Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Living Reality / Cuộc sống thực tế

Living Reality / Cuộc sống thực tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài: Jane Le / Chuyển ngữ: Triệu Phong   
Thứ Hai, 13 Tháng 9 Năm 2010 17:22

Mặc dù hầu như thiếu vắng trong hệ thống truyền hình dòng chính, người Mỹ gốc Việt trong suốt thập niên qua đã phần nào chiếm được thế thượng phong

nơi những “sô” diễn đầy tính tranh đua.

 

Nghệ sĩ hài Phan Ðạt tại buổi tiệc ImaginAsian TV ở nhà hát ArcLight Theatre, Hollywood, California. (Hình: Marsaili McGrath/Getty Images for AFI)

Năm 2003, Phan Ðạt bỗng nổi bật khi bất ngờ chiến thắng trong cuộc tranh tài kể chuyện dí dỏm trong mùa đầu của “Last Comic Standing” trên đài NBC. Ba năm sau, vào năm 2006, sáng tạo kiểu mẫu thời trang của Chloe Ðào làm cho giám khảo phải trầm trồ, đưa đến chiến thắng cho cô trong mùa thứ nhì của “Project Runway” trên Bravo network. Chỉ một năm sau, tức vào năm 2007, Huỳnh Hùng pha chế những món khoái khẩu mang lại cho anh tước vị vinh quang như là một trong ba “Top Chef” (đầu bếp hàng đầu), một chương trình cũng trong hệ thống Bravo.

Với số tiền đáng kể nhờ thắng giải và tiếng nổi như cồn qua những “sô” diễn, sự thắng giải trên truyền hình của Ðạt, Ðào và Hùng đã đưa họ đi xa hơn trên các tiết mục tiếu lâm, thiết kế thời trang và nấu nướng.

Khi xếp các nhà vô địch gốc Việt trên truyền hình này lại gần nhau, chúng ta thấy ngay nơi họ có điểm tương đồng, rằng họ là con cái của di dân. Họ đã tận lực mới đạt được tột đỉnh của những ngành nghề “khác với truyền thống”, đồng thời leo lên đến vị thế hàng đầu trước hằng triệu người.

Theo đuổi và bám lấy những ngành nghề mua vui khán giả, là những người quen với cuộc sống hưởng thụ và sung túc, có thể là cả thử thách to lớn, bất kể họ có thể kiếm được tiền hay không. Thường thường người ta chỉ có thể thưởng thức được câu chuyện dí dỏm của Phan Ðạt, mua áo quần do Chloe Ðào vẽ kiểu và ăn các món ăn của Huỳnh Hùng khi nào thời gian và tiền bạc cho phép.

Bằng những ngành nghề mà phần lớn phát triển nhờ nơi một nền kinh tế giàu mạnh, nhưng nhờ sự kết hợp của tinh thần chịu đựng bền bỉ và làm việc cần cù, đã cho phép ba người gốc Việt này tiếp tục theo đuổi điều mình yêu thích dù rằng trong khi kinh tế của cả thế giới đang bị xuống dốc.

Nguoi Viet 2 qua tiếp xúc với từng người, đưa ra một vài nét đại cương, làm thế nào mà Ðạt, Ðào và Hùng vẫn giữ được địa vị hàng đầu với những ngành nghề “không truyền thống” trong thời buổi gạo chấu củi quế như thế này.

Tuồng như trong đời của Ðạt, Ðào và Hùng, họ đã hai lần trải qua khó khăn nhưng vẫn tồn tại, thứ nhất là kinh nghiệm di dân của họ và kế đó là sống còn trong cơn suy thoái.

Phan Ðạt với ‘Last Comic Standing’ (2003)

Phan Ðạt sinh ra tại Sài Gòn và theo gia đình di dân sang Mỹ năm 1975, khi còn một trẻ sơ sinh.

Gia đình Ðạt cũng như nhiều gia đình tị nạn khác ngay từ đầu phải vật lộn để sống trên đất Mỹ nhờ vào tem phiếu thực phẩm (food stamps) và tiền trợ cấp của chính phủ (welfare). Vật lộn có nghĩa là các thành viên trong gia đình phải thường xuyên sống chia lìa nhau mới có thể sống còn trong những năm đầu mới định cư.

Ðạt nhớ lại anh phải khó khăn biết chừng nào mới có thể bắt liên lạc được hết tất cả, trong một gia đình 12 người sống rải rác trên khắp nước Mỹ. “Thuở ấy làm gì có Facebook với MySpace. Thế hệ sau này không thể hình dung ra được điều đó.” Ðạt nhớ là mình sống bên mẹ như dân du cư, cả hai đêm đêm phải ngủ nơi chân giường của người khác. Anh nhấn mạnh đến điều anh vẫn thường nghĩ, “Giường là để dành cho những người giàu có.”

Mấy chị lớn của Ðạt mở một tiệm làm móng tay, nhờ chút đồng tiền dư giả mới giúp cho Ðạt dọn đến sống nơi một khu vực khá giả hơn ở San Diego, kể cả theo học ở Grossmont College, một trường đại học cộng đồng địa phương nơi mà về sau tên của Ðạt được đưa vào trong Walk of Fame của trường, trước khi bắt đầu với nghề làm cho thiên hạ cười của mình vào năm 1996.

Dấn bước vào một nghề bấp bênh như thế kể cũng táo bạo, Ðạt trải qua một đoạn đời sống vô gia cư trong khi đi diễn ở nhiều hội quán diễn hài khác nhau. Trước buổi diễn, Ðạt thường phải ngủ trong xe và rửa ráy ở các phòng vệ sinh công cộng.

Nhờ lòng quyết tâm tiếp tục nghề diễn hài mà Ðạt đã mang về chiến thắng trong mùa đầu của “Last Comic Standing” của đài NBC.

Khi được hỏi anh nghĩ gì về cộng đồng người gốc Việt thì Ðạt nói, “Họ đều là những kẻ sống còn. Nơi đây, họ tồn tại được nhờ các hoạt động kinh doanh ‘gia đình’”.

“Ðiển hình như tiệm nail của mấy bà chị tôi mà tôi cũng nhắc đến không ít trong các tiết mục hài, đã giúp tôi theo đuổi ở đại học,” Ðạt tiếp.

Ngay chính Ðạt cũng là một kẻ sống còn đã biến thân từ một tay diễn hài không nhà, trở thành một nhà chuyên nghiệp. Nhờ kiên trì anh mới sống còn được với ngành kinh doanh đòi hỏi sự tự quảng bá không ngừng, đi lưu diễn thường xuyên và có óc sáng tạo liên tục.

May mắn cho Ðạt, nhờ đức tính làm việc cần cù và đầu óc tổ chức siêu việt, biểu thị qua “sô” diễn ở The Comedy Palace, tại San Diego mà anh mới có thể tồn tại với nghiệp dĩ diễn hài tiếp tục cả bảy năm kể từ khi giành được chiến thắng trên truyền hình. Ðối với bản thân Ðạt, anh thấy rằng nhờ “làm tiếp thị trên mạng” anh mới tạo được thành công không ngừng với nghề diễn hài.

Ðạt tiếp tục đi lưu diễn trên khắp Hoa Kỳ và hải ngoại. Buổi diễn sắp tới của anh dự trù sẽ được tổ chức tại Sheraton Laguna Resort ở Guam vào ngày 3 Tháng Chín.

Từ khi thắng giải, Ðạt xuất hiện trên truyền hình nhiều lần qua các buổi diễn như “The Tonight Show with Day Leno,” “The Tyra Banks Show” và “Family Guy.” Hơn thế nữa anh còn bước vào màn ảnh rộng qua các phim “Cellular,” “Spring Break '83” và mới gần đây nhất là “When in Rome.” Ðạt còn cho phát hành DVD “Dat Phan Live” hồi đầu năm, và gần đây có CD “You Touch, You Buy,” có thể nghe được trên Itunes.

Nhờ nhiều thành tích và liên tục làm công việc từ thiện trong suốt nhiều năm, Ðạt được Smithsonian Institute công nhận là một trong 10 người gốc Việt gây được nhiều ảnh hưởng nhất, điều mà anh trang trọng nhắc nhở trong trang mạng của mình.

Chloe Ðào với ‘Project Runway’ (2006)

Nhà thiết kế thời trang Chloe Ðào tại một buổi ra mắt thời trang của tạp chí Nylon Magazine ở New York. (Hình: Evan Agostini/Getty Images)

Cũng như Phan Ðạt, Chloe Ðào xuất thân từ một gia đình di dân gồm 10 người, kể cả cha mẹ, bảy chị em và chính cô. Cô ra đời ở Pakse, Lào, sau đó theo gia đình di dân sang Houston vào năm 1979, lúc cô còn bé.

Sau khi đến Mỹ, cả gia đình cô trở thành một nguồn lao động không lương trong suốt nhiều năm. Cô tâm sự, “Lớn lên, tụi tôi thường xuyên làm việc phụ cha mẹ ở một quán rượu, vì đang còn đi học nên chỉ làm việc được vào cuối tuần; về sau chúng tôi có thêm một tiệm sửa áo quần.”

Làm việc không lương cho gia đình lúc bấy giờ là cần thiết, Ðào nói, “Chúng tôi chẳng phải giàu có gì vì khi đến đây chúng tôi chỉ hai bàn tay trắng.”

Ðào nói chuyện cởi mở về quan niệm sai lầm nàng nhận thấy nơi đồng bào cô ở quê nhà trong dịp cô về thăm Việt Nam, “Khi bạn về thăm quê hương, ai cũng nghĩ bạn có được một sống sung túc ở bên Mỹ. Họ đâu biết ở đây chúng ta đều phải quần quật làm việc để kiếm tiền.”

Ðào nói thêm, “Dĩ nhiên ở đây chúng ta được nhiều lợi thế và cơ hội, cũng như hiển nhiên phải công nhận rằng chúng ta làm gì cũng dễ dàng hơn, tuy nhiên tôi nghĩ không phải bao giờ cũng đúng như vậy cả.”

Ngay cả bây giờ, Ðào vẫn phải ngủ trung bình sáu giờ mỗi đêm, thấp hơn nhiều so với số giờ lý tưởng 12 tiếng mà cô hằng ao ước.

Chloe Ðào vẫn tiếp tục với nhiều dự tính và hiện đang bỏ công sức vào nhiều dự án kinh doanh. Cửa tiệm “LOT 8” ở Houston được đặt theo tên 8 cô con gái trong gia đình, vừa ăn mừng kỷ niệm 10 năm thành lập, sau khi mở rộng gấp đôi diện tích hồi năm 2006 để đáp ứng kịp với nhu cầu của khách hàng.

Ðào được đề cao và đã bán hết sạch QVC trong suốt ba năm vừa qua, đang nỗ lực với Nuo Tech về các linh kiện điện tử, bắt đầu được bày bán ở Office Max, hoặc mua trên mạng ở Target.com, Dell.com và eBags.com từ năm 2009.

Mới gần đây nhất vào năm 2010, Ðào cho thêm bộ sưu tập đồ cưới dành cho cô dâu vào với DAO Chloe DAO fashion line, với đặc trưng là các áo cưới làm bằng lụa organza, tulle và lace. Giá trong khoảng từ $1,100 đến $3,400.

Ðào cũng dự trù cho hoạt động trở lại LOT 8 by Chloe Dao, với chủ trương bán mặt hàng giá hạ hơn để những ai không mua nổi hàng thuộc dòng DAO Chloe DAO vẫn có thể mua được thiết kế của cô.

Ðể đáp ứng với chiến lược cô đem áp dụng để đối phó với tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, Chloe Ðào nói, “Ðiều lớn nhất giúp giảm bớt khó khăn cho bản thân là mở rộng hoạt động theo hướng mới như tôi đã thực hiện với linh kiện điện tử. Tôi làm với QVC line. Tôi có tiệm riêng. Giờ đây tôi vừa mới tung ra đồ cho cô dâu nhờ vậy tôi có được nguồn thu nhập khác.”

Ðối với Ðào, đa dạng vốn là chìa khóa để tiếp tục giữ được cương vị hàng đầu trong kỹ nghệ thời trang. Cô vẫn tiếp tục được sự công nhận của ngành thông tin đại chúng, mới xuất hiện trên truyền hình trong chương trình “Today” của đài NBC, “Access Hollywood” và “Inside Edition,” “American Morning” của CNN và “The View” của ABC.

Trở lại hồi 2007, thiết kế của Ðào được nhắc đến ở Smithsonian Institute trong cuộc triển lãm lấy tên “Exit Saigon, Enter Little Saigon.” Nhận xét về kinh nghiệm vinh danh người gốc Việt của mình, Chloe Ðào nói, “Theo tôi điều hay nhất để thấy được là chúng ta thảy đều không phải là kỹ sư, bác sĩ và luật sư, và đó rõ ràng là một cách trưng dẫn hay ho về những quan điểm khác biệt về sự thành công.”

Huỳnh Hùng với ‘Top Chef’ (2007)

Gia đình Huỳnh Hùng không đông như của Ðạt và Ðào nhưng gia đình 7 người của anh đã từng gặp cảnh phân ly trong suốt bảy năm trời sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.


Ðầu bếp Huỳnh Hùng tại cuộc thi nấu ăn “Food & Wine Classice Cook-Off” ở khách sạn Regis Hotel, Aspen, Colorado. (Hình: Riccardo Savi/Getty Images for American Express) 
 
Không lâu sau khi ra đời ở Sài Gòn, cha và hai trong bốn người anh trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền vào năm 1979. Về sau họ tái định cư ở Mỹ.

Với ba người đang ở Mỹ và bốn còn kẹt lại Việt Nam, gia đình phải đợi đến năm 1986, khi cha của Hùng có đủ khả năng bảo lãnh cho những người còn sót lại qua được Mỹ.

Ðược hỏi điều gì xảy ra khi anh mới bước xuống máy bay, Hùng nói, “Tôi lặng thinh. Tôi không biết phải nói gì cả vì đó là lúc mà tôi mới được thấy cha lần đầu. Hai trong mấy anh tôi đã sang đây từ trước. Lúc ấy cảm giác như ‘Ồ, vậy à, các anh đều là anh ruột của tôi cả sao.’ Tôi phải mất một thời gian mới lần lần quen được với thực tại đó.”

Hùng còn nhớ mình bị học lùi xuống lớp Một hồi 8 tuổi vì lý do không biết tiếng Anh. Hùng giải thích, “Tôi không biết một chữ tiếng Anh, có chăng chỉ mấy câu như ‘good morning, how are you, thank you, I am fine’. Tôi biết chỉ có thế.”

Mặc dù gặp khó khăn ngay từ đầu trong việc điều chỉnh lại với cuộc sống trên quê hương mới, Hùng thấy kinh ngạc một điều. Anh kể, “Tôi thực ngạc nhiên vô cùng vì thấy trong tủ lạnh có sẵn đồ ăn! Tuy không thiếu thực phẩm nhưng tôi nhớ trong tạp chí người ta chụp hình tủ lạnh đầy nhóc đồ ăn như nào là đùi gà, sữa và nước cam tươi. Ðiều muốn nói là chúng tôi không có được tủ lạnh nào như vậy cả.”

Ðể ý đến thức ăn từ hồi còn bé, về sau Hùng trở thành bậc thầy về khoa nấu ăn, trước hết ở tiệm ăn của cha mẹ ở Pittsfield, Massachussetts, kế đó sau khi theo học ở Culinary Institute of America, Hùng làm việc cho các nhà hàng tên tuổi như Lespinasse, Per Se, Manhattan Ocean Club và Guy Savoy, trước khi thực hiện được việc trọng đại trên hệ thống truyền hình.

Vào mùa thứ ba của “sô” ăn khách “Top Chef” của Bravo, Hùng pha chế những món gây khoái khẩu cho các tay nấu ăn nhà nghề cùng những dân sành điệu về ăn uống, khiến về sau họ đã chọn Hùng là tay vô địch trong số 15 người dự thi.

Sau chiến thắng trên màn ảnh nhỏ, Hùng bước lên một thách thức mới, đó là nấu món ăn kiêng của người Do Thái (kosher food), trong cương vị khách mời, đóng vai bếp trưởng cho nhà hàng Solo ở New York, một nhà hàng chuyên về đồ ăn Á Châu và vùng Ðịa Trung Hải.

Tiếp tục thử thách, về sau Hùng giành được giải “Best Fish Award” ở cuộc thi tiếng tăm Bocuse d'Or USA vào năm 2008.

Anh hiện là bếp trưởng ở Ajna Bar tại New York và đã từng thử nghiệm với việc thêm hương vị Việt Nam và Trung Hoa vào trong nấu nướng.

Nghiệp nấu nướng của Hùng nay đang ấp ủ với ý tưởng hoạt động thành công ty. Anh hiện có nhiều dự án trong công việc, “Tôi có bốn việc đang xếp hàng chờ thực hiện, đúng ra là năm vì hôm nay tôi mới nảy ra thêm một việc mới nữa.” Hứng chí trước những gì có thể thực hiện được, Hùng nói, “Lúc này có được nhiều chọn lựa. Cũng như mưa rơi nước chảy vậy mà. Tôi đang trong giai đoạn suy nghĩ nên chọn đi hướng nào.”