Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt “Dù cho sỏi đá cũng cần có nhau" (Trịnh Công Sơn)

“Dù cho sỏi đá cũng cần có nhau" (Trịnh Công Sơn) PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ - San Jose   
Thứ Tư, 25 Tháng 11 Năm 2009 09:16

Bài viết nhân mùa Lễ Hội 2009.

Chan chứa ân tình :

Trong câu chuyện và bài viết quanh năm, chúng tôi thường cố tránh các lời lẽ thậm xưng, các tĩnh từ cường điệu và các hình thức văn chương của sân khấu cải lương. Nhưng lần này viết văn quảng cáo, viết thư tình cảm, có thể đã vi phạm các nguyên tắc đơn giản kể trên. Bởi vì giữa chúng tôi với quý bằng hữu xa gần, trải qua hơn 30 năm, và đặc biệt 5 năm gần đây, gặp nhiều tri kỷ mới, quả thực đã chan chứa ân tình.

Ðộc giả đọc bài viết, thính giả nghe radio, khán giả xem TV và anh em vùng San Jose gặp gỡ quanh năm, đến lúc phải giãi bày cho hết nguồn cơn vào dịp cuối năm.

Xin lấy hàng chữ, lời văn hôm nay để trả lời chung thân hữu đã điện thoại, gởi những lá thư thật dài, gửi hình, gửi bài báo, gửi email, gửi nhạc, gửi thơ văn đến chúng tôi : Giao Chỉ, San Jose, IRCC, Viện Bảo Tàng và rất nhiều vị hỏi thăm ông Phạm Phú Nam của Dân Sinh Media.

Trong số các thân hữu có nhiều vị mới quen biết qua radio, TV, và đặc biệt qua các DVD từ Ca Khúc Thời Chinh Chiến, Lịch Sử Ngàn Người Viết cho đến Chân Dung Người Lính VNCH và sắp tới là DVD đặc biệt về Trận Quảng Trị.

Ðã có nhiều người thăm hỏi rằng cơ quan IRCC là tổ chức gì. Tiền đâu mà làm Viện Bảo Tàng. Nhằm mục đích gì mà lại phát hành DVD về người lính VNCH. Rồi có làm phim về thuyền nhân hay không? Bao giờ thì phim Quảng Trị phát hành. Làm sao phát hành qua Canada, Úc và Âu Châu. Ở đây người ta in lậu bán khắp nơi các ông có biết không? Họ đưa lên Internet rồi down xuống thoải mái sao không ngăn chận. Ở VN nghe nói đếm được cả ngàn người vào coi. Xin quí vị cho biết thêm tin tức về tổ chức. Có phải là cơ sở ngoại vi của đoàn thể nào không? Sao không thấy trả lời thư. Hình ảnh gửi về có nhận được không. Gọi điện thoại sao không trả lời. Chúng tôi có gửi bản nhạc, chúng tôi có gửi bài báo. Quý vị có xử dụng cho phim kỳ tới vui lòng cho biết. Sao nói về Quảng Trị mà không đề cập tới địa phương quân, các ông có biết anh em lính nhà quê chúng tôi sống và chết ra sao không. Các ông có biết quân số địa phương quân miền Nam chiếm hơn 50% tổng số quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Hay là quý vị không cần đề cập đến lính Ðịa chúng tôi....

Thưa quý vị, hơn 2.000 lá thư dài ngắn nhận được trong năm qua chan chứa ân tình từ bốn phương trời, chúng tôi không giờ nghĩ rằng sẽ cố ý bỏ qua bất cứ một đơn vị, 1 chiến binh hay một binh chủng nào. Ai mà chẳng biết “ Dù cho sỏi đá cũng cần có nhau “ .

Vì vậy xin gửi bài này để trả lời tri kỷ bốn phương.

IRCC là tổ chức gì :

Ðầu đuôi như thế này. Ðầu tháng 4-1975 dân di tản Việt Miên Lào chạy qua Mỹ khá đông. Ngay trước 30-4-1975 đã có nhiều chuyến bay dân sự và quân sự chở người ra đi từ Saigon đến thẳng Oakland và San Francisco.
Những người này không phải qua các trại tỵ nạn như Pendleton lúc đó chưa mở cửa. Một số lớn được các nhà thờ đón trực tiếp và một số khác đã có gia đình ở Mỹ.

Cơ quan xả hội tại San Jose lúc đó có tên là Social Planning Council mở ra chương trình IRCC để đón tiếp giúp đỡ người mới đến định cư. Tên đầy đủ gọi là Indochinese Resetlement and Cultural Center. Tuy gọi là Trung Tâm Ðịnh Cư và Văn Hóa Ðông Dương nhưng thực ra chỉ là 1 bộ phận của tổ chức xã hội bất vụ lợi sẵn có tại quận Santa Clara. Tổ chức này tiếp tục mở rộng đến cuối năm 1975 đón thêm nhiều người Việt và Ðông Nam Á từ các trại tạm trú về San Jose. Thành phố này như vậy đã tập trung khá đông người Việt từ đầu đời di tản. Các sinh viên hay Việt kiều của miền Nam có mặt tại San Jose được đổi thành quy chế tỵ nạn và trở thành worker xã hội. Rồi qua năm 1976, trại tỵ nạn đóng cửa thì bà con ta từ các tiểu bang kéo về Cali. Lúc đó quận Cam cũng quy tụ nhiều người Việt và cộng đồng hai miền Nam Bắc Cali đều phát triển.

Cuối năm 1976 gia đình chúng tôi cũng theo tiếng gọi của Cali từ giã Springfield, Illinois mà tây tiến về San Jose, bắt đầu làm việc với IRCC, phụ trách về tổ chức cộng đồng, phát triển và bảo toàn văn hóa. Phải đến 4 năm sau, 1980 tổ chức IRCC mới tách riêng trở thành cơ quan bất vụ lợi độc lập. Giám đốc đầu tiên là ông YKlong ADrong. Cá nhân chúng tôi nhận chức Giám đốc từ 1982 và tiếp tục cho đến nay 2009 là 27 năm.

Nói riêng về danh hiệu IRCC là tên từ 1976 lúc chúng tôi bắt đầu vào cộng tác, như vậy tính ra là đã 33 năm vào năm 2009. Vì lý do qua đầu thập niên 90, cơ quan yểm trợ việc định cư chung cho cả di dân từ các nước nên chữ I của Indochinese (Ðông dương) được đổi thành chữ I của Immigrant (di dân). Gọi tắt IRCC vẫn là IRCC. Khách hàng thì gồm đủ các sắc dân.

Vì là cơ quan đầu tiên phục vụ cho cộng đồng Việt Nam tại địa phương nên IRCC đã có nhiều liên hệ với các chương trình trong mọi lãnh vực khác nhau. Truyền thông, giáo dục, văn hóa, y tế, văn nghệ, xã hội và chính trị.
Chúng tôi cũng gặp nhiều sóng gió, nhiều khó khăn, nhưng rồi cũng may mắn vượt qua và tồn tại cho đến nay.

Qua năm mới 2010, cơ quan đã trải qua 34 năm dài và cộng đồng Việt Nam sẽ có dịp ghi dấu 35 năm nhìn lại quãng đường đã đi qua (1975-2010)
Riêng về IRCC với 34 năm bể dâu thăng trầm nhận tài trợ phần lớn của chính phủ để làm công tác theo khế ước. Trong khi thi hành nhiệm vụ đã yểm trợ định cư cho trên 10 ngàn gia đình với nhân số 25.000 người chiếm 25% dân số người Việt tại San Jose.

Một trong các thành tích xã hội đáng lưu ý là tìm cách giúp cho hàng ngàn đồng bào thành công trong việc xin housing section 8 tại quận hạt Santa Clara.

Tuy nhiên phần xã hội là nhiệm vụ phải thi hành theo khế ước nên thành quả cũng như hàng ngàn cơ quan bất vụ lợi khác. Những thành tích và lời cảm ơn sau đây là thuộc lảnh vực công tác tình nguyện mà cơ quan đã làm vượt ra ngoài bổn phận chính thức.

Ðây mới chính là niềm hãnh diện của chúng tôi.

Những bước đầu tiên :

Ghi lại lịch sử của cộng đồng Việt riêng tại thành phố San Jose và vùng phụ cận phải bao gồm thêm 14 thành phố nhỏ làm thành quận hạt Santa Clara. Mở rộng ra thêm 8 quận hạt nữa sẽ trở thành cả vùng Vịnh Cựu Kim Sơn.
Các quán ăn Việt Nam đầu tiên, tờ báo Việt, radio Việt, chợ Việt, truyền hình Việt Nam. Các hội đoàn ái hữu đầu tiên, những cuộc biểu tình và hội Tết. Những chương trình đón người mới đến, thuyền nhân , HO, con lai, đoàn tụ. Bao nhiêu hình ảnh bằng phim video cùng với hình ảnh chưa quên vẫn còn mãi mãi trong lòng người, Cũng còn lại tất cả các cuộc tranh chấp giữờa các phe phái khác biệt trong cộng đồng. Từ Liên Hội Người Việt Quốc Gia cho đến khi chia thành nhiều Ban đại diện cộng đồng. Từ 1 Hội Tết trở thành ba, bốn Hội Tết hàng năm. Bạn thành thù nghịch. Từ thù nghịch trở lại thành thân hữu. Hợp tác rồi lại chia tay. Những kỷ niệm buồn vui, cay đắng hay ngọt ngào nơi nào cũng có và San Jose cũng không thiếu. Thế hợp tan thường xảy ra ở mọi nơi và ở đây luôn luôn dẫn đầu. Tình nghĩa cũng tràn đầy và thù nghịch cũng chẳng lúc nào vơi.

Trong cái hoàn cảnh trăm người ngàn ý đó, cộng đồng tiềm ẩn của người Việt đã từ từ chuyển động ngày một đông hơn, vững chắc và theo kịp xã hội chung của Hoa Kỳ về mọi mặt. Ðồng thời củng chia xẻ với khó khăn về kinh tế, chính trị của đất nước này. Cơ quan IRCC của chúng tôi cũng thở theo nhịp thở của cộng đồng và xã hội. Có điều đặc biệt là dù làm công tác xã hội của cơ quan bất vụ lợi, trong ý nghĩa sinh tồn, chúng tôi đã cố chuyển hướng qua Dân Sinh để phục vụ cho một cộng đồng Việt lâu dài và có ý nghĩa. Không muốn thu hẹp mãi mãi trong mục tiêu ấn định của chính phủ khi nhận tài trợ.

Vì vậy IRCC đã có nhiều khai phá mới xin hãnh diện trình bầy với quý vị trước khi bước vào năm kỷ niệm thứ 35 trên con đường định cư tỵ nạn tại Bắc California.

Những chương trình tình nguyện :

Dựa vào cơ quan IRCC, Inc. gần 20 mươi năm qua chúng tôi đã mở ra các chương trình tình nguyện đặc biệt hết sức ý nghĩa nhưng lại vô cùng đơn giản.

Ðó là nuôi ăn Homeless Hoa Kỳ, tảo mộ nghĩa trang Biên Hòa, thành lập Dân Sinh Media với Báo viết, Radio nói và TV hình.

Nếu chúng ta nghĩ rằng mình là dân tỵ nạn, nhận nơi này làm quê hương, muốn đóng góp với Hoa Kỳ, thì công việc đơn giản nhưng hết sức ý nghĩa là mở rộng bàn tay ân tình. Mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm hãy góp phần nuôi ăn người homeless tại địa phương. Với chương trình thực đơn thân ái Việt Nam, chúng tôi đã trải qua hàng trăm lần tổ chức tiệc và hàng trăm ngàn phần ăn đã dọn ra sau 17 năm qua kể từ 1992 đến nay.

Nhân dịp 35 năm nhìn lại, lời cảm ơn chân thành xin gửi đến cá nhân, tổ chức và hội đoàn đã góp sức cho chưng trình homeless tại vùng San Jose kiên trì và đều đặn bao năm qua. Không bao giờ chúng tôi quên quý vị. Sỏi đá cũng cần có nhau.           

Chương trình tảo mộ nghĩa trang Biên Hòa bắt đầu từ năm 1995 đến nay cũng đã được 14 năm. Quý vị không thể ngờ rằng đã có 16 ngàn tử sĩ nằm lại nghĩa trang quân đội từ 1975 mà cho đến tháng 10 năm 2009 vừa qua vẫn còn người tình nguyện về thắp hương cho chiến binh của ta nằm dưới lòng đất quê hương.

Với những món tiền nhỏ bé quyên góp được, những tin tức phổ biến, những công tác báo cáo được bốn phương hưỡng ứng nhiệt thành, nghĩa trang vẫn còn tồn tại vì chúng ta còn nhớ đến. Hiện nay dù hoang phế vẫn còn hoang phế, điêu tàn vẫn còn điêu tàn, với sự quản trị rất lẩm cẩm của địa phương, nhưng nếu quý vị nhân danh người thân của chiến binh đã ra đi, vẫn có thể trở về thăm nghĩa trang xưa. Trong cảnh điêu tàn hoang phế đó, với tấm lòng mở rộng quý vị vẫn còn thấy được vẻ lộng lẫy huy hoàng hơn 40 năm về trước.

Một lần nữa, xin chân thành cảm tạ các thân hữu đã giúp chúng tôi tiếp tục tảo mộ thăm viếng nghĩa trang Biên Hòa. Nếu quý vị đi riêng, xin gửi thêm cho chúng tôi tin tức và hình ảnh. Không bao giờ quên quý vị - Sỏi đá cũng cần có nhau.

    

DÂN SINH :

Một chương trình mới mẻ khác là thành lập hệ thống truyền thông DÂN SINH từ 5 năm qua. Một hình thức truyền thông xây dựng qua các dề tài liên quan đến đời sống hiện tại in trên báo giấy. Phát thanh qua các chương trình chính và dược tiếp vận đi mọi nơi. Rồi sau cùng là TV. Ðồng thời chúng tôi phát hành DVD và in sách. Tất cả đều hướng về mục tiêu Dân Sinh là xây dựng cộng đồng Việt tại hải ngoại và yểm trợ công việc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại quê nhà. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn khán giả của 6.000 bộ DVD đã phát hành 2009 với tựa đề Chân Dung Người Lính VNCH. Phần lớn quí vị là thân hữu của Dân Sinh Media.

Xin cám ơn khán giả đặt mua DVD Quảng trị sẽ nhận được nội trong năm 2009. Cảm ơn độc giả của các bài báo Dân Sinh và các tác phẩm Dân sinh/Giao Chỉ sẽ phát hành 2010.

Sau phim Quảng trị, đầu năm 2010 chúng tôi chuẩn bị bộ phim 35 năm nhìn lại (1975-2010) sẽ rất cần sự cộng tác của quý vị. Một lần nữa, sỏi đá cũng cần có nhau.

Viện Bảo Tàng Việt Nam :

Với cái tên đầy đủ là Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn căn bản và hiện nay đang kiện toàn và phát triển.

Ðây là một công trình chắc chắn sẽ còn tồn tại muôn đời. Số tiền dành dụm của IRCC bỏ vào cho hiện vật, tác phẩm, di sản và xây cất $300,000 mỹ kim. Số tiền cá nhân và gia đình vừa ủng hộ vừa đóng góp $300,000 mỹ kim. Các thân hữu, mạnh thường quân cho vay, đóng góp tính đến cuối năm 2009 cũng đã lên đến $300,000 mỹ kim.

Như vậy trị giá tài sản của Viện Bảo Tàng cùng với sự gia tăng theo thời gian, (không kể giá trị địa ốc bao gồm nhà và đất của thành phố) hiện nay lên đến trên 2 triệu mỹ kim.

Quý vị thân hữu đã đóng góp bằng cách nào. Tình cảm như kim cương đá quý ghi nhận các tên ân nhân góp hay cho vay dài hạn, không lời trên $10 ngàn mỹ kim. Hiện có tên tuổi 10 ân nhân danh dự. Tình cảm như vàng bạc châu báu dành cho ân nhân góp 1 viên gạch trên $1,000 mỹ kim. Tổng cộng có tên 100 vị khắc trên bức tường công đức vĩnh cữu.

Ngoài ra, mỗi năm, quý vị ủng hộ $100 trở lên quý vị có tên trong danh sách hội viên của từng năm. Riêng 2009 chúng tôi đã có danh sách trên 300 vị là hội viên thường niên và hy vọng sẽ tiếp tục đóng mổi năm $100 mỹ kim. Sau một thời gian đủ $1.000 sẽ trở thành ân nhân danh dự khắc tên trên viên gạch. Sau này ghé thăm Museum, quý vị và con cháu sẽ thấy có tên trên bức tường vĩnh cữu.Chúng tôi xin chân thành cảm tạ ân nhân của Viện Bảo Tàng.

Một lần nữa, sỏi đá cũng cần có nhau.
 
Nhu cầu hiện tại :

Hoa Kỳ thiếu nợ cần tiền. Tiểu bang Cali thiếu nợ cần tiền. Thành phố San Jose thiếu nợ cần tiền và cơ quan IRCC nhỏ bé của chúng tôi củng thiếu nợ cần tiền. Năm 2007 và 2008 chúng tôi được sự ủng hộ đáng kể nên Museum đã hình thành.

Năm 2009 tiền ủng hộ xuống thấp nhưng vẫn có nhiều kỷ niệm về các nhà hảo tâm yểm trợ cho chúng tôi. Từ Âu châu xa xôi, một khán giả của DVD gửi tiền cho mẹ ở Canada chuyển tiếp tặng $1.000 mỹ kim. Một cựu quân nhân thân hữu bao năm không gặp tại Texas xem DVD bèn gửi về $1.000 mỹ kim. Vị bác sĩ ở Sacramento do anh chị thân hữu địa phương giới thiệu đã ủng hộ $1.000 mỹ kim. Bà Jacky Bông, khách phương xa từ DC về thăm Viện Bảo Tàng, tặng $1.000 mỹ kim. Và sau cùng, một thân hữu của gia đình quốc gia nghĩa tử vừa gửi đến ủng hộ $10,000 mỹ kim.

Xin chân thành cảm tạ và ghi nhận sự đóng góp của quý vị hết sức quan trọng vì công trình của chúng tôi vẫn thường không phải là mối quan tâm chính của cộng đồng.

Nhân mùa lễ hội cuối năm, bản khai thuế Hoa kỳ vẫn thường có 1 câu hỏi. Trong năm 2009 quý vị đóng góp cho cơ quan từ thiện bao nhiêu. Nếu ghi số 0 thì cũng ngại ngùng. Nếu không mà nói có thì lại thiếu giấy tờ hợp pháp và hổ thẹn với lương tâm. Xin hãy tin cậy gửi tiền ủng hộ về cho IRCC. Với 34 năm công tác thiện nguyện, chúng tôi hoàn toàn không hề có một lần sai lầm tỳ vết. Mỗi năm đều trải qua 2 lần kiểm tra của chính phủ. Một lần của chuyên viên CPA độc lập. Dù ủng hộ bao nhiêu cũng nằm trong hồ sơ kiểm toán hàng năm. Tất cả mọi đóng góp đều có giấy chứng nhận hợp lệ miễn thuế của cơ quan bất vụ lợi chính thức tại Hoa Kỳ.

Gởi tiền ủng hộ cho IRCC là quý vị gởi bữa cơm cho người homeless Hoa Kỳ, gửi một nén hương cho chiến sĩ trận vong còn nằm lại tại Nghĩa trang Biên Hòa, góp một lời cầu nguyện cho thuyền nhân biển Ðông, tham dự vào việc xây dựng và gìn giữ Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Với $100 mỹ kim quí vị sẽ có tên hội viên thân hữu trong sổ vàng Museum năm 2009. Với $1,000 mỹ kim danh tính của vị ân nhân được khắc tên trên viên gạch của bức tường danh dự. Cũng trong mùa lễ hội 2009 quí vị hãy đặt một bộ DVD Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa để làm quà cho chiến hữu ở góc bể chân trời. $20 mỹ kim ủợng hộ sẽ nhận được 4 đĩa, 8 giờ phát hình gồm những thước phim lịch sử vô giá, không thể bỏ qua. Ngoài ra có thể đặt ngay hôm nay bộ phim Quảng Trị, mùa hè 1972 đang được chuẩn bị phát hành trong năm nay. Một tác phẩm vinh danh trận phản công hết sức mãnh liệt của Việt Nam Cộạng Hòa tại miền hỏa tuyến. Ðây là những xuất phẩm thực hiện bởi Dân Sinh Media sẽ lưu lại trong viện bảo tàng dành cho thế hệ tương lai.

Ðó cũng chính là mục đích của chúng tôi.

Xin tường trình cùng quý vị nhân mùa lễ hội 2009 tại Hoa Kỳ.

Lấy tro tàn lịch sử, ta xây dựng bảo tàng
Ðem qua khứ huy hoàng, gửi tương lai vĩnh cữu.

       Giao Chỉ, San Jose

Tái bút:  Chúng tôi cũng rất cần tất cả các tài liệu, hình ảnh và di vật dành cho Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Ðồng thời cũng sẽ xử dụng trong bộ phim phát hành 2010 với tựa đề 35 năm nhìn lại con đường đã đi qua. Xin cho chúng tôi những giấy ra trại của quí vị, mũ áo tốt nghiêp của con em, di vật về binh nghiệp, về chuyến vượt biên, vượt biển.
 Chân thành cảm tạ.

Xin liên lạc về văn phòng IRCC, Inc.địa chỉ : 1445 Koll Circle, #110 San Jose, CA. 95112. Ðiện thoại : ( 408 ) 392 9923   Email:   This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it   This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it