Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt 'Ðừng mang cộng đồng ra làm lá chắn'

'Ðừng mang cộng đồng ra làm lá chắn' PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Năm, 05 Tháng 8 Năm 2010 13:44

HOUSTON, Texas (NV) - Vụ Nghị Viên Houston, Al Hoàng (tên Việt Nam là Hoàng Duy Hùng), đi Việt Nam công vụ bắt đầu bị một số đồng hương phản ứng,

trong đó nhà báo kỳ cựu Nguyễn Ðạt Thịnh dứt khoát không chấp nhận.

Nghị Viên Al Hoàng. (Hình: Người Việt)

Ông nói với nhật báo Người Việt như sau: “Cách đây hai ba ngày, anh Hùng có đến nhà tôi chơi và nói ý định anh đi Việt Nam. Tôi đã nói anh không nên về. Sau khi anh trình bày, tôi có nói đi là quyền của anh. Và tôi có nói tôi không thích Việt Cộng. Nếu anh về Việt Nam thì tôi không coi anh là bạn nữa.”

Trước đó, nghị viên gốc Việt này có xác nhận với nhật báo Người Việt là theo dự trù, ông “sẽ đi Việt Nam vào khoảng cuối tháng 9 hoặc cuối tháng 10 năm nay, với tư cách là nghị viên HÐTP Houston và là phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Vận Houston.”

Ông Hùng cũng cho biết ông “muốn đi công khai, và muốn biết ý kiến của đồng hương về quyết định này, nhưng góp ý như thế nào, khung cảnh nào, chứ không phải tất cả, vì như vậy sẽ hỏng việc.”

Hôm Chủ Nhật, 1 tháng 8, vừa qua, cựu Ðại Tá Trương Như Phùng (chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia Houston) và cựu Ðại Tá Nguyễn Văn Nam (chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam tiên khởi) đã tổ chức một cuộc họp tại phòng họp Nhà Việt, Houston, để lấy ý kiến đồng hương xem có ủng hộ chuyến đi Việt Nam của Nghị Viên Al Hoàng hay không.

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho cựu Ðại Tá Trương Như Phùng nhiều lần và để lại lời nhắn, nhưng khi bài báo lên khuôn vẫn không thấy ông hồi âm.

Theo ông Trần Minh Tâm (chủ bút Ðẹp Magazine, Houston), người có mặt trong buổi họp, có tổng cộng 136 người hiện diện bên trong phòng họp (theo danh sách ghi danh) và vài chục người đứng bên ngoài.

Nghị Viên Al Hoàng không có mặt tại buổi họp.

Ông Tâm kể: “Theo nhận xét của tôi, 95% số người tham dự đều chống chuyện ông Hùng đi Việt Nam, nhưng họ không chống một cách quá khích. Họ cho rằng, Nghị Viên Al Hoàng làm gì thì làm, đừng kéo cộng đồng vào. Theo họ, cộng đồng chống Cộng là chuyện của cộng đồng, đừng đem họ ra làm lá chắn.”

“Những người tham dự đã bày tỏ lập trường chống Cộng, không hòa hợp hòa giải, có cấm ông cũng đi. Họ cho rằng hành động lấy ý kiến đồng hương là nhá ra một cái để sau này đi Việt Nam về không ai phàn nàn ông được,” ông Tâm nói thêm.

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho Nghị Viên Al Hoàng và để lại lời nhắn, nhưng không thấy ông gọi lại.

Theo Nghị Viên Al Hoàng, trong cuộc phỏng vấn trước đây, vấn đề làm ăn với Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2001, khi Thị Trưởng Lee Brown kết nghĩa Houston với Sài Gòn.

Ðến năm 2005, Thị Trưởng Bill White cử một phái đoàn về Việt Nam nghiên cứu đường bay từ Houston về Sài Gòn, cụ thể là đường băng phi trường Long Thành, ngoại thành Sài Gòn, theo Nghị Viên Al Hoàng cho biết.

“Họ nhận thấy rằng, lúc đó, từ Houston về Nhật là đông khách nhất, thứ nhì là Sài Gòn. Sau này, họ dự trù đường bay về Sài Gòn sẽ là đông nhất vì hàng năm có tới vài chục ngàn người bay về,” Nghị Viên Al Hoàng nói tiếp.

Nghị viên gốc Việt này giải thích: “Tôi đi chuyến này vì muốn tạo một bộ mặt thành phố cởi mở. Ðó là trách nhiệm của tôi, một dân cử Mỹ gốc Việt. Tôi biết đây là một vấn đề tế nhị trong cộng đồng chúng ta, một cộng đồng có nhiều khuynh hướng.”

Tuy nhiên, trước buổi họp cộng đồng, cựu Ðại Tá Trương Như Phùng vẫn nghi ngờ.

Ông nói: “Tôi nghĩ vấn đề này của người Mỹ, không phải của người Việt. Nếu phải đi thì không sao. Chỉ sợ nói vậy mà không phải vậy. Cần làm sáng tỏ vấn đề rồi mới biết được.”

Nghị Viên Al Hoàng thắng cử chức nghị viên HÐTP Houston trong cuộc bầu cử vòng hai hồi cuối năm 2009 và hiện đang đại diện Khu Vực F, có khoảng 350,000 cư dân, trong đó có 10% là gốc Việt.

Nhiệm kỳ của nghị viên tại Houston kéo dài 2 năm.

Trước đó, ông Al Hoàng là chủ tịch Hội Người Việt Quốc Gia Houston & Phụ Cận.

Nghị Viên Al Hoàng là luật sư và là một người chống Cộng nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông từng về Việt Nam hoạt động, bị bắt, và bị chính quyền Cộng Sản bỏ tù một thời gian.