Sinh viên Mỹ gốc Việt thực tập tại Ủy Ban Khoa Học Hạ Viện Hoa Kỳ |
Tác Giả: Lan Phương/ VOA | |||
Thứ Ba, 19 Tháng 10 Năm 2010 15:34 | |||
Nhiều sinh viên Mỹ muốn trau dồi kinh nghiệm thêm trước khi hoàn tất chương trình đại học đã tìm cách xin vào tập việc tại các cơ quan chính phủ liên bang hoặc quốc hội Hoa Kỳ. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này tường thuật các chi tiết về cô Lưu Hồng Ân, một sinh viên đã xong cử nhân về di truyền học và đang thu thập thêm kinh nghiệm làm việc trước khi trở lại nhà trường để học lên cao. Hồng Ân hiện đang thực tập tại Quốc Hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Hồng Ân hiện đang học việc ở Tiểu Ban Nghiên Cứu và Giáo Dục Khoa Học của Hạ Viện Hoa Kỳ Năm nay 23 tuổi, Hồng Ân đã tốt nghiệp ban cử nhân về di truyền học, và đã có kinh nghiệm làm việc với hai công ty, một tại Singapore chuyên về cổ phần, chứng khoán, làm việc trên tầm vóc quốc tế và một tại ngay địa phương trong thành phố West Lafayette bang Indiana. Đó là chưa kể sau khi ở Singapore về, cô làm việc tình nguyện cho học khu ở Indianapolis, tham gia vào việc đánh giá chương trình của học khu. Cũng trong thời gian đó, cô hỏi các nhân viên của học khu là làm sao cô có thể thu thập kinh nghiệm trong ngành giáo dục ở một tầng cấp cao hơn, và được khuyến nghị nên xin tập việc với chính phủ liên bang. Cô bèn nộp đơn xin học việc với Tiểu ban Nghiên Cứu và Giáo Dục Khoa Học của Uỷ Ban Khoa Học và Công Nghệ tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Nhờ có kinh nghiệm làm việc với một công ty tầm vóc quốc tế, cô đã được nhận vào học việc ở tiểu ban này trong 4 tháng. Trong tiến trình nộp đơn, ban tuyển chọn hỏi cô nhiều vấn đề, và xét xem cô thích đi về ngành gì. Phạm vi làm việc của Ủy Ban Khoa Học và Công Nghệ Hạ Viện rất rộng rãi, ở nhiều bộ, nhiều cơ quan, ban ngành của chính phủ như NASA, Viện Chuẩn Mực và Công Nghệ, bộ Giao Thông v..v... tuy nhiên cô chỉ chú trọng đến giáo dục, nên được nhận vào học việc ở Tiểu Ban Nghiên Cứu và Giáo Dục Khoa Học của Hạ Viện, bao gồm những vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ, công nghiệp và toán. Cô cho biết về sự thích thú đối với công việc tại tiểu ban này: "Cho tới bây giờ, điều mà cháu thích nhất là được học hỏi thêm về những quốc gia khác xem họ dạy học sinh của họ ra sao, được tìm hiểu xem chính phủ Mỹ tài trợ tiền bạc cho giáo dục như thế nào, và tìm hiểu về những cố gắng của chính phủ làm sao để cải thiện đầu tư vào giáo dục, để trong tương lai cạnh tranh tốt hơn với các nước trên thế giới." Cô đã tập việc tại đây được 1 tháng, tức là 1/4 thời gian nội trú, và đã học hỏi được nhiều. Lấy ví dụ hôm thứ Ba vừa qua cô được dự một cuộc hội thảo tại quốc hội, tìm hiểu về vụ dầu loang ở Louisiana theo mẫu toán học 3 chiều, cho thấy là dầu thô độc hại tác dụng như thế nào đối với cát khi nó tràn lên bờ biển, và người ta phải tìm ra những nơi trên bãi biển bị dầu tràn và tẩy rửa trước khi cho phép dân chúng trở lại các bãi đó. Cô cũng được học hỏi về năng lượng từ địa nhiệt, hay magma, vụ xung đột Israel- Palestinian, năng lượng sinh học v.. v. Nói tóm lại cô học được rất nhiều kể từ một tháng nay đến tập việc tại quốc hội. Trong tương lai gần, mục tiêu của cô là sẽ trở lại trường theo học ngành luật, và cố gắng tìm ra điều gì đó có thể giúp cô làm sao theo đuổi được tâm nguyện là cải thiện giáo dục tại Hoa Kỳ, cải thiện đời sống cho người dân tại nước Mỹ và dĩ nhiên tìm cách đóng góp vào việc cải thiện đời sống cho người dân trên thế giới. Với dự tính tương lai xa hơn, điều cô muốn là đi chuyên về ngành luật y tế, hoặc luật môi trường để tìm cách giúp cho mọi người biết tự chăm sóc và gìn giữ môi trường trái đất cho tất cả chúng ta. Hồng Ân cũng cho biết thêm về công việc cô đã làm một năm về phân tích đầu tư với công ty chứng khoán Criterion Management & Advisory Services tại Singapore, liên hệ đến nhiều dự án như các dự án khai mỏ, đóng tàu, nhà máy xi măng ở Trung Đông. Cô cũng thu thập được nhiều kinh nghiệm về ngành giáo dục khi phân tích đầu tư của công ty vào các cổ phần tại các trường tư, và cô đã thu thập được kiến thức về các tiêu chuẩn giáo dục và chỗ đứng của Hoa Kỳ trong lãnh vực giáo dục về khoa học, toán học so với quốc tế. Cũng trong những kinh nghiệm thực tế mà cô học hỏi được nơi trường đời, Hồng Ân từng là quản lý cho một cơ sở chăm lo về thẩm mỹ, có tên là La Beauté Spa du Jour tại thành phố West Lafayette, bang Indiana gần nơi cô cư ngụ. Cô thuật lại công việc mà cô phải đảm đương khi coi sóc cơ sở kinh doanh nhỏ có chừng 20 nhân viên này: "Cháu phải làm tất cả mọi việc, từ tiếp thị, quản lý nhân viên, giữ ngân quĩ, coi sóc từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, kiểm soát mỹ phẩm và vật liệu tồn kho, bán các sản phẩm này cho các chuyên viên thẩm mỹ cũng như bán lẻ cho khách hàng. Huấn luyện cho người ta biết cách bán các sản phảm đó, huấn luyện về dịch vụ cho khách hàng, tìm cách trau dồi kinh nghiệm cho khách hàng từ lúc họ bước vào trung tâm cho đến lúc họ ra về." Tuy đây là một cơ sở kinh doanh nhỏ chỉ có 20 nhân viên, nhưng cô Hồng Ân cảm thấy công việc, tuy không phải là quá sức, nhưng không dễ. So với kinh nghiệm làm việc cho một công ty chứng khoán tại Singapore thì kinh nghiệm làm quản lý Spa này rất khác biệt. Cô nói : "Thật là khác biệt khi làm việc tại Singapore, với những người của quốc tế, rồi trở về Indianapolis làm việc chỉ với người Mỹ không thôi. Quí vị sẽ thấy lề lối suy nghĩ rất khác nhau khi làm việc với những người thuộc đủ các nước và với những người chỉ ở địa phương. Nhưng cả hai kinh nghiệm này đều rất tốt." Tại Hoa Kỳ có những sinh viên chỉ muốn học thẳng cho xong rồi mới ra đời bắt tay vào cuộc sống thực tế, ngược lại rất nhiều bạn trẻ lại muốn thu thập kinh nghiệp thực tế trong lúc theo đuổi học vấn. Trường hợp của Hồng Ân là khuynh hướng của một số không ít các bạn trẻ tại Hoa Kỳ ngày nay tìm kiếm những kinh nghiệm quí giá để chuẩn bị sẵn cho ngày lấy xong mảnh bằng, sau đó mới theo đuổi một ngành nghề chuyên biệt. Với kinh nghiệm trước đây và kinh nghiệm thực tập tại quốc hội, Hồng Ân sẽ tạo cho cô một thế đứng vững vàng khi thực sự bước vào đời.
|