Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học

Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan (chuyển ngữ)   
Thứ Hai, 02 Tháng 8 Năm 2010 22:23

Năm đầu đại học của bạn cũng giống như là một chiếc guồng ghế đu bay trong công viên với những pha nhào lộn, lúc thì bay vút lên, lúc thì lao đầu thẳng xuống.

Cùng với đỉnh cao hào hứng của những pạc-ty sinh viên huyên náo và vui nhộn để cho người sinh viên tha hồ thám hiểm môi trường xã hội mới và nhấm nháp hương vị của luồng không khí tự do đầu tiên, xuất hiện những thách thức cam go của món nợ sách đèn qua đống bài vở ngổn ngang đến mức vắt kiệt óc, và rồi đôi khi còn kèm theo những hậu quả ngoài ý muốn của mớ trách nhiệm làm người lớn mà, dù muốn dù không, bạn vẫn phải ôm lấy vào thân.


Hình minh họa. (Hình: David McNew/Getty Images)

Ðiều đang buồn là, đối với một số bạn sinh viên, những áp lực của năm đầu đại học đã trở thành quá sức chịu đựng.

Theo các con số thống kê do Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đưa ra, gần 1 phần 3 tổng số sinh viên năm đầu đại học tại Mỹ đã không vượt qua được ít nhất là một môn học trong niên khóa của mình.

 Ðiều đáng thất vọng hơn là 60% các sinh viên năm đầu đó đã không ra trường nổi sau 6 năm sách đèn. Rất có thể là phần lớn trong số các sinh viên này đã bỏ ngang việc học hoặc chẳng hề hoàn tất được văn bằng.

Vậy thì, bạn sẽ phải làm gì để khỏi trở thành miếng mồi ngon cho định mệnh đau thương đó? Các chuyên gia cho rằng nếu bạn biết đề cao cảnh giác trước một số những cạm bẫy thì bạn có thể bước đi xa hơn trên tiến trình bảo đảm rằng bạn sẽ xuôi chèo, mát mái vượt qua năm đầu đại học của bạn dưới ngọn cờ chiến thắng tung bay trong gió.

Nơi đây, xin đề nghị một số mẹo nhỏ giúp bạn có thể tận dụng hết thì giờ và khả năng của minh trong năm đầu đại học.

1. Ðọc hết các chỉ dẫn về cách sinh hoạt đúng giờ và học hành đúng phương pháp: Bạn đã từng biết qua những bí kíp xưa cũ mà ngày xưa dù “nước đã đến chân” bạn vẫn có thể bay bổng qua hàng rào trung học chứ gì? Tình thế cấp bách này chẳng hề được gia giảm tí nào trên đại học.

 Nếu bạn là một kẻ mắc bệnh vô tổ chức và thiếu quy củ kinh niên mà lại không biết phương pháp học hành ra sao cho hiệu quả giữa lúc tình thế đang khẩn cấp thì đây là thời điểm mà bạn phải dẹp bỏ các tập quán đó đi mà làm việc cho nghiêm chỉnh.

 Mùa Hè trước khi khăn gói bước vào trường đại học, bạn hãy chịu khó bỏ thì giờ đọc các chương về cách tổ chức công việc sao cho hiệu quả và học hành sao cho đúng phương pháp được đề cập tới trong các quyển sách bày bán tại tiệm sách hoặc có sẵn trong các thư viện địa phương. Tìm những phương pháp nào mà bạn có thể áp dụng được, rồi cứ bám riết theo đó mà làm.

2. Tận dụng mọi phương tiện trợ giúp học hành sẵn có tại trường đại học: Trong thời đại này, hầu hết các khuôn viên đại học đều cung ứng những nguồn tài nguyên dồi dào được biên soạn đặc biệt nhằm giúp sinh viên tận dụng hết mọi kinh nghiệm và khả năng học hỏi của mình. Dù đó là tài liệu tham khảo trên mạng tại thư viện đại học hay là các khóa huấn luyện chuyên đề do trung tâm dạy kèm cung ứng, cái nào cũng chỉ dẫn cho bạn thấy con đường cải biến bạn thành một sinh viên xuất sắc cả.

Nếu tại trường mà lại có một lớp định hướng dẫn dắt sinh viên biết cách tìm kiếm các tài nguyên học hành thì bạn hãy ghi danh tham dự ngay. Nếu không, rất có thể bạn cũng không biết là mình đã không biết những thứ gì nữa!

3. Coi việc hoàn tất chương trình học của bạn là một việc làm toàn thời gian: Các sinh viên năm đầu đại học hay sai lầm khi cứ cho rằng một chương trình học toàn thời gian sẽ chỉ chiếm khoảng từ 10 tới 15 giờ mỗi tuần.

Vâng, điều hiển nhiên là trên thực tế tổng số giờ học trong tuần thường không bao giờ quá 20 tiếng, nhưng khi bạn cộng hết mọi thời gian cần có để theo học hết các lớp, kể cả thì giờ bỏ ra để di chuyển đến trường rồi về nhà cùng với thời gian xem qua các bài đọc được giáo sư chỉ định, rồi làm bài, học bài, gặp các bạn học nhóm hoặc gặp giáo sư và rồi thực hiện các dự án học tập lớn thì tổng số thì giờ bạn phải đầu tư hằng tuần vào việc học sẽ dễ dàng lên đến 50 giờ hay hơn thế nữa. Nếu bạn biết nhìn nhận thực tế này ngay từ đầu và hoạch định chương trình theo sát với đòi hỏi của bài vở như thế thì bạn sẽ bình yên, vô sự.

4. Ðối đầu thẳng với mọi vấn đề: Ai cũng biết rằng các sinh viên năm đầu đại học hay có tật diên trì, cho dù chẳng phải là vào lúc phải tập trung trí não để học hành gì.

Rất thường xuyên, sinh viên năm đầu đại học ưa tránh né những vấn đề hoặc thách thức nảy sinh thay vì phải đối phó quyết liệt với vấn đề đó. Nhằm bảo đảm thành công trong năm đầu đại học, bạn hãy làm quen với phương pháp giải quyết vấn đề tận gốc rễ mà bậc sư tổ của kỹ thuật tìm đạt thành công Stephen Covey vẫn gọi là “chủ động tấn công” -tức là hành động trước khi tình thế biến thành mối hiểm nguy hoặc khủng hoảng.

Hãy áp dụng phương pháp hành động này với các giáo sư của bạn, trong lúc đối phó với các bạn sống chung phòng, và cả trong đời sống cá nhân của bạn nữa.

5. Tự buộc mình bước ra khỏi cái góc ấm cúng mà mình đang ẩn trú: Năm đầu trên đại học có thể là một mớ kinh nghiệm hỗn độn, và nhiều sinh viên năm đầu cuối cùng lại cảm thấy như mình mất hướng trong toàn bộ tiến trình làm quen với môi trường học tập mới.

Ðể đối phó với tình trạng này, một số snh viên năm đầu liền thu mình lại, đeo bám theo các bạn hữu cũ có cùng một sở thích, thú vui và hoạt động từng dắt đưa họ qua khỏi những năm tháng ở trung học. Mặc dù người ta có thể thông cảm cho lối đáp ứng này, hành động như thế không giúp cho bạn thu nhận được hết các kinh nghiệm quý báu của năm đầu đại học.

Hãy vượt ra ngoài các giới hạn và hãy nếm thử những điều mới lạ. Biết đâu bạn lại bỗng dưng khám phá ra niềm đam mê của đời mình mà trước đây bạn cứ nghĩ là mình chẳng hề có!

(Theo “How to Make the Most of Your First Year on Campus” - stateuniversity.com)