từng người thợ để nhắc nhở họ. Cũng có lúc họ quên, làm sao mình biết được. Tại tiệm của tôi, để tránh không bị phạt, tôi đành phải áp dụng triệt để nhằm tránh bị phạt.

Một tiệm nail làm đúng tiêu chuẩn tốn kém rất nhiều. Ðối với người Mỹ, họ chấp nhận chi tiền để kiếm tiền. Còn người Việt mình thì thường hay tiếc, hay xài lại những thứ đã xài rồi. Tôi nói với thợ, thà mình làm đúng, ăn ít một chút, nhưng tối về ngủ ngon, không phải lo sợ.

NV: Chúng tôi không biết mức độ phạt của hội đồng hiện nay là bao nhiêu, nhưng có lúc, tiệm nail Việt Nam bị phạt quá trời. Tình hình hiện nay ra sao?

Christie Trúc Trần: Phải nói là từ ngày TNS Lou Correa tổ chức các buổi hội thảo giữa người làm nail và các viên chức ở hội đồng, và từ ngày tôi được bổ nhiệm, mức độ phạt các tiệm Việt Nam giảm đáng kể. Một tin vui nữa là bắt đầu từ năm tới, số tiền phạt đối với các vi phạm sẽ được giảm xuống.

NV: Xin chị nói một chút về mình được không?

Christie Trúc Trần: Tôi qua Mỹ được 20 năm, chẳng tốt nghiệp trường nào cả, chỉ học nail và làm nail. Tôi may mắn học được tiếng Anh trong lúc làm việc, nên cũng đủ để nói chuyện với các đồng viện trong hội đồng. Ngoài tư cách thành viên hội đồng, tôi cũng là thành viên Ủy Ban Kỷ Luật (Disciplinary Review Committee) của hội đồng. Tôi đang làm chủ một tiệm nail ở Costa Mesa.

California có hơn 84,000 người làm nail, trong đó, 80% là người Việt. Vì thế, là một người Việt Nam, tôi rất vinh dự có mặt trong hội đồng.

Tôi đã nói chuyện với TNS Lou Correa và Bác Sĩ Tâm Nguyễn, đồng sở hữu chủ trường Advanced Beauty College, Garden Grove, là trong tương lai chúng tôi sẽ kết hợp tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo liên quan đến luật lệ về nail của tiểu bang để giúp đồng hương chúng ta.

Tôi sẵn sàng giải đáp thắc mắc về luật lệ ngành thẩm mỹ tại California trong khả năng của tôi đối với mọi người. Nếu không trả lời được, tôi sẽ hỏi hội đồng và sẽ cố gắng giải đáp. Mọi người có thể gọi cho tôi tại số điện thoại 916-575-7100.

NV: Xin cảm ơn chị dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn này.