Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Vai trò làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt lai Mỹ tại Hoa Kỳ

Vai trò làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt lai Mỹ tại Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Anh, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 14 Tháng 7 Năm 2010 17:58

Hầu như người phụ nữ Việt lai Mỹ nào cũng đều có một quá khứ thật đau buồn, nhưng họ đã và đang cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực của mình,

và luôn nhìn về tương lai với bao ước mơ tốt đẹp cho con cái mình.

Nhân viên trung tâm Good Shepherd Services tổ chức tiệc sinh nhật cho Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh hôm 7/5/2010.
Photo courtesy of shepherdatlanta.org

Điều đáng buồn là vì quá khứ đã in sâu đậm trong tâm hồn, đồng thời không có được sự giáo dục đầy đủ của cha lẫn mẹ nên khi trở thành người mẹ, người vợ, họ lại càng gặp khó khăn và trở ngại nhiều hơn.

Qua câu chuyện với nữ tu Christine Trương Mỹ Hạnh, Giám Đốc Trung Tâm Phục Vụ Gia Đình và Thanh Thiếu Niên ở bang Georgia, người đã nâng đỡ và hướng dẫn các thiếu nữ Việt lai Mỹ từ những ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn quá khứ của họ đã ảnh hưởng đến vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình như thế nào.    

Khác biệt về ngôn ngữ ...
Theo lời Sơ Trương Mỹ Hạnh cho biết,  các thiếu nữ Việt lai Mỹ nay đã trở thành các bà mẹ, bà vợ trong gia đình thì đa số gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn về mặt nuôi dạy con cái và trong mối tương quan vợ chồng với nhau. Thực vậy, chị Mỹ Duyên ở ngoại ô Atlanta tâm sự rằng: 

Khó khăn là bây giờ con cái em không hiểu tiếng Việt, mình thì không biết tiếng Mỹ. Mình cố gắng dạy nó tiếng Việt nhưng tụi nó nói cũng không được tròn trịa, cũng “lẹo” y như mình nói tiếng Mỹ. Ba tụi nó cũng rầy la tụi nó, nói trong nhà phải nói tiếng Việt Nam, sau này lớn lên con không nói được tiếng Việt Nam, cũng như cha mẹ không nói được tiếng Mỹ, người ta sẽ không thích, nhưng mà tụi nó quen tiếng Mỹ rồi. Đó là về phần làm mẹ.

Còn về phần làm vợ, em không đi làm được, em không biết lái xe, đi thi hoài mà không đậu, nhà cửa thì không có. Em chỉ ước mong sao lái xe để mà giúp con em, không lái xe được, đi chợ ổng hay cằn nhằn lắm.       

Thế nhưng, với công việc của một bà vợ lo chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa thì họ lại làm rất giỏi, chẳng ai bì kịp. Chứng kiến nhiều cuộc sống của chị em lai, Sơ Mỹ Hạnh nói:

Về bếp núc, hay là công việc của một bà nội trợ thì các em làm rất giỏi vì từ nhỏ đã bị người ta bắt phải làm. Cái quan trọng nhất là vấn đề giữa vợ chồng với nhau, vì các em không quen trao đổi cho nhau cái gì, không biết nói chuyện và luôn luôn có mặc cảm là mình không biết gì hết, nên khi dạy con thì không biết dạy như thế nào.

Gia đình là nơi đào tạo cho mình trở thành người cha, người mẹ, vì đào tạo đó không nhất thiết là phải là cha hay mẹ mà còn là họ hàng, ông bà,và ngay cả hàng xóm láng giềng. Qua bên này, các em bị thu kín vô trong gia đình mà thôi, các em sống như một người giúp việc, đầy tớ, suốt ngày làm nấu nướng, dọn dẹp, có công ăn việc làm ở ngòai hãng thì về nhà  phải làm tất cả việc nhà.

Khi nói đến những buổi cha mẹ nói chuyện với nhau, đi chơi chung với nhau, trao đổi với nhau, cảm nhận với nhau một điều gì hay học hỏi một cái gì đó thì rất khó.                  

... và văn hóa 


 Những phụ nữ Việt lai Mỹ trong buổi sinh nhật Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh ở trung tâm Good Shepherd Services hôm 7/5/2010. Photo courtesy of shepherdatlanta.org

 Khi hỏi thăm về cách nuôi dạy con cái của các chị em, bà cho hay rằng, hầu hết đều áp dụng những phương cách mà họ đã từng trải qua trong quá khứ như chửi bới, la hét để dạy dỗ con mình. Có thể nói giữa họ và con cái có một khoảng cách rất sâu. Chính vì thế, con cái của họ cũng lại có nhiều vấn đề phức tạp, dường như cứ ở trong một cái vòng luẩn quẩn. Bà nói:

Các em không có cách gì khác ngoài những câu cứ nhai đi nhai lại, làm cho con cái bực mình. Các em không biết cách thức dạy con hay sống làm sao cho hạnh phúc trong gia đình thì thường con cái bỏ đi, nó cũng lập gia đình rất sớm, có thai, cũng sống không quen được với đời sống của gia đình mới, rồi cũng ly dị, mẹ cũng bỏ chồng, đi ra ở riêng.

Nếu nói thất bại thì cũng không hẳn nhưng mình thấy đường hướng của họ đằng trước không đi về đâu hết. Một số các em may mắn có mẹ đi theo, mà mẹ là những người có học thức và kết hôn với những người có chức có quyền thời trước ở Việt Nam, thì thấy rằng có những người làm bác sĩ, dược sĩ, rất khá. 

Vì thiếu hẳn sự nâng đỡ về tinh thần và hướng dẫn về vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, đa số các gia đình con lai đều đổ vỡ, nhất là những cặp vợ chồng đều là con lai. Sơ Trương Mỹ Hạnh nhận xét về vấn đề ly thân, ly dị như sau:       

Có rất nhiều vì các em khi lập gia đình với nhau thì cứ nghĩ là mình thương nhau, thì lấy nhau, có con cái thì mình giúp nhau, vì ai cũng chung một hoàn cảnh, hai người cùng con lai, cùng bị người ta bỏ rơi. Nhưng khi lập gia đình thì cả hai đều không biết phải làm thế nào để làm vợ hay làm chồng, thành ra giống như mò mẫm ở trong bóng tối, người này dắt người kia đi, rồi không người nào phục người nào hết, cuối cùng thì đổ bể.
Họ cũng không biết tìm người nào để giúp cho họ, có người thay vì giúp hàn gắn thì lại giúp cho họ xé lẻ ra, thành ra, một số đông không thành công trong đời sống vợ chồng, gia đình. Các em không có người mẹ, hay người chị, hay người thân để chỉ dẫn.      

“Các em không biết cách thức dạy con hay sống làm sao cho hạnh phúc trong gia đình thì thường con cái bỏ đi, nó cũng lập gia đình rất sớm, cũng sống không quen được với đời sống của gia đình mới, rồi cũng ly dị. / Sơ Trương Mỹ Hạnh

Cũng theo ý kiến của bà, vì không được đối xử tử tế và thương yêu thực sự, không được giáo dục ngay từ tấm bé, cho nên, giờ đây, khi đã trở về quê cha, được sống tự do, không còn bị ai khinh rẻ và ngược đãi, nhưng họ lại vẫn tiếp tục đang sống trong môi trường gần như tách ly khỏi cả hai cộng đồng Mỹ-Việt:

Tôi nhận thấy càng ngày các em tuổi càng lớn, nghề cũng không có, tiếng cũng không biết, rồi cái đời sống gọi là tình cảm của vợ chồng cũng không có, thì không biết các em sẽ đi về đâu?
Đa số các em không biết đọc biết viết thì huống hồ gì nói đến chuyện vào quốc tịch để sau này có được phúc lợi, thì tôi thấy là họ sống trong một thế giới mà bị cắt đứt với xã hội Việt Nam hay cộng đồng Việt Nam, cũng không có sự liên hệ gì với cộng đồng người Mỹ ở đây hết.   

Với phần đông các chị em lai, quá khứ luôn bám theo họ cho dù họ cố quên đi. Có thể nói chính với nỗi ám ảnh đó mà trong thâm tâm, họ luôn ước mong con cái mình được mọi người yêu thương, như  lời chị Mỹ Duyên tâm sự: 
 Em chỉ ước nguyện sao cho con em đi ra ngoài đừng bị bạc đãi như mẹ của nó, được người này người kia thương, giúp đỡ.   

Có thể nói, họ cũng chính là hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam.  Họ không biết mình là ai giữa hai dòng máu Mỹ -Việt đang luân chuyển trong người như lời của chị Mỹ Duyên:“cuộc đời của em sao khổ quá, em không muốn con em bị như em nữa, cha thì không biết là ai, mẹ thì chết, em cũng không biết em là ai …Mỹ hay Việt, là nước nào em cũng không biết…(khóc)” . Và có lẽ sẽ không bao giờ có câu trả lời!