Những điều phải tránh trong mấy tuần lễ đầu niên khóa |
Tác Giả: Naomi Rockler-Gladen / Chuyển ngữ:Vann Phan | |||
Thứ Năm, 29 Tháng 7 Năm 2010 22:07 | |||
Những vấn đề của sinh viên năm đầu đại học Không còn nghi ngờ gì nữa, năm đầu đại học là một năm học hỏi kinh nghiệm của hầu hết các ban sinh viên. Nếu trong năm đầu ở đại học mà bạn chưa chỉnh đốn được mọi thứ trong đời sinh viên của mình thì cũng không sao! Nhưng sau đây là một số những lỗi lầm mà bạn phải cố tránh đừng để mắc phải, ít ra cũng là trong học khóa đầu tiên -semester hoặc quarter cũng thế - của năm học, và làm thế nào để khỏi phạm những lỗi lầm đó. Bỏ lớp Thật là tự do! Không còn ai có thể buộc bạn phải đi dự lớp để nghe thầy giảng nữa! Mặt khác, cũng không ai có thể giúp bạn thi đậu kỳ thi cuối khóa về môn học này. Tốt hơn là bạn hãy nhận lấy trách nhiệm do mình gây ra và coi như mình phải làm lại từ đầu. Không dành ra đủ thì giờ học bài Ðây là lúc phải điều chỉnh lại ước vọng của bạn về số lượng môn học mà bạn có thể thu nhận trong học kỳ. Trên đại học, các giáo sư mong muốn bạn dành ra từ 2 tới 3 tiếng đồng hồ mỗi tuần để làm việc ngoài lớp học cho mỗi tín chỉ của môn học, và có thể là còn nhiều thời gian hơn thế nữa. Không chịu theo dõi sát chương trình học Ðây cũng là lỗi mà nhiều học sinh mắc phải thời còn ở trung học, nhưng đây là khuyết điểm mà ở trung học bạn còn có thể thoát được, chứ trên đại học thì đừng hòng. Hãy thường xuyên đọc cái chương trình học (syllabus) của bạn, và phải bảo đảm rằng bạn theo kịp nhịp độ của chương trình học, ít nhất cũng là những phần chính yếu. Hay say xỉn Nếu cho là tự do thì đây có thể là tự do nhậu nhẹt say sưa hoặc tự do tham dự các loại pạc-ty bất cứ lúc nào và kéo dài bao nhiêu cũng được. Nhiều sinh viên năm đầu đã hết mình lăn xả vào các cuộc ăn chơi để rồi cảm thấy mình đang bị bủa vây với nhiều khó khăn rắc rối. Nên nhớ rằng bạn còn có cả một cuộc đời để vui chơi. Và chuyện vui chơi không nhất thiết phải diễn ra ngay sau khi bạn vừa rời xa bố mẹ và gia đình để lên trường đại học. Về thăm nhà nhiều quá Nhớ nhà là chuyện thường tình của sinh viên năm đầu đại học, và “trở về mái nhà xưa” dĩ nhiên là một điều có sức cám dỗ rất cao. Nhưng nếu cứ bỏ trường, bỏ lớp mà về thăm nhà hoài hoài thì bạn cũng sẽ không bao giờ vượt qua được nỗi nhớ nhà cả. Thay vào đó, bạn phải ra sức gắn bó với mái trường đại học của mình cùng với các bạn bè mới quen. Ðồng thời, nếu vừa bước vào niên khóa mà bạn đã có được một nhóm bạn bè mới để cùng nhau vui sống bên bài vở thì bạn hãy cứ thế mà nhân rộng lợi thế này lên. Dính líu nhiều tới chuyện tầm phào trên trường đại học Cuộc sống sách đèn trong đời sinh viên, tự nó, cũng đã có nhiều stress quá rồi. Bạn không cần phải chuốc thêm vào người bằng cách cảm thấy bực mình vì có ai đó đã nổi giận với ai, hoặc cô nàng nào lại đi hẹn hò với anh chàng nào, và nhất là sự thể có kẻ nào đó đang bình phẩm gì đó về bạn. Không biết tạo thế đứng riêng Nhiều sinh viên mới đến trường chỉ biết làm theo những gì họ nghĩ là họ không thể không làm, căn cứ vào áp lực của bạn đồng lớp, của những gì cha mẹ kỳ vọng ở mình, hoặc từ chuyện coi quá nhiều chương trình TV và phim ảnh mô tả không đúng về đời sống sinh viên. Trường đại học tạo cho bạn cơ hội làm quen với nhiều điều mới lạ và làm bạn với vô số người, vì vậy bạn hãy tự mình khám phá thế giới mới này đi. Ðừng tham gia vào các nhóm hoặc hội ái hữu nam, nữ sinh viên trong trường chỉ vì bạn nghĩ rằng mình phải gia nhập như thế thì mới là sinh viên hoặc mới oai, và cũng đừng từ chối ghi danh vào các nhóm, các hội đó chỉ vì nghe bạn mình chê bai. Ðừng cứ hễ thấy trước kia cha hoặc anh mình tham gia cơ cấu điều hành sinh viên trong trường thì mình cũng phải làm y như thế. Bạn phải biết tự quyết định mình nên làm gì cho thích hợp với hoàn cảnh riêng trong cương vị là một sinh viên năm đầu đại học. Không chịu cởi mở đầu óc Trong khuôn viên đại học, bạn bắt buộc phải tiếp nhận mọi loại ý kiến khác biệt với suy nghĩ của mình, cũng như mọi loại người mà bạn chẳng khi nào dám nghĩ là mình sẽ phải đối phó với. Mặc dù tình huống này có thể khiến cho bạn không được thoải mái, đây lại chính là một trong các lý do tại sao đại học cung cấp cho sinh viên một kinh nghiệm học hỏi tuyệt vời. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tinh thần lắng nghe để học hỏi, tức là bạn phải biết khai mở đầu óc của mình ra. Thói quen ăn uống không lành mạnh Cố gắng tập thói quen ăn uống lành mạnh là một điều khó làm, vì thế chẳng lấy gì làm lạ khi nhiều sinh viên sau một thời gian ngắn đã lên cân vùn vụt và được xếp vào số sinh viên lên 15 cân trong năm đầu đại học (Freshman Fifteen). Trong học khóa đầu tiên, bạn chớ quá lo lắng vì mình cảm thấy không được khỏe mạnh lắm, nhưng hãy tránh xa các thói quen không lành mạnh như ăn pizza vào lúc nửa đêm hoặc bữa ăn nào cũng kèm thêm khoai tây rán (french fries). Và hãy cố tập thể dục, dù chỉ là đôi chút thôi, tỉ dụ như chọn việc đi bộ tới lớp thay vì lái xe. Không chịu tìm sự giúp đỡ Vâng, thì bạn cần phải có tinh thần độc lập chứ. Nhưng muốn giữ mãi cái tinh thần độc lập đó thì bạn lại phải biết xin được giúp đỡ khi cần để vượt qua những trở ngại tạm thời mà đi tiếp đoạn đường dài trước mặt. Nếu bạn gặp khó khăn khi dự lớp, hãy đến xin vị giáo sư dạy lớp của mình chỉ dẫn, hoặc đến trung tâm dạy kèm trong trường để học thêm. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đối phó với cuộc sống sinh viên năm đầu, hãy đến thỉnh ý vị cố vấn sinh viên vụ trong khuôn viên đại học. Bạn phải tìm biết trong trường đại học của mình có những tài nguyên não giúp ích cho người sinh viên năm đầu như bạn, rồi bạn hãy tận dụng các tài nguyên đó, đừng để không đó mà phí của! (Nguồn: campuslife.suite 101.com)
|